07/01/2025

Đức Thánh Cha đề cao Phụng vụ trong đời sống tín hữu

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 3-10-2012 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu tham gia Phụng vụ và đặt Phụng vụ ở nơi trung tâm đời sống của mình. Ngài nói: “Hôm nay, tôi muốn chúng ta tự hỏi: Trong đời sống của tôi, tôi có dành một chỗ đầy đủ cho việc cầu nguyện hay không, và nhất là kinh nguyện, đặc biệt là Thánh Lễ, có chỗ đứng nào trong quan hệ của tôi với Thiên Chúa, cũng như sự tham gia vào kinh nguyện chung của Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội?”

Đức Thánh Cha đề cao Phụng vụ trong đời sống tín hữu

 

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 3-10-2012 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu tham gia Phụng vụ và đặt Phụng vụ ở nơi trung tâm đời sống của mình.

Hiện diện tại Quảng trường có hơn 40.000 tín hữu hành hương dưới bầu trời nắng thu. Đây là buổi tiếp kiến đầu tiên sau khi ngài kết thúc 3 tháng hè lưu ngụ tại Dinh thự Castel Gandolfo và trở về Vatican. Số tín hữu lần này chiếm quá nửa quảng trường và đông đảo nhất kể từ nhiều tháng nay. Đông nhất là 5.000 tín hữu thuộc Tổng Giáo phận Salerno, nam Italia, về Roma hành hương.

Huấn dụ

Trong bài huấn dụ, ĐTC tiếp tục bàn về một trong những nguồn mạch ưu tiên của kinh nguyện Kitô giáo là Phụng vụ Thánh, mà ngài đã bắt đầu đề cập đến trong bài tuần trước. 

Ngài nói: “Hôm nay, tôi muốn chúng ta tự hỏi: Trong đời sống của tôi, tôi có dành một chỗ đầy đủ cho việc cầu nguyện hay không, và nhất là kinh nguyện, đặc biệt là Thánh Lễ, có chỗ đứng nào trong quan hệ của tôi với Thiên Chúa, cũng như sự tham gia vào kinh nguyện chung của Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội?”

Khi trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải nhớ rằng kinh nguyện là quan hệ sinh động của con cái Thiên Chúa với Cha vô cùng nhân hậu của họ, với Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Linh (x. Sách Giáo lLý của Giáo hội Công giáo, sốv2565). Vì thế, đời sống cầu nguyện hệ tại luôn luôn sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa và ý thức về điều ấy, khi sống quan hệ với Thiên Chúa cũng như ta sống những quan hệ thông thường trong cuộc sống chúng ta, những quan hệ với những người thân yêu nhất trong gia đình, các bạn hữu chân thực; đúng hơn, quan hệ với Thiên Chúa là quan hệ mang lại ánh sáng cho mọi quan hệ khác của chúng ta. Cuộc sống hiệp thông như thế với Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi là điều có thể, vì nhờ phép Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô, chúng ta bắt đầu trở nên một với Ngài (x. Rm 6,5).

“Thực vậy, chỉ trong Chúa Kitô, chúng ta mới có thể đối thoại với Thiên Chúa Cha, chẳng vậy, sẽ không thể được, và trong niềm hiệp thông với Chúa Con, chúng ta cũng có thể nói như Ngài: “Abba! Cha ơi!”; trong niềm hiệp thông với Chúa Kitô, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa như Cha đích thực (Mt 11,27). Vì thế, kinh nguyện Kitô giáo hệ tại nhìn lên Chúa Kitô một cách liên lỉ và luôn luôn mới mẻ, nói với Ngài, thinh lặng ở với Ngài, lắng nghe Ngài, hành động và chịu đau khổ với Ngài. Kitô hữu tái khám phá căn tính đích thực của mình trong Chúa Kitô, “là Trưởng Tử trong mọi loài thụ tạo”, nơi Ngài mọi sự hiện hữu (x. Cl 1,15tt). Khi đồng hoá với Chúa, trở nên một với Ngài, tôi tái khám phá căn tính bản thân của tôi, căn tính là của người con đích thực nhìn Thiên Chúa như Người Cha đầy tình yêu thương.

