07/01/2025

Cầu nguyện trước hết là lắng nghe Thiên Chúa nói và chúc tụng Người

Lời cầu nguyện của chúng ta thường là lời xin, trái lại trước hết phải là lời chúc tụng Thiên Chúa vì tình yêu của Người, vì ơn của Chúa Giêsu Kitô Đấng đã đem đến cho chúng ta sức mạnh, niềm hy vọng và ơn cứu rỗi. Đức Thánh Cha Bênêđictô Đức XVI đã nói như trên trong buổi tiếp kiến 8.000 tín hữu và du khách hành hương trong Đại Thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 5-9-2012. Ngài đã tiếp tục loạt bài giáo lý về đề tài cầu nguyện.

Cầu nguyện trước hết là lắng nghe Thiên Chúa nói và chúc tụng Người

 

Lời cầu nguyện của chúng ta thường là lời xin, trái lại trước hết phải là lời chúc tụng Thiên Chúa vì tình yêu của Người, vì ơn của Chúa Giêsu Kitô Đấng đã đem đến cho chúng ta sức mạnh, niềm hy vọng và ơn cứu rỗi.

Đức Thánh Cha Bênêđictô Đức XVI đã nói như trên trong buổi tiếp kiến 8.000 tín hữu và du khách hành hương trong Đại Thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 5-9-2012. Ngài đã tiếp tục loạt bài giáo lý về đề tài cầu nguyện. 

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Hôm nay, tôi muốn nói về lời cầu nguyện trong sách Khải Huyền, như anh chị em biết, là cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh Tân Ước. Đây là một cuốn sách khó, nhưng chứa đựng một sự phong phú rất lớn. Nó đặt để chúng ta trong sự tiếp cận với lời nguyện sống động của cộng đoàn Kitô, tụ tập nhau trong ngày của Chúa (x. Kh 1,10).

Một đọc viên giới thiệu với cộng đoàn sứ điệp Chúa trao phó cho Thánh sử Gioan. Đọc viên và cộng đoàn tạo thành hai tác nhân sự phát triển của sách. Từ sự đối thoại liên lỉ của họ, dâng lên một bản hoà âm cầu nguyện phát triển với các hình thái khác nhau cho tới lúc kết thúc.

Khi lắng nghe đọc viên giới thiệu sứ điệp, lắng nghe và quan sát cộng đoàn phản ứng, lời cầu nguyện của họ hướng tới chỗ trở thành lời cầu nguyện của chúng ta.

Phần đầu của sách Khải Huyền (1,4-3,22) gồm 3 phần tiếp nối nhau. Phần một (1,4-8) là cuộc đối thoại giữa cộng đoàn vừa tụ họp nhau lại, và đọc viên chúc họ “ân sủng và bình an”. Lời cầu chúc ấy tới từ Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và Đức Giêsu Kitô, cùng dấn thân trong việc làm cho chương trình tạo dựng và cứu độ đối với nhân loại được tiến triển. Cộng đoàn lắng nghe, và khi nghe xướng tên Chúa Giêsu Kitô, họ đã nhảy mừng và hăng hái trả lời bằng một lời cầu chúc tụng: “Cho Đấng yêu mến chúng ta và đã giải thoát chúng ta với Máu của Người, Đấng đã làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời Amen” (Kh 1,5-6a).

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Cộng đoàn được bao bọc bởi tình yêu của Chúa Kitô cảm thấy được giải thoát khỏi các ràng buộc của tội lỗi, và tự tuyên bố là “vương quốc” của Chúa Giêsu Kitô, hoàn toàn thuộc về Người. Nó nhìn nhận sứ mệnh lớn lao đã được giao phó với Bí tích Rửa Tội là đem sự hiện diện của Thiên Chúa vào lòng thế giới. Cộng đoàn nhìn lên Chúa Giêsu, và với lòng hăng say gia tăng, nó thừa nhận “vinh quang và uy quyền cứu thoát thế giới của Người. Mấy câu đầu chứa đựng một sự phong phú lớn, vì cho chúng ta biết rằng lời cầu nguyện của chúng ta trước hết là lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta. Bị chìm ngập trong biết bao nhiêu lời nói, chúng ta ít có thói quen lắng nghe, nhất là đặt để mình trong tư thế nội tâm và bề ngoài để chú ý tới những điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Ngoài ra, các câu này còn dạy cho chúng ta biết rằng lời cầu nguyện của chúng ta thường là lời xin, trái lại, trước hết phải lời chúc tụng Thiên Chúa vì tình yêu của Người, vì ơn của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đem đến cho chúng ta sức mạnh, niềm hy vọng và ơn cứu rỗi.

