27/12/2024

Lễ Giáng Sinh (Ban ngày): Đổi mới ngôn ngữ con người

Hôm nay chúng ta mừng Chúa giáng trần để hiểu rằng lời của Chúa không phải chỉ là những âm thanh vang vọng đến đôi tai, trong lương tâm hay qua lịch sử mà đã trở thành một con người hữu hình, là Đức Giêsu Kitô, khiến chúng ta có thể nghe được, hiểu được, sờ được, hiệp thông được, cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa mà đổi mới ngôn ngữ của mình.

 

Đổi mới ngôn ngữ con người

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Chúng ta vừa nghe bài mở đầu Tin Mừng của Chúa Giêsu theo Thánh Gioan, đây là một trong những bài có ý nghĩa sâu xa nhất của Tân Ước và toàn bộ Kinh Thánh nên trong nhiều thế kỷ Giáo Hội cho đọc bài này hằng ngày trước khi kết thúc thánh lễ như muốn mời gọi Kitô hữu dùng bài Tin Mừng này để soi sáng cho mọi cảm nghĩ và hành động trong ngày sống. Sau cuộc canh tân Phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, người ta không còn đọc bài này hằng ngày nữa nhưng giá trị của bài này càng phong phú hơn vì chúng ta nhận ra rằng Ngôi Lời Thiên Chúa làm người đã hoà nhập thành một với ta để biến đổi lời nói, hành động của ta trở thành lời của Người.

Hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu Ngôi Lời đã muốn đổi mới ngôn ngữ của con người như thế nào qua mầu nhiệm Giáng Sinh này.

1. Tiếng nói của con người

Con người biết suy tư “Homo sapiens” xuất hiện cách đây khoảng 40.000 năm. Con người lúc đó đã biết dùng tiếng nói hay ngôn ngữ như công cụ để giao tiếp, như phương tiện để diễn tả chính mình. Thật ra tiếng nói có ngay từ khi con người xuất hiện trên mặt đất và càng ngày càng được đổi mới để từ những tiếng kêu, tiếng la hét, con người nói lên được những tình cảm, ước muốn, ý nghĩ cao qu‎ý của mình.

Hiện nay nhiều sắc dân trong các khu rừng rậm ở Nam Mỹ, châu Úc và người Rục ở miền Cao nguyên Trung phần Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai của ngôn ngữ vì tiếng nói của họ chỉ vài trăm từ, vừa đủ để diễn tả những sinh hoạt bình thường của đời sống chứ chưa diễn tả được những tình cảm phức tạp, những tư tưởng sâu sắc như tiếng nói của nhiều dân tộc khác.

Vì thế ngôn ngữ được định nghĩa là những từ, những âm, những quy tắc kết hợp chúng mà những người trong cùng một cộng đồng dùng làm phương tiện để giao tiếp với nhau. Thí dụ người Việt nói tiếng Việt, người Pháp nói tiếng Pháp (x. Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2005).

Tuy nhiên, tiếng nói bị giới hạn trong không gian và thời gian. Chúng ta không thể nói cho người ở xa nghe được, dù chỉ cách vài trăm mét và âm thanh chỉ vang vọng trong một vài giây. Muốn chuyển âm thanh đi xa hơn và lưu giữ được tiếng nói, chúng ta cần phải dùng những máy móc khuếch đại như amplifier, máy ghi âm.

2. Tiếng nói của Thiên Chúa

Dù là Đấng vô hình, là tinh thần tinh ròng nhưng Thiên Chúa vẫn có tiếng nói và con người chúng ta có thể nghe được, hiểu được tiếng Ngài vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, 2004, số 108).

Thư Do Thái hôm nay nói cho chúng ta hiểu rằng “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Nhưng vào thời sau hết này Thiên Chúa đã phán dạy qua Người Con của mình. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ… Người là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người đã dùng Lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Dt 1,1-3). Chúng ta cũng vừa nghe thánh Gioan trong bài Tin Mừng nói với chúng ta rằng: “Tất cả vạn vật được tạo thành nhờ Người và cho Người vì Người là Ngôi Lời Thiên Chúa… Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,1-2.14). Ngôi lời là tiếng nói, là ngôn ngữ của Thiên Chúa mạc khải cho muôn loài.

Thật ra, Thiên Chúa vô hình nói bằng bốn cách khác nhau (x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Mạc Khải (MK) Dei Verbum, số 2-4).

– Trước hết, Ngài nói qua vũ trụ vạn vật để con người có thể khám phá ra Ngài khi nhìn vạn vật xung quanh: nhìn bầu trời bao la ta biết Chúa vô cùng cao cả, nhìn bông hoa xinh đẹp ta biết Chúa là nguồn đẹp vô song.

– Cách thứ hai, Ngài nói trong lương tâm con người để chỉ dạy về đời sống luân l‎ý: điều tốt phải theo, điều xấu phải tránh.

– Cách thứ ba, Ngài nói trong lịch sử nhân loại, qua dân tộc Do Thái, để mạc khải cho con người kế hoạch cứu độ và Lời Ngài đã được ghi lại trong Thánh Kinh.

