25/12/2024

Quyết định từ nhiệm Giáo hoàng của ĐTC Bênêđictô XVI

Xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, về quyết định từ nhiệm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Bài phỏng vấn Đức Hồng y dành cho phóng viên Francesco Ognibene của nhật báo Avvenire (Tương Lai), cơ quan ngôn luận chính thức của Hội đồng Giám mục Ý, số ra ngày 12-2-2013.

Quyết định từ nhiệm Giáo hoàng của ĐTC Bênêđictô XVI

 

Một số nhận định của ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch HĐGM Ý 

 

Vào cuối Công nghị Hồng y sáng ngày 11-2-2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã báo tin cho các hồng y, tổng giám mục và giám mục hiện diện rằng ngài quyết định từ chức Giáo hoàng. Tin này đã khiến cho mọi người hiện diện và toàn thế giới kinh ngạc. Thế là sau gần 8 năm làm Chủ Chăn Giáo hội Công giáo hoàn vũ, bắt đầu từ 20 giờ ngày 28-2-2013, ngai toà Thánh Phêrô sẽ trống ngôi.

Trên nguyên tắc, trong các ngày từ 15 đến 20-3, Hồng y đoàn sẽ nhóm Mật nghị đề bầu người kế vị. Hiện nay, Hồng y đoàn còn 117 vị, trong đó có 60 vị Âu châu, 19 vị châu Mỹ Latinh, 14 vị Bắc Mỹ, 12 vị Phi châu, 11 vị Á châu và 1 vị Đại Dương châu.

Trong số các nước có nhiều hồng y nhất đứng đầu là Italia gồm 28 vị, thứ hai là Hoa Kỳ gồm 11 vị, thứ ba là Đức gồm 6 vị. Tiếp đến là các nước Brasil, Ấn Độ và Tây Ban Nha mỗi nước 5 vị. Pháp và Ba Lan mỗi nước có 4 vị. Hai nước Canada và Mêhicô mỗi nước có 3 vị. Các nước Argentina, Nigeria và Bồ Đào Nha mỗi nước 2 vị.

Từ ngày 11-2-2013, hàng chục đài truyền hình quốc tế đã gửi các phóng viên đến Roma để theo dõi tin tức và tường trình các biến cố, nhất là Mật nghị Hồng y đoàn để bầu vị tân Giáo hoàng.

Giảng trong Thánh lễ Ngày Quốc tế Bệnh nhân cử hành tại khuôn viên Đại học Sinh học Y khoa Roma, Đức cha Mariano Crociata, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ý, nói việc Đức Thánh Cha Bênêđictô XV từ nhiệm là một dấu chỉ của tình yêu thương đối với Giáo Hội và thiện ích của Giáo Hội. Cử chỉ của Đức Thánh Cha diễn tả một sự tư do lớn lao và tôn trọng đối với chính ngài. Đức cha Crociata đã nêu bật lòng trìu mến của ngài đối với đấng kế vị Thánh Phêrô. Ngài nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng và cho Giáo Hội bằng cách canh tân lòng tin tưởng nơi sự kiện cả trong những lúc khó khăn này chính Thiên Chúa hoạt động và hướng dẫn lịch sử.”

Trong thông cáo công bố sau đó Đức Hồng y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, bày tỏ rằng quyết định của Đức Thánh Cha để lại cho tâm hồn mọi người nỗi đớn đau và tiếc nuối. Và ngài bảo đảm với Đức Thánh Cha lòng biết ơn và sự gần gũi trìu mến của các Giám mục Ý, vì sự chú ý liên tục của Đức Thánh Cha đối với dân nước Ý, và vì sự hướng dẫn chắc chắn và khiêm tốn qua đó Đức Thánh Cha đã lèo lái con thuyền Giáo Hội.