Người đọc lại nhắc nhở cộng đoàn dấn thân tiếp đón sự hiện diện tình yêu của Chúa Kitô trong cuộc sống: “Kìa Người ngự giữa đám mây, ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người” (Kh 1,7a). Sau khi đã lên trời trong một ”đám mây”, biểu tượng của sự siêu việt (x. Cv 1,9), Chúa Giêsu Kitô sẽ trở lại như đã lên trời (x. Cv 1,11b). Khi đó mọi dân tộc sẽ nhận biết và “sẽ hướng nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Họ sẽ nghĩ đến các tội lỗi của mình, là lý do của việc đóng đinh Người, và như những người đã trực tiếp chứng kiến cảnh đóng đanh trên đồi Calvê, “họ sẽ đấm ngực” (x. Lc 23,48), xin Người tha thứ, để theo Người trong cuộc sống, và như thế chuẩn bị cho sự hiệp thông trọn vẹn với Người, sau cuộc trở lại sau hết của Người. Cộng đoàn suy tư về sứ điệp ấy và trả lời “Amen” (Kh 1,7b). Nó diễn tả việc tiếp nhận tràn đầy những gì được chuyển đạt với tiếng “Có”, và xin cho điều đó trở thành thực tại. Đó là lời cầu nguyện của cộng đoàn suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa, được tỏ lộ ra một cách cao vời trên Thập giá, và xin được sống trung thực như môn đệ của Chúa Kitô. Và Thiên Chúa trả lời: “Ta là Alpha và Omega, Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1,8).

Thiên Chúa tự mạc khải như là sự khởi đầu và kết thúc của lịch sử, Ngài chấp nhận và chú ý tới lời xin của cộng đoàn. Với tình yêu Ngài đã, đang và sẽ hiện diện tích cực trong các biến cố của loài người cho tới ngày sau hết. Lời cầu nguyện thức tỉnh trong chúng ta ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống và trong lịch sử; và sự hiện diện của Chúa đỡ nâng, hướng dẫn và trao ban hy vọng cho chúng ta, cả giữa sự tối tăm của vài biến cố nhân loại. Ngoài ra, mỗi một lời cầu nguyện, cả lời cầu nguyện trong thanh vắng triệt để nhất, cũng không bao giờ lẻ loi và cằn cỗi, mà là nhựa sống dưỡng nuôi cuộc đời Kitô ngày càng dấn thân và trung thực hơn.

Phần hai lời cầu nguyện của cộng đoàn (Kh 1,9-22) đào sâu tương quan với Chúa Giêsu Kitô: Chúa cho thấy Người, nói, hành động; và cộng đoàn luôn gần gũi Người hơn lắng nghe, phản ứng và tiếp nhận. Thánh Gioan chia sẻ với cộng đoàn kinh nghiệm riêng của mình đang ở đảo Patmos, vì rao giảng Lời Chúa và làm chứng cho Chúa Giêsu. Đó là vào Ngày của Chúa, tức Chúa Nhật, ngày cử hành sự phục sinh. Thánh nhân được Thánh Thần nắm lấy, thấm nhuần, canh tân và làm mở khả năng tiếp nhận Chúa Giêsu mời thánh nhân viết. Lời cầu nguyện của cộng đoàn từ từ trở thành một thái độ chiêm niệm, được đánh nhịp bởi các động từ “trông thấy”, “nhìn”, “chiêm niệm”, nghĩa là nội tâm hoá và biến thành của mình những gì đọc viên đề nghị.

Thánh Gioan nghe một tiếng lớn như tiếng kèn, sai gửi sứ điệp cho bẩy Giáo Hội tại Tiểu Á, và qua các Giáo Hội ấy gửi cho tất cả mọi Giáo Hội và các chủ chăn. Tiếng kèn nhắc nhớ tới cảnh Thiên Chúa hiện ra với ông Môsê trên núi Sinai trong sách Xuất Hành (Xh 20,18), và ám chỉ tiếng Thiên Chúa nói từ Trời, từ sự siêu việt của Người; ở đây nó được áp dụng cho Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh nói với cộng đoàn đang cầu nguyện từ vinh quang của Thiên Chúa Cha. Thánh Gioan trông thấy 7 cây đèn vàng với nến cháy sáng, ở giữa có một người giống như Con Người, là từ ám chỉ chính Chúa Giêsu. 

