25/12/2024

Con thuyền Giáo Hội là của Chúa. Người luôn điều khiển và không để nó chìm

Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn cả qua các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế. Thiên Chúa hướng dẫn Giáo Hội, Người luôn đỡ nâng Giáo Hội, nhất là trong những lúc khó khăn…

Con thuyền Giáo Hội là của Chúa. Người luôn điều khiển và không để nó chìm

 

Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn cả qua các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế. Thiên Chúa hướng dẫn Giáo Hội, Người luôn đỡ nâng Giáo Hội, nhất là trong những lúc khó khăn. Người luôn ở gần chúng ta, Người không bỏ rơi chúng ta, Người ở gần chúng ta và bao bọc chúng ta với tình yêu của Người. Chúng ta đừng bao giờ mất đi quan niệm đức tin này, là quan niệm duy nhất đích thật của con đường của Giáo Hội và của thế giới. 

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói như trên với 170.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 27-2-2013. Thật thế, buổi tiếp kiến sáng 27-2-2013 đã là buổi gặp gỡ cuối cùng với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong triều đại của ngài, vì vào lúc 20 giờ tối thứ năm 28-2-2013 giờ Roma, Đức Thánh Cha kết thúc nhiệm vụ Giáo hoàng. Tông Toà sẽ trống ngôi, và trong vài ngày nữa, có thể là thứ hai tuần tới đây, Đức Hồng y Nhiếp chính sẽ chủ sự buổi họp của Hồng y đoàn để quyết định ngày khai mạc Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới.

Đáng lý ra trong mùa này buổi tiếp kiến sáng thứ tư diễn ra trong Đại Thính đường Phaolô VI, nhưng để nhiều tín hữu có thể tham dự buổi gặp gỡ vị Cha chung lần cuối cùng, buổi tiếp kiến đã được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trời Roma trong xanh có nắng ấm rất đẹp, như thể mùa xuân đã bắt đầu. Ngay từ 5 giờ sáng, hàng trăm xe buýt chở các đoàn hành hương từ các giáo phận Italia hay từ các nước khác đã đổ tìn hữu xuống quanh Quảng trường Thánh Phêrô, để mọi người xếp hàng đi qua các trạm kiểm soát điện tử vào quảng trường. Phủ Giáo hoàng đã phân phát 50.000 vé, nhưng số tín hữu tham dự đã lên tới 170.000, đặc biệt có rất đông sinh viên học sinh và các bạn trẻ. Các đại học Giáo hoàng Roma đều cho sinh viên nghỉ để có thể tham dự buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha, và cùng với tín hữu khắp nơi bày tỏ lòng yêu mến, tình liên đới, sự gắn bó gần gũi và biết ơn ngài, vì những gì ngài đã cống hiến cho Giáo Hội và cho toàn thế giới trong các năm qua. 

Nhiều đoàn tìn hữu mặc áo màu đồng phục hay có mũ, khăn và cờ để dễ nhận ra nhau. Các đoàn tín hữu đã mang theo rất nhiều cờ, cờ Toà Thánh cũng như cờ quốc gia, và nhiều biểu ngữ viết tên thành phố của họ và các câu như: “Cám ơn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI”, “Ngài luôn luôn là Phêrô và giới trẻ chúng con yêu mến ngài”, “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con yêu mến ngài”, “Chúng con gần gũi ngài”, “Luôn luôn với Đức Giáo hoàng”, “Can ơn Đức Thánh Cha nhiều lắm”… 

Sau khi bắt đầu Triều đại Giáo hoàng của mình Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã có buổi tiếp kiến chung lần đầu tiên ngày 27-4-2005. Trong gần 8 năm làm Giáo hoàng, ngài đã có 348 buổi tiếp kiến chung với 5.116.600 tín hữu tham dự. Số tín hữu tham dự đông nhất là vào năm 2006 với 45 buổi tiếp kiến và 1.031.500 người. Trong năm đầu đã có 32 buổi tiếp kiến với 810.000 người tham dự. Các năm khác đã có từ 42 tới tới 45 buổi tiếp kiến với con số tham dự xê xích từ 447.000 tới 729.000 người. 

