27/12/2024

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20-1-2013, ĐTC Bênêđictô XVI đã giải thích ý nghĩa phép lạ của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana, mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, cũng như kêu gọi chấm dứt thảm trạng tàn sát các thường dân vô tội trong các cuộc xung đột hiện nay trên thế giới.

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô

 

VATICAN – Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20-1-2013, ĐTC Bênêđictô XVI đã giải thích ý nghĩa phép lạ của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana, mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, cũng như kêu gọi chấm dứt thảm trạng tàn sát các thường dân vô tội trong các cuộc xung đột hiện nay trên thế giới.

 

Hàng ngàn tín hữu đã tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới trời mưa. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC nói:

 

Anh chị em thân mến!

 

Hôm nay, phụng vụ trình bày Tin Mừng về tiệc cưới Cana, một giai thoại được Thánh Gioan là chứng nhân tận mắt kể lại. Giai thoại này được đặt trong Chúa Nhật hôm nay, ngay sau mùa Sinh Nhật, vì cùng với cuộc viếng thăm của các Đạo sĩ Đông phương, và biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, hợp thành 3 biến cố hiển linh, nghĩa là sự tỏ mình ra của Chúa Kitô. Thực vậy, biến cố tiệc cưới Cana là “khởi đầu các dấu lạ” (Ga 2,11), nghĩa là phép lạ đầu tiên do Chúa Giêsu thực hiện, qua đó Ngài biểu lộ công khai vinh quang của Ngài, khơi dậy niềm tin của các môn đệ. Chúng ta hãy gợi lại vắn tắt những gì xảy ra trong tiệc cưới ở Cana. Xảy ra là họ thiếu rượu và Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, nói với Con của Mẹ về điều đó. Chúa trả lời là giờ của Ngài chưa tới; nhưng rồi Ngài vẫn theo lời yêu cầu của Mẹ Maria, và sau khi 6 chum nước lớn được đổ đầy, Chúa biến nước thành rượu, rượu ngon tuyệt hảo, ngon hơn rượu trước đó. Với “dấu lạ” này, Chúa Giêsu tỏ mình ra như vị Hôn Phu cứu thế, đến để thiết lập với dân Ngài giao ước mới và vĩnh cửu, theo lời các ngôn sứ: “Như hôn phu vui mừng vì hôn thê, Thiên Chúa của ngươi cũng vui mừng vì ngươi” (Is 62,5). Và rượu là biểu tượng niềm vui ấy của tình yêu; nhưng rượu cũng ám chỉ máu mà Chúa Giêsu sẽ đổ ra vào thời sau cùng, để ký kết hôn ước của ngài với nhân loại.

 

“Giáo Hội là hiền thê của Chúa Kitô, Đấng làm cho Giáo Hội trở nên thánh thiện và tươi đẹp nhờ ân sủng của Ngài. Nhưng hôn thê này gồm những con người họp thành, luôn cần được thanh tẩy. Và một trong những tội nặng nhất làm biến dạng khuôn mặt của Giáo Hội là tội chống lại sự hiệp nhất hữu hình của Hội Thánh, đặc biệt là những chia rẽ lịch sử đã chia cách các tín hữu Kitô và cho đến nay vẫn chưa khắc phục được. Chính trong những ngày này, từ 18 đến 25-1, đang diễn ra Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các tín hữu Kitô, một thời điểm ngày càng được các tín hữu Kitô và các cộng đoàn đón nhận, khơi dậy nơi mọi người ước muốn và sự dấn thân tinh thần để đạt tới sự hiệp thông trọn vẹn. Theo nghĩa đó, buổi canh thức cầu nguyện mà tôi đã có thể cử hành cách đây khoảng 1 tháng, tại Quảng trường Thánh Phêrô này, với hàng ngàn bạn trẻ từ các nơi ở Âu châu tựu về, và cùng với Cộng đoàn Đđại kết Taizé: đó là một thời điểm hồng phúc trong đó chúng ta đã cảm nghiệm vẻ đẹp được liên kết với nhau thành cộng đoàn duy nhất trong Chúa Kitô. Tôi khuyến khích tất cả mọi người hãy cùng nhau cầu nguyện để chúng ta có thể thực hiện “điều mà Chúa đòi hỏi chúng ta” (Mk 6,6-8), như chủ đề Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất năm nay; một đề tài được một số cộng đồng Kitô tại Ấn Độ đề nghị, mời gọi hãy quyết liệt tiến bước về sự hiệp nhất hữu hình giữa tất cả các tín hữu Kitô và, như những anh chị em trong Chúa Kitô, khắc phục mọi thứ kỳ thị bất công. Thứ sáu tới đây (25-1-2013), vào cuối những ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất này, tôi sẽ chủ sự Kinh Chiều tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, trước sự hiện diện của các đại diện các Giáo hội khác và các Cộng đoàn Giáo Hội.

 

“Các bạn thân mến, ngoài ý nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, một lần nữa tôi muốn thêm ý nguyện cho hoà bình, để trong các cuộc xung đột, rất tiếc là vẫn còn đang diễn ra, các cuộc thảm sát thường dân vô tội được đình chỉ, mọi bạo lực được chấm dứt, và tìm được can đảm đối thoại và thương thuyết. Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh, Đấng trung gian ân phúc, cho cả hai ý nguyện đó.”

 

Chào thăm tín hữu

 

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã chào thăm các tín hữu bằng 6 thứ tiếng khác nhau, không kể tiếng Ý.

 

Bằng tiếng Pháp, ngài cũng đề cập đến tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất và nói: “Chúng ta hãy dấn thân cụ thể yêu thương nhau để thế gian tin. Xin Chúa ban chúng ta, đặc biệt trong Năm Đức Tin này, ơn hoán cải tâm trí để tình hiệp thông giữa các tín hữu đã chịu phép rửa được thực sự hữu hiệu.

 

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC giải thích một ý nghĩa của tiệc cưới Cana và nhận định: “Theo lời xin của Mẹ Maria và nhờ sự cộng tác của những người giúp việc đổ đầy 6 chum nước, Chúa đã giúp đỡ đôi tân hôn trong tình trạng khó khăn. Sự kiện này khích lệ chúng ta hãy tín thác nơi sự chuyển cầu của Mẹ Maria và như những người giúp việc trong trình thuật Tin Mừng, Mẹ khích lệ chúng ta hãy tin nhận Lời Chúa Giêsu, cộng tác với Ngài và bước theo Ngài để tiến bước đến cùng Thiên Chúa.

 

Bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC đặc biệt chào nhóm tín hữu thuộc Giáo xứ Bửu Huyết ở thành phố Valencia. Ngài nhắc đến tiệc cưới Cana, qua đó Chúa Giêsu làm cho con người được tràn đầy hồng ân cứu độ mà tự mình con người không thể đạt được. Đón nhận hồng ân Chúa ban, hồng ân đức tin và hy vọng nơi Chúa Giêsu, đó chính là điều làm cho tâm hồn con người thực sự được sung mãn.

 

Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC chào thăm các gia đình và tín hữu thuộc các giáo xứ, hội đoàn và phong trào khác nhau. Ngài cầu chúc tất cả một chúa nhật và một tuần lễ tốt đẹp.