Tổng kết chuyến công tác tại Đức và Thuỵ Sĩ
Như một người hành khất của Chúa Kitô, tôi đã lên đường theo lệnh của Người để đến quan sát và học hỏi tại các trung tâm điều trị tâm lý và tâm thần của Đức. Tôi xin chia sẻ với anh chị em đồng môn những suy tư và công việc trong chuyến đi này theo thứ tự thời gian.
TỔNG KẾT
CHUYẾN CÔNG TÁC TẠI ĐỨC VÀ THUỴ SĨ
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Như một người hành khất của Chúa Kitô, tôi đã lên đường theo lệnh của Người, lòng đầy ưu tư cho năm học của các sinh viên vừa mới bắt đầu, phải nhờ cha Michael Tâm, sj. dạy thế, cho lễ Trung Thu sắp tới gần phải lo cho các em thiếu nhi kém may mắn được vui Tết Trung Thu và nhiều mối ưu tư khác. Tuy nhiên, vì tầm quan trọng của chuyến đi và nghĩ đến lợi ích của số đông người Việt Nam mà tôi cố gắng thu xếp lên đường. Tôi xin chia sẻ với anh chị em đồng môn những suy tư và công việc trong chuyến đi này theo thứ tự thời gian.
– Ngày 14/9: tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất ở TP.HCM lúc 9 giờ tối cùng với hai người bạn cùng đi là chị thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó trưởng Khoa Tâm lý; và nữ tu Tiến sĩ Anna Nguyễn Thị Loan, trưởng bộ môn Tâm lý Trị liệu của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH KHXH&NV) TP.HCM là trưởng đoàn. Chuyến đi này do ông Tiến sĩ Armin Kuhr, Viện trưởng Viện Tham vấn và Điều trị Dinklar, vùng Hildeshein mời.
Lý do: cách đây hơn 1 tháng, trong dịp thăm Việt Nam với tư cách cá nhân, ông Kuhr có dịp làm việc với ĐH KHXH&NV – TP.HCM và đến thăm miếng đất sẽ xây dựng Trung tâm Phục hồi ở Định An, Đà Lạt. Vì thế, ông đã mời những người liên hệ đến chương trình điều trị tâm lý cho những người bất an về tinh thần ở Việt Nam sang Đức để thăm các cơ sở có liên quan và muốn nâng cao ngành tâm lý điều trị cho ĐH KHXH&NV – TP.HCM.
Máy bay ghé phi trường Bangkok, Thái Lan hơn một giờ lấy khách rồi bay gần mười giờ tới Doha, Qatar ở Trung Đông và bay tiếp bảy giờ đến phi trường Frankfurt, Đức lúc 14 giờ địa phương. Sau đó đi tàu tốc hành đến Trung tâm Dinklar lúc 18 giờ, chúng tôi về đến khách sạn Relexa của miền Hildeskeim lúc 21 giờ tối. Như thế là chúng tôi đã di chuyển liên tục suốt 29 giờ. Ai nấy đều mệt nhoài nhưng lòng an vui vì hy vọng chuyến đi sẽ hữu ích cho nhiều người.
Ngày 5/9, thứ Năm, chúng tôi làm việc ngay với ông Armin Kuhr tại Viện Tham vấn và Điều trị Dinklar từ 9 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Ông chỉ dẫn chúng tôi cách xếp đặt và tổ chức các phòng trong viện của ông: từ phòng tiếp các thân chủ đến ghi danh, bàn trắc nghiệm tâm lý, phòng khách đợi, phòng tham vấn cá nhân, tham vấn nhóm, phòng dành cho nhân viên làm việc, nghỉ ngơi…
1. Viện Tham vấn Điều trị Dinlar ở Hildeskeim (Institut für Beratung und Therapie Dinklar)
Viện Tham vấn Điều trị Dinlar ở Hildeskeim do Tiến sĩ Armin Kuhr làm viện trưởng là nơi đoàn chúng tôi học hỏi và lui tới nhiều lần trong chuyến công tác này. Ông viện trưởng và các cộng sự viên đã giảng dạy và chỉ dẫn tận tình cho chúng tôi mọi vấn đề liên quan đến việc điều trị về tâm lý cho các thân chủ: cách tổ chức sắp xếp các phòng, cách bày trí bàn làm việc, quản lý nhân sự, quản lý tài chính. Ông còn cho các mẫu sổ sách hành chính, các bản trắc nghiệm mẫu dành cho bệnh nhân.