Riêng cho buổi tiếp kiến lịch sử sáng thứ tư 27-2-2013, ban kỹ thuật Toà Thánh đã dựng thêm 4 màn hình khổng lồ khác để cho các tín hữu đứng ở đường Hoà Giải cũng có thể theo dõi. Hiên diện trong buổi tiếp kiến cuối cùng sáng 27-2 ngoài khoảng 70 hồng y, hàng chục tổng giám mục, giám mục, các đức ông thuộc các cơ quan trung ương Toà Thánh, hàng ngàn linh mục tu sĩ nam nữ các dòng tu và các trường quốc tế, ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, còn có Đại Quận công thừa kế Guillaume nước Luxembourg, Tổng thống Slovac Ivan Gasparovic và phái đoàn, ông Horst Seehofer, Thống đốc bang Bavière, Nam Đức, và phái đoàn, ông Renato Balduzzi, Bộ trưởng Y tế Italia, ông Jorge Fernandez Diaz, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha, chị Maria Voce, lãnh đạo Phong trào Tổ Ấm, Anh Kiko Argello, lãnh đạo Phong trào Con đường Tân Dự Tòng, Thầy Alois, Đan viện trưởng Đan viện Đại kết Taizé… 

Đã có hàng chục đoàn hành hương trong các giáo phận Italia do chính các tổng giám mục và giám mục hướng dẫn. Trong các phái đoàn hiện diện củng có một nhóm tín hữu Việt Nam từ Đức. 

Trong buổi tiếp kiến hôm qua đã không có nghi thức hôn tay Đức Giáo hoàng như thường lệ. Nhưng sau đó tại Phòng Clemente một số nhân vật quan trọng có thể đến chào Đức Thánh Cha và hôn tay ngài. 

Trong suốt mấy tiếng đồng hồ chờ đợi Đức Thánh Cha, các sinh viên, học sinh và bạn trẻ đã liên tục gọi tên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, hát xướng và vỗ tay, trong bầu khí của lễ hội, giống như trong các Ngày Quốc tế Giới trẻ. Lúc 10 giờ, các đức ông thuộc Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh đã chào tín hữu và giới thiệu các nhóm tham dự. Khi nghe xướng tên nhóm mình, tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ, đã hô to lên. 

Lúc 10 giờ 40, xe díp trắng chở Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI xuất hiện từ phía trái Đền thờ Thánh Phêrô giữa tiếng vỗ tay của tín hữu, những tràng pháo tay xem ra e dè hơn và đượm một nỗi buồn nào đó. Xe chở Đức Thánh Cha đi một vòng giữa các lối đi ở quảng trường để ngài chào tín hữu, trước khi lên khán đài chính giữa thềm Đền thờ Thánh Phêrô. 

Sau khi Đức Thánh Cha làm dấu Thánh giá khai mạc buổi tiếp kiến, các đức ông thuộc Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh đã đọc bài Sách Thánh trích từ chương 1 thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôsê, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. 

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cám ơn tín hữu đã đến đông đảo như vậy để tham dự buổi tiếp kiến cuối cùng trong Triều đại Giáo hoàng của ngài. Đức Thánh Cha nói: “Như Tông đồ Phaolô trong văn bản Kinh Thánh chúng ta vừa nghe, tôi cũng cảm thấy trong tim tôi nhất là phải cám ơn Thiên chúa, là Đấng dẫn dắt và làm cho Giáo Hội lớn lên, là Đấng gieo vãi Lời Người và như thế đưỡng nuôi đức tin Dân Người. Trong lúc này đây, tâm hồn tôi nới rộng ra để ôm trong vòng tay toàn thể Giáo Hội rải rác trên thế giới; và tôi cảm tạ Thiên Chúa vì các “tin tức”, mà trong các năm này của sứ vụ Phêrô, tôi đã có thể nhận được liên quan tới niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, và về tình bác ái luân lưu trong Thân Mình của Giáo Hội và khiến cho nó sống trong tình yêu và niềm hy vọng, rộng mở chúng ta và hướng chúng ta tới cuộc sống tràn đầy, tới quê hương trên Trời. Tôi cảm thấy mình mang tất cả mọi người trong lời cầu nguyện, trong một hiện tại là hiện tại của Thiên Chúa, nơi tôi tiếp nhận mọi cuộc gặp gỡ, mọi chuyến du hành và mọi cuộc viếng thăm mục vụ. Tất cả và mọi người tôi đều đón nhận trong lời cầu nguyện để tín thác cho Chúa: để chúng ta am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết tinh thần, và để chúng ta có thể có cung cách hành xử xứng đáng với Người, với tình yêu thương của Người, bằng cách mang lại hoa trái trong mọi việc lành (x. Cl 1,9-10).” 

