Chúa Nhật IV MV-C: Mẹ Maria là gương mẫu tuyệt vời chuẩn bị cho Chúa đến

Để thực hiện kế hoạch cứu độ, cần phải có Đấng Trung gian, nhưng ai là người đứng ra đại diện cho toàn thể gia đình nhân loại và vũ trụ để tiếp nhận Thiên Chúa vào trong mình? Người được chọn đó chính là Đức Maria.

 

Mẹ Maria là gương mẫu tuyệt vời

chuẩn bị cho Chúa đến

Hành Khất Kitô

Lời mở

Vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, Giáo Hội luôn giới thiệu Đức Maria như gương mẫu tuyệt hảo để chuẩn bị trực tiếp cho việc Thiên Chúa đến với nhân loại nơi từng người chúng ta, qua hình ảnh Đức Maria mang thai Chúa Giêsu đến với gia đình Dacaria trong bài Tin Mừng (x. Lc 1,39-45).

Tuy nhiên, tấm gương tuyệt vời ấy đã bị làm hoen ố, bị chê bai, thậm chí bị chối bỏ vì sự thiếu hiểu biết về vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu rỗi và vì thiếu lòng tin nơi Người Mẹ Thiên Chúa của rất nhiều anh chị em tín hữu Kitô, nhất là những anh chị em ly khai.

Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu vai trò của người Mẹ Thánh để tin yêu Mẹ hơn, chuẩn bị cho Mùa Giáng Sinh này.

1. Cuộc hoà giải giữa Thiên Chúa và con người

Trước khi tìm hiểu vai trò của Mẹ Maria, có lẽ chúng ta nên nói sơ qua về việc hoà giải giữa Thiên Chúa và loài người của Đức Kitô.

1.1. Bi kịch từ tội nguyên tổ

Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh mình, đã chia sẻ cho con người sức sống thần linh, sự khôn ngoan tuyệt vời, vẻ đẹp vĩnh cửu và hạnh phúc viên mãn của chính Ngài. Dù là thụ tạo, nhưng con người được bao phủ bởi tình yêu như ánh hào quang của Thiên Chúa, con người “có khả năng biết mình, làm chủ mình, tự do hiểu mình và tự nguyện hiệp thông với người khác” (Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 108).

Tuy nhiên, “con người đã lạm dụng những khả năng đó để chống lại lệnh cấm của Thiên Chúa, đã để cho mình bị con rắn quyến rũ và giơ tay hái trái cây ban sự sống. Qua cử chỉ ấy, con người đã phá vỡ giới hạn thụ tạo của mình, muốn bằng với Thiên Chúa, thách thức Chúa là Thiên Chúa duy nhất và là nguồn sự sống của mình”. Chính tội bất phụ tùng ấy (x. Rm 5,19) đã tách con người ra khỏi Thiên Chúa, đã cắt đứt nguồn sống vô tận, hạnh phúc vô biên mà con người cùng với vạn vật được hưởng (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG), số 1850). “Khi chiều theo cơn cám dỗ, Ađam Eva đã phạm 1 tội cá nhân, nhưng tội này đã ảnh hưởng đến bản tính nhân loại là bản tính mà nguyên tổ đã truyền lại trong tình trạng sa ngã. Đó là tội đã được truyền lại bằng cách làm lan ra đến hết mọi người và qua con người đến hết mọi vật, nghĩa là truyền lại một bản tính đã mất đi sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ” (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, TLHTXHCG, số 115; GLHTCG, số 404).

1.2. Tội lỗi và sự hoà giải

Hành động này đã xúc phạm vô cùng nặng nề đối với Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Đấng cao cả vô cùng, quyền uy vô tận, và sự bất công mà con người gây ra với Thiên Chúa tự thân con người là một thụ tạo hữu hạn không bao giờ đền trả được.