ĐTC nhắc nhở: “Chúng ta đừng quên: chúng ta khám phá Chúa Kitô, nhận biết Ngài như một Ngôi Vị sống động, ở trong Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Mình của Chúa. Tính chất xác thể này có thể được hiểu từ những lời Kinh Thánh về người nam và người nữ: cả hai trở nên một thân thể (x. St 2,24; Ep 5,30tt; 1 Cr 6,16tt). Mối liên hệ không thể tách rời giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, qua sức mạnh liên kết của tình yêu, không hề huỷ bỏ nhân vị của mỗi người, trái lại thăng hoa, làm cho chúng được hiệp nhất sâu xa hơn. Tìm ra căn tính của mình trong Chúa Ktiô có nghĩa là đạt tới một sự hiệp thông với Ngài, một sự hiệp thông không huỷ diệt tôi, nhưng nâng tôi lên một phẩm giá cao cả hơn, phẩm giá làm con Thiên Chúa trong Chúa Kitô (…). Cầu nguyện có nghĩa là nâng mình lên cao cùng Thiên Chúa, nhờ một sự từ từ biến đổi một cách cần thiết chính con người của chúng ta.”

“Như thế, khi tham gia Phụng vụ, chúng ta nhận ngôn ngữ của Mẹ Giáo Hội làm ngôn ngữ của chúng ta, học cách nói trong Giáo Hội và cho Giáo Hội. Dĩ nhiên, như đã nói, điều này diễn ra từ từ, từng chút một. Tôi phải dần dần dìm mình trong những lời của Giáo Hội, với kinh nguyện của tôi, cuộc sống, những đau khổ, vui mừng và tư tưởng của tôi. Đó là một hành trình biến đổi chúng ta.”

“Tôi thiết nghĩ những suy tư này giúp chúng ta trả lời câu hỏi chúng ta đã nêu lên ở đầu bài này: Tôi học cách cầu nguyện thế nao, làm sao tôi tăng trưởng trong kinh nguyện của tôi? Khi nhìn khuôn mẫu mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta là Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy lời cầu tiên là “Lạy Cha” và lời thứ hai là “chúng con”. Vì thế, câu trả lời thật rõ ràng: Tôi học cách cầu nguyện, tôi nuôi dưỡng kinh nguyện của tôi, bằng cách ngỏ lời với Thiên Chúa như người Cha, và bằng cách cầu nguyện với người khác, cầu nguyện với Giáo Hội, chấp nhận ơn lời nói của Giáo Hội, những lời dần dần trở thành quen thuộc với tôi và đầy ý nghĩa. Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa thiết lập với mỗi người chúng ta, và chúng ta với Ngài, trong kinh nguyện, luôn bao gồm một giới từ là “với”; ta không thể cầu khẩn Thiên Chúa theo thể thức “cá nhân chủ nghĩa”. Trong kinh nguyện phụng vụ, nhất là Thánh lễ, và được phụng vụ huấn luyện – trong mỗi kinh nguyện, chúng ta không chỉ nói như những người riêng rẽ, nhưng chúng ta kết hiệp với toàn thể Giáo Hội đang cầu nguyện. Và chúng ta phải biến đổi cái tôi của mình bằng cách đi vào “chúng tôi”. (…)

Tiếp tục bài huấn dụ trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 3-10, ĐTC nhắc nhở các tín hữu: “Phụng vụ, việc phụng tự, không bao giờ chỉ là sinh hoạt của một cộng đoàn riêng rẽ, ở trong không gian và thời gian. Điều quan trọng là mỗi Kitô hữu cảm thấy và thực sự được tháp nhập vào cộng đồng Giáo Hội, điều này mang lại một nền tảng và nơi nương náu cho bản thân tôi, trong Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội.”