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Trong lúc này đây, trong tôi có một sự tin tưởng lớn lao, bởi vi tôi biết chúng ta tất cả đều biết rằng Lời chân lý của Tin Nừng là sức mạnh của Giáo Hội, là sự sống của Giáo Hội. Tin Mừng thanh tẩy và canh tân, đem lại hoa trái, bất cứ nơi đâu cộng đoàn tín hữu biết lắng nghe và tiếp nhận ơn thánh Chúa trong chân lý và sống trong tình bác ái. Đó là sự tin tưởng của tôi, đó là niềm vui của tôi. Ngày 19 tháng Tư cách đây gần 8 năm, khi tôi đã chấp thuận lãnh nhận sứ vụ Phêrô, tôi đã có sự chắc chắn này và nó đã luôn đồng hành với tôi. Trong lúc này đây, cũng như tôi đã nói lên nhiều lần, các lời đã vang lên trong tim tôi: Lạy Chúa, Chúa xin con điều gì? Đây là một gánh nặng lớn mà Chúa đặt lên vai con, nhưng nếu Chúa xin con, thì dựa trên lời Chúa, con sẽ thả lưới, chắc chắn rằng Chúa sẽ hướng dẫn con. Và Chúa đã thực sự hướng dẫn tôi, gần gũi tôi, tôi đã có thể nhận thấy hằng ngày sự hiện diện của Người.” Nhìn lại gần 8 năm Triều đại Giáo hoàng của ngài, Đức Thánh Cha nói: “Đó đã là một đoạn đường của Giáo Hội, có những lúc vui, có ánh sáng, nhưng cũng có những lúc không dễ dàng. Tôi đã cảm thấy như Thánh Phêrô với các Tông đồ trong con thuyền trên hồ Galilea: Chúa đã cho chúng ta biết bao nhiêu ngày có mặt trời và gió mát hiu hiu, những ngày trong đó đã đánh được đầy cá; nhưng cũng có những lúc trong đó nước động và gió ngược, như trong suốt lịch sử của Giáo Hội và xem ra Chúa ngủ. Nhưng tôi đã luôn luôn biết rằng trong con thuyền ấy có Chúa và tôi đã luôn luôn biết rằng con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm; chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn qua cả các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế. Đây đã và hiện là một sự chắc chắn, mà không gì có thể làm lu mờ. Và chính vì thế mà hôm nay tim tôi tràn đầy sự cảm tạ Thiên Chúa, bởi vì Người đã không bao giờ để cho Giáo Hội, và cho cả tôi nữa, phải thiếu sự ủi an, ánh sáng và tình yêu của Người.” 