Từ đầu tháng Giêng tới phiên các Giám mục Italia về Roma viếng mộ hai Thánh Phêrô Phaolô và thăm Toà Thánh theo Giáo luật. Đã có 14 nhóm được Đức Thánh Cha tiếp đón, còn lại 16 nhóm nữa. Cho tới ngày 28-2, khi Đức Thánh Cha chính thức thôi chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ, ngài còn tiếp kiến các Giám mục vùng Liguria và Lombardia. Như thế, Đức Thánh Cha đã gặp các Giám mục các vùng Abruzzo-Molise, Basilicata, Calabria, Campania, Emilia-Romagna và Lazio. Còn lại các Giám mục các vùng Piemonte, Puglia, Sardaigna, Sicilia, Toscana, Triveneto và Umbria, dự kiến vào đầu tháng 3, phải đợi Đức tân Giáo hoàng.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, về quyết định từ nhiệm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Bài phỏng vấn Đức Hồng y dành cho phóng viên Francesco Ognibene của nhật báo Avvenire (Tương Lai), cơ quan ngôn luận chính thức của Hội đồng Giám mục Ý, số ra ngày 12-2-2013.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, Đức Hồng y có thể nói gì liên quan tới biến cố Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ nhiệm, trong công nghị sáng ngày 11-2 vừa qua?

Đáp: Công nghị đã tiến hành như dự kiến, nhưng trước khi ban phép lành Đức Thánh Cha đã đọc một văn bản của ngài bằng tiếng Latinh, ngắn gọn, trong đó ngài đã báo cho biết ý định kết thúc việc phục vụ của ngài trên ngai toà Phêrô ngày 28-2. Đã có sự chú ý thinh lặng lớn trong khi Đức Thánh Cha nói, nhưng sau các lời đó, sự thinh lặng lại còn có thể sờ mó được hơn nữa, trộn lẫn với sự ngạc nhiên, bối rối và tiếc nuối rất lớn. Thế rồi khi Đức Thánh Cha đã đi ra, sau một lúc đã không có ai nói gì, sau đó chúng tôi mới nhút nhát trao đổi các tâm tình và khám phá ra rằng chúng giống nhau.

Hỏi: Sự lựa chọn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã được đón nhận như thế nào, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Chúng tôi tất cả đã rất xúc động, nhưng chúng tôi phải đặt để biến cố này vào trong chân trời của đức tin: Chúa Kitô là Mục Tử của các mục tử, Giáo Hội vững vàng trong tay của Chúa Giêsu, là Đấng dùng các người đã được Người tuyển chọn. Cùng với sự bối rối lúc đầu, còn lưu lại trong con tim, nổi lên một vòng tay rất lớn ôm ấp Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, từ phía các tín hữu, vì bóng dáng của con người mà Chúa đã ban cho chúng ta trong 8 năm trời, đứng thẳng khiêm tốn hơn, vì Huấn Quyền sâu sắc mà ngài đã cống hiến cho chúng ta với tâm hồn và cách thức dịu dàng, tôn trọng, khiêm tốn mà ai cũng thừa nhận, đặc biệt là trong các giờ phút này.

Hỏi: Vậy chúng ta có thể đọc được những gì trong các lời của từ nhiệm của Đức Thánh Cha?

Đáp: Quyết định này nảy sinh từ một nhận thức linh hồn gia tăng trong các năm qua, khiêm tốn một cách sâu thẳm, đầy đức tin và trong sự tự do của con tim, không tự khẳng định chính mình, nhưng biết rằng chỉ phải loan báo Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Tất cả những gì ngài đã làm: các cử chỉ, lời nói, lựa chọn, ngài đã chỉ sống cho điều đó. Năm Đức Tin cũng chứng minh cho thấy sự lo lắng, mà ngài đã loan báo ngay từ đầu triều đại của ngài: vấn đề chính của Giáo Hội ngày nay là đức tin. Đức Giáo hoàng không chú ý đến việc thích ứng với ý kiến thống trị, bởi vì ngài là một người tự do và vì thế can đảm. Quyết định mà ngài vừa mới loan báo nằm trong bản chất ấy của tâm hồn ngài, là hơi thở thường ngày đã khiến cho ngài lượng định tuổi tác của ngài như Đức Thánh Cha nói, trong tương quan với các nhu cầu gia tăng của Giáo Hội ngày nay.

Hỏi: Có lời nào trong các lời Đức Thánh Cha nói có thể giúp chúng ta đọc được các tâm tình và các chủ ý của ngài không?

