Con Thiên Chúa hiến dâng bản thân mình là mẫu mực của những người sống đời tận hiến

Hiến tế của Con Thiên Chúa – được tượng trưng qua việc dâng Chúa vào Đền thánh – là mẫu mực cho mọi người, nam cũng như nữ, hiến trọn đời mình cho Chúa. Ngày Thế giới sống đời tận hiến có ba mục đích: trước tiên là ca ngợi và tạ ơn Chúa vì hồng ân sống đời tận hiến; thứ hai cổ vũ Dân Chúa hiểu biết và đánh giá cao đời sống tận hiến; cuối cùng mời gọi những ai đã hiến trọn đời mình cho đại cục Tin Mừng ca ngợi những kỳ công Chúa đã thực hiện trong đời họ

 Con Thiên Chúa hiến dâng bản thân mình là mẫu mực của những người sống đời tận hiến

Cử hành giờ Kinh Chiều lễ dâng Chúa vào Đền thánh Nhân Ngày Thế giới sống đời tận hiến  - Vương cung Thánh đường Vatican – Thứ Ba, Lễ dâng Chúa vào Đền thánh, 2/2/2010

Anh chị em thân mến,

Trong ngày lễ dâng Chúa vào Đền thánh, chúng ta cử hành một mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Kitô, được gắn liền với giới luật Môsê quy định cho các bậc làm cha làm mẹ, sau khi sinh con trai đầu lòng được 40 ngày, phải lên Đền thờ Giêrusalem để dâng con trai mình cho Thiên Chúa, và để thanh tẩy người mẹ theo luật dạy (x. Xh 13,1-2.11-16; Lv 12,1-8). Về phần mình, Đức Maria và Thánh Giuse cũng thi hành nghi lễ này, bằng cách dâng một cặp chim gáy hay bồ câu theo luật dạy. Khi đọc những điều này một cách sâu xa hơn, chúng ta hiểu rằng ngay lúc đó, chính Thiên Chúa giới thiệu Người Con Một của mình cho nhân loại, qua những lời của cụ già Simêon và nữ tiên tri Anna. Thực thế, cụ già Simêon tuyên bố Đức Giêsu là “ơn cứu độ” cho nhân loại, là “ánh sáng” muôn dân và là “dấu vấp phạm”, bởi vì Người vạch rõ những ý nghĩ từ thâm tâm con người (x. Lc 2,29-35). Tại Đông phương, lễ này được gọi là Hypapante, lễ của sự gặp gỡ: thực thế, cụ Simêon và bà Anna, là những người gặp gỡ Đức Giêsu trong Đền thờ và nhận ra Người là Đấng Thiên Sai hằng được mong đợi, tượng trưng cho nhân loại gặp được Chúa của mình trong Giáo Hội. Sau đó lễ này cũng được truyền sang Tây phương, và nhất là biểu tượng ánh sáng, và rước nến là nguồn gốc của “Lễ Nến” cũng đã được khai triển. Qua dấu hiệu hữu hình này, ta muốn nói rằng Giáo Hội đã gặp được trong đức tin Đấng là “ánh sáng muôn dân”, và đón tiếp Người với một đức tin hăng say để mang “ánh sáng” này đến cho trần gian.

Cùng với ngày lễ này, Đức Gioan Phaolô II đáng kính, ngay từ năm 1997, đã muốn cho mọi người cử hành một Ngày đặc biệt về đời sống tận hiến trong toàn Hội Thánh. Thực thế, hiến tế của Con Thiên Chúa – được tượng trưng qua việc dâng Chúa vào Đền thánh – là mẫu mực cho mọi người, nam cũng như nữ, hiến trọn đời mình cho Chúa. Ngày Thế giới sống đời tận hiến có ba mục đích: trước tiên là ca ngợi và tạ ơn Chúa vì hồng ân sống đời tận hiến; thứ hai cổ vũ Dân Chúa hiểu biết và đánh giá cao đời sống tận hiến; cuối cùng mời gọi những ai đã hiến trọn đời mình cho đại cục Tin Mừng ca ngợi những kỳ công Chúa đã thực hiện trong đời họ. Trong khi cám ơn anh chị em đã đến đây thực đông đủ, trong ngày đặc biệt dành riêng cho anh chị em, với tâm tình quý mến sâu xa, tôi xin được chào mỗi người trong anh chị em: các tu sĩ nam nữ và những người sống đời tận hiến, và nói lên với anh chị em tâm tình gần gũi, cũng như sự đánh giá chân thành của tôi đối với những điều tốt lành mà anh chị em đang làm để phục vụ Dân Chúa.

