05/01/2025

Giới thiệu Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm hoá

Sáng thứ Sáu 5-10, tại Phòng Báo chí Toà Thánh, Đức Tổng Giám mục Nikola Eterovic, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã giới thiệu Đại hội Thường kỳ lần thứ 13 Thượng Hội đồng Giám mục, sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 7 đến ngày 28-10 với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để loan truyền đức tin Kitô giáo”.

Giới thiệu Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm hoá

 

WHĐ (06.10.2012) / VIS – Sáng thứ Sáu 5-10, tại Phòng Báo chí Toà Thánh, Đức Tổng Giám mục Nikola Eterovic, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã giới thiệu Đại hội Thường kỳ lần thứ 13 Thượng Hội đồng Giám mục, sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 7 đến ngày 28-10 với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để loan truyền đức tin Kitô giáo”.

Trước khi đi vào chi tiết của Thượng Hội đồng sắp tới, Đức Tổng Giám mục Eterovic nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không được tách rời hai khía cạnh của chủ đề. Ngài nói: “Chủ đề chỉ rõ rằng mục tiêu của Tân Phúc Âm hoá là loan truyền đức tin. Và ngày nay đức tin phải đối mặt với nhiều trở ngại khác nhau, nên tiến trình loan truyền đức tin lại diễn ra trong bối cảnh Tân Phúc Âm hoá”.

Sau đó, Đức Tổng Giám mục Eterovic tiếp tục giải thích về việc chuẩn bị và các giai đoạn của Thượng Hội đồng. Ngài mô tả đây là một “tiến trình phức tạp và đòi hỏi rất khe khắt”, có thể được chia thành 3 khía cạnh liên kết với nhau: “chiều kích tâm linh, suy tư thần học và mục vụ, và những chuẩn bị về mặt tổ chức và kỹ thuật”.

1. Chiều kích tâm linh

“Mọi sinh hoạt của Thượng hội đồng đều có cầu nguyện đi theo và tác động… Từ công việc chuẩn bị và nhất là trong suốt khóa họp, cầu nguyện có một vai trò hết sức quan trọng. Cụ thể, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự bốn buổi cử hành phụng vụ: ngày 7-10, khai mạc Thượng Hội đồng và tuyên phong 2 vị tiến sĩ Hội Thánh: Thánh Gioan Avila và Thánh Hildegard Bingen; ngày 11-10, Thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin; ngày 21-10, lễ phong thánh cho 7 chân phước: Jacques Berthieu, Pedro Calungsod, Giovanni Battista Piamarta, Carmen Salles y Barangueras, Marianne Cope, Kateri Tekakwitha và Ana Schaffer; ngày 28-10, bế mạc Thượng Hội đồng”.

2. Suy tư thần học và mục vụ

“Sau khi Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng chuẩn bị ‘Lineamenta’ (Đề cương) để suy tư về chủ đề đó. Bản Lineamenta đã được công bố ngày 04 tháng Ba 2011. Bản câu hỏi kèm với Lineamenta đã được gửi cho tất cả các tổ chức Giáo hội mà Ban Tổng Thư ký có liên hệ về phương diện tổ chức, với yêu cầu gửi lại bản trả lời trước ngày 1 tháng Mười Một 2011. Tỷ lệ hồi âm – đạt 90,5% – cho thấy các Giáo hội và các tổ chức khác rất quan tâm đến chủ đề của Thượng Hội đồng. Sau đó Hội đồng thường trực của Ban Tổng Thư ký nghiên cứu các bản trả lời rồi đúc kết thành ‘Instrumentum laboris’ (Tài liệu làm việc), được công bố vào ngày 19-6-2012”.

“Các tài liệu khác cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị Thượng Hội đồng… Đó là, ngoài các bài giáo lý của Đức Thánh Cha, 2 Tông thư – Tự sắc: ‘Ubicumque et Semper’ ban hành ngày 21-9-2010 – qua đó Đức Thánh Cha thiết lập Hội đồng Toà Thánh Cổ vũ Tân Phúc Âm hoá, và ‘Porta Fidei’ ban hành ngày 11-10-2011 để thiết lập Năm Đức Tin”.

3. Chuẩn bị về mặt tổ chức và kỹ thuật

“Theo các quy định của ‘Sách Nghi thức Thượng Hội đồng Giám mục’, thành viên đương nhiên tham dự Đại Hội đồng Thường lệ của Thượng Hội đồng Giám mục do chức vụ (ex officio), là những vị đứng đầu các Giáo hội Công giáo Đông phương có quy chế riêng và các Bộ thuộc Giáo triều Roma. Ngoài các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm, các nghị phụ khác được đề cử do các Hội đồng Giám mục, do các Giáo hội Công giáo Đông phương nếu các Giáo hội này có hơn 25 giám mục, và do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền; Liên hiệp này được đề cử 10 thành viên”.

