24/11/2024

Chúa Nhật I MV – C: Ba lần Chúa đến

Hôm nay chúng ta được mời gọi để ôn lại ý nghĩa của Mùa Vọng, của việc Chúa đến ba lần trong cuộc đời, nhất là sống ý nghĩa của lần thứ ba khi kết hợp với Chúa Giêsu. Xin Chúa cho chúng ta luôn luôn cảm nghiệm được Chúa đến với mình, hiện diện trong đời mình và giúp mình luôn sống trong bình an, niềm vui và tràn đầy hy vọng.

 

Ba lần Chúa đến

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Chúng ta bắt đầu Năm Phụng vụ mới với Mùa Vọng, mùa mà chúng ta mong chờ Chúa đến với tất cả niềm hy vọng để cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc của đời tín hữu cũng như để tạo nên hạnh phúc cho muôn loài.

1. Mong chờ trong hy vọng

1.1. Ý nghĩa Mùa Vọng

Trước hết, chúng ta nhắc lại cho nhau ý nghĩa Mùa Vọng. Từ “vọng” theo nghĩa văn chương Việt Nam là “nhìn hay hướng về nơi, hay người mà tâm trí đang tưởng nhớ, trông chờ, thí dụ vọng cố hương, vọng cố nhân”. Ở đây là chúng ta hướng nhìn về hay chờ đợi chính Thiên Chúa đang đến.

Còn theo nghĩa từ Adventus của tiếng Latinh, vọng lại diễn tả hai ‎ý nghĩa: đó là người dân mong chờ vị vua đến với mình hay mong chờ vị thần linh hiển hiện cho mình. Khi người dân mong chờ nhà vua đem theo quân đội và triều đình đến là họ mong chờ trong niềm vui, bình an và cảnh lễ hội tưng bừng. Còn khi người ta mong chờ vị thần linh đến với quyền lực và ân phúc kỳ diệu có thể ban cho con người là người ta cũng chờ đợi trong hy vọng và hạnh phúc.

Vì thế, Giáo Hội lấy ý nghĩa từ Adventus để đưa vào mùa đầu tiên của Năm Phụng vụ như mời gọi chúng ta hãy mong đợi Chúa đến trong vui mừng, hy vọng và bình an.

1.2. Hoang mang lo lắng về Ngày Tận thế

Tuy nhiên, hiện nay hình như người ta đang chờ Chúa đến trong sợ hãi, buồn sầu, lo lắng, hoang mang như bài Tin Mừng vừa diễn tả (x. Lc 21,25-26). Một ít tín hữu đến xin làm phép nến vì nghe đồn rằng ngày 21/12 sắp tới mặt trời sẽ tối tăm. Ngay cả những người ở bên Hoa Kỳ cũng nhờ người thân đến xin làm phép nến để gửi sang. Một số người trong các xứ đạo ở miền Bảo Lộc, Lâm Đồng, năm nay không dọn hang đá hay đèn sao vì cho rằng Chúa sắp đến và tận thế tới nơi rồi.

Rất nhiều người lo sợ vì dựa vào nguồn tin của mấy nhà khảo cổ thấy bộ lịch của người Maya sống ở châu Mỹ cách chúng ta cả ngàn năm đột ngột dừng lại vào đúng ngày 21-12-201 2 . Hơn nữa, lời sấm của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) dự báo rằng: “Long vĩ, xà đầu khởi chiến tranh / Can qua xứ xứ khổ đao binh / Mã đề dương cước anh hùng tận / Thân dậu niên lai kiến thái bình”. Người ta giải thích cuối năm nay (Nhâm Thìn) và đầu năm tới (Quý Tỵ) sẽ có chiến tranh lớn xảy ra. Kể từ 5 thế kỷ nay, sau khi cụ Trạng Trình mất đi, bao nhiêu cuộc chiến tranh xảy ra trên thế giới cũng như trên đất nước chúng ta vào thời điểm Nhâm Thìn – Quý Tỵ vì Âm lịch luôn quay theo đúng vòng 60 năm của mình! Tất cả đều là những nỗi lo sợ hão huyền, không đúng với tinh thần tín hữu Công giáo, “những con người luôn đứng thẳng và ngẩng cao đầu” mong đợi Chúa đến (Lc 21,28).

2. Những lần Chúa đến

Tại sao? Người Công giáo biết rằng có hai lần Chúa đến: lần đầu tiên Chúa đến trong âm thầm cách đây hơn 2.000 năm khi giáng sinh làm người và lần thứ hai trong vinh quang như thánh Phaolô (1Tx 3,12-4,2) và Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta.

2.1. Chúa đến lần đầu

Thiên Chúa, vì yêu thương trần thế nên đã cho Con Một Ngài là Ngôi Lời trở thành một con người cụ thể, hoà mình vào vũ trụ, sống trong không gian và thời gian nhất định để cứu độ muôn loài. Con người kỳ diệu ấy là Đức Giêsu Kitô.Trong lần đến đầu tiên này Người đưa tính siêu việt, vĩnh hằng, vô tận, vô biên, tuyệt đối của Thiên Chúa vào trong con người và vạn vật là những thụ tạo mang tính tầm thường, tạm bợ, yếu đuối, chết chóc để từ nay tất cả đều mang một ý nghĩa mới, một giá trị mới. Từ đó, từng ý nghĩ, lời nói, hành động dù rất nhỏ bé của con người đều mang giá trị siêu việt, cao cả vô song vì được Thiên Chúa đón nhận. Từng cuộc đời con người hay vạn vật, dù sống dài hay ngắn, sang hay hèn, đẹp hay xấu, khoẻ hay yếu, đều mang tính cách tuyệt đối, thánh thiêng nếu được liên kết với Đức Giêsu.

