Lễ Thánh Gia thất: Gia đình Việt Nam vượt qua tình trạng lạc mất Chúa Giêsu

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào gia đình nhân loại, gia đình dân tộc Việt Nam, gia đình cộng đồng mà chúng ta đang thuộc về như giáo xứ, công ty, xí nghiệp, nhất là gia đình riêng tư của chúng ta, để có thể tìm được bình an và hạnh phúc theo gương mẫu của Thánh Gia

 

Gia đình Việt Nam vượt qua tình trạng lạc mất Chúa Giêsu

Hành Khất Kitô

Lời mở

Ngôi Lời đã trở thành con người sống trong gia đình nhân loại, thuộc về dân tộc Do Thái, là con Đức Maria và Thánh Giuse. Vì thế, hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào gia đình nhân loại, gia đình dân tộc Việt Nam, gia đình cộng đồng mà chúng ta đang thuộc về như giáo xứ, công ty, xí nghiệp, nhất là gia đình riêng tư của chúng ta, để có thể tìm được bình an và hạnh phúc theo gương mẫu của Thánh Gia. Tuy nhiên, trước khi soi rọi vào gia đình Nazareth gương mẫu chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tình trạng gia đình Việt Nam hiện nay vì gia đình dân tộc phản ánh gia đình mỗi cá nhân và gia đình cá nhân lại chính là yếu tố cơ bản để xây dựng gia đình cộng đồng dân tộc.

1. Tình trạng gia đình Việt Nam hiện nay

Nhìn vào gia đình dân tộc Việt Nam chúng ta thấy có vài điểm đáng lưu ý sau đây.

1.1. Trước hết đó là tình trạng vô sinh và hiếm muộn của nhiều gia đình. Bài đọc I kể cho chúng ta về câu chuyện bà Anna hiếm muộn, mẹ của tiên tri Samuel (x. 1Sm 1,20-22.24-28), dâng con cho Chúa như gợi ý về sự kiện Việt Nam hiện đang có từ 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh.  Đây là một con số bất ngờ được chính ông Nguyễn Việt Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế và là giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội công bố đầu tháng 12 này. Tỉ lệ vô sinh của gia đình Việt Nam là 7,7%. Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường, thức ăn độc hại và quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh của phụ nữ là viêm nhiễm đường tình dục gây tắc vòi tử cung, do phá thai không an toàn, thiếu hiểu biết về sức khoẻ sinh sản và an toàn tình dục trong một bộ phận giới trẻ (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 26/12/2012).

1.2. Điều lưu ý thứ 2 là tình trạng ly dị. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu xã hội Việt Nam. Việt Nam có 31% – 40% gia đình sống trong tình trạng ly hôn, cứ 2,7 cuộc hôn nhân là có 1 cuộc ly hôn. Tất cả hầu như bắt nguồn từ việc thiếu tình yêu và lòng chung thuỷ với nhau trong hôn nhân. Việc ly hôn kéo theo biết bao hệ luỵ làm tan nát gia đình và tổn thương không thể chữa lành nơi những đứa con còn nhỏ tuổi.

1.3. Yếu tố thứ 3 là tình trạng phá thai và không tôn trọng sự sống. Việt Nam đang đứng thứ 3 trên thế giới về nạn phá thai với 2 triệu ca mỗi năm. 30% phụ nữ phá thai rơi vào tình trạng trầm cảm vì ray rứt về tội ác mình đã phạm. Mỗi năm có khoảng 600.000 phụ nữ trầm cảm, 10 năm đã có khoảng 6 triệu người cần điều trị tâm lý.

1.4. Điểm lưu ý thứ 4 là tuổi quan hệ tình dục lần đầu càng ngày càng thấp. Trong cuộc họp hội thảo tại Đại học Y tế Cộng Đồng ngày 12/12/2012 tại Hà Nội, thống kê cho biết: năm 2005 tuổi đó là 19, năm 2010 tuổi đó là 18, hiện nay tuổi đó trung bình là 14-16. Việc quan hệ tình dục tự nguyện còn xảy ra cả nơi một ít em mới 12,5 tuổi qua cuộc khảo sát tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Sức khỏe Sinh sản của TP.HCM (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 13/12/2012). Điều này chứng tỏ nhiều gia đình Việt Nam đang thiếu hiểu biết về tình yêu trong sáng, cao thượng.

Vài điểm có tính tiêu cực trên đây như nhắc bảo chúng ta cần nhìn vào gia đình Nazareth để tìm lại bình an và hạnh phúc cho gia đình Việt Nam vì nhiều gia đình rơi vào tình trạng lạc mất Giêsu.

2. Tình trạng hiếm muộn, vô sinh và lạc mất Chúa Giêsu trong các gia đình

Xét về mặt tinh thần, nhiều gia đình Việt Nam rơi vào tình trạng hiếm muộn, vô sinh vì không thể có Đức Giêsu hoặc đã có rồi nhưng lại để lạc mất  Người.

2.1. Làm sao có thể lạc mất Giêsu?

Nhiều người lấy làm lạ vì Mẹ Maria và Thánh Giuse cẩn trọng như thế thì làm sao có thể lạc mất Chúa Giêsu được? Có nhiều lý do giải thích như số đông người đến dự lễ và cùng ra về 1 lúc, nam nữ có thể không đi chung với nhau khi từ đền thờ đi ra còn trẻ em có thể theo người lớn, cha hoặc mẹ, nên hai “ông bà cứ tưởng là cậu nhỏ Giêsu về chung với đoàn lữ hành” (Lc 2,44). Đức Giêsu cố ý ở lại đền thờ theo ý Chúa Cha để giúp con người trải qua kinh nghiệm: việc lạc mất Người có thể gây nên đau khổ lớn lao như thế nào. Một phụ nữ can đảm, ít nói như Mẹ Maria cũng phải thốt lên: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48).