Viện này hiện có khoảng 400 sinh viên đang theo học về chương trình cao học về tâm lý điều trị. Viện có nhiều cơ sở điều trị ở Berlin, Hannover, Hamburg. Những người cần điều trị tâm lý nếu có những triệu chứng hỗn loạn tâm lý sẽ tìm đến các cơ sở như thế này trên khắp nước Đức. Họ sẽ được các bác sĩ khám và cho thuốc về tâm thần và mọi chi phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Nhưng nếu được điều trị về tâm lý họ cũng sẽ được quỹ bảo hiểm xã hội trả các chi phí như khi họ bị bệnh thể lý.
Trung bình mỗi trường hợp có thể điều trị hằng tuần từ 6 tháng đến 1,5 năm. Mỗi tuần có thể từ 4-6 tiết, mỗi tiết 45 phút và giá khoảng 55Eur/tiết. Như thế, điều trị tâm lý cũng tốn khá nhiều tiền.
Ở nước ta từ trước tới nay các bệnh nhân được điều trị các bệnh thể xác hay thể lý bởi các bác sĩ thông thường. Nếu có triệu chứng tâm lý, các bác sĩ tâm thần sẽ điều trị bằng cách cho các loại thuốc thần kinh để chữa trị não bộ, an thần. Ngành điều trị tâm lý chỉ mới được mở ở trường ĐH KHXV&NV TP.HCM từ 4 năm qua, lớp đầu tiên có 23 sinh viên sẽ ra trường với bằng cử nhân trong năm nay. Trong chuyến đi này chúng tôi mong kết nối với viện của Tiến sĩ Kuhr và nhiều đại học cũng như cơ sở điều trị ở Đức để nâng cao trình độ cho khoa tâm lý điều trị của ĐH KHXV&NV TP.HCM.
Số lượng người cần điều trị về tâm lý ở Việt Nam khá lớn, chúng tôi ước tính 10 triệu người. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ đào tạo các bác sĩ thể lý về nội khoa, ngoại khoa, một ít bác sĩ về tâm thần chứ chưa đào tạo nhiều các nhà điều trị tâm lý. Ở Đức hiện có chừng 3.000 người chuyên môn về điều trị tâm lý.
Do đó, ở Việt Nam, khi bệnh nhân có những triệu chứng biểu hiện sự rối loạn, nhiều người được dẫn đến các bác sĩ thể lý hoặc tâm thần. Nhiều bác sĩ thể lý dù chẳng chuyên môn về tâm thần hay tâm lý, vẫn kê những đơn thuốc an thần cho bệnh nhân, cả những loại thuốc an thần nặng, nhất là khi thấy bệnh nhân la hét, đập phá hay bị trầm cảm, có ý muốn tự tử. Kết quả là bệnh nhân rơi vào tình trạng suy thoái hệ thần kinh, không còn nhớ được chuyện gì, không còn khả năng suy nghĩ, học hành, làm việc. Vì thế, chuyến đi lần này nhằm tìm hiểu việc điều trị tâm lý ở Đức như thế nào để xem có thể áp dụng gì cho các bệnh nhân ở Việt Nam.
2. Nhiều lĩnh vực điều trị tâm lý
Lĩnh vực này khá rộng: từ trẻ nhỏ cho đến người già vì tâm lý thay đổi theo những lứa tuổi khác nhau, theo giới tính nam nữ khác nhau và theo những khả năng tinh thần khác nhau như cảm năng, hoạt năng, trí hiểu, trí nhớ, ý chí, ngôn ngữ, cấu trúc tâm lý như ý thức, tiềm thức, vô thức… Vì thế, trong những ngày ở Đức này, đoàn chúng tôi đã đến thăm và làm việc với những chuyên viên và cơ sở sau đây:
2.1. Viện Kinderkrakenhaus auf der Bult ở Hannover
– Ngày 10/9/2012, chúng tôi thăm và làm việc với Tiến sĩ Möller và Tiến sĩ Herr Kuznik tại viện Kinderkrakenhaus auf der Bult. Viện này chuyên chữa trị các em nghiện internet, ma tuý để hồi phục tâm lý cho thanh thiếu niên. Khi thăm viện này, tôi nghĩ đến Việt Nam chúng ta đang có 5 triệu người xem phim ảnh đồi truỵ, 10 triệu người chơi trò chơi trực tuyến (game online), 300.000 nghiện ma tuý, hàng triệu người mê cờ bạc đỏ đen, hàng triệu người nghiện rượu bia và thuốc lá, hàng trăm ngàn trẻ em cần được điều trị tâm lý do những chuyên gia lành nghề thay vì bị nhốt trong các trại tập trung, lao động cực nhọc suốt ngày trong các đồn điền trồng cà phê, cao su, tối về còn bị bọn đại bàng trong trại hành hạ, khiến nhiều em hận đời, hận người khi sống ở đó.