4. Các tham dự viên Thượng Hội đồng

“Đại hội thường kỳ lần thứ mười ba của Thượng Hội đồng Giám mục có 262 nghị phụ tham dự, con số đông nhất từ trước đến nay trong lịch sử Thượng Hội đồng Giám mục. Trong số này, có 103 vị thuộc châu Âu, 63 vị thuộc châu Mỹ, 50 vị thuộc châu Phi, 39 vị thuộc châu Á và 7 vị thuộc châu Đại Dương. Đa số các nghị phụ là do Hội đồng Giám mục đề cử (172 vị), Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền đề cử (10 vị), và Giáo hội Công giáo Đông phương đề cử (3 vị). Trong số các vị còn lại, 37 vị đương nhiên tham gia do chức vụ (ex officio) và 40 vị được Đức Thánh Cha bổ nhiệm”.

“Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức Hồng y Donald William Wuerl, Tổng Giám mục Washington, Hoa Kỳ, làm Tổng phát ngôn của Thượng Hội đồng, và Đức Tổng Giám mục Pierre-Marie Carre, Tổng Giám mục Montpellier, Pháp, làm thư ký đặc biệt. Ngài cũng bổ nhiệm 3 vị Chủ tịch thừa uỷ: Đức Hồng y Gioan Thang Hán, Giám mục Hồng Kông, Trung Quốc; Đức Hồng y Francisco Robles Ortega, Tổng Giám mục Guadalajara, Mexico; và Đức Hồng y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng Giám mục Kinshasa, Cộng hoà Dân chủ Congo. Tham dự Thượng Hội đồng này còn có 45 chuyên gia, 49 dự thính viên, các đại biểu anh em của 15 Giáo hội và các cộng đoàn giáo hội chưa hiệp thông với Giáo hội Công giáo, và 3 khách mời đặc biệt: Sư huynh Alois, Bề trên Cộng đoàn Taizé, Pháp; Mục sư Vest Lamar, Chủ tịch Hội Kinh Thánh Hoa Kỳ, và ông Werner Arber, nguyên giáo sư vi sinh học tại Đại học Basel, Thuỵ Sĩ và là Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học”.

5. Các sự kiện quan trọng

Dự kiến sẽ có 23 phiên họp chung và tám phiên họp nhóm. Tổng Thư ký và Tổng Phát ngôn sẽ đưa ra các bản tường trình vào sáng ngày 8-10. Trong phiên họp buổi chiều các đại diện của các hội đồng giám mục của 5 châu lục sẽ phát biểu ngắn gọn, cho biết các Giáo hội của các ngài đã xem xét chủ đề của Thượng Hội đồng như thế nào”.

Vào phiên họp chiều 9-10, Đức Hồng y Marc Ouellet PSS, Bộ trưởng Bộ Giám mục, sẽ trình bày về việc đón nhận “Verbum Domini”, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 12; Thượng Hội đồng này đã diễn ra hồi tháng 10-2008”.

“Ngày 10-10, Đức TGM Rowan Williams, Tổng Giám mục Canterbury và là vị lãnh đạo Cộng đồng Anh giáo, sẽ có bài phát biểu, điểm qua các phương pháp mà Anh giáo dùng để tiếp cận với những thách đố của việc Tân Phúc Âm hoá để loan truyền đức tin Kitô giáo”.

“Buổi chiều 12-10, ông Werner Arber, nguyên giáo sư vi sinh học tại Đại học Basel, Thuỵ Sĩ và là Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học, sẽ nói chuyện về mối tương quan giữa khoa học và đức tin”.

“Trong Thánh lễ ngày 11-10, Đức Thượng phụ Bartholomaios I sẽ ngỏ lời với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và mọi người tham dự Thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin”.

“Khi bắt đầu nhóm họp, các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục sẽ lựa chọn các thành viên của ‘Uỷ ban Thông tin’. Uỷ ban này gồm 12 thành viên, với Chủ tịch là Đức TGM Claudio Maria Celli và Thư ký là Đức TGM Luis Antonio G. Tagle – TGM Manila, Philippines do Đức Thánh Cha bổ nhiệm. Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm thêm 2 thành viên nữa, và 8 thành viên còn lại do các nghị phụ Thượng Hội đồng bầu chọn”.

“Thể thức làm việc của Thượng Hội đồng, được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI sửa đổi vào năm 2005, cơ bản vẫn không thay đổi. Mỗi nghị phụ có năm phút phát biểu trong phiên họp chung, nhưng trong các cuộc thảo luận mở trong các phiên họp buổi chiều (từ 6g đến 7g), mỗi vị sẽ có không quá 3 phút, để khuyến khích nhiều người tham gia thảo luận hơn. Các bài phát biểu của các đại biểu anh em, các chuyên gia và dự thính viên không được quá 4 phút”.