Những định hướng thiêng liêng và mục vụ

Đức Giêsu chữa một người câm điếc trên vùng đất của lương dân. Trước tiên Người đón tiếp anh, Người săn sóc anh bằng ngôn ngữ cử điệu, trực tiếp hơn lời nói, và với một câu nói bằng tiếng Aramêen, Đức Giêsu bảo người câm điếc: “Epphatha”, có nghĩa là “hãy mở ra”, và Người ban lại cho anh khả năng nghe nói

 Những định hướng thiêng liêng và mục vụ

Bài giáng cử hành Thánh lễ đồng tế nhân chuyến viếng thăm mục vụ tại Viterbe và Bargnoregio (Ý)

Tại sân trước thung lũng Faul – Viterbe
Chúa Nhật XXIII Thường Niên, 6/9/2009

Anh chị em thân mến!

Khung cảnh mà trong đó chúng ta cử hành Thánh lễ thì thực sự kỳ diệu và đầy gợi cảm: chúng ta đang có mặt tại “thung lũng” hướng về hải cảng cổ được gọi là Fault mà bốn chữ cái nhắc lại bốn ngọn đồi của miền Viterbium cổ xưa, đó là Fanum-Arbanum-Vetulonia-Longula. Nhìn về một phía, ta thấy toà Dinh thự sừng sững vươn mình lên cao, dinh thự mà ngày xưa là nơi ở và làm việc của các Đức Giáo Hoàng, dinh thự mà vào thế kỷ XIII – như Đức Giám mục của anh chị em vừa nhắc lại – đã chứng kiến năm Cơ mật hội bầu Giáo Hoàng; những dãy nhà và những quảng trường đang bao quanh chúng ta, tất cả đều nói lên nhiều biến cố trong quá khứ mà ngày hôm nay đang dệt nên cuộc sống của thành phố và vùng tỉnh của anh chị em. Trong khung cảnh này, một khung cảnh gợi lại những thế kỷ lịch sử xét về mặt dân sự và tôn giáo, giờ đây toàn thể cộng đoàn giáo phận của anh chị em đang quy tụ lại một cách thiêng liêng, cùng với người Kế vị Thánh Phêrô, để người giúp chúng ta sống trung thành với Đức Kitô và Tin Mừng của Người.

Cùng với tất cả anh chị em, thưa anh chị em thân mến, với tâm tình quý mến, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn anh chị em đã nồng nhiệt đón tiếp tôi. Trước tiên, tôi xin chào vị mục tử đáng mến của anh chị em là Đức cha Lorenzo Chiarinelli, tôi xin cám ơn những lời chào đón tốt đẹp của người. Tôi xin chào các Đức Giám mục khác, đặc biệt các Giám mục vùng Latium cùng với Đức Hồng y Giám quản giáo phận Rôma, các linh mục thân mến của giáo phận, các phó tế, chủng sinh, tu sĩ nam nữ, các bạn trẻ và thanh thiếu nhi, tôi cũng nhớ đến tất cả các thành viên cấu tạo nên giáo phận, mà trong một quá khứ không xa, đã chứng kiến các giáo phận Acquapendente, Bagnoregio, Montefiascone và Tuscania liên kết với nhau tại Viterbe, cùng với tu viện San Martino Núi Cimino. Hình thể mới mẻ này giờ đây đã được điêu khắc một cách nghệ thuật trên những “Cánh cửa đồng” của nhà thờ chánh toà mà khi bắt đầu chuyến viếng thăm tại Quảng trường Thánh Lôrenxô, tôi đã có thể chúc lành và chiêm ngưỡng. Tôi kính chào các cấp chính quyền dân sự và quân sự, các vị đại diện chính phủ của vùng và tỉnh Viterbe, đặc biệt ngài thị trưởng thành phố, người đã thay mặt dân chúng Viterbe để nói lên những tình cảm chân tình. Tôi cám ơn đội quân bảo vệ an ninh và trật tự, và tôi xin chào rất đông đảo binh lính hiện diện trong thành phố này, cũng như những ai đang dấn thân làm việc cho sứ mệnh hoà bình trên toàn thế giới. Tôi xin chào và cám ơn các tình nguyện viên, cũng như tất cả những ai đã góp phần thực hiện chuyến viếng thăm của tôi. Đặc biệt tôi xin chào những người cao tuổi, những người sống neo đơn, các bệnh nhân, những người đang bị giam giữ trong những nhà tù, và tất cả những ai không thể tham dự cuộc gặp gỡ để cầu ngyện và để nói lên tình bạn giữa chúng ta.