2.2. Ngày 10/9/2012, buổi chiều, chúng tôi gặp Tiến sĩ Vera Bernard-Opitz chuyên gia về hội chứng tự kỷ ở Hildesheim. Bà đã được mời giảng dạy tại Singapore và nhiều nước khác. Bà giới thiệu các phương pháp trắc nghiệm tâm lý để biết trẻ đang ở giai đoạn nào, khiếm khuyết về các điểm nào qua các trò chơi cụ thể. Bà hy vọng có thể giúp đỡ các nhà giáo dục Việt Nam qua các buổi dạy học, chia sẻ kinh nghiệm trên trang web của bà và các buổi chỉ dẫn qua chương trình Skype.
Tôi nghĩ nhiều đến các em tự kỷ ở Việt Nam. Cách đây 30 năm, cứ 2.500 em thì mới có 1 em bị tự kỷ, còn theo tính toán hiện nay, cứ 110 em thì có 1 em bị tự kỷ. Số lượng hiện lên tới cả trăm ngàn em. Nhiều cha mẹ lo sợ, đến kêu khóc với chúng tôi khi thấy con mình không nói được, suốt ngày chỉ phá phách, chơi đùa với đồ chơi mà chúng thích, không cần biết đến ai. Nhiều cha mẹ có khả năng đã thuê những chuyên gia nước ngoài đến giúp con mình, nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên hiệu quả không cao.
Cách đây 7,8 năm khi còn làm việc tại Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc HĐGMVN, chúng tôi đã mời chuyên gia Nguyễn Văn Thành, người Việt sống ở Thuỵ Sĩ, về Việt Nam mở 7 lớp đào tạo về giáo dục trẻ tự kỷ, nhưng không may, cách đây gần 3 năm, thầy Thành đã mất vì căn bệnh ung thư. Chúng tôi nghĩ rằng Khoa Tâm lý Điều trị của trường ĐH KHXH&NV – TP.HCM cần mở rộng thêm về lĩnh vực này để đào tạo cho các sinh viên.
2.3. Viện AWO, Sprachheilzentrum Bad Salzdetfurth
Ngày 11/9/2012, chúng tôi đến viện AWO, Sprachheilzentrum Bad Salzdetfurth và làm việc với Tiến sĩ Herr Oertle. Đây là Trung tâm điều trị về rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em, khi các em bị rối loạn tâm lý. Trung tâm này hiện có khoảng 100 nhân viên làm việc để chữa trị cho 130 trẻ. Các em được sống tập trung ở đây nhưng cuối tuần về với gia đình. Việc chữa trị kết hợp 3 yếu tố: vừa dạy học văn hoá, vừa dạy nhân cách, vừa chữa trị cho các em. Sự kết hợp giữa Trung tâm và gia đình rất chặt chẽ và cha mẹ tham gia tích cực trong việc điều trị cho con cái họ, qua các cuộc gặp gỡ, sách báo, điện thoại liên lạc với Trung tâm.
Trung tâm có 6 nhà chuyên môn điều trị tâm lý, mỗi người phụ trách 16 học viên. Mỗi học viên làm nhiều trắc nghiệm về nghe và hiểu ngôn ngữ trong quá trình điều trị. Các học viên sống chung với nhau, biết chia công tác để tự quản, biết chia thời gian trong ngày để học, chơi, tập nói, sinh hoạt và học các kỹ năng sống.
2.5. Trung tâm Berufs forderungswerk ở Hannover
Ngày 11/9/2012, từ 15g-16g30, chúng tôi đến thăm Trung tâm Phục hồi Sức khoẻ – Nghề nghiệp Berufs forderungswerk ở Hannover và làm việc với Tiến sĩ Frau Thei ßing, Giám đốc Trung tâm.