Đức Thánh Cha giải thích hình ảnh 7 cây đèn vàng cháy sáng: Các cây đèn vàng có nến cháy sáng ám chỉ Giáo Hội thuộc mọi thời đại trong thái độ cầu nguyện trong Phụng vụ: Chúa Giêsu Phục Sinh, “Con Người” ở giữa Giáo Hội và mặc phẩm phục Thượng tế của Cựu Ước đang chu toàn nhiệm vụ tư tế trung gian gần Thiên Chúa Cha. Trong sứ điệp của Gioan có sự biểu lộ sáng láng của Chúa Kitô Phục Sinh với các đặc tính của Thiên Chúa. “Tóc trắng như tuyết” (Kh 1,14) biểu tượng cho sự vĩnh cửu của Thiên Chúa (Dn 7,9) và sự Phục Sinh. Lửa trong Cựu Ước thường được gán cho Thiên Chúa biểu tượng cho hai đặc tính: thứ nhất là sức mạnh sự ghen tương tình yêu của Người linh hoạt giao ước của Người với nhân loại (x. Đnl 4,24). Người ta có thể đọc được chính sức mạnh cháy nóng tình yêu ấy trong cái nhìn của Chúa Giêsu Phục Sinh: “Mắt Người như ngọn lửa hồng” (Kh 1,14a). Đặc tính thứ hai là khả năng chiến thắng sự dữ “như lửa thiêu rụi” (Đnl 9,3) không thể kìm hãm được. Chân của Chúa Giêsu tiến lên phá huỷ sự dữ cũng thế, giống như đồng đỏ được tôi luyện trong lò (x. Kh 1,15). Tiếng nói của Chúa Giêsu Kitô “giống như tiếng nước lũ” (Kh 1,15c), như tiếng “vinh quang của Thiên Chúa tiến về Giêrusalem” (Ed 43,2) mà ngôn sứ Edekiel nói tới.

Tiếp theo, đó 3 yếu tố biểu tượng khác nữa cho thấy điều Chúa Giêsu Phục Sinh đang làm cho Giáo Hội: Người cầm Giáo Hội vững chắc trong tay phải, nói với Giáo Hội với sức mạnh của một thanh gươm sắc nhọn, và chỉ cho Giáo Hội thấy ánh quang thiên tính của Người: “Mặt Người tỏa sáng như mặt trời chói lọi” (Kh 1,16). Kinh nghiệm tuyệt vời ấy khiến cho Thánh Gioan đuối sức và ngã vật xuống như chết. Thánh nhân có Chúa Giêsu ở trước mặt đang nói với thánh nhân, trấn an và đặt tay trên đầu thánh nhân, tỏ lộ căn tính là Đấng bị đóng đinh Phục Sinh và giao cho thánh nhân nhiệm vụ viết một sứ điệp cho các Giáo Hội (x. Kh 1,17-18). Cộng đoàn cũng chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ hằng ngày với Chúa Giêsu, và nhận ra sự phong phú của việc tiếp xúc ấy với Chúa, là Đấng làm tràn đầy mọi không gian của cuộc sống.

Phần thứ ba là hai chương 2 và 3 của sách Khải Huyền, gồm sứ điệp gửi cho 7 Giáo hội Tiểu Á ở chung quanh Ephêxô, trong đó Chúa Giêsu ngỏ lời ở ngôi thứ nhất. Chúa khởi hành từ tình trạng sống đặc biệt của từng Giáo Hội để trải đài ra các Giáo Hội thuộc mọi thời đại. Chúa cho thấy các ánh sáng và bóng tối của từng Giáo Hội và cấp thiết mời gọi “hãy hoán cải” (Kh 2,5.16; 3,19c); “hãy nắm vững điều ngươi đang có” (3, 11); “hãy làm các việc thuở ban đầu” (2,5); “hãy nồng nhiệt và hoản cải” (3,19b)… Các lời này của Chúa Giêsu, nếu được lắng nghe với đức tin thì bắt đầu hữu hiệu ngay. Giáo Hội đang cầu nguyện tiếp nhận Lời Chúa được biến đổi. Mọi Giáo Hội đều phải lắng nghe Chúa và rộng mở cho Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu liên tục đòi hỏi: “Ai có tai thì lắng nghe lời Thần Khí nói với các Giáo Hội” (2,7.11.17.29; 3,6.13.22). Cộng đoàn lắng nghe sứ điệp nhận được sự khích lệ để sám hối, hoán cải, kiên trì, lớn lên trong tình yêu và định hướng lộ trình của mình.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.