Anh chị em thân mến, cứ mỗi lần chúng ta quy tụ để cử hành phụng vụ thì đều có Thiên Chúa hiện diện. Cùng nhau quy tụ để cử hành Bí tích Thánh Thể, các môn đệ của Chúa loan truyền Người đã sống lại, Người đang sống và mang lại sự sống cho mọi người, và các môn đệ của Chúa làm chứng rằng sự hiện diện của Người là ân sủng, là sự viên mãn, là niềm vui. Chúng ta hãy mở rộng lòng đón nhận lời Chúa và đón nhận sự hiện diện đầy hồng phúc của Người. Trong Bài đọc một, Tiên tri Isaia (35,4-7) khuyến khích “những tâm hồn yếu nhược” và loan báo điều mới mẻ thật kỳ diệu được kinh nghiệm xác nhận này, đó là khi có Chúa hiện diện, thì mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, chân người què “nhảy nhót như nai”. Tất cả được tái sinh và sống lại, bởi vì dòng nước an lành đã tưới mát sa mạc. “Sa mạc”, trong ngôn ngữ biểu tượng, có thể gợi lên những biến cố đau thương, những tình thế khó khăn, và sự cô đơn thường ghi đặm dấu trong cuộc đời; tâm hồn của con người cũng là một sa mạc hun hút, khi nó đánh mất đi khả năng lắng nghe, nói năng và liên lạc với Thiên Chúa và tha nhân. Lúc đó con người trở nên đui mù, vì không còn khả năng thấy được thực tế; đôi tai đã bị đóng lại và không còn nghe được tiếng kêu của những ai van xin giúp đỡ; con tim đã trở nên chai lì trong lãnh đạm và ích kỷ. Nhưng giờ đây – Tiên tri Isaia loan báo – tất cả đã được thay đổi; “mặt đất khô cằn” của một con tim khép kín sẽ được nhựa sống thần linh tưới mát. Và khi Chúa đến, Người sẽ dõng dạc nói với những con tim rã rời của mọi thời đại: ”Hãy mạnh mẽ lên, đừng sợ”! (c.4).

Giai thoại trong Phúc Âm theo Thánh Máccô (7,31-37) được liên kết một cách thật tuyệt diệu nơi đây: Đức Giêsu chữa một người câm điếc trên vùng đất của lương dân. Trước tiên Người đón tiếp anh, Người săn sóc anh bằng ngôn ngữ cử điệu, trực tiếp hơn lời nói, và với một câu nói bằng tiếng Aramêen, Đức Giêsu bảo người câm điếc: “Epphatha”, có nghĩa là “hãy mở ra”, và Người ban lại cho anh khả năng nghe nói. Đám đông vô cùng thán phục, họ kêu lên: “Người làm việc gì cũng tốt đẹp cả” (c.37). Qua “dấu chỉ” này, chúng ta có thể thấy được ao ước mãnh liệt của Đức Giêsu là chiến thắng sự cô đơn và thiếu liên lạc vì ích kỷ trong lòng con người, để tái tạo một “nhân loại mới” biết lắng nghe và biết nói năng, đối thoại, liên lạc, hiệp thông với Thiên Chúa. Một nhân loại “tốt đẹp”, như mọi công trình sáng tạo của Thiên Chúa đều tốt đẹp; một nhân loại không có kỳ thị, không có loại trừ – như Thánh Tông đồ Giacôbê đã cảnh tỉnh chúng ta trong Thư Thứ Hai,, của người (2,1-5) – để cho thế giới này thực sự trở nên “một thế giới huynh đệ thực sự” cho tất cả mọi người (Gaudium et spes – Vui mừng và Hy vọng – s.37) với một tình yêu rộng mở đối với Thiên Chúa là Cha chung đã dựng nên chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con cái của Người.

Giáo Hội Viterbe thân mến, ước gì Đức Kitô mà chúng ta thấy trong Phúc Âm đang mở tai và tháo dây buộc lưỡi cho người câm điếc, mở lòng mở trí ngươi ra và luôn mang lại cho ngươi niềm vui lắng nghe lời Chúa, sự can đảm loan báo Tin Mừng của Người, khả năng thưa chuyện với Chúa, và như thế truyện vãn với anh chị em của ngươi, và cuối cùng, can đảm khám phá ra khuôn mặt và vẻ đẹp của Thiên Chúa! Nhưng như Thánh Bônaventura thành Bagnoregio – nơi mà trưa nay tôi sẽ đến kính viếng – đã nhắc lại cho chúng ta là để được thế thì chúng ta phải “vượt qua mọi sự đời tạm này bằng cách chiêm niệm và không những vượt qua thế giới giác quan, mà cũng còn phải vượt qua chính bản thân mình” (Itinerarium mentis in Deum – Lộ trình của tâm hồn trong Chúa -, VII,1). Đó là lộ trình của ơn cứu độ, một lộ trình liên kết tất cả các Kitô hữu, được ánh sáng Lời Chúa soi sáng và được các Bí tích nuôi dưỡng.