Ở Đức hiện có 15 Trung tâm loại này liên kết với nhau nhằm giúp cho những người loạn tâm thần do áp lực công việc hay do những người đồng nghiệp, nhằm tìm lại được sự ổn định và phục hồi sức khoẻ, khả năng làm việc. Số người mất ổn định và bất an do công việc trong xã hội Đức, một nước công nghiệp tiên tiến, càng ngày càng nhiều. Có những người ngồi sử dụng máy vi tính mỗi ngày nhiều giờ đến nỗi bị thoái hoá khớp cổ, đau vai hoặc thần kinh toạ cần được chữa trị thể lý. Hoặc có những người do mối quan hệ không ổn định với người trưởng phòng, với ban giám đốc hoặc với một đồng nghiệp nào đó dẫn đến căng thẳng, không ngủ được nhiều đêm, rơi vào tình trạng trầm cảm.
Việc chữa trị họ là sự phối hợp giữa các nhà chuyên môn: bác sĩ thể lý, bác sĩ tâm thần, nhà điều trị tâm lý, tác viên xã hội và cả nhà quản lý xí nghiệp hay công ty. Mỗi bệnh nhân là một trường hợp cá biệt, cần phải điều tra, nghiên cứu chứ không phải áp dụng một chương trình chung cho mọi bệnh nhân.
Việc chữa trị ở Trung tâm này có nhiều thuận lợi vì được sự hỗ trợ của các công ty nên người bệnh được an tâm chữa trị và có bảo đảm về việc làm. Hơn 400 công ty xí nghiệp trong vùng tham gia vào chương trình này để phối hợp với Trung tâm.
Các bệnh nhân được làm trắc nghiệm về tình trạng tâm lý, tâm thần,về kỹ năng để khám phá ra mình có thể làm gì trước khi chọn công việc mới vì nhiều bệnh nhân bị căng thẳng tâm lý đã cảm thấy ổn định tâm thần sau khi được chữa trị và đào tạo nghề nghiệp cho công việc mới.
Chương trình chữa trị kéo dài từ 1 đến 2 năm, nhưng không xác định rõ ràng vì tuỳ theo sự ổn định tiến triển của từng người. Chương trình thường chia thành hai thời kỳ: thời kỳ I tập trung cho việc chữa trị, thời kỳ II tập trung cho việc huấn nghệ.
Khi thăm Trung tâm này chúng tôi nghĩ tới hàng trăm ngàn người, có khi hàng triệu người, căng thẳng tâm lý do việc làm ở Việt Nam. Họ không được chữa trị và ngày ngày vẫn phải đi làm, phải chịu đựng sự mất ổn định và bất an mà chưa có Trung tâm nào giúp đỡ họ. Vì thế mà chúng tôi mơ ước mở Trung tâm Định An để giúp đỡ những người này.
2.6. Trung tâm Ethnomedizi misches Zentrum
Ngày 11/9/2012, từ 17g30 đến 19g: chúng tôi đến thăm Trung tâm Ethnomedizi misches Zentrum (Trung tâm Nhân chủng Y tế) ở Hannover và làm việc với Tiến sĩ Herr Kimil, Giám đốc Trung tâm.
Trung tâm này được thành lập hơn 20 năm nay và có nhiều cơ sở trên khắp nước Đức nhằm giúp cho những người nhập cư từ hơn 100 quốc gia đến Đức có thể sống hoà nhập với cộng đồng xã hội người Đức khá khác biệt với họ về ngôn ngữ, văn hoá, luật pháp, tôn giáo. Trung tâm có rất nhiều hoạt động trợ giúp như các bộ phận thông dịch và biên dịch cho người nhập cư, chiến dịch khám và phục hồi thể lý và tinh thần cho người nhập cư, in các sách báo phổ biến về bảo vệ sức khoẻ bằng 10 thứ tiếng thông dụng cho người nhập cư. Việt Nam là nước đứng thứ 7 có số dân nhập cư đông ở Đức.
Chúng tôi nghĩ đến hàng triệu người nhập cư từ các địa phương đến các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng và hàng trăm ngàn đồng bào thiểu số thuộc 54 dân tộc ở Việt Nam khi đến sống ở các vùng xa không cùng với dân tộc mình. Họ cũng có thể rơi vào tình trạng mất ổn định tâm lý hoặc thể lý, bị thua thiệt về điều kiện xã hội và cần được quan tâm chữa tri.