Bài đọc ngắn gọn được trích từ Thư gửi tín hữu Do Thái, vừa mới được công bố, liên kết thực tuyệt vời những lý do đầu tiên của ngày lễ tuyệt đẹp và đầy ý nghĩa này, và mang lại cho chúng ta một vài yếu tố để suy nghĩ. Bản văn này – ở đây chỉ có hai câu, nhưng rất phong phú về ý nghĩa – mở đầu phần thứ hai của Thư gửi tín hữu Do Thái, và giới thiệu chủ đề chính về Đức Kitô Thượng tế. Thực thế ta cũng phải để ý đến câu đi liền trước đó, được diễn tả như sau: “Bởi vì chúng ta có một vị Thượng tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin của chúng ta” (Dt 4,14). Câu Kinh Thánh này giới thiệu Đức Giêsu đang đi lên với Chúa Cha; câu sau giới thiệu Người đang đi xuống với con người. Đức Kitô được trình bày như Đấng trung gian: Người là Thiên Chúa thực và là người thực, như thế, Người thực sự thuộc về thế giới thần linh và thế giới phàm nhân.

Thực ra, chỉ trên nền tảng của đức tin duy nhất này, trên lời tuyên tín này vào Đức Giêsu Kitô, là vị Trung gian duy nhất và sau cùng mà đời tận hiến, một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa qua Đức Kitô mới có được ý nghĩa trong Giáo Hội. Cuộc đời tận hiến chỉ có ý nghĩa nếu Đức Kitô thực sự là vị Trung gian giữa Thiên Chúa và chúng ta, nếu không thì đó chỉ là một hình thức thăng hoa hay đào tẩu. Nếu Đức Kitô không thực sự là Thiên Chúa, và nếu đồng thời Người không hoàn toàn là con người, thì nền tảng của đời sống Kitô hữu sẽ biến mất, và một cách đặc biệt hơn, nền tảng của bất cứ đời sống tận hiến nào của con người, nam cũng như nữ, cũng đều sẽ biến mất. Quả thật, cuộc đời tận hiến chứng tỏ và diễn tả một cách “mạnh mẽ” sự kiện Thiên Chúa và con người đang tìm kiếm nhau, tình yêu của cả hai đang lôi cuốn nhau. Đời sống tận hiến làm cho con người tận hiến trở nên một cây “cầu” dẫn đến Thiên Chúa cho tất cả những ai gặp gỡ Người, hay làm cho người tận hiến trở nên một lời nhắc nhớ, một điểm quy chiếu. Và tất cả những điều đó có được là nhờ sự trung gian của Đức Giêsu Kitô, Đấng Được Thánh Hiến của Chúa Cha. Người là nền tảng! Người chia sẻ sự mỏng giòn của chúng ta để chúng ta có thể tham dự vào thần tính của Người.

Bản văn nhấn mạnh đến “lòng tin” hơn là đức tin, lòng tin mà nhờ đó chúng ta có thể tiến lại gần “ngai ân sủng”, bởi vì vị Thượng tế của chúng ta cũng “đã chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta”. Chúng ta có thể tiến lại gần Người để được “thương xót”, để “được tha thứ”, và để “được giúp đỡ khi cần thiết”. Tôi nghĩ rằng những lời nói này chứa đựng cả một chân lý sâu xa, và đồng thời còn là một sự uỷ lạo lớn lao cho chúng ta là những người đã lãnh nhận hồng ân và sự cam kết sống một cuộc đời tận hiến đặc biệt trong Giáo Hội.

Tôi đặc biệt nghĩ đến anh chị em, hỡi anh chị em thân mến. Anh chị em đã hoàn toàn tin tưởng tiến lại gần “ngai ân sủng” là Đức Kitô, tiến lại gần Thánh giá, tiến lại gần Thánh Tâm Người, tiến lại gần Người đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Mỗi người trong anh chị em đã tiến lại gần Người như nguồn mạch Tình Yêu tinh tuyền và trung tín, một tình yêu vĩ đại và đẹp đẽ đến độ đáng cho chúng ta hy sinh tất cả, và thậm chí còn hơn tất cả những điều chúng ta có, bởi vì cả một cuộc đời chúng ta cũng không đủ để trả lại cho Đức Kitô tất cả những gì là của Người và tất cả những gì Người đã làm cho chúng ta. Nhưng anh chị em đã tiến lại gần Người, và mỗi ngày, anh chị em đang tiến lại gần Người, thậm chí để được Người giúp đỡ đúng lúc và vào giờ phút thử thách.

