05/01/2025

Đức Thánh Cha kêu gọi tái khám phá Bí tích Thánh Thể

CASTELGANDOLFO – ĐTC Bênêđictô XVI kêu gọi các tín hữu tái khám phá Bí tích Thánh Thể và đón nhận Chúa Giêsu trong đức tin. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã giải thích về sự kiện Chúa Giêsu không tìm sự đồng thuận của người nghe, nhưng Ngài thúc giục các môn đệ phải đi đến một quyết định, đón nhận Chúa trong đức tin, không vấp phạm vì nhân tính của Ngài, nhưng đích thân kết hiệp với Ngài một cách sâu xa.

Đức Thánh Cha kêu gọi tái khám phá Bí tích Thánh Thể

 

CASTELGANDOLFO – ĐTC Bênêđictô XVI kêu gọi các tín hữu tái khám phá Bí tích Thánh Thể và đón nhận Chúa Giêsu trong đức tin.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19-8-2012 với hàng ngàn tín hữu hành hương tại khuôn viên dinh thự Castel Gandolfo.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã giải thích về sự kiện Chúa Giêsu không tìm sự đồng thuận của người nghe, nhưng Ngài thúc giục các môn đệ phải đi đến một quyết định, đón nhận Chúa trong đức tin, không vấp phạm vì nhân tính của Ngài, nhưng đích thân kết hiệp với Ngài một cách sâu xa. Tái khám phá “phép Thánh Thể diễn tả trọn vẹn lòng khiêm tốn và sự thánh thiện của Thiên Chúa: Ngài trở nên bé nhỏ, trở thành một mảnh của vũ trụ để hoà giải trọn vẹn