24/11/2024

Thiên Chúa đã trở nên hữu hình qua Con Trẻ Giêsu

Đức Chúa đang hiện diện. Kể từ giây phút này, Thiên Chúa thực sự là một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Người không còn là một Thiên Chúa xa vời, mà qua công trình sáng tạo và qua tiếng nói lương tâm, một cách nào đó, ta có thể thoáng thấy từ xa. Người đã đi vào trong thế gian.

 Thiên Chúa đã trở nên hữu hình qua Con Trẻ Giêsu

Lễ Giáng Sinh, Thánh lễ nửa đêm – Vương cung Thánh đường Vatican 24/12/2009

Anh chị em thân mến,

“Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một người con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is 9,5). Điều mà Tiên tri Isaia, từ xa hướng nhìn về tương lai, đã an ủi dân Israel trong cảnh âu lo và trong giờ tăm tối, thì Sứ thần, đầu phủ ánh hào quang, đã loan báo cho các mục đồng vào thời hiện tại: “Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em, trong kinh thành của Vua Đavít. Người là Đấng Thiên Sai, là Đức Chúa” (Lc 2,11). Đức Chúa đang hiện diện. Kể từ giây phút này, Thiên Chúa thực sự là một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Người không còn là một Thiên Chúa xa vời, mà qua công trình sáng tạo và qua tiếng nói lương tâm, một cách nào đó, ta có thể thoáng thấy từ xa. Người đã đi vào trong thế gian. Người là Đấng Gần Gũi. Chính Đức Kitô Phục Sinh đã nói lên điều đó với các môn đệ và với chúng ta: “Và Thầy, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em: điều mà Sứ thần đã loan báo cho các mục đồng, thì hôm nay đây, Thiên Chúa nhắc lại cho chúng ta nhờ Phúc Âm và nhờ các sứ giả của Người. Đây là một tin vui mà chúng ta không thể nào dửng dưng được. Nếu tin này là thực, thì tất cả sẽ được thay đổi. Nếu tin này là thực, thì nó cũng liên quan đến tôi. Lúc đó, cũng như các mục đồng, tôi cũng phải nói: này, tôi muốn đi đến Bêlem để thấy Lời đang hiện diện tại đó. Không phải là không có lý do khi Tin Mừng tường thuật cho chúng ta câu chuyện về các mục đồng. Họ chỉ cho chúng ta phải đáp lại sứ điệp được Chúa gửi đến cho chúng ta như thế nào cho phải lẽ. Như thế, những nhân chứng đầu tiên của biến cố Thiên Chúa nhập thể nói gì với chúng ta?

Các mục đồng, trước tiên là những con người tỉnh thức, và sở dĩ sứ điệp có thể đi đến với họ, là vì họ tỉnh thức. Chúng ta phải tỉnh thức, bởi vì sứ điệp đã đi đến với chúng ta. Chúng ta phải trở nên những con người thực sự tỉnh thức. Điều này có nghĩa là gì? Sự khác biệt giữa người đang mơ và người đang tỉnh thức trước tiên hệ tại ở sự kiện này là: người đang mơ thì ở trong một thế giới riêng biệt. Với cái tôi của họ, họ giam mình trong thế giới mộng tưởng này, một thế giới chỉ là của họ, và không hề liên kết họ với những người khác. Tỉnh thức có nghĩa là đi ra khỏi trạng thái tư riêng của cái tôi, và đi vào trong thực tế chung, trong chân lý, một chân lý liên kết tất cả chúng ta. Những cuộc xung đột trên thế giới, những khó khăn trong tương giao nhân vị đều bắt nguồn từ sự kiện là chúng ta giam mình trong những tư lợi nhỏ nhen, và trong những quan điểm cá nhân, và trong thế giới nội tâm cỏn con của chúng ta. Tính ích kỷ, phe nhóm cũng như cá nhân, giam chặt chúng ta vào trong những tư lợi và những ước muốn của mình, và chúng lại đối đầu với chân lý và làm cho chúng ta phải xa cách nhau. Anh em hãy tỉnh thức, Phúc Âm nói với chúng ta như thế. Anh em hãy đi ra bên ngoài, để bước vào trong đại chân lý chung, để hiệp thông với Thiên Chúa độc nhất. Như thế, tỉnh thức có nghĩa là làm cho mình nhạy cảm hơn với Thiên Chúa, với những dấu chỉ thinh lặng mà qua đó Người muốn hướng dẫn chúng ta, với vô số dấu chỉ nói lên sự hiện diện của Người. Có những con người cho rằng “xét về mặt tôn giáo mình không hề có được đôi tai âm nhạc”. Có lẽ khả năng nhận biết Thiên Chúa hầu như là một ân huệ mà một số người không có được. Và thực thế, – cách chúng ta suy tư và hành động, tâm tính của thế giới hiện đại, cả một loạt những kinh nghiệm khác nhau của chúng ta tự bản tính đều làm cho chúng ít nhạy cảm với Thiên Chúa, đều làm cho chúng ta “đánh mất đi đôi tai âm nhạc” để lắng nghe Người. Thế nhưng, trong bất cứ tâm hồn nào, sự mong chờ Thiên Chúa, khả năng gặp gỡ Người đều hiện diện một cách ẩn giấu hay hay tỏ tường. Để có được sự tỉnh thức này, tỉnh thức đón nhận điều thiết yếu, thì chúng ta phải cầu nguyện, cho chính mình và cho người khác, cho những ai dường như “đánh mất đi đôi tai âm nhạc” và nơi những ai mà ước muốn được Chúa tỏ hiện vẫn còn mãnh liệt. Origène, nhà thần học vĩ đại, đã nói: nếu Chúa ban cho tôi ơn được thấy như Phaolô đã thấy, thì giờ đây (trong Phụng vụ), tôi sẽ có thể chiêm ngưỡng vô số các Thiên thần (x. Lc 23,9). Thực thế – trong Phụng vụ thánh, các Thiên thần của Thiên Chúa và các Thánh bao quanh chúng ta. Chính Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Lạy Chúa, xin mở mắt tâm hồn chúng con, để chúng con tỉnh thức và sáng mắt, và như thế, để chúng ta cũng có thể mang Chúa đến cho những người khác.

