Hội nghị toàn thể Liên HĐGM Á châu: Cùng nhau nhận định thực trạng của những thách đố và giúp nhau giải quyết
Chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra lễ khai mạc Hội nghị toàn thể lần X của Liên Hội đồng Giám mục Á châu tại Toà Giám mục Xuân Lộc. Tất cả đã sẵn sàng cho ngày trọng đại này đối với các Giáo Hội tại châu Á nói chung và với người Công giáo Việt Nam nói riêng.
Hội nghị toàn thể Liên HĐGM Á châu: Cùng nhau nhận định thực trạng của những thách đố và giúp nhau giải quyết
(Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh trả lời phỏng vấn của WHĐ)
WHĐ (8.12.2012) – Chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra lễ khai mạc Hội nghị toàn thể lần X của Liên Hội đồng Giám mục Á châu tại Toà Giám mục Xuân Lộc. Tất cả đã sẵn sàng cho ngày trọng đại này đối với các Giáo Hội tại châu Á nói chung và với người Công giáo Việt Nam nói riêng. Chúng tôi đã gặp và được Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, cho biết:
1. Chúng con được biết: đây là lần đầu tiên, Liên Hội đồng Giám mục Á châu tổ chức Hội nghị toàn thể tại Việt Nam và đã chọn Toà Giám mục Xuân Lộc làm nơi tổ chức Hội nghị. Đức cha có cảm nghĩ gì về sự chọn lựa này?
Chúng tôi rất vui và hãnh diện vì được Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn làm nơi tổ chức Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC: Federation of Asian Bishops’ Conferences) lần X. Đây là một hội nghị lớn của Công giáo Á châu, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Nhiều người Công giáo Việt Nam chưa bao giờ được nghe nói tới hoặc chỉ biết rất ít về FABC. Đây là cơ hội cho cộng đồng dân Chúa Việt Nam được hiểu biết đầy đủ hơn về FABC. Đối với chúng tôi, đây là một trách nhiệm rất lớn, đòi chúng tôi phải cố gắng nhiều trong việc chuẩn bị để Hội nghị có thể đạt kết quả tốt đẹp.
2. Để đón tiếp một hội nghị có tầm vóc khu vực như thế, chúng con hình dung Đức cha phải lo lắng và vất vả nhiều. Đức cha có thể cho chúng con biết đôi chút về sự chuẩn bị đó không?
Đúng là chúng tôi rất lo lắng và vất vả. Nhà cửa, phòng ốc phải tu sửa lại, các trang bị nội thất cũng phải coi lại, phải bổ sung hoặc thay thế. Chẳng hạn phải trang bị cho phòng họp chính và 9 phòng họp nhóm của Hội nghị, các phòng phải được trang bị máy lạnh… Chúng tôi chưa có kinh nghiệm về việc tổ chức một hội nghị như thế này nên nhiều khâu chuẩn bị phải dò dẫm. Việc trang trí cho Hội nghị cần nhiều sáng tạo, công phu. Chúng tôi có nhờ những chuyên gia nghệ thuật trợ giúp, để nhân đó, trình bày cho Hội nghị những nét văn hoá nghệ thuật đặc trưng của dân tộc; rồi khâu ẩm thực chẳng hạn, cũng là một vấn đề rất phức tạp.
3. Xin Đức cha cho chúng con biết chương trình tổng quát của Hội nghị.
Các tham dự viên sẽ đến Toà Giám mục Xuân Lộc vào thứ Hai, ngày 10 tháng 12. Lễ Khai mạc Hội nghị diễn ra vào sáng thứ Ba, ngày 11-12, và Hội nghị sẽ kéo dài đến trưa thứ Bảy, 15-12, sau đó, các tham dự viên trở về Thành phố Hồ Chí Minh, và Thánh lễ Bế mạc sẽ diễn ra vào Chúa Nhật, 16-12, tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn.
4. Đức cha mong chờ điều gì nơi Hội nghị này, cách riêng cho Giáo hội Việt Nam?
Châu Á của chúng ta là một lục địa với nhiều nền văn hoá, tôn giáo lâu đời và phong phú, có những thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều thách đố cho việc loan báo Tin Mừng. Hiện nay dân số Á châu chiếm tới 60% dân số thế giới, nhưng người Công giáo tại Á châu mới chỉ vào khoảng 3,12% dân số toàn châu lục. Như chủ đề của Hội nghị lần này: Kỷ niệm 40 năm thành lập – FABC trước những thách đố của châu Á, cho thấy Hội nghị nhằm giúp các Giáo Hội tại châu Á cùng nhau nhận định thực trạng của những thách đố, khó khăn chung, đưa ra những đường hướng và cùng giúp nhau giải quyết. Vì vậy, tôi ước mong Hội nghị lần này, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, sẽ mở ra cho chúng ta những hướng đi tích cực và các Giáo Hội tại châu Á cùng hợp tác với nhau thực hiện, để Hội nghị thực sự mang lại những thành quả tốt đẹp.
5. Ngoài những điều trên đây, Đức cha còn muốn nói thêm điều gì với mọi người?
Tôi xin những ai được biết đến Hội nghị này, hãy cùng nhau hy sinh cầu nguyện như Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi, để các đấng tham dự Hội nghị được khoẻ mạnh, được tràn đầy ơn Thánh Thần, hầu có thể sáng suốt đưa ra những đường hướng thích hợp nhất, đúng thánh ý Chúa nhất cho cộng đồng Dân Chúa tại châu Á trong việc sống đức tin và loan truyền đức tin cho anh chị em mình như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đang tha thiết mời gọi trong Năm Đức Tin.