3. Viện Berolina
Ngày 13/9/2012, chúng tôi dành cả ngày để đến thăm và làm việc ở Viện Berolina, Viện Điều trị Tâm thần – Tâm lý ở vùng Lohne Bad Oeynhausen. Giám đốc Viện là Tiến sĩ Schmid – Ott cùng với các thành viên tiếp đón đoàn chúng tôi một cách long trọng. Cơ quan truyền thông địa phương nghe tin cũng đến để phỏng vấn – ghi hình về hoạt động của đoàn.
Bệnh viện chuyên khoa Berolina là mô hình chúng tôi đang tìm kiếm và muốn áp dụng ở Việt Nam vì đây là nơi áp dụng việc chữa trị bệnh nhân gần như toàn diện nhờ sự cộng tác của các bác sĩ và chuyên viên thuộc nhiều ngành, nhiều khoa khác nhau. Các lĩnh vực thể lý, tâm thần, tâm lý, xã hội, kỹ thuật đều được quan tâm. Một lĩnh vực khác đó là tâm linh và những vấn đề liên quan đến lòng tin, tôn giáo của con người cũng được chú ý, dù chưa hoàn toàn thoả đáng.
Bệnh viện được xây dựng vào năm 1979 với quy mô 200 giường, năm 2009 nâng cấp lên 280 giường, thường xuyên sử dụng 200 giường. Khi chúng tôi tới thăm các bệnh nhân, bác sĩ, y tá, chuyên viên đi lại tấp nập trong các lối đi và hành lang của viện. Đó là dấu hiệu của sự thành công. Bác sĩ giám đốc và giám đốc nhân sự cho chúng tôi biết bệnh viện có 180 nhân viên, 2/3 thuộc về ngành y tế, 1/3 là các chuyên viên các ngành khá; 55% thuộc giới nữ.
Các phòng bệnh nhân trang bị đầy đủ tiện nghi như một khách sạn cao cấp: phòng riêng với phòng tắm, vệ sinh và các điều kiện sinh hoạt khác như phòng tắm hơi, phòng tập thể dục trong nhà, sân chơi thể thao ngoài trời, phòng xoa bóp, phòng ăn tại viện, phòng sinh hoạt cộng đồng chữa trị bằng nghệ thuật hội hoạ, thủ công, bơi lội, tập Yoga, thể thao.
Các bệnh nhân mỗi tuần có 5 buổi chữa trị: 1 buổi cá nhân, 4 buổi khác theo nhóm với các bài học phù hợp từng nhóm. Các bệnh nhân được theo dõi về sức khoẻ thể lý, tâm lý rất kỹ lưỡng qua một loạt các xét nghiệm và trắc nghiệm với các chương trình giải mã điện tử. Qua sự phản hồi của bệnh nhân, tiến trình chữa trị sẽ được điều chỉnh kịp thời. Điểm đáng lưu ý là mỗi bệnh nhân khi mới nhập viện được xét nghiệm kỹ lưỡng về thể lý, cả tim và não với những máy móc khá tối tân của viện.
Qua tiếp xúc đối thoại trực tiếp với bệnh nhân, chúng tôi thấy họ hài lòng với cách chữa trị tại bệnh viện này. Cá nhân tôi khi nhìn thấy nhiều nữ bệnh nhân ở bệnh viện này, tôi nghĩ đến hàng triệu phụ nữ Việt Nam đang rối loạn tinh thần vì lo âu, sợ hãi trong nội tâm vì tình trạng gia đình bất an do những ông chồng say xỉn, đánh bạc, mê cà phê bia ôm, massage; do nợ nần chồng chất vì vay mượn và bị lừa đảo; do con cái hư đốn; do tình trạng kinh tế khó khăn. Chỉ tính riêng số người bất an vì phá thai thôi cũng có khoảng 600.000 người một năm trong số 2 triệu ca phá thai. Tất cả những người này đang kêu cứu trong tuyệt vọng. Nhiều người đã tự tử.
Tôi cũng nghĩ đến các nữ tu Công giáo, các ni cô ni sư Phật giáo. Tại sao không đào tạo cho các người này để họ giúp đỡ các phụ nữ Việt Nam?