Chúng ta hãy quay lại bài Tin Mừng. Bài Tin Mừng tường thuật các mục đồng, sau khi nghe sứ điệp của Thiên Thần, liền bảo nhau: “Này, chúng ta hãy đi đến Bêlem… và không hề chần chừ, họ đã đi đến đó” (Lc 2,15tt). “Họ hối hả” bản văn Hy Lạp đã dịch từng chữ một. Điều đã được loan báo cho họ thì quan trọng đến độ họ phải lên đường ngay lập tức. Thực thế, điều đã được nói với họ lúc đó, thì hoàn toàn vượt quá giới hạn bình thường. Điều đó làm thay đổi thế giới. Đấng Cứu Thế đã giáng sinh. Con Vua Đavít mà mọi người mong đợi đã đến trần gian, trong kinh thành vua Đavít. Ta còn có thể nói được là có điều gì khác quan trọng hơn đó sao? Dĩ nhiên, tính tò mò cũng đã thúc đẩy họ, nhưng tiên vàn, sự bồn chồn nôn nóng muốn biết thực tại vĩ đại được Thiên thần loan báo cho họ, là những con người bé nhỏ và những con người bên ngoài ta chẳng thấy có giá trị gì, đã thúc đẩy họ. Họ vội vã – không hề do dự. Trong cuộc sống thường nhật lại không giống như thế. Đa số mọi người đều không xem công việc của Chúa là ưu tiên, và những công việc này đều không trực tiếp thúc bách họ. Và đối với chúng ta cũng thế, tuyệt đại đa số, chúng ta đều sẵn sàng xếp xó công việc của Chúa vào một dịp khác. Tiên vàn, ở đây và ngay bây giờ, chúng ta chỉ làm những gì có vẻ cấp bách. Trong bản danh sách ưu tiên, người ta thường xếp Thiên Chúa vào hàng chót hết. Người ta thường nghĩ rằng mình còn có giờ để lo việc nhà Chúa. Tin Mừng nói với chúng ta: Thiên Chúa là ưu tiên số một. Nếu một cái gì đó trong cuộc đời đáng cho chúng ta phải hành động cấp bách, thì đó phải là công việc của Thiên Chúa. Một câu châm ngôn trong bộ Luật của Thánh Biển Đức: “Không được đặt điều gì trước công việc của Thiên Chúa (nghĩa là trước thần vụ)”. Đối với các đan sĩ, thì Phụng vụ chiếm ưu tiên thứ nhất. Sau đó mới đến những điều khác. Thế nhưng, tựu trung rồi, câu châm ngôn này vẫn có giá trị cho mỗi người trong chúng ta. Thiên Chúa là quan trọng tuyệt đối, Người là thực tế quan trọng nhất trong cuộc đời. Các mục đồng đã dạy cho chúng ta phải dành quyền ưu tiên cho Thiên Chúa. Chúng ta có thể học biết nơi các mục đồng là đừng để cho tất cả những điều cấp bách của cuộc sống thường nhật này đè bẹp chúng ta. Chúng ta có thể học biết nơi các mục đồng tự do nội tâm trong việc xếp đặt những bận bịu khác trong cuộc đời vào bình diện thứ hai – cho dầu chúng có quan trọng đến đâu chăng nữa – để chúng ta có thể xích lại gần Thiên Chúa, để cho Ngài bước vào trong cuộc đời và trong thời giờ của chúng ta. Thời gian dành cho Thiên Chúa, và từ Thiên Chúa, chúng ta dành cho anh chị em, là thời gian không bao giờ bị mất đi. Đó là thời giờ mà trong đó chúng ta thực sự sống với tư cách là những con người.