Đề cập tới Năm Đức Tin đang tiến hành, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta đang ở trong Năm Đức Tin mà tôi đã muốn để củng cố đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa, trong một bối cảnh xem ra ngày càng đặt để lòng tin vào hàng thứ yếu. Tôi muốn mời gọi từng người cảm thấy được yêu thương bởi Thiên Chúa, là Đấng đã ban Con Người cho chúng ta và đã cho chúng ta thấy tình yêu vô biên của Người. Tôi muốn từng người cảm thấy niềm vui được là Kitô hữu. Có một lời cầu đẹp cần đọc mỗi sáng nói rằng: “Lạy Thiên Chúa của con, con thờ lạy Chúa, và con yêu mến Chúa với tất cả trái tim con. Con cảm tạ Chúa đã tạo dựng nên con, đã cho con là tín hữu Kitô…”. Vâng, chúng ta hài lòng vì ơn đức tin; đó là thiện ích lớn lao nhất, mà không ai có thể lấy mất! Chúng ta cảm tạ Chúa về ơn đó mỗi ngày, với lời cầu nguyện và với một cuộc sống Kitô trung thực. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nhưng cũng chờ đợi chúng ta yêu thương Người!”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã cám ơn các cộng sự viên và mọi thành phần dân Chúa và nói: “Nhưng trong lúc này tôi không chỉ muốn cảm tạ Thiên Chúa mà thôi. Một Giáo hoàng không một mình hướng dẫn con thuyền của Phêrô, cả khi trách nhiệm đầu tiên là của người; và tôi đã không bao giờ cảm thấy cô đơn trong việc mang niềm vui và gánh nặng của sứ vụ Phêrô. Chúa đã đặt bên canh tôi biết bao nhiêu người đã giúp đỡ và gần gũi tôi, với sự quảng đại và tình yêu thương đối với Thiên Chúa và Giáo Hội. Trước hết là anh em, các hồng y thân mến: sự khôn ngoan, các lời khuyên và tình bạn của anh em đã rất quý báu đối với tôi; các cộng sự viện của tôi, bắt đầu là Quốc vụ khanh và tất cả các cơ quan trung ương Toà Thánh, cũng như tất cả những người phục vụ Toà Thánh trong các lĩnh vực khác nhau: có biết bao khuôn mặt không nổi bật, ở trong bóng tối, nhưng chính trong thinh lặng, trong sự tận tuỵ hằng ngày, với tinh thấn đức tin và lòng khiêm tốn, đã là một sự nâng đỡ chăc chắn và đáng tin cậy. Một tư tưởng đặc biệt tôi xin gửi tới Giáo Hội Roma, giáo phận của tôi. Tôi không thể quên các anh em trong Hội Đồng Giám Mục và Linh Mục, các người sống đời thánh hiến và toàn thể Dân Chúa: trong các chuyến viếng thăm mục vụ, trong các cuộc gặp gỡ, các buổi tiếp kiến, các chuyyến công du, tôi đã luôn luôn trực giác được sự chú ý lớn lao và lòng trìu mến sâu xa. Tôi cũng đã yêu thương tất cả và từng người một, mà không phân biệt, với tình bác ái mục tử là con tim của mọi chủ chăn, nhất là của Giám mục Roma, của người kế vị Tông Đồ Phêrô. Mỗi ngày tôi đã mang từng người trong anh chị em trong lời cầu nguyện của tôi, với con tim của một người cha.”

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: “Tôi muốn rằng lời chào và cảm ơn của tôi tới được với tất cả mọi người: trái tim của một Giáo hoàng mở rộng ra cho toàn thế giới. Và tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, khiến cho đại gia đình của các quốc gia hiện diện. Ở đây, tôi cũng nghĩ tới tất cả những ai làm việc cho một sự truyền thông tốt đẹp và tôi xin cám ơn công việc phục vụ của họ. Tới đây, tôi muốn thật sự hết lòng cám ơn tất cả mọi người trên thế giới trong các tuần qua đã gửi tới tôi các dấu chỉ cảm động của sự chú ý, tình bạn và lời cầu nguyện. Phải, Giáo hoàng không bao giờ cô đơn, giờ này tôi còn cảm nghiệm được điều đó một lần nữa đánh động con tim một cách lớn lao như vậy. Giáo hoàng thuộc về tất cả mọi người, và biết bao nhiêu người cảm thấy họ gần gũi ngài. Có đúng thật là tôi đã nhận được rất nhiều thư của các nhân vật quan trọng trên thế giới – từ các quốc trưởng các nước, từ các vị lãnh đạo tôn giáo, từ các đại diện của thế giới văn hoá… Nhưng tôi cũng nhận được rất nhiều thư của những người đơn sơ viết cho tôi một cách đơn sơ từ trái tim của họ và khiến cho tôi cảm thấy lòng thương mến của họ, nảy sinh từ việc cùng nhau ở với Chúa Giêsu Kitô, trong Giáo Hội. Các người này không viết cho tôi, ví dụ như viết cho một ông hoàng hay cho một người lớn mà họ không quen biết. Họ viết cho tôi như các anh chị em hay như con cái, với ý thức về một mối dây gia đình rất yêu mến. Ở đây người ta có thể sờ mó được bằng tay Giáo Hội là gì – không phải là một tổ chức, một hiệp hội, có các mục đích tôn giáo hay nhân đạo, nhưng là một thân thể sống động, một sự hiệp thông giữa các anh chị em với nhau trong Thân Mình của Chúa Giêsu Kitô, Đấng hiệp nhất tất cả chúng ta. Sống kinh nghiệm Giáo Hội trong kiểu này, và hầu như có thể sờ mó được bằng tay sức mạnh chân lý và tình yêu của nó, là lý do vui sướng, trong một thời đại, trong đó biết bao nhiêu người đang nói về sự suy tàn của Giáo Hội.”