Những người sống đời tận hiến được kêu mời một cách đặc biệt để làm chứng cho lòng Chúa nhân từ, mà trong đó con người tìm thấy ơn cứu độ. Họ trải nghiệm một cách sâu xa về sự tha thứ của Chúa, bởi vì họ biết mình được cứu chuộc, họ biết mình cao cả, khi họ thấy mình bé nhỏ và cảm thấy mình được Thiên Chúa thánh thiện đổi mới và bao phủ, khi họ nhìn nhận tội lỗi của mình. Chính vì lý do đó mà đối với con người ngày hôm nay, nam cũng như nữ, đời sống tận hiến vẫn là một ngôi trường ưu việt dạy ta “tâm tình thống hối”, lòng khiêm nhường nhìn nhận nỗi khốn cùng của ta, nhưng đồng thời cũng là một ngôi trường dạy ta niềm tin vào lòng Chúa nhân từ, vào tình yêu không bao giờ bỏ rơi ta. Trong thực tế, ta càng tiến lại gần Thiên Chúa, ta lại càng ở gần Người, ta lại càng giúp ích cho người khác. Những người sống đời tận hiến cảm nghiệm về ân sủng, về lòng Chúa nhân từ, về ơn tha thứ của Chúa không chỉ đối với mình, mà còn đối với những người anh chị em của họ, khi họ được mời gọi mang trong tâm hồn và trong lời kinh những âu lo và những mong đợi của con người, đặc biệt của những ai sống xa Thiên Chúa. Đặc biệt, những cộng đoàn tu kín, với sự cam kết trung thành “sống với Chúa”, “đứng dưới chân Thánh giá”, thường đóng vai trò đại diện này, kết hợp với Đức Kitô chịu Thương Khó, mang lấy trên bản thân mình những đau khổ và thử thách của người khác, và vui vẻ dâng tất cả cho Chúa để cứu rỗi thế gian.

Cuối cùng, các bạn thân mến, chúng ta hãy dâng lên Chúa một bài ca tạ ơn và ca tụng vì đời sống tận hiến. Nếu không có đời sống tận hiến thì thế giới này sẽ nghèo nàn biết bao! Ngoài sự đánh giá chỉ dừng lại ở bề mặt về lợi ích của đời sống tận hiến, đời sống này quan trọng, vì nó là dấu chỉ của sự quảng đại và tình yêu vô tận, và ta càng thấy rõ điều này hơn trong một xã hội có nguy cơ bị bóp nghẹt trong cơn lốc của cái phù du và thực tiễn (x. Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục Vita consecrata,  -  Đời sống tận hiến  -  s. 105). Trái lại, đời sống tận hiến làm chứng cho tình yêu sung mãn, khích lệ chúng ta “đánh mất” mạng sống mình, để đáp lại tình yêu sung mãn của Thiên Chúa, là Đấng đầu tiên đã “đánh mất” sự sống mình vì chúng ta.

Trong lúc này, tôi nghĩ đến những người sống đời tận hiến đang cảm thấy gánh nặng của những nỗ lực hàng ngày mà qua đó, họ chẳng nhận được sự thưởng công đến từ con người là bao nhiêu, tôi nghĩ đến những tu sĩ nam nữ đã cao tuổi, bệnh hoạn, nghĩ đến những ai đang cảm thấy khó khăn trong hoạt động tông đồ của mình… Không một ai trong họ là vô ích cả, bởi vì Chúa liên kết họ với “ngai ân sủng” của Người. Nhưng trái lại, họ là một hồng ân quý giá cho Giáo Hội và cho thế giới, một thế giới đang khát khao Thiên Chúa và Lời của Người.

Như thế, với lòng tín thác và biết ơn, chúng ta hãy canh tân đời sống tận hiến của chúng ta, khi dâng mình cho Chúa trong Đền thờ. Ước gì Năm Linh mục là một thời cơ cho các tu sĩ linh mục gia tăng hơn nữa con đường nên thánh của mình, và là một khích lệ cho tất cả những người sống đời tận hiến đồng hành và nâng đỡ thừa tác vụ của mình qua lời kinh sốt sắng. Năm ân sủng này đạt đến cao điểm tại Rôma, vào tháng Sáu tới đây, qua một cuộc gặp gỡ quốc tế giữa các linh mục, và tôi mời gọi tất cả những ai thi hành thừa tác vụ thánh tham dự. Chúng ta tiến lại gần Thiên Chúa ba lần thánh, để hiến dâng cuộc đời và sứ mệnh của chúng ta, cá nhân cũng như cộng đoàn, những người sống đời tận hiến, nam cũng như nữ, cho Vương quốc của Thiên Chúa. Chúng ta thể hiện động tác nội tâm này trong sự hiệp thông thân tình với Đức Trinh Nữ Maria: khi chiêm ngắm Mẹ đang dâng Con Trẻ Giêsu trong Đền thánh, chúng ta tôn kính Mẹ với tư cách là người sống đời tận hiến đầu tiên và tuyệt hảo, được Thiên Chúa mà Mẹ đang bồng ẵm trong tay dâng lên; Đức Trinh Nữ, là người khiêm nhường và vâng lời, là người hoàn toàn tận tuỵ với chúng ta, bởi vì Mẹ hoàn toàn tận tuỵ với Thiên Chúa. Nhờ học nơi Mẹ, và được Mẹ hiền giúp đỡ, chúng ta hãy lập lại tiếng “này con đây” và tiếng “fiat” của chúng ta. Amen.