Nền công lý của tình yêu cứu thoát chúng ta

“Ai trong các ông không phạm tội, thì hãy ném một viên đá vào người này trước đi”. Những lời nói này chứa đầy sức mạnh của chân lý mà ta không thể nào chống chế lại được, một sức mạnh phá đổ những bức tường giả hình và mở rộng lòng đón nhận một nền công lý lớn lao hơn, nền công lý của tình yêu, và sự kiện toàn mọi lề luật hệ tại tình yêu này…

 Nền công lý của tình yêu cứu thoát chúng ta

Kinh Truyền Tin – Quảng trường Thánh Phêrô – Chúa Nhật V Mùa Chay, 21/3/2010

Anh chị em thân mến!

Chúng ta đã bước vào Chúa Nhật V Mùa Chay, phụng vụ năm nay đề nghị cho chúng ta giai thoại Tin Mừng về việc Đức Giêsu cứu một phụ nữ ngoại tình khỏi bị kết án và khỏi chết (Ga 8,1-11). Trong khi Đức Giêsu giảng dạy trong Đền thờ, thì các ký lục và biệt phái dẫn đến cho Người một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môisen thì phải bị ném đá. Họ xin Đức Giêsu xét xử tội nhân với mục đích “gài bẫy Người”, cốt làm cho Người phải vấp ngã. Quang cảnh mang đầy kịch tính: mạng sống của chị, cũng như mạng sống của Đức Giêsu đều lệ thuộc vào câu nói của Người. Thực thế, những người tố cáo giả hình này làm bộ giao cho Đức Giêsu nhiệm vụ xử án, trong khi đó thì họ lại muốn tố cáo và xử án Người. Còn trái lại, Đức Giêsu, thì “đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1,14): Người biết có gì trong lòng của bất cứ ai, Người chỉ muốn kết án tội, nhưng cứu thoát tội nhân, và vạch trần sự giả hình. Thánh sử Gioan làm nổi bật một chi tiết: trong khi những người tố cáo cứ nằn nì yêu cầu Người cho bằng được, thì Đức Giêsu lại cúi mặt xuống dùng ngón tay mình để viết trên đất. Thánh Âu Tinh ghi nhận thái độ này trình bày Đức Giêsu như một nhà lập pháp thần linh: quả thế, Thiên Chúa đã dùng ngón tay mình để viết lề luật của Người trên các bia đá (x. Chú giải Phúc Âm theo Thánh Gioan, 33,5). Như thế, Đức Giêsu là nhà làm luật, Người là hiện thân của Công lý. Và đâu là câu trả lời của Người? “Ai trong các ông không phạm tội, thì hãy ném một viên đá vào người này trước đi”. Những lời nói này chứa đầy sức mạnh của chân lý mà ta không thể nào chống chế lại được, một sức mạnh phá đổ những bức tường giả hình và mở rộng lòng đón nhận một nền công lý lớn lao hơn, nền công lý của tình yêu, và sự kiện toàn mọi lề luật hệ tại tình yêu này (x. Rm 13,8-10). Chính công lý đã cứu thoát Saolê thành Tarse, và đã biến ông thành Thánh Phaolô (x. Ph 3,8-14).

Khi những người tố cáo “đã từng người một rút lui, bắt đầu bằng những người lớn tuổi nhất”, thì Đức Giêsu, một khi xá tội cho chị, đã đưa chị vào một cuộc sống mới, cuộc sống hướng về điều thiện hảo: “Tôi cũng thế, tôi không kết án chị đâu. Hãy ra về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Cũng chính ân sủng này sẽ làm cho vị Tông đồ thốt lên: “Tôi chỉ chú ý đến điều này: một khi quên đi chặng đường đã qua, tôi cứ nhắm thẳng mà lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng mà Thiên Chúa từ trời cao dành cho kẻ được Ngài kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,14). Thiên Chúa chỉ muốn điều lành và sự sống cho chúng ta; Người ban cho chúng ta sức khoẻ linh hồn qua trung gian các thừa tác viên, giải phóng chúng ta khỏi mọi điều dữ nhờ Bí tích Hoà giải, để không một ai phải hư mất, nhưng để cho tất cả đều có được phương tiện hối cải. Trong Năm Linh mục này, tôi ao ước các vị mục tử hãy bắt chước Thánh Linh mục Quản xứ Ars trong thừa tác vụ Giao hoà, để cho các tín hữu tái khám phá ý nghĩa và vẻ đẹp của Bí tích này, và để họ được chữa lành nhờ tình yêu giàu lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng “đã thực tình quên đi tội lỗi để tha thứ cho chúng ta” (Thư triệu tập Năm Linh mục).

Các bạn thân mến, chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu đừng xét đoán và lên án tha nhân. Chúng ta hãy học cách không nhân nhượng với tội – bắt đầu từ tội của chúng ta – và học cách khoan dung với mọi người. Ước gì Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, được Chúa gìn giữ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, là trung gian ban ân sủng cho mọi tội nhân biết thống hối, giúp đỡ chúng ta.