Đề cập tới quyết định từ nhiệm của ngài, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI giải thích: “Trong các tháng cuối cùng này, tôi đã cảm thấy sức lực của tôi giảm sút, và trong lời cầu nguyện tôi đã nài nỉ Thiên Chúa, soi dẫn cho tôi với một ánh sáng của Người để làm cho tôi lấy một quyết định đúng đắn hơn, không phải cho thiện ích của tôi, nhưng cho thiện ích của Giáo Hội. Tôi đã đi bước này trong ý thức tràn đầy về sự nghiêm trọng và cũng mới mẻ của nó, nhưng với một sự thanh thản sâu xa trong tâm hồn. Yêu thương Giáo Hội cũng có nghĩa là can đảm có những lựa chọn khó khăn, đau khổ, nhưng luôn luôn có trước mắt thiện ích của Giáo Hội, chứ không phải của chính mình. 

Ở đây, xin cho phép tôi trở lại ngày 19-4-2005 một lần nữa. Sự nghiêm trọng của quyết định cũng đã là ở nơi sự kiện từ lúc đó trở đi tôi đã được luôn luôn và vĩnh viễn dấn thân bởi Chúa. Luôn luôn – ai lãnh sứ vụ Phêrô thì không còn có sự riêng tư nào nữa. Người ấy luôn luôn và hoàn toàn thuộc về tất cả mọi người, thuộc về toàn thể Giáo Hội. Như thể nói rằng chiều kích riêng tư bị lấy mất khỏi cuộc sống người ấy. Tôi đã kinh nghiệm và tôi đang trải nghiệm điều đó lúc này, rằng một người nhận lấy cuộc sống chính khi cho nó đi. Trước đây, tôi đã nói rằng nhiều người yêu mến Chúa thì cũng yêu mến người kế vị Thánh Phêrô và cũng trở thành trìu mến đối với ngài; rằng Giáo hoàng thật sự có các anh chị em, con cái nam nữ trên toàn thế giới, và rằng ngài cảm thấy an toàn trong vòng tay sự hiệp thông của họ; bởi vì ngài không thuộc về chính mình nữa, nhưng thuộc về tất cả mọi người và tất cả mọi người thuộc về ngài.”

Đức Thánh Cha giải thích thêm ý nghĩa sự kiện “luôn luôn” như sau: “Sự “luôn luôn” cũng là một sự “vĩnh viễn” – không còn có việc trở lại sự riêng tư nữa. Quyết định của tôi từ bỏ việc tích cực thi hành sứ vụ không thu hồi điều này. Tôi không trở lại đời sống tư, một đời sống gồm các cuộc du hành, các cuộc gặp gỡ, tiếp kiến, diễn thuyết… Tôi không từ bỏ thập giá, nhưng tôi ở lại trong một cách thức mới mẻ gần Chúa bị đóng đinh. Tôi không mang quyền bính của nhiệm vụ cai quản Giáo Hội nữa, nhưng như để nói rằng trong việc phục vụ cầu nguyện, tôi ở bên trong ranh giới của Thánh Phêrô. Thánh Biển Đức, mà tôi mang tên như Giáo hoàng, sẽ là gương sáng vĩ đại cho tôi trong điều này. Người đã chỉ cho chúng ta thấy con đường cho một đời sống, mà tích cực hay thụ động hoàn toàn tuỳ thuộc vào công trình của Thiên Chúa. 

Tôi xin cám ơn tất cả và từng người một, cả về sự tôn trọng và cảm thông mà với chúng anh chị em đã tiếp nhận quyết định quan trọng này. Tôi sẽ tiếp tục đồng hành với con đường của Giáo Hội bằng lời cầu nguyện và suy tư, với sự tận tuỵ đối với Chúa và Hiền Thê của Người, mà tôi đã tìm cách sống cho tới giờ này mỗi ngày và tôi muốn sống nó luôn mãi. Tôi xin anh chị em nhớ tới tôi trước mặt Thiên Chúa, và nhất là cầu nguyện cho các hồng y, được mời gọi cho một nhiệm vụ lớn lao như vậy, và cho người kế vị mới của Tông Đồ Phêrô: xin Chúa đồng hành cùng ngài với ánh sáng và sức mạnh của Thần Khí Người. 