Một số nhà chú giải nhận xét rằng chính những mục đồng, những con người đơn sơ, là những người đầu tiên đến bên cạnh Đức Giêsu trong hang lừa máng cỏ, và đã có thể gặp được Đấng Cứu Chuộc trần gian. Còn các nhà đạo sĩ từ Đông phương, họ đại diện cho những ai có địa vị và tiếng tăm, là những người đến sau đó. Các nhà chú giải nói thêm: điều này là dĩ nhiên. Thực vậy, những mục đồng ở bên cạnh. Họ chỉ cần “băng qua” (x. Lc 2,15) như thể chúng ta chỉ cần băng qua một khoảng cách ngắn để đi đến nhà người hàng xóm. Còn trái lại, các nhà thông thái lại ở rất xa. Họ phải vượt qua một quãng đường dài và khó khăn để đi đến Bêlem. Họ cần một người hướng dẫn và cần những chỉ dẫn. Và thực thế, ngày hôm nay cũng vậy, cũng còn có những tâm hồn đơn sơ và khiêm nhường ở rất gần Chúa. Chúng ta có thể nói được rằng họ là những người láng giềng của Chúa, và có thể dễ dàng đi đến nhà Người. Nhưng đa số mọi người trong chúng ta, những con người hiện đại, lại sống xa Đức Giêsu Kitô, xa Đấng hoá thân làm người, xa Thiên Chúa là Đấng đã đến giữa chúng ta. Chúng ta sống trong lo toan, trong công việc, và trong những bận bịu hoàn toàn cuốn hút chúng ta, và từ đó, con đường dẫn đến hang đá thực xa vời. Bằng nhiều cách thế khác nhau, Thiên Chúa đã không ngừng thúc đẩy và giúp đỡ, để chúng ta có thể bước ra khỏi những vướng bận của tư tưởng và hoạt động, và tìm ra con đường dẫn đến Thiên Chúa. Nhưng vẫn có một con đường cho tất cả mỗi người trong chúng ta. Thiên Chúa vẫn sắp xếp cho mỗi người những dấu chỉ thích hợp. Người mời gọi tất cả mọi người chúng ta, để cho chúng ta cũng có thể nói: Này “chúng ta hãy sang Bêlem” – đến với Thiên Chúa đã đi đến gặp gỡ chúng ta. Vâng, Thiên Chúa đã lên đường gặp gỡ chúng ta. Tự sức riêng mình, chúng ta sẽ không thể nào đến được với Người. Đường đi vượt quá sức lực chúng ta. Nhưng Thiên Chúa đã đi xuống. Người đang đi đến gặp gỡ chúng ta. Người đã vượt qua quãng đường xa nhất. Và giờ đây, Người yêu cầu chúng ta: các con hãy đến và hãy nhìn coi Ta yêu mến các con dường bao. Hãy đến và hãy nhìn xem Ta đang ở đây. Chúng ta hãy sang tận Bêlem, Sách Thánh đã nói với chúng ta như thế. Này! Chúng ta hãy vượt qua con người chúng ta! Bằng nhiều cách khác nhau, chúng ta hãy làm những khách bộ hành hướng về Thiên Chúa, những khách bộ hành đang trên đường nội tâm hướng về Người. Nhưng cũng qua những con đường hết sức cụ thể – trong Phụng vụ của Giáo Hội, trong sự phục vụ tha nhân, ở những nơi mà Đức Kitô đang chờ đợi tôi.