Gia đình nhân loại, dân tộc, cộng đồng hoặc cá nhân chúng ta đều có thể lạc mất Chúa Giêsu nếu chúng ta cứ “tưởng” nghĩ và hành động theo cách riêng tư mỗi người mà không quan sát xem Đức Giêsu có ở bên cạnh chúng ta không, hoặc ta có còn nắm được bàn tay Người không?

Ta hãy nhớ lại bài Tin Mừng lễ Chúa Giáng Sinh theo thánh Gioan (Ga 1,1-18): “Ngôi Lời đã trở thành người phàm là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời ấy là sự sống, là ánh sáng, là sự thật và ân sủng”, “là tình yêu cụ thể của Chúa Cha” (x.Ga 3,16) để chúng ta có thể lắng nghe được, nhìn thấy được, sờ nắm được, ôm ấp được, kết hợp được với Người. Tuy nhiên, nhiều gia đình Việt Nam hiện nay đang  huỷ hoại sự sống do phá thai và chém giết nhau, sống trong bóng tối của tham vọng và dục vọng đến độ lừa dối, phản bội nhau, đánh mất ân sủng và tình yêu trong sáng, đích thực của Thiên Chúa đặt để trong trái tim họ. Vì thế, họ trở thành vô sinh, hiếm muộn hoặc lạc mất Đức Giêsu.

2.2. Vậy chúng ta phải làm gì khi lạc mất Giêsu?

Chắc chắn chúng ta phải đi tìm Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào, dù phải mất ăn, mất ngủ, phải lo âu vất vả trong suốt ba ngày như Đức Maria và Thánh Giuse. Trong một xã hội mà người ta dễ dàng chối bỏ Thiên Chúa, chỉ muốn đi tìm danh lợi, hưởng thụ vật chất, chiều theo những bản năng tính dục của con người như hiện nay thì việc đi tìm Đức Giêsu như là sự thật, sự sống, ánh sáng, tình yêu, ân sủng là 1 việc làm khó khăn và có thể bị chê là dở hơi, điên khùng, dại dột. Tuy nhiên, đây lại là việc có ý nghĩa lớn lao nếu chúng ta muốn xây dựng gia đình trên các nền tảng bền vững đó.

Hơn nữa, chúng ta noi gương Mẹ Maria và Thánh Giuse học hỏi lòng khiêm tốn và sự vâng phục của Chúa Giêsu. Hai vị hiểu rằng Ngôi Lời Thiên Chúa bây giờ trở thành con mình, vâng phục mình, nên các vị noi gương Ngôi Lời để học hỏi từng giây từng phút như Maria “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19.51) để khám phá ra sự thật, tình yêu, ân sủng của Thiên Chúa khi cùng sống với Đức Giêsu.

3. Hành động cụ thể để xây dựng gia đình

Khi nói đến gia đình và những vấn đề liên quan, hình như nhiều linh mục, tu sĩ chúng tôi không quan tâm lắm vì chúng tôi nghĩ rằng mình đi tu rồi, khấn giữ đức khiết tịnh rồi, nên đừng nói đến tình yêu, tình dục, hôn nhân làm gì. Đó là 1 thiếu sót lớn lao trong việc xây dựng và phát triển gia đình các cấp được Công đồng Vaticanô II, các Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênnêđictô XVI lưu ý, nhắc nhở các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân phải học hỏi, cộng tác với nhau và tích cực hành động vì gia đình là tế bào căn bản của xã hội.

Để tìm lại được Đức Giêsu, tìm lại sự thật và sự sống, tình yêu và ân sủng cho gia đình Việt Nam, ngoài những bài học giáo lý về đức tin, cậy, mến, mỗi người chúng ta cũng cần được giáo dục về những kỹ năng tổ chức và quản lý gia đình như cách tiêu dùng và quản lý tiền bạc, cách phân chia công việc trong gia đình cho mọi thành viên như giặt giũ, lo cơm nước, sắp bàn ăn, quét dọn nhà cửa… để mỗi người đều có trách nhiệm. Các bà mẹ và chị em phụ nữ nên học thêm về nữ công gia chánh để nấu ăn ngon hơn, bổ hơn, nhanh hơn, có nhiều thời giờ nghỉ ngơi hơn. Các bạn trẻ cần học thêm các kỹ năng sống để có tình yêu trong sáng, lành mạnh, học về sức khỏe sinh sản, về giới tính để chia sẻ, dạy dỗ những đứa con, đứa em của mình một cách đúng đắn.

Những bài học này cần phải tổ chức ngay trong các giáo xứ, là nội dung huấn luyện cho các thành phần Dân Chúa, đặc biệt cho các đoàn thể Công giáo Tiến Hành như Legio Mariae, Giới Trẻ Con Đức Mẹ, Thiếu Nhi Thánh Thể… thay vì chỉ sinh hoạt đạo đức, vui chơi theo truyền thống hiện nay. Đây cũng là nội dung sinh hoạt mà anh chị em tín hữu Hàn Quốc đã làm khiến cho công cuộc truyền giáo ở đó mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp.

Lời kết

Với những gợi ý về chương trình hành động như thế, chúng ta hy vọng năm mới sẽ đem lại nhiều an vui, hạnh phúc cho các gia đình Việt nam.

Xin Chúa Giêsu Hài Đồng, Mẹ Maria và Thánh Giuse chúc lành cho gia đình chúng con.