Chúng ta hãy khẩn nài sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, để Mẹ đồng hành với từng người trong chúng ta và toàn thể cộng đoàn Giáo Hội. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ với lòng tin tưởng sâu xa. Các bạn thân mến! Thiên Chúa hướng dẫn Giáo Hội, Người luôn đỡ nâng Giáo Hội, nhất là trong những lúc khó khăn. Chúng ta đừng bao giờ mất đi quan niệm đức tin này, là quan niệm duy nhất đích thực của con đường của Giáo Hội và của thế giới. Ước chi trong con tim chúng ta, trong con tim của từng người trong chúng ta, luôn có sự chắc chắn tươi vui rằng Chúa ở gần chúng ta, Người không bỏ rơi chúng ta, Người ở gần chúng ta và bao bọc chúng ta với tình yêu của Người. Xin cám ơn anh chị em!” Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha đã bị cắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay của tín hữu. 

Khi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ, các hồng y và mọi người đã đứng lên vỗ tay rất lâu. Đức Thánh Cha cũng đứng lên đáp lễ. Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ảrập, Ba Lan, Croatia, Tchèques, Slovac, Rumani và Ý. 

Chào các tín hữu Italia, Đức Thánh Cha nói: “Các bạn thân mến, tôi xin cám ơn sự tham dự đông đảo của các bạn trong buổi gặp gỡ này, cũng như lòng thương mến của các bạn và niềm vui của đức tin. Đó là các tâm tình mà tôi xin hết lòng đổi lại bằng cách bảo đảm với các bạn lời cầu nguyện của tôi cho các bạn hiện diện nơi đây, cũng như cho thân bằng quyến thuộc và những người thân thiết của các bạn. 

Ngỏ lời với giới trẻ, Đức Thánh Cha xin Chúa đổ tràn đầy tình yêu của Người trong tim họ để họ sẵn sàng hăng hái theo Chúa. Đức Thánh Cha xin Chúa nâng đỡ các người đau yếu để họ chấp nhận gánh nặng của khổ đau với sự thanh thản. Và ngài xin Chúa hướng dẫn các cặp vợ chồng mới cưới biết làm cho gia đình họ lớn lên trong sự thánh thiện. 

Sau cùng, Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người. 

Lúc 11 giờ sáng thứ năm 28-2-2013, Đức Thánh Cha sẽ gặp các hồng y hiện diện tại Roma trong phòng Clemente để chào từ biệt các vị. Vào lúc 5 giờ chiều, ngài lấy trực thăng đi Castel Gandolfo. Vào lúc 5 giờ 30chiều, ngài ra bao lơn Dinh thự Castel Gandolfo để chào tín hữu thành phố. Đây cũng là lần xuất hiện cuối cùng trong tư cách là Giáo hoàng Roma. Vì từ lúc 8 giờ tối sau đó, ngài không còn giữ chức Chủ Chăn Giáo hội Công giáo hoàn vũ nữa. Tuy vẫn tiếp tục được gọi là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, hay Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, hay Đức nguyên Giáo hoàng, nhưng Đức Ratzinger sẽ chỉ mặc áo chùng trắng, không có khăn choàng ngắn khoác trên vai, không có nhẫn Giáo hoàng, vì nhẫn này sẽ bị huỷ, và cũng không mang giày màu đỏ. Cũng từ lúc 8 giờ tối thứ năm 28-2-2013, đội cận vệ Thuỵ Sĩ tại Castel Gandolfo sẽ chấm dứt nhiệm vụ và giao quyền lại cho đội Hiến binh Vatican. Đức Ratzinger sẽ cư ngũ tại Dinh thự Castel Gandolfo vài tháng trước khi về sống trong tu viện của các nữ tu dòng kín được tu sửa lại, tại nội thành Vatican trong thinh lặng và cầu nguyện. Cùng hiệp ý với tín hữu Công giáo toàn thế giới, chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI, cho Giáo Hội, và cho Hồng y đoàn sắp nhóm Mật nghị. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng để các vị bầu vị tân Giáo hoàng theo ý Chúa muốn.