Việc thăm viếng bệnh viện Berolina để lại trong chúng tôi ấn tượng rất tốt đẹp. Cả hai chị Thanh Hằng và Loan thấy mình cần phải đào tạo gấp rút những chuyên viên tâm lý và xã hội của ĐH KHXH&NV cho kịp đóng góp vào chương trình chữa trị toàn diện cho người Việt Nam. Cá nhân tôi rất mong ước mở một phòng khám khởi đầu của Trung tâm Phục hồi Định An với tiến trình chữa trị tương tự như ở bệnh viện Berolina này.
4. Hai viện điều trị cho thanh thiếu niên
4.1. Ngày 13/9/2012, chúng tôi tới thăm Viện Điều trị Tâm thần và Tâm lý cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Rotenburg/ Wümme (Klinik für Kinder – und Jugendpsychiatrie und Psychotherapie) và làm việc với Tiến sĩ Prankel và các cộng sự viên của ông. Ông giám đốc vừa là một bác sĩ vừa là nhà điều trị tâm lý nên kết hợp 2 chuyên khoa để chữa trị cho các em có các triệu chứng rối loạn tâm lý như nghiện internet, tự kỷ, tâm thần phân liệt, hoang tưởng…
Các học viên đến điều trị ở đây theo dạng ngoại trú, từ 8g30 đến 16g30, trong thời gian từ 2 đến 3 tháng. Sau khi làm các xét nghiệm y khoa và tâm lý, các em được xác định tiến trình điều trị bởi các chuyên viên gồm các bác sĩ, nhà tâm lý, nhà xã hội, nhà giáo dục. Chúng tôi được mời tham dự buổi họp bàn xác định tiến trình điều trị cho 1 bệnh nhân mới đến có những triệu chứng tự kỷ, lý lịch bản thân, gia đình, thậm chí dòng họ của bệnh nhân với các mối quan hệ xã hội được điều tra và bàn luận kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Rồi cách hành xử của bệnh nhân ở trường học cũng như trong gia đình, tình trạng kinh tế của gia đình, mối quan hệ của bệnh nhân với cha mẹ, với anh chị em; thái độ cư xử của bệnh nhân qua các trắc nghiệm.
Tiếp theo, các bác sĩ và chuyên viên đóng góp ý kiến để xây dựng tiến trình điều trị cho từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, giống như các bác sĩ hội chẩn chúng trước mỗi ca phẫu thuật quan trọng.
Ở đây chúng tôi học được tinh thần hợp tác chặt chẽ khi làm việc chung với nhau, sự tôn trọng giá trị con người – dù đó là một em nhỏ – và sự cẩn trọng trong việc xác định tiến trình chữa trị bởi biết rằng mỗi hành động chữa trị sai lầm có thể gây nên những thiệt hại nặng nề cho bệnh nhân.
Chúng tôi đã thăm các cơ sở của viện với những phòng tham vấn cá nhân, tham vấn nhóm, các phòng tập thể thao, hội hoạ, âm nhạc, sân khấu, phòng làm việc thủ công do một kỹ sư cơ khí trông coi. Dù các em không ở nội trú nhưng viện vẫn tạo điều kiện để các em sinh hoạt chung với nhau qua việc cùng nấu ăn, làm việc, dọn vệ sinh phòng học… nhất là cho các bạn trẻ mạnh khoẻ ở cộng đồng vào chơi chung, tập chung với các em trong phòng thể dục, thể thao để tạo sự hoà nhập cộng đồng.
4.2. Địa điểm cuối của chuyến công tác lần này là Khoa điều trị tâm lý cho trẻ em (Kind im Mittelpunkt) của Đại học Hildesheim và làm việc với Tiến sĩ Blockmann, Giám đốc chương trình KIM (trẻ em là mối quan tâm chính).
Bà giới thiệu cho chúng tôi hoạt động của chương trình dựa trên 3 công việc phải tiến hành ăn khớp với nhau: nghiên cứu – thực hành – dạy dỗ.
Khoa này của viện đại học sẽ dạy về các dạng khuyết tật, những dạng bất ổn định nơi con người và những hình thức phát triển của chúng để các sinh viên có những khái niệm rõ ràng và hướng đến việc thực tâp và nghiên cứu chúng sâu hơn.