Chúng ta có thể đưa ra một thí dụ cho dễ hiểu. Khi hai đứa trẻ cãi nhau, nói với nhau: “mày là đồ ăn cắp”, hai đứa có thể làm hoà bằng cách xin lỗi nhau là đủ vì chúng cùng vị thế như nhau. Nhưng khi một đứa trẻ nói với người có địa vị cao cả như ông chủ tịch nước: “ông là đồ ăn cắp”, thì sự xúc phạm trở nên rất nặng nề. Còn nếu đó là 1 ông vua thì hậu quả có thể là bị chém đầu hay bị “tru di tam tộc’. Thí dụ để ta hiểu tội con người phạm với Thiên Chúa nặng nề và nghiêm trọng đến thế nào!

Vậy muốn hoà giải với Thiên Chúa, con người rất cần một sự trung gian. Giữa hai đứa trẻ, chỉ cần một người lớn nói rằng: “thôi hai cháu bắt tay làm hoà với nhau đi” là được. Nhưng tội phạm đến ông vua thì người bình thường không thể hoà giải được, cần phải nhờ đến người trung gian có địa vị ngang bằng với vua đồng thời cũng quen biết với người phạm tội. Vị trung gian ấy có thể là bà hoàng hậu rất thân cận với nhà vua, một ông hoàng hoặc ít ra là quan tể tướng của triều đình.

Sự hoà giải của con người với Thiên Chúa cũng tương tự như vậy. Đấng trung gian ấy phải vừa là Thiên Chúa để hành động hoà giải ấy mang tính tuyệt đối, xứng đáng với Thiên Chúa, đồng thời cũng vừa là con người để nói lên con người tự nguyện xin lỗi Thiên Chúa. Hơn nữa, vì là Thiên Chúa nên hành động hoà giải ấy mới có thể lan tới muôn loài trong suốt dòng lịch sử, đồng thời cũng phải là con người để diễn tả tình yêu vâng phục Thiên Chúa. Vì thế chúng ta mới hiểu được biến cố “Thiên Chúa làm người” mà chúng ta sắp kỷ niệm trong Mùa Giáng Sinh quan trọng như thế nào để cứu độ nhân loại và thế giới.

Thư Do Thái vừa diễn tả hành động đó trong Bài đọc II: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: ‘Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể, bấy giờ con mới thưa: Này con xin đến để thực thi ý Ngài’. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế giao hoà và chỉ một lần là đủ” (Dt 10,5-10). Từ đó, chúng ta mới hiểu được lời tiên tri Mikha quả quyết trong Bài đọc I (Mk 5,1-4) hôm nay: “Chính Người sẽ đem lại hoà bình” bởi vì Đức Giêsu Kitô là sự hoà giải giữa muôn loài với Thiên Chúa.

2. Vai trò của Đức Maria trong công cuộc hoà giải

2.1. Đức Maria đại diện cho toàn thể nhân loại và vũ trụ

Để thực hiện kế hoạch cứu độ, cần phải có Đấng Trung gian, nhưng ai là người đứng ra đại diện cho toàn thể gia đình nhân loại (x. TLHTXHCG, số 59) và vũ trụ để tiếp nhận Thiên Chúa vào trong mình? Người được chọn đó chính là Đức Maria.

Từ muôn thuở Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người đặc biệt này bằng biết bao ân sủng tiền định, vì dù Thiên Chúa sẵn sàng ban tất cả những gì của Ngài cho con người: như thiên tính tuyệt đối, sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc vô biên… nhưng con người hữu hạn cũng phải chuẩn bị rất nhiều mới có thể tiếp nhận được Ngài.

Rất nhiều người trong các thời đại cho rằng Đức Maria chỉ đóng góp vào cuộc hạ sinh của Ngôi Lời Thiên Chúa như một phụ nữ bình thường, chứ không phải trong tư cách của người thay mặt cho toàn thể nhân loại và vũ trụ. Nhất là trong tâm thức duy vật, duy nghiệm, duy thực, duy l‎ý, duy khoa học, người ta nghĩ rằng làm sao có thể hình thành nên con người Giêsu nếu chỉ có phần đóng góp của người nữ mà không có người nam! Vậy phần của người nam từ đâu? Người ta nghĩ đến Thánh Giuse!