Một lần nữa, chúng ta hãy trực tiếp lắng nghe Tin Mừng. Các mục đồng nói với nhau lý do tại sao họ cất bước lên đường: “Chúng ta hãy xem điều đã xảy ra”. Còn dịch sát chữ trong bản văn Hy Lạp thì: “Chúng ta hãy xem Lời đã đến đó”. Vâng, đó là nét mới mẻ của đêm nay: chúng ta có thể chiêm ngưỡng Lời. Bởi vì Ngôi Lời đã mang kiếp phàm nhân. Vị Thiên Chúa này, vị Thiên Chúa mà ta không thể nào hình dung được qua bất cứ một hình ảnh nào, bởi vì bất cứ hình ảnh nào cũng đều làm suy giảm, thậm chí còn bóp méo Thiên Chúa, thì chính vì Thiên Chúa đó lại trở nên hữu hình trong Đấng là hình ảnh thực sự của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô đã từng nói (x. 2 Cr 4,4; Cl 1,15). Trên gương mặt của Đức Giêsu Kitô, trong suốt cả cuộc đời và qua hành động, qua cái chết và qua sự phục sinh của Người, chúng ta có thể nhìn Lời của Thiên Chúa, và như thế, nhìn mầu nhiệm của chính Thiên Chúa hằng sống. Thiên Chúa là như thế đó. Thiên thần đã nói với các mục đồng: “Đây là dấu hiệu đã được ban cho anh em; anh em sẽ tìm thấy một con trẻ sơ sinh được quấn tã, và đặt nằm trong một máng lừa ăn” (Lc 2,12; cf.16). Dấu hiệu của Thiên Chúa, dấu hiệu đã được ban cho các mục đồng và cho cả chúng ta, không phải là một phép lạ làm cho chúng ta phải rúng động. Dấu hiệu của Thiên Chúa là sự khiêm nhường. Dấu hiệu của Thiên Chúa là sự kiện Người trở nên bé nhỏ; trở nên con trẻ; để cho chúng ta có thể chạm đến và yêu mến. Ôi chúng ta thích một dấu hiệu khác hơn, một dấu hiệu vĩ đại, và không ai có thể bác bỏ được về quyền năng và sự cao cả của Thiên Chúa! Nhưng dấu hiệu của Người mời gọi chúng ta tin tưởng và yêu mến, và do đó, mang lại cho chúng ta niềm hy vọng: Thiên Chúa là như thế đó. Người có quyền và Người chính là sự Tốt Lành. Người mời gọi chúng ta trở nên giống Người. Vâng, chúng ta trở nên giống Người, nếu chúng ta để cho dấu hiệu này nhào nắn chúng ta, nếu chính chúng ta, chúng ta học biết sự khiêm nhường, và như thế, học biết sự cao cả thực sự; nếu chúng ta từ chối bạo lực và chỉ nại đến những khí cụ của chân lý và tình yêu. Origène, dựa theo một lời nói của Gioan Tẩy giả, đã thấy được yếu tính của ngoại giáo qua biểu tượng viên đá: ngoại giáo là sự thiếu vắng tính nhạy cảm, ngoại giáo có nghĩa là một quả tim bằng đá, một quả tim không có khả năng yêu mến và tri giác được tình yêu của Thiên Chúa. Origène đã nói về những người ngoại đạo: “Không có tình cảm và lý trí, họ đã biến mình thành đá thành gỗ” (in Lc 22,9). Thế nhưng, Đức Kitô lại muốn ban cho chúng ta một quả tim bằng thịt. Khi chúng ta thấy Người, vị Thiên Chúa đã trở thành con trẻ, thì con tim chúng ta mở rộng. Trong Phụng vụ của Đêm linh thánh này, Thiên Chúa đến với chúng ta với tư cách là con người, để chúng ta thực sự trở nên những con người. Chúng ta hãy tiếp tục nghe Origène nói: “Thực thế, nào có ích gì cho bạn, khi Đức Kitô đã một lần đến trong xác phàm, nếu Người không vào tận chiều sâu tâm hồn của bạn? Chúng ta hãy cầu xin Người đến với chúng ta mỗi ngày, và để cho chúng ta có thể nói: tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi (Gl 2, 20)” (Lc 22,3).

Vâng đúng thế, đó là điều chúng ta cần phải cầu xin Chúa trong Đêm Thánh này. Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã sinh ra tại Bêlem, xin hãy đến với chúng con! Xin hãy vào trong con, vào trong tâm hồn của con. Xin hãy biến đổi con. Xin hãy canh tân con. Xin hãy làm cho con và cho tất cả chúng con, từ gỗ đá, chúng con trở nên những con người sống động, những con người mà trong đó tình yêu của Chúa sẽ hiện diện và thế giới này được biến đổi. Amen.