Con người hiểu được rằng từ nay mình không được quyền buồn phiền chán nản, coi đời là bể khổ, coi tất cả là phù vân, giả dối, vô nghĩa đến nỗi không còn muốn học hành, làm việc, buôn bán hay làm bất cứ việc gì vì tất cả rồi sẽ chết, sẽ biến mất và trở về hư vô. Lần thứ nhất Chúa đến mang lại cho con người và vạn vật một ý nghĩa hoàn toàn đổi mới. Người tín hữu chúng ta hiểu rằng từ nay mỗi việc ta làm, mỗi giây ta sống đều có một giá trị vĩnh hằng, một ý nghĩa vô tận để ta sống trong niềm vui, bình an, hạnh phúc vì không có việc gì mà Chúa không ghi nhận và ban thưởng cho chúng ta khi Người đến lần cuối.

2.2. Chúa đến lần cuối

Người tín hữu đang mong chờ Chúa đến lần cuối cùng trong vinh quang (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 668-677) dù không biết biến cố này xảy ra vào lúc nào: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,27). Đó là “Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người” (1Tx 3,13).Lúc đó, cách sống của mỗi người và sự kín nhiệm trong các tâm hồn được đưa ra ánh sáng trong lần phán xét cuối cùng (x. Sách GLHTCG, số 678-679).

Trong cấu trúc vật chất của muôn loài, chúng ta biết rằng con người cũng như vạn vật đều sống trong không gian và thời gian, nghĩa là sống trong môi trường bốn chiều: chiều dài, chiều rộng, chiều cao và chiều thời gian, nên người ta mới nói thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất, trong đó vật chất vận động và phát triển liên tục (x. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học). Khi con người và vật chất vận động liên tục như vậy, có sinh thì có tử, có khởi đầu thì có tận cùng. Như thế chắc chắn trái đất cũng như vạn vật một ngày nào đó sẽ không tồn tại mà sẽ thay đổi. Nhiều người nghĩ đến sự thay đổi quyết định sẽ xảy ra vào Ngày Tận thế. Có người lại nghĩ đến cuộc va chạm của các hành tinh theo dấu hiệu Chúa Giêsu báo trước: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn siêu, phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển”. Đó chỉ là những hình ảnh gợi ý có thể xảy ra vào bất cứ thời nào.

Đối với chúng ta là những tín hữu đã được chia sẻ sự sống lại vinh quang của Chúa Giêsu và tin vào Người rồi, chúng ta chẳng cần quan tâm đến các dấu hiệu ấy để lo buồn, sợ hãi, nhưng biết đứng thẳng và ngẩng cao đầu vì Chúa đến trong vinh quang là để làm tròn tất cả những mơ ước về hạnh phúc cứu độ mà chúng ta mong chờ.

2.3. Chúa đến lần giữa

Nhưng giữa hai lần Chúa đến, có lần đến thứ ba nối kết lần đầu và lần cuối tạo thành con đường của Chúa cũng là con đường của ta. Lần đến này rất âm thầm, nhẹ nhàng dành cho bất cứ ai mở rộng tâm hồn để đón tiếp Chúa Giêsu khi Người đến gõ nhẹ cửa lòng. Vi thế  Chúa mời nhắc nhở ta hôm nay: “Anh em chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời.. nhưng hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” để nghe được tiếng gõ nhẹ nhàng ấy. Người nói về sự hiện diện kỳ diệu trong lần đến này: “Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy” (Ga 14,23).

Như thế chúng ta thấy rằng việc Chúa đến lần thứ ba rất quan trọng cho mỗi người chúng ta. Chính khi chúng ta tin tưởng Chúa đang hiện diện từng giây từng phút trong cuộc đời của mình, trừ khi chúng ta phạm tội trọng, cắt đứt nguồn ân sủng của Chúa, thì Chúa đang đến với chúng ta, biến đổi và làm cho đời sống chúng ta có một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ, tràn ngập niềm vui, bình an và hạnh phúc, giống như các thánh tông đồ, thánh Phaolô và các thánh đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa, đã được đưa lên tầng trời thứ ba ngay khi các ngài còn sống ở trần thế.

Lời kết

Hôm nay chúng ta được mời gọi để ôn lại ý nghĩa của Mùa Vọng, của việc Chúa đến ba lần trong cuộc đời, nhất là sống ý nghĩa của lần thứ ba khi kết hợp với Chúa Giêsu. Xin Chúa cho chúng ta luôn luôn cảm nghiệm được Chúa đến với mình, hiện diện trong đời mình và giúp mình luôn sống trong bình an, niềm vui và tràn đầy hy vọng. Đó cũng chính là ý nghĩa của Mùa Vọng hằng năm.