Đáp: Tôi không suy đoán mình hiểu biết Đức Thánh Cha một cách sâu xa, nhưng trong việc tiếp xúc với ngài trong các năm qua và cả trong những lúc rất khó khăn và đau khổ – như trong lúc bùng nổ các trường hợp giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ em – tôi đã có ấn tượng rất mạnh về sự thanh thản và tin tưởng của ngài. Tôi đem theo trong mình ấn tượng rất mạnh về một người sống tất cả những điều xảy ra với cái nhìn đức tin. Ngài là thí dụ cho thấy phải sống Kitô giáo như thế nào: đó là nhìn các sự vật với con mắt của Chúa. Giáo huấn của ngài trong các năm qua, cùng với con người của ngài, là một lời kêu mời, một gương sáng và một lời rao giảng đức tin có trung tâm là Chúa Giêsu Kitô.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, tâm trạng của rất nhiều người khi nghe tin Đức Thánh Cha từ nhiệm là ngạc nhiên và đau buồn, có lẽ có nhiều người nghĩ tới sự kiện Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phục vụ cho tới cùng. Tại sao lại có sự khác biệt giữa hai Giáo hoàng như vậy?

Đáp: Các tình trạng khác nhau cũng như các nhân vật khác nhau. Mỗi người đã lượng định trước mặt Chúa, trong lời cầu nguyện, tình trạng riêng của mình và của Giáo Hội, mà mình được thánh hiến như là tôi tớ. Tôi nghĩ rằng không có bổn phận và không thể thể đưa ra các so sánh tế nhị như vậy, bởi vì chúng liên quan tới cung thánh của lương tâm cá nhân.

Hỏi: Có người nói rằng quyết định này cho thấy một Giáo Hội giòn mỏng hơn, và được phơi bày ra cho người muốn nó khác với điều Giáo Hội là, có phải thế không, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Trái lại, sự “bất lực” mà Đức Thánh Cha nói tới ở đây không liên quan tới khả năng luân lý hay ít can đảm, ít chú ý hoặc muốn rút lui về một cuộc sống ít nặng nề hơn. Các lượng định của Đức Thánh Cha liên quan tới sức khoẻ thể lý và tuổi già, với sự mòn mỏi mà trong các tháng qua người ta cũng có thể trông thấy. Chắc chắn là người ta không thể nói rằng đây là một vị Giáo hoàng không can đảm. Nếu có người nghĩ rằng đây là một sự trốn chạy, thì phải tự hỏi tại sao ngài đã không từ nhiệm giữa bão tố của các vụ giáo sĩ tu sĩ làm dụng tính dục trẻ em.

Hỏi: Biến cố không thể thấy trước này có liên quan tới Năm Đức Tin không, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Có thể coi đó như là một lời loan báo quyền tối thượng của đức tin và tính cách trung tâm điểm của Chúa Kitô. Là người chúng ta là dụng cụ và là tôi tớ, dĩ nhiện bằng cách dấn thân một cách thông minh và có tinh thần trách nhiệm, nhưng người lèo lái vĩ đại là Chúa Kitô. Nếu đó là đức tin của chúng ta, thì việc lựa chọn có lương tâm mà Đức Thánh Cha đã làm, trở thành một lời loan báo cuối cùng và hữu hình có Chúa Kitô ở trung tâm có nghĩa là gì.

Hỏi: Tức nó giống như một lần nữa Đức Thánh Cha chỉ cho chúng ta thấy Chúa Kitô…

Đáp: Vâng, đúng thế. Xét cho cùng một lần nữa, là người rất tránh né, với cử chỉ từ nhiệm này xem ra Đức Thánh Cha di chuyển sự chú ý từ ngài sang Chúa.

Hỏi: Còn có một tâm tình khác nữa, thưa Đức Hồng y: đó là nhiều người có cảm tưởng họ mất đi một người cha. Làm thế nào để đương đầu với tình trạng này của tâm hồn?

