25/12/2024

Đức Thánh Cha giã từ Hàng Giáo sĩ Roma

VATICAN – Sáng 15-2-2013, ĐTC Bênêđictô XVI đã gặp gỡ lần cuối và từ giã Hàng Giáo sĩ của Giáo phận Roma. Hằng năm, vào ngày thứ năm sau Lễ Tro, ĐTC vẫn gặp gỡ và trao đổi với Hàng Giáo sĩ Roma, nhưng lần này có một sắc thái đặc biệt vì là lần chót. Hiện diện tại Đại Thính đường Phaolô VI lúc 11:45 có ĐHY Giám quản Agosto Vallini, 7 giám mục phụ tá và khoảng 1.500 linh mục.

VATICAN – Sáng 15-2-2013, ĐTC Bênêđictô XVI đã gặp gỡ lần cuối và từ giã Hàng Giáo sĩ của Giáo phận Roma.

 

Hằng năm, vào ngày thứ năm sau Lễ Tro, ĐTC vẫn gặp gỡ và trao đổi với Hàng Giáo sĩ Roma, nhưng lần này có một sắc thái đặc biệt vì là lần chót. Hiện diện tại Đại Thính đường Phaolô VI lúc 11:45 có ĐHY Giám quản Agosto Vallini, 7 giám mục phụ tá và khoảng 1.500 linh mục.

 

Các linh mục đã nồng nhiệt vỗ tay chào đón ĐTC khi ngài tiến vào thính đường.

 

Trong lời chào ĐTC, ĐHY Vallini đã gợi lại sự tích các kỳ lão tại thành Ephêsô được Thánh Phaolô gọi tới Mileto để nghe những lời từ giã của thánh nhân trước khi ngài đi Jerusalem. “Anh em biết tôi đã cư xử thế nào. Tôi đã phụng sự Chúa với tất cả lòng khiêm tốn, trong nước mắt và thử thách; tôi đã không bao giờ thối lui trước những gì có thể là hữu ích, để rao giảng và giáo huấn anh em làm chứng về sự trở về cùng Thiên Chúa và niềm tin nơi Đức Giêsu Chúa chúng ta. Mọi người đã bật khóc và bá cổ thánh Phaolô và hôn.” (Cv 20,18-20)

 

ĐHY Giám quản nói: “Kính thưa ĐTC, chúng con không giấu rằng trong tâm hồn chúng con nhiều tâm tình: buồn rầu và tôn kính, ngưỡng mộ và nuối tiếc, yêu mến và hãnh diện. Trong tất cả những điều đó chúng con tôn thờ Thánh Ý Chúa và đón nhận từ ĐTC giáo huấn về cách thức yêu mến và phụng sự Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúng con mãi mãi gắn bó với gương sống dịu hiền và mạnh mẽ của Ngài.”

 

Bài nói chuyện của ĐTC

 

Mở đầu bài nói chuyện dài 45 phút, ĐTC cho biết ngài không còn sức để “làm một bài diễn văn lớn”, nhưng trong thực tế ngài đã chứng tỏ tâm trí rất sáng suốt và minh mẫn, ứng khẩu kể lại kinh nghiệm của ngài về Công đồng Vatican II, từ khi làm thư ký của ĐHY Frings TGM giáo phận Koeln, và sau đó được bổ nhiệm làm chuyên gia chính thức của Công đồng.