Với suy tư như vậy người ta hạ thấp Chúa Giêsu như một người bình thường chứ không phải là Con Thiên Chúa làm người. Nhiều hệ phái Tin Lành nghĩ rằng Thánh Giuse đã phối hợp với Đức Maria hình thành nên Đức Giêsu vì Thánh Kinh nhiều lần nhắc đến anh chị em ruột của Chúa Giêsu. Họ chối bỏ địa vị “Mẹ Thiên Chúa” của Đức Maria được bà Elizabeth long trọng nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 1,43). Họ giễu cợt ơn trinh khiết toàn vẹn, ơn vô nhiễm nguyên tội của Người Mẹ thánh. Chúng tôi đã trình bày vấn đề “anh chị em ruột của Chúa Giêsu” trong bài giảng Chúa Nhật XIV Thường Niên C mới đây, anh chị em có thể tìm trong trang web: hanhkhatkito.org ở mục Chia sẻ Lời Chúa.

Người ta càng không thể hiểu được mầu nhiệm Nhập thể-Cứu độ là hành động sáng tạo diệu kỳ và mới mẻ của Thiên Chúa để hình thành nên một Ađam mới là Đức Giêsu Kitô và Eva mới là Giáo Hội của Người, trong đó Đức Maria là thành phần đặc biệt, là gương mẫu tuyệt vời, là đại diện xứng đáng nhất. Khi tạo dựng con người nguyên thuỷ, Thiên Chúa không cần ai trợ giúp, thì trong cuộc tạo dựng mới này, Chúa cũng hoàn toàn thực hiện bằng tình yêu sáng tạo của Ngài. Ngài chỉ cần con người dâng hiến trọn vẹn nhân tính cho Ngài để Ngài trao ban trọn vẹn thần tính cho con người và từ đó hình thành nên vị “Thiên Chúa Làm Người”.

2.2. Đức Maria đã hiến dâng trọn vẹn

Đức Maria đã thay mặt muôn loài để dâng hiến trọn vẹn con người mình cho Thiên Chúa với tất cả tự do và ý thức. Khi nghe sứ thần truyền tin, Maria đã suy nghĩ, vặn hỏi, chọn lựa rồi mới quyết định thưa lời “xin vâng”. Mẹ hiểu rằng nếu mình mang thai mà Giuse, vị hôn phu của mình, không chấp nhận và tố cáo thì mình sẽ bị ném đá đến chết, bị sỉ nhục, tủi hổ suốt đời. Nhưng Đức Maria đã dành hết tình yêu cho Thiên Chúa, bất chấp tất cả, hy sinh tình yêu riêng tư cho công cuộc cứu độ. Mẹ đã mở rộng tâm hồn và dâng hiến trọn vẹn xác thân cho Thiên Chúa qua lời “xin vâng” đầy dũng cảm và chan chứa tình yêu quảng đại. Chính giây phút đó, Mẹ đã tiếp nhận trọn vẹn Thiên Chúa vào trong mình để hình thành nên bào thai Giêsu.

Đó là thái độ mỗi người chúng ta cần có trong những ngày cuối cùng chuẩn bị cho Chúa Giáng Sinh. Giống như Người Mẹ Thánh, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa trọn vẹn con người chúng ta, bất chấp những đau khổ, hy sinh, nguy hiểm với tình yêu quảng đại trong sáng. Chúng ta sẽ cảm nghiệm được Ngôi Lời Thiên Chúa giáng sinh lại trong ta. Nhưng rất nhiều khi chúng ta chỉ dâng lên Thiên Chúa cách nửa vời, hoặc dâng những gì thừa thãi chứ không dám dâng hiến trọn vẹn như Đức Maria nên chúng ta cũng không có một Thiên Chúa trọn vẹn trong ta. Một Thiên Chúa không trọn vẹn thì không phải là Thiên Chúa.

Lời kết

Hôm nay cùng với Người Mẹ Thánh, chúng ta dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa. Xin Chúa hãy nhận lấy và biến chúng ta thành hang đá sống động mang Chúa Giêsu đến cho người khác. Chúng ta sẽ mang Ngôi Lời ấy đi khắp nơi, như Mẹ Maria đến với nhà Dacaria cho Gioan Tẩy Giả được đầy tràn Thánh Thần, được tha thứ tội lỗi, để mang lại bình an, hạnh phúc cho muôn loài.