Đáp: Trước hết, chúng ta cảm tạ Chúa, bởi vì thật đẹp khi cảm thấy rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đi vào trái tim con người một cách rõ ràng và phổ quát như vậy. Người không chỉ là thần học gia mà còn là người cha nữa. Chúa Giêsu đã thành lập Giáo Hội như là kiểu diễn tả tình yêu của Người đối với thế giới và Người cũng diễn tả nó ra qua các chủ chăn của Giáo hội, trước hết là qua nền tảng hữu hình là đấng kế vị Thánh Phêrô. Giờ đây cần phải tin tưởng vững mạnh, bởi vì Chúa Giêsu mới là Đấng vĩ đại điều khiển Giáo Hội. Người không bao giờ bỏ rơi Giáo Hội. Chúng ta có ý thức lớn lao thương mến, gần gũi và biết ơn Đức Thánh Cha trong các năm qua đã diễn tả tình phụ tử của Thiên Chúa một cách vừa mạnh mẽ vừa hiền dịu như vậy. Nhưng chúng ta cũng phải rất thanh thản: bởi vì có sự quan phòng của Thiên Chúa. Lịch sử Giáo Hội dạy cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa trông thấy và định liệu.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, Đức Hồng y nhận ra tình hiền phụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đối với Giáo hội Ý như thế nào, vì trong các tuần này các Giám mục Ý đang về Roma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Toà Thánh, theo xác định của Giáo luật cứ 5 năm 1 lần?

Đáp: Các Giám mục vùng Liguria chúng tôi đang được Đức Thánh Cha chờ đợi. Đây là một dịp để bày tỏ lòng biết ơn và lòng quý mến đối với ngài. Tôi đã sờ mó được bằng tay sự chú ý của Đức Thánh Cha đối với Giáo hội Ý trong tất cả mọi buổi tiếp kiến mà ngài đã dành cho tôi trong tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý. Ngài đã sắp đặt để tôi có thể gặp ngài trước mỗi cuộc gặp gỡ với các Giám mục Ý, và như thế là 4 – 5 lần mỗi năm.

Đối với tôi, đây đã là một món quà và là một đặc ân rất lớn. Các buổi gặp gỡ với Đức Thánh Cha đã là một ơn củng cố đức tin và hướng dẫn đối với Giáo hội Ý. Đức Thánh Cha đã luôn luôn lắng nghe với sự rất mực chú ý và kín đáo, bằng cách gợi ý và khuyến khích, và cho thấy ngài rất quý mến Hội đồng Giám mục và dân nước Ý. Cuộc gặp gỡ mới đây nhất là hồi cuối tháng Giêng vừa qua. Nó đã đặc biệt kéo dài tới một giờ. Với lời nói và cái nhìn của ngài, Đức Thánh Cha đã hỏi thăm tin tức với một sự chăm chú đặc biệt. Tôi đã kể lại kinh nghiệm này với các anh em Giám mục trong Ban Thường vụ, vì tôi thấy xem ra đó là một đặc ân rất lớn.

Hỏi: Trong các lời nói trong Công nghị hôm 11-2 vừa qua, Đức Thánh Cha cũng đã chỉ cho các chủ chăn một kiểu hướng dẫn Giáo Hội, có đúng thế không, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Vâng. Đức Thánh Cha đã nhắc lại ý thức rằng sứ mệnh Thiên Chúa đã trao phó cho các chủ chăn và trước hết là cho người kế vị Thánh Phêrô, lớn lao hơn đôi vai của con người. Nhưng chính từ đó nổi bật lên sự hiện diện và cao cả của Thiên Chúa, là Đấng hướng dẫn Giáo Hội qua các nghèo nàn của chúng tôi. Ơn thánh phải thắng thế chứ không phải các khả năng của con người. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha nói rằng “chức vụ thừa tác được chu toàn “bằng cách chịu khổ đau và cầu nguyện”, là hai yếu tố cai quản của Giáo Hội mà chính ngài đã sống – cũng như Đức Gioan Phaolô II đã sống.

Hỏi: Đức Thánh Cha cũng cho biết rằng ngài “ở lại với chúng ta” trong lời cầu nguyện, bằng cách chỉ cho thấy chiều kích mới trong cuộc sống của ngài. Đức Hồng y nghĩ gì về lời nói này của Đức Thánh Cha?

Đáp: Lời cầu nguyện diễn tả đức tin nơi Chúa. Trong Tông thư “Cánh cửa Đức tin” Đức Thánh Cha nói rằng tin là quyết định ở lại với Chúa Giêsu để sống với Người. Lời cầu nguyện được đặt để ở đây: tin là quyết định ở lại với Chúa, và trong điều này có tình gia đình và sự đồng hành với Chúa mà chúng ta gọi là con đường thiêng liêng. Một cách chuyên biệt con đường ấy mặc lấy hình thức của lời cầu nguyện. Sự kiện Đức Thánh Cha ở lại với chúng ta trong lời cầu nguyện nhắc nhớ cho chúng ta biết nòng cốt của đức tin Kitô: đó là “ở lại với Chúa Giêsu” trong thế gian mà không thuộc về thế gian.

