27/12/2024

Về vai trò của ĐGH Piô XII trong việc cứu người Do Thái khỏi thảm hoạ diệt chủng

Viện Nghiên cứu Quốc tế Thảm hoạ Diệt chủng Do Thái Yad Vashem vừa công bố các tài liệu của một cuộc Hội thảo kín được tổ chức vào năm 2009, dẫn đến việc thay đổi chú thích gây tranh cãi dưới bức ảnh Đức Giáo hoàng Piô XII.

Về vai trò của ĐGH Piô XII trong việc cứu người Do Thái khỏi thảm hoạ diệt chủng

 

WHĐ (12.1.2013) – Viện Nghiên cứu Quốc tế Thảm hoạ Diệt chủng Do Thái Yad Vashem vừa công bố các tài liệu của một cuộc Hội thảo kín được tổ chức vào năm 2009, dẫn đến việc thay đổi chú thích gây tranh cãi dưới bức ảnh Đức Giáo hoàng Piô XII.

 

Một cuốn sách nhan đề “Piô XII và Cuộc diệt chủng Do Thái. Tình hình nghiên cứu hiện nay” (278 trang), do David Bankier, Dan Michman và Iael Nidam Orvieto biên soạn, mới được bày bán tại nhà sách của Khu Tưởng niệm Yad Vashem. Cuốn sách viết về chân dung Đức Giáo hoàng Piô XII và những hoạt động của ngài được nói đến trong một Hội thảo Quốc tế kín diễn ra tại Yad Vashem hồi tháng 3-2009.

 

Các học giả khắp nơi trên thế giới đã gặp nhau để trao đổi những quan điểm của họ về Đức Piô XII. Hội thảo do Viện Quốc tế Nghiên cứu Thảm hoạ Diệt chủng Do Thái và Viện Thần học của Dòng Don Bosco tại Giêrusalem tổ chức. Sứ thần Toà Thánh tại Israel cũng có mặt.

 

Hội thảo này được tổ chức không lâu trước cuộc hành hương của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến Israel. Trước chuyến viếng thăm, một cuộc tranh luận đã nổ ra về nội dung của chú thích dưới bức ảnh Đức Giáo hoàng Piô XII, được trưng bày ở bảo tàng. Toà Thánh cho rằng chú thích này quá tiêu cực và không có cơ sở.

 

Tuy nhiên, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Quốc tế Yad Vashem từ 2000 đến 2010 đã quá cố là David Bankier chắc chắn không có ý định đổ thêm dầu vào cuộc tranh luận về Đức Piô XII dưới sự thúc đẩy của áp lực chính trị và ngoại giao liên quan đến cuộc viếng thăm sắp diễn ra của Đức Giáo hoàng Bênêđcitô XVI. Ý định của Ban Tổ chức chỉ đơn giản là khuyến khích một cuộc tranh luận nghiêm túc, dựa trên các tài liệu và nghiên cứu gần đây nhất.

 

Hội thảo năm 2009 tại Giêrusalem đã dẫn đến việc các nhà lãnh đạo Yad Vashem có những thay đổi quan trọng về chú thích dưới bức ảnh Đức Giáo hoàng Piô XII hồi năm ngoái. Thay đổi này trình bày Đức Giáo hoàng theo một ánh sáng khách quan và phức tạp hơn. Quyết định này đã không được hoan nghênh ở cả trong và ngoài Giêrusalem nhưng vẫn được các nhà nghiên cứu tại Yad Vashem bảo vệ, họ ủng hộ quyết định này bằng lý luận khoa học. Quyết định này không do yếu tố chính trị hoặc ngoại giao thúc đẩy, cũng không liên quan đến cuộc đối thoại Do Thái – Kitô giáo. Cuối cùng, sau một thời gian dài chờ đợi, các biên bản và một số tài liệu được đưa ra trong cuộc Hội thảo kín nay được công bố. Một yếu tố rất quan trọng được trình bày trong Hội thảo hẳn là các kết quả nghiên cứu của Nữ tu kiêm Sử gia Grazia Loparco, người đang thu thập tài liệu và chứng từ liên quan đến các tổ chức Công giáo Italia đã mở cửa đón nhận người Do Thái bị bách hại.

 

Trong số khoảng 750 tu viện (475 nữ và 270 nam) tính riêng tại Roma, “chúng tôi đã xác nhận có hơn 200, ít nhất là 220 tu viện nữ và 70 tu viện nam đã che giấu người Do Thái. Việc chưa tìm được thông tin cụ thể về các tu viện khác, không có nghĩa là sự trợ giúp người bị bách hại không có quy mô rộng rãi hơn, bởi vì những điều kiện khách quan khuyên người ta phải thận trọng và một số nhân chứng đã đưa ra bằng chứng miệng khẳng định rằng họ không dám viết ra bất cứ điều gì vào thời điểm đó, vì điều đó quá nguy hiểm.

 

Có rất nhiều bất đồng về việc Đức Piô XII đã ảnh hưởng đến quyết định của tu viện đến mức độ nào. Nhưng có vẻ như khá rõ ràng rằng các sáng kiến ​​này đã được Đức Giáo hoàng chấp thuận – theo như con số các tổ chức đã tham gia và đặc biệt một bài báo trên tờ báo chính thức của Toà Thánh L’Osservatore Romano ra ngày 25-26/10/1943, vài ngày sau khi cuộc tấn công vào các khu biệt cư của người Do Thái tại Roma.

 

Một cuộc Hội thảo kín thứ hai về chân dung của Đức Piô XII và các vấn đề khác vẫn còn để ngỏ đã được tổ chức từ ngày 12 đến 13-11-2012, do Sử gia Edouard Housson thuộc Đại học Sorbonne ở Paris tổ chức.

 

(Andrea Tornielli, Vatican Insider, 10-1-2013)