Hỡi Giáo Hội thân yêu đang sinh sống trên mảnh đất này, giờ đây tôi muốn lấy lại một vài định hướng thiêng liêng và mục vụ của lộ trình này, lộ trình mà ngươi đang sinh sống trên mảnh đất này, Chúa cũng mời gọi ngươi bước đi. Đức Giám mục của ngươi luôn ưu tiên cho giáo dục đức tin, qua việc nghiên cứu, gia nhập Kitô giáo, cuộc sống trong Đức Kitô. “Trở nên Kitô hữu” cốt ở cách thức “học biết Đức Kitô” mà Thánh Phaolô đã diễn tả qua công thức sau đây: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Các giáo xứ, các gia đình và các đoàn thể khác nhau đều tham dự vào kinh nghiệm này. Các giáo lý viên và tất cả các nhà giáo dục đều được mời gọi dấn thân, học đường, từ trường tiểu học đến Đại học tại Tuscia, tất cả đều được mời gọi góp phần, một sự góp phần ngày càng quan trọng và tuyệt vời hơn, và đặc biệt là trường học Công giáo, với Học viện triết học và thần học “San Pietro”. Ta phải rút cảm hứng từ những mẫu gương hiện tại, từ những nhà tiền phong đích thật của nền giáo dục đức tin. Trong số các vị đó, tôi vui mừng được nhắc đến tên Thánh nữ Rosa Venerini (1656-1728) – người mà tôi đã hân hạnh phong Thánh cách đây ba năm – Thánh nữ, “ngay từ thế kỷ Ánh sáng”, đã là tiền thân thật sự của những ngôi trường nữ sinh tại Ý sau này; Thánh nữ Lucia Filippini (1672-1732) là người, được Đức Hồng y đáng kính Marco Antonio Barbarigo (1640-1706) giúp đỡ, đã sáng lập Hội dòng “Nữ tu làm việc thiện” rất đáng được mọi người ca ngợi. Ngày nay, chúng ta cũng còn có thể vui mừng đến kín múc nơi những nguồi suối thiêng liêng này, để đương đầu một cách sáng suốt và có chặt chẽ hơn với “tính cấp bách của nền giáo dục” hiện nay, một công việc mà ta không thể nào lẫn tránh được và phải dành ưu tiên, một thách đố lớn cho mỗi cộng đoàn Kitô giáo và cho toàn thể xã hội, đó là một tiến trình “Épphatha”, mở đôi tai, tháo dây buộc lưỡi cũng như mở đôi mắt.

Cùng với sự giáo dục, ta còn phải kể đến chứng tá đức tin. “Đức tin – Thánh Phaolô viết – tác động bởi đức ái ” (x. Gl 5,6). Chính trong viễn tượng này mà hoạt động bác ái của Giáo Hội đã tạo nên gương mặt của mình: những sáng kiến của Giáo Hội, những công việc của Giáo Hội là những dấu chỉ của đức tin và dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa là Tình Yêu – như tôi đã nhắc lại thật đầy đủ trong các Thông điệp Deus caritas est Thiên Chúa là Tình yêu – và Caritas in veritate – Bác ái trong chân lý -. Ở đây, tại giáo phận của anh chị em, công việc thiện nguyện nảy nở và phải luôn được phát triển nhiều hơn nữa trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện đoàn thể, và tìm thấy yếu tố dẫn tiến và giáo dục trong Caritas. Thánh nữ trẻ tuổi Rose (1233-1251), cũng là Thánh Quan thầy của giáo phận anh chị em mà chúng ta sẽ mừng lễ trong những ngày sắp tới, là một tấm gương chói loà của đức tin và lòng quảng đại đối với người nghèo. Ngoài ra, làm sao mà chúng ta lại không nhắc lại rằng Thánh nữ Giacinta Marescotti (1585-1640), từ tu viện của mình, đã khởi xướng phong trào tôn sùng Bí tích Thánh Thể trong thành phố của người và đã khai sinh ra những cơ sở và những sáng kiến nhằm giúp đỡ những người bị lao tù và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội? Chúng ta cũng không được quên chứng tá Phan sinh của Thánh Crispin, dòng Capucinô (1668-1759), vị Thánh mà ngay cả ngày hôm nay vẫn còn gợi cảm hứng cho những công tác cứu trợ thật đáng khen ngợi. Thật là ý nghĩa khi chúng ta thấy trong bầu khí hăng say của Tin Mừng này đã sản sinh nhiều nam nữ tu sĩ sống đời tận hiến, và đặc biệt là các tu viện kín đã được thiết lập, những tu viện nhắc nhở mọi người ý thức về quyền tối thượng của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, và nhắc chúng ta nhớ rằng kinh nguyện là hình thức đầu tiên của tình bác ái. Về điểm này, gương sáng của nữ Chân phước Gabriella Sagheddu (1914-1939), dòng Cistersien cải tổ, là có tính biểu tượng hơn cả: tại tu viện Vitorchiano, người vẫn tiếp tục đưa ra tinh thần đại kết thiêng liêng, được nuôi dưỡng bằng một đời sống kinh nguyện liên lỉ, và được Công đồng chung Vatican II (x. Unitatis redintegratio – Sắc lệnh về Hiệp nhất – s.8) cổ vũ. Tôi cũng xin nhắc đến Chân phước Domenico Bàrberi (1792-1849) là người dân Viterbe, thuộc dòng Khổ nạn. Năm 1845, người đã tiếp nhận vào trong lòng Giáo Hội Công giáo John Henry Newman, sau này trở nên Hồng y, một con người mặt có một tầm mức trí thức lớn rộng và một nền tu đức chói ngời.