“Về điểm này, chúng ta phải để ý và chấp nhận nguyên tắc nhập thể của Thiên Chúa: Ngài trở nên gần gũi, hiện diện với chúng ta khi đi vào lịch sử và bản tính con người, trở nên một người trong chúng ta. Sự hiện diện này tiếp tục trong Giáo Hội là Thân Mình của Chúa. Vì thế, phụng vụ không phải là một việc tưởng niệm những biến cố quá khứ, nhưng là sự hiện diện sinh động Mầu nhiệm Vượt qua của Chua Kitô vượt lên trên và liên kết thời gian với không gian. Nếu trong khi cử hành không trổi vượt vị thế trung tâm của Chúa Kitô thì chúng ta sẽ không có phụng vụ Kitô giáo, hoàn toàn tuỳ thuộc Chúa và được nâng đỡ nhờ sự hiện diện sáng tạo của Ngài…”

“Không phải cá nhân tín hữu – linh mục hoặc tín hữu – hay một nhóm cử hành phụng vụ, nhưng trước tiên phụng vụ là hoạt động của Thiên Chúa qua Giáo Hội, một Giáo Hội có lịch sử, truyền thống phong phú và có tinh thần sáng tạo… Cả trong phụng vụ của một cộng đoàn bé nhỏ nhất thì vẫn luôn có toàn thể Giáo Hội hiện diện. Vì thế, không có những người “xa lạ, người ngoại quốc” trong cộng đoàn phụng vụ. Trong mỗi buổi cử hành phụng vụ, toàn thể Giáo Hội, trời và đất, Thiên Chúa và loài người, đều cùng nhau tham dự. Phụng vụ Kitô giáo, cả khi được cử hành trong một nơi, một không gian cụ thể, thì do đặc tính Công giáo, đều xuất phát từ tất cả và dẫn đến toàn thể, hiệp nhất với ĐGH, các giám mục, các tín hữu trong mọi thời đại và mọi nơi.

ĐTC kết luận: “Các bạn thân mến, Giáo Hội trở nên hữu hình bằng nhiều cách: qua các hoạt động từ thiện, trong các dự án truyền giáo, trong việc tông đồ bản thân mà mỗi tín hữu Kitô phải thực hiện trong môi trường của mình. Nhưng nơi mà Giáo Hội tự cảm nghiệm hoàn toàn như Giáo Hội chính là Phụng vụ. Phụng vụ là hành vi trong đó chúng ta tin rằng thiên Chúa đi vào thực tại của chúng ta và chúng ta có thể gặp gỡ Ngài, động chạm đến Ngài. Phụng vụ là hành vi trong đó chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa. Ngài đến với chúng ta và chúng ta được Ngài soi sáng.. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày học cách sống phụng vụ thánh, nhất là việc cử hành Thánh lễ, cầu nguyện kết hiệp với cộng đồng Giáo Hội, hướng cái nhìn không phải về bản thân mình, nhưng về Thiên Chúa, cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội sinh động ở mọi nơi và mọi thời.

Chào thăm

Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý, các vị giám chức của Toà Thánh đã xướng danh các phái đoàn để giới thiệu với ĐTC và mọi người, bắt đầu là các nhóm nói tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Croatia, Sloveni và các thứ tiếng khác.

Sau khi tóm tắt bài huấn dụ, ĐTC cũng đặc biệt chào thăm một số phái đoàn như các tín hữu đến từ Giáo phận Nancy và Saint-Dié, Pháp, và Tân Calédonie. Khi nói bằng tiếng Anh, ĐTC chào thăm hơn 40 chủng sinh trường Bắc Mỹ ở Roma, sẽ được thụ phong phó tế vào ngày thứ năm 4-10-2012. Họ được hơn 900 thân nhân và bạn hữu tháp tùng. Trong buổi tiếp kiến ngài cũng nhắc đến ca đoàn 60 thiếu nhi Saint Hallvard từ Oslo của Na Uy. Các em mặc đồng phục màu đỏ đã hát tặng ĐTC và mọi người bài ca ngắn trước đó.

ĐTC chào một phái đoàn linh mục và tín hữu thuộc giáo đoàn Công giáo Ba Lan ở Đức về Roma hành hương tạ ơn Chúa vì triều đại Giáo hoàng và Lễ Phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II.

Ngoài ra, ĐTC cũng nhắc đến 60 linh mục từ nhiều quốc gia đang theo học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Phaolô thuộc Bộ Truyền giáo, trong đó có nhiều người Việt Nam. Ngài nói: “Trong khi gửi đến các con những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho việc học của các con, Cha cam đoan sẽ đặc biệt nhớ đến các con trong kinh nguyện”.