Nhờ tài chính dồi dào của viện nên khoa có rất nhiều bản trắc nghiệm (test) về nhiều lĩnh vực điều trị nghiên cứu tâm lý, cá tính cũng như yểm trợ tài chính cho một số công trình nghiên cứu sâu về điều trị tâm lý. Khoa cũng kết hợp viêc dạy học và điều trị cho thiếu nhi như một phương pháp giáo dục để các sinh viên của trường thực hành, nhờ đó các bài học sống động và hiệu quả hơn. Trường đại học qua khoá này, cũng phổ biến các phương thức chữa trị cho các phụ huynh bệnh nhi, giáo viên các nhà trẻ để chia sẻ cho họ các nghiên cứu của khoa, nhờ đó phương pháp chữa trị được nhiều người biết đến.
5. Tuần lễ tổng kết
Sau hai tuần làm việc khá căng thẳng, chúng tôi dành tuần sau cùng 19/9 – 24/9/2012 để bàn luận và sắp đặt các công việc nhằm phối hợp sự giúp đỡ của các giáo sư người Đức ở các viện vừa tham quan với hoạt động của bộ môn điều trị tâm lý của ĐH KHXH&NV – TP.HCM.
Chúng tôi nhận định rằng:
– Việc điều trị tâm lý cho cả chục triệu người Việt Nam hiện nay đang cần là một việc làm cấp thiết.
– Tuy nhiên, phạm vi điều trị tâm lý lại quá rộng: đủ hạng người, đủ lứa tuổi và liên quan đến nhiều lĩnh vực như rối loạn ngôn ngữ, tự kỷ, nghiện ngập (ma tuý, internet, game và phim ảnh), rối loạn do nghề nghiệp, căng thẳng do gia đình, kiệt sức… mà bộ môn Tâm lý Điều trị của đại học chưa đáp ứng nổi. Tuy nhiên, khoa sẽ dần dần đưa vào chương trình học và mời các chuyên gia Đức cũng như các nước khác tham gia.
– Việc phối hợp, điều trị giữa thể lý, tâm thần, tâm lý (và nếu cần cả tâm linh) để tạo lại sự ổn định và an bình toàn diện cho con người là hết sức cần thiết, vì thế vần có sự phối hợp của bác sĩ, chuyên viên tâm lý, chuyên viên xã hội, nhà giáo dục, nhà tâm linh.
– Trước mắt, với sự giúp đỡ của Tiến sĩ Kuhr và viện tham vấn điều trị Dinklar, ĐH KHXH&NV – TP.HCM sẽ mở lớp tập huấn vào tháng 12/2012 cho các bác sĩ, nhất là các bác sĩ tâm thần và các nhà xã hội học, các nhà nghiên cứu để biết phối hợp việc tham vấn và điều trị tâm lý cho các bệnh nhân bất an.
– Cá nhân tôi cũng sẽ cố gắng thực hiện những gì quan sát được để xây dựng Trung tâm Phục hồi Định An và liên kết với bộ môn Tâm lý Điều trị của ĐH KHXH&NV – TP.HCM cho việc điều trị toàn diện con người đạt được hiệu quả cao. Chúng tôi đã chụp cả ngàn bức hình về cách tổ chức, sắp xếp… của các cơ sở được tham quan để làm tài liệu cho Việt Nam.
Ông Tiến sĩ Kuhr đã mời đoàn sang ở tại nhà nghỉ mát của ông tại vùng vùng núi Lenzerheide, Thuỵ Sĩ. Vùng này cao 1.500m so với mực nước biển, giống như ở Đà Lạt. Chúng tôi được ông dẫn đi tham quan các cảnh đẹp trong vùng, leo lên một trong những đỉnh của dãy núi Alpes cao 2.865m để tận mắt nhìn thấy tuyết bao phủ và ở ngay dưới chân mình. Ngay trên đỉnh núi này tôi đã nhặt vài cục đá làm kỷ niệm và điều bất ngờ là những hòn đá ấy chứa đầy những mảnh vụn bạc sáng lấp lánh.
Có lẽ khi leo lên đỉnh núi cao người ta bị phong cảnh hùng vĩ cuốn hút tầm mắt nên không nhận ra những cục đá có vẻ tầm thường dưới chân mình lại chứa những điều kỳ diệu quý giá!
Tôi đã quỳ trên đỉnh núi ấy đọc một kinh Lạy Cha để hoà với vạn vật cảm tạ người Cha Trên Trời cũng như cầu xin Ngài ban ơn chúc phúc cho mọi người đã giúp đỡ chúng tôi trong chuyến đi này.
Cầu chúc các bạn luôn an lành, mạnh khoẻ và dồi dào ơn Chúa.