Cuối cùng, tôi muốn nêu lên một định hướng Thứ Ba,, trong chương trình mục vụ của anh chị em: để ý đến những dấu chỉ của Thiên Chúa. Như Đức Giêsu đã làm cho anh câm điếc, Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục làm như thể để mạc khải cho chúng ta chương trình của Người qua những “biến cố và lời nói”. Như thế, mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải cam kết lắng nghe lời Chúa và phân định những dấu chỉ của Người. Dấu chỉ cụ thể nhất trong những dấu chỉ của Thiên Chúa, chắc chắn đó là sự quan tâm đến tha nhân, dựa theo lời Đức Giêsu đã phán: ”Cứ mỗi lần anh em làm điều đó cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta đây là anh em đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Ngoài ra, như Công đồng chung Vatican II đã khẳng định, Kitô hữu được mời gọi “trở nên chứng nhân phục sinh và chứng nhân sự sống của Chúa Giêsu, cũng như dấu chỉ của Thiên Chúa hằng sống trước mặt nhân loại” (Lumen gentium Ánh sáng muôn dân -, s.38). Và trước tiên đó phải là linh mục mà Đức Kitô đã chọn để hoàn toàn thuộc về Người, linh mục phải là nhân chứng và là dấu chỉ. Trong Năm Linh mục này, chúng ta hãy cầu nguyện một cách khẩn thiết hơn nữa cho các linh mục, cho các chủng sinh và cho các ơn gọi, để họ sống trung thành với ơn gọi của mình! Ngoài ra, mỗi người sống đời tận hiến và mỗi người đã lãnh phép Rửa tội cũng phải là một dấu chỉ của Thiên Chúa hằng sống.

Anh chị em giáo dân, các bạn trẻ và các gia đình thân mến, đừng sợ sống và làm chứng cho đức tin trong các môi trường khác nhau của xã hội, trong vô vàn tình huống khác nhau của cuộc sống con người! Cũng trong bối cảnh này, Giáo phận Viterbe cũng đã cung cấp cho Giáo Hội nhiều gương mặt nổi danh. Nhân dịp này, chúng ta vui mừng và đó cũng là bổn phận phải nhắc lại tên tuổi của người bạn trẻ Mario Fani de Viterbe, là sáng lập viện “Câu lạc bộ Thánh nữ Rose”, cùng với Giovanni Acquaderni thành Bologne, đã thắp lên ánh sáng đầu tiên mà sau này sẽ trở thành kinh nghiệm lịch sử cho phong trào giáo dân tại Ý: đó là phong trào Công giáo tiến hành. Các mùa trong lịch sử nối tiếp nhau, các bối cảnh xã hội đều biến đổi, nhưng ơn gọi mà các Kitô hữu phải sống Tin Mừng liên đới với gia đình nhân loại, cùng với thời gian, vẫn không hề thay đổi và không hề bị lỗi thời. Đó là sự cam kết về mặt xã hội, đó là sự phục vụ đặc trưng của hoạt động chính trị, đó là sự phát triển của con người toàn diện.

Anh chị em thân mến! khi tâm hồn lạc lối trong sa mạc cuộc đời, anh chị em đừng sợ, hãy phó thác cuộc đời của anh chị em cho Đức Kitô, là trưởng tử của nhân loại mới: một gia đình anh em được xây dựng trong tự do và công lý, trong sự thật và trong tình bác ái của những người con Chúa. Trong đại gia đình này có những vị Thánh rất thân thương của anh chị em: Laurent, Valentin, Hilaire, Rose, Lucie, Bonaventure và nhiều vị khác nữa. Người Mẹ chung của chúng ta, là Đức Maria, mà anh chị em tôn kính dưới tước hiệu Đức Bà Cây Sồi, là Quan Thầy của toàn thể giáo phận trong hình thái mới mẻ của nó. Ước gì các ngài giúp anh chị em liên kết với nhau, và nuôi dưỡng trong lòng anh chị em ước muốn loan báo sự hiện diện và tình yêu của Đức Kitô, qua lời nói và hành động! Amen.