 

 Ngài nói: “Tôi bắt đầu bằng một giai thoại: năm 1959 tôi được bổ nhiệm làm giáo sư ở Đại học Bonn, nơi có các sinh viên, chủng sinh của Giáo phận Koeln và các giáo phận lân cận theo học. Vì thế, tôi được dịp tiếp xúc với ĐHY Frings. Hồi năm 1961, ĐHY Siri, TGM Giáo phận Genova, đã tổ chức một loạt các bài thuyết trình về Công đồng, với các thuyết trình viên là một số Hồng y Âu châu. ĐHY Siri cũng mời ĐHY TGM Koeln thuyết trình về đề tài “Công đồng và thế giới của tư tưởng tân thời”. ĐHY Frings đã mời tôi là giáo sư trẻ nhất soạn cho ngài dự thảo bài thuyết trình, và ĐHY đã trình bày cho dân chúng ở Genova bài thuyết trình mà tôi đã viết. Ít lâu sau, ĐHY Gioan XXIII mời ĐHY Frings đến gặp. ĐHY rất lo sợ vì e rằng mình đã nói điều gì không đúng hoặc sai trái, và bị ĐGH gọi để khiển trách, và có lẽ để tước bỏ mũ hồng y (các linh mục cười rộ!). Đúng vậy, khi cha thư ký của ĐHY giúp ngài mặc áo để vào chầu ĐGH, ngài nói: “Có lẽ bây giờ tôi mặc chiếc áo hồng y này lần chót!”.

 

Nhưng khi ĐHY Frings vào gặp ĐGH Gioan XXIII, ĐGH tiến đến gặp và ôm lấy ĐHY và nói: “Cám ơn ĐHY vì đã nói điều mà tôi muốn nói, nhưng tôi không tìm được lời để nói cho đúng” (các cha sở lại cười rộ và vỗ tay). Thế là ĐHY Frings biết mình đang đi đúng đường và ĐHY đã mời tôi đi công đồng với ngài, trước tiên như một chuyên gia riêng, rồi trong giai đoạn đầu tiên, có lẽ vào tháng 11-1962, tôi cũng được bổ nhiệm làm chuyên gia chính thức của Công đồng.”

 

ĐTC đã nói đến tiến trình soạn thảo các văn kiện, việc bầu cử các Uỷ ban, sự phong phú của các văn kiện.

 

ĐTC cũng nhận xét về hai nhận thức về Công đồng: một công đồng trong thực tại và một công đồng do giới báo chí trình bày, nhiều khi dưới nhãn giới chính trị, một cuộc tranh đấu quyền bính, dân chủ hoá, quyền bính thuộc về giai cấp hạ tầng. Họ nói nhiều đến sự tản quyền trong Giáo Hội, quyền bính dành cho các giám mục, qua lời của Dân Chúa, quyền bính của nhân dân, của giáo dân.

 

Về phụng vụ, thứ công đồng của giới báo chí không quan tâm đến phụng vụ như một hành vi đức tin, nhưng như một thứ trong đó người ta làm những điều có thể hiểu được, một thứ hoạt động của cộng đồng, một điều trần thục.

 

ĐTC nhận xét rằng thứ công đồng của giới truyền thông như thế, hay công đồng tiềm thể, đi tới mọi người, và có hiệu năng hơn, nhưng nó tạo nên bao nhiêu thảm hại, bao nhiêu vấn đề và lầm than trong thực tế: các tu viện, học viện chủng viện bị đóng cửa, phụng vụ bị tầm thường hoá, và công đồng đích thực gặp gó khăn trong việc cụ thể hoá, và trong việc thực hiện. Công đồng tiềm thể của giới truyền thông mạnh mẽ hơn công đồng thực sự.

 

ĐTC kết luận rằng tôi thấy 50 năm sau Công đồng, thứ công đồng tiềm thể ấy bị tan vỡ, bị mất đi, và xuất hiện công đồng đích thực với tất cả sức mạnh tinh thần, và nghĩa vụ chúng ta trong Năm Đức Tin này là làm việc để công đồng đích thực, với sức mạnh của Thánh Linh, được thể hiện và Giáo Hội được canh tân đích thực.

 

ĐTC cũng nói rằng “cho dù tôi rút lui vào đời sống đầu nguyện, nhưng tôi luôn luôn gần gũi anh em và tôi chắc chắn rằng anh em cũng gần gũi tôi, cho dù đối với thế giới, tôi ở ẩn”. (SD 14-2-2013)