26/12/2024

Isaia, Phêrô và Phaolô: ba kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa

Phụng vụ Chúa Nhật V Mùa Thường Niên hôm nay trình bày cho chúng ta chủ đề tiếng Chúa gọi. Trong một thị kiến hùng vĩ, Isaia đang đứng đối diện với Đức Chúa ba lần thánh, và ông cảm thấy vô cùng sợ hãi, cũng như cảm nghiệm một cách sâu xa về sự bất xứng của mình.

 Isaia, Phêrô và Phaolô: ba kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa

Kinh Truyền Tin – Quảng trường Thánh Phêrô – Chúa Nhật V Thường Niên, 7/2/2010

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ Chúa Nhật V Mùa Thường Niên hôm nay trình bày cho chúng ta chủ đề tiếng Chúa gọi. Trong một thị kiến hùng vĩ, Isaia đang đứng đối diện với Đức Chúa ba lần thánh, và ông cảm thấy vô cùng sợ hãi, cũng như cảm nghiệm một cách sâu xa về sự bất xứng của mình. Nhưng một Thiên thần Xêraphin thanh luyện môi miệng ông bằng một cục than hồng cháy bỏng và xoá tội cho ông. Và vị Tiên tri, sau khi cảm thấy mình đã sẵn sàng đáp tiếng Chúa gọi, liền thốt lên: “Này con đây, lạy Đức Chúa, xin hãy sai con!” (x. Is 6,1-2.3-8). Sự tiếp nối những tâm tình trên cũng hiện diện trong giai thoại về mẻ lưới kỳ diệu mà đoạn Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Được Đức Giêsu mời gọi thả lưới, mặc dầu suốt đêm không bắt được con cá nào, Simon Phêrô và các môn đệ khác, vì tin tưởng vào Lời của Chúa, nên đã đánh được một mẻ lưới ngoài sức tưởng tượng. Khi đối diện với một điều kỳ diệu như thế, Simon Phêrô không bá lấy cổ Đức Giêsu để nói lên niềm vui vì có được mẻ lưới ngoài sức mong đợi, nhưng như Thánh sử Luca kể lại, ông quỳ sụp dưới chân Chúa mà thưa: “Lạy Chúa, xin hãy xa con, vì con là kẻ có tội!”. Lúc đó, Đức Giêsu trấn an ông: “Đừng sợ, vì từ nay con sẽ chài lưới người ta” (x. Lc 5,10); và ông, sau khi đã từ bỏ mọi sự, liền đi theo Đức Giêsu.

Về phần Thánh Phaolô cũng thế, khi nhớ lại mình đã bách hại Giáo Hội, người cho rằng mình không đáng được gọi là Tông đồ, nhưng nhìn nhận ơn Chúa đã thực hiện nơi người những điều kỳ diệu, và mặc dầu có giới hạn, nhưng Thiên Chúa vẫn giao cho người bổn phận và vinh dự rao giảng Tin Mừng (x. 1Cr 15,8-10). Qua ba kinh nghiệm này, chúng ta đã thấy được làm sao sự gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa đã giúp con người nhận ra sự nghèo nàn và thiếu khả năng, cũng như những giới hạn và tội lỗi của mình. Mặc dầu mỏng giòn, nhưng Chúa là Đấng giàu lòng nhân hậu và hay tha thứ, đã biến đổi cuộc sống của con người và mời gọi họ đi theo Chúa. Sự khiêm nhường của Isaia, Phêrô và Phaolô mời gọi tất cả những ai được Chúa kêu gọi không nên quá bận tâm đến những giới hạn của mình, nhưng luôn nhìn lên Chúa và lòng nhân hậu đáng ngạc nhiên của Người, có như thế tâm hồn của họ mới được biến đổi, và họ mới có thể tiếp tục vui vẻ “từ bỏ tất cả” mà đi theo Người. Vì chưng Thiên Chúa không nhìn điều gì là quan trọng theo kiểu con người: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy sâu tâm hồn” (1S 16,7), và Thiên Chúa biến đổi những con người nghèo hèn và yếu đuối nhưng biết tin tưởng nơi Người thành những Tông đồ quả cảm và những sứ giả loan báo ơn cứu độ.

Trong Năm Linh mục này, chúng ta hãy cầu xin Chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của mình, và cũng hãy cầu nguyện cho những ai nghe tiếng Chúa gọi bước theo Người, sau khi đã biện phân kỹ càng, có thể quảng đại đáp lại tiếng Chúa, không phải dựa vào sức riêng của mình, nhưng mở rộng lòng đón nhận ơn Chúa. Tôi đặc biệt mời gọi các Linh mục khơi lại thái độ sẵn sàng đầy quảng đại của họ, để có thể đáp lại tiếng Chúa gọi mỗi ngày với một lòng khiêm nhường và với một niềm tin như Isaia, Phêrô và Phaolô.

Chúng ta hãy dâng cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh mọi ơn gọi, đặc biệt những ơn gọi sống đời tu sĩ và linh mục. Ước gì Đức Maria làm nảy sinh trong lòng mỗi người ước muốn thưa lên Chúa tiếng “xin vâng” với niềm vui tận hiến.