Hỏi: Sự kiện Đức Thánh Cha chọn chính ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, một ngày lễ được dân chúng yêu mến, để báo tin từ nhiệm của ngài, có ý nghĩa gì, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Chắc chắn đây không phải là trường hợp ngẫu nhiên. Sự lựa chọn xác đáng, còn hơn thế nữa nó như là một cử chỉ sùng kính Đức Mẹ. Trong các chuyến công du của ngài, Đức Thánh Cha đã luôn luôn viếng thăm các trung tâm Thánh Mẫu. Tại Lộ Đức, lòng sùng kính Đức Mẹ được diễn tả như là tình yêu thương xót, chữa lành thân xác, khi Thiên Chúa muốn và các linh hồn muốn. Tình yêu thương của Thiên Chúa tại Lộ Đức trở thành lòng thương xót đối với các khổ đau khốn khó của thế giới chúng ta. Đối với tôi, xem ra đây là việc nêu bật rất hay đẹp và quan trọng đối với nhân loại ngày nay, đang tuyệt đối cần cảm thấy mình được yêu thương. Nếu thế giới đôi khi bạo lực như vậy, là có lẽ bởi vì nó không biết rằng nó được yêu trong lòng thương xót.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, đây chưa phải là lúc đưa ra các tổng kết, nhưng có yếu tố nào mà Đức Hồng y đã nhận thấy thay đổi một cách sâu xa nhất dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hay không?

Đáp: Có nhiều yếu tố khác nhau và còn quá sớm để lượng định chúng. Nhưng đối với tôi, xem ra Đức Thánh Cha nhấn mạnh trên tính cách trung tâm của đức tin, và như thế tức là đặt để Chúa Giêsu Kitô vào trung tâm cuộc sống. Và trong các năm qua, Đức Thánh Cha đã lôi kéo sự chú ý của mọi người trên điều mà Công Đồng Chung Vatican II đã chỉ cho thấy, nghĩa là sự ưu tiên cho phụng vụ, là nơi và là không gian của mầu nhiệm, trong đó con người gặp gỡ Thiên Chúa, và trong sự tự do của nó để cho mình được nắm bắt bởi mầu nhiệm của Thiên Chúa, và được Thiên Chúa biến đổi. Ngay từ đầu triều đại của ngài, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh tính cách trung tâm của Phụng vụ Thánh Thể như suối nguồn và tột đỉnh của toàn thể cuộc sống Kitô và sứ mệnh của Giáo Hội. Ngài đã liên tục nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Bí tích Thánh Thể sinh ra dân Chúa. Và xem ra việc nêu bật này đã đi vào trong cuộc sống của các cộng đoàn và lương tâm của dân Kitô.

Hỏi: Làm thế nào để đương đầu với thời gian chưa từng có này trước Mật nghị Hồng y bầu Đức tân Giáo hoàng, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Với một thái độ tin tưởng lớn lao và sự thanh thản. Sự tiếc nuối và bối rối ban đầu là dấu chỉ cho thấy Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đi vào trong con tim của chúng ta như thế nào, khi đem Chúa Giêsu đến cho chúng ta với con người của ngài, với ánh sáng lời ngài và với sự nồng ấm hiền dịu của ngài. Nhưng các tâm tình này phải được sống bên trong một chân trời rộng lớn hơn: đó là sự thanh thản đâm rễ sâu trong đức tin. Chúng ta hãy bỏ ra ngoài biết bao nhiêu diễn văn và lời nói: tín hữu tin tưởng nơi Chúa Kitô. Chúng ta đừng chạy theo các giả thiết, các phỏng đoán và các mê sảng mà người ta sẽ làm trong những ngày này. Chúng ta hãy cầu nguyện, với cái nhìn gắn chặt vào Chúa Giêsu, để Giáo Hội tiếp tục lịch sử của mình trong sự trung thành với Chúa Kitô và với con người. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và cho người kế vị tương lai của Thánh Phêrô.

(Avvenire 12-2-2013)