– Cách thứ tư, Ngài nói (x. Ga 3,34) qua Con Một của mình là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, để hoàn thành chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã giao phó cho Người. Đây là lời nói sung mãn và trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho chúng ta nên chúng ta không cần phải chờ đợi một lời hay một mạc khải nào khác nữa (x. MK 4). Mục đích mà Ngài nói qua Con của Ngài là để mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai và biết thánh ý của Ngài, để chúng ta có thể đến được với Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần và thông phần vào sự sống của Thiên Chúa (MK 2).

Hôm nay chúng ta mừng Chúa giáng trần để hiểu rằng lời của Chúa không phải chỉ là những âm thanh vang vọng đến đôi tai, trong lương tâm hay qua lịch sử mà đã trở thành một con người hữu hình, là Đức Giêsu Kitô, khiến chúng ta có thể nghe được, hiểu được, sờ được, hiệp thông được, cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa (1Ga 1,1-3) mà đổi mới ngôn ngữ của mình.

3. Đổi mới ngôn ngữ con người

Để phát ra được tiếng nói có ý nghĩa, toàn thân con người, nhất là bộ não, phải làm việc liên tục. Bộ não con người có 2 bán cầu não phải và trái. Khi một âm thanh vang đến tai người nghe, bán cầu não trái tiếp nhận qua thần kinh thính giác ở vùng thính giác thông thường để phân loại âm thanh trầm bổng. Nhưng để hiểu được ý nghĩa của lời nói phải nhờ đến vùng Wernicke, còn muốn hiểu được ý nghĩa của chữ viết, phải nhờ đến vùng não Broca (x. Gs Phạm Đình Lựu, Sinh lý Y khoa, chương XII, tr. 325-326, NXB Y học, 2009).

Để 1 đứa trẻ gọi được tiếng “Ba” đối với người cha của mình, nó phải nghe được tiếng nói của người cha trầm hay bổng qua thính giác, nhận ra màu sắc của làn da, mái tóc, mắt mũi, khuôn mặt, cử chỉ của người cha qua thị giác của từng loại thần kinh ở bán cầu não trái, rồi tổng hợp tất cả ở bán cầu não phải, sau đó mới phát ra được tiếng “Ba!”. Nhiều đứa trẻ có hội chứng tự kỷ, chỉ đón nhận được tiếng nói, màu sắc, cử chỉ mà không hiểu được ý nghĩa của tiếng nói, không tổng hợp các dữ liệu thần kinh nên không thể nói được hay nói vô nghĩa.

Trong đời sống thường ngày, nhiều người nói tục, nói dối, nói xấu, nói những lời chua cay, gây bất hoà là bởi vì não của họ làm việc không bình thường. Đi ra ngoài phố, ta thấy có người cứ thêm từ “Đ.M” vào từng câu nói như một tiếng đệm cần thiết. Trong bộ não của họ, loại hình ngôn ngữ ấy đã trở thành một thói quen khó sửa nếu không có một cuộc tập luyện tinh thần.

Ông bà chúng ta vẫn dạy rằng: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hơn nữa, chúng ta là những người Kitô hữu, lời nói của chúng ta bây giờ không phải chỉ là những lời tự nhiên, mà còn là lời của Thiên Chúa, lời của Đức Kitô vì Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta, ở trong chúng ta. Lời nói của chúng ta bây giờ có sức mạnh khủng khiếp để chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, mang lại bình an, hạnh phúc, ơn cứu độ cho con người. Vì thế, chúng ta phải cẩn thận khi nói.

Để có thể phát ra lời của Đức Kitô, chúng ta không phải chỉ hít thở khí tự nhiên mà còn phải hít thở Thần Khí của Chúa. Để nói lời tự nhiên, ta phải đưa khí vào buồng phổi, rồi đẩy qua bộ phận phát âm ở họng thì mới nói thành tiếng. Để phát ra lời của Thiên Chúa, ta cũng phải đón nhận Thần Khí Chúa vào trong con người mình với ân sủng của Chúa Thánh Thần thì lời nói, cử chỉ, hành động của ta phát ra mới biến thành lời nói, cử chỉ, hành động cứu độ của Đức Kitô.

Nhưng, đôi lúc trong cuộc sống, chúng ta không thể kiềm chế được cơn nóng giận, buồn bực đối với bạn bè, con cái, người thân nên có những lời tiêu cực, xấu xa, tục tĩu. Khi đó ta rất cần thở dài hơi vài cái để đưa khí tự nhiên vào trong bộ não và nhất là đưa khí siêu nhiên vào trong con người yếu đuối của mình. Chúng ta dành một vài phút khi ngồi làm việc, hoặc trước khi ngủ trưa hay ngủ tối để tập thở như sau: đang khi hít vào bằng mũi, ta nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Chúa cho con”; khi thở ra từ từ bằng miệng, ta nói: “Xin Chúa xua đuổi tà khí ra khỏi con”.

Khi hít dưỡng khí vào, lời nói của ta vang tới tai người nghe. Khi hít Thần Khí vào, lời nói của ta chạm tới được lòng người. Vì thế, tiên tri Isaia nói với ta hôm nay: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7).

Lời kết

Hôm nay, để có thể đổi mới được ngôn ngữ của mình, mỗi người chúng ta hãy tập thở Thần Khí của Chúa để chúng ta trở thành lời Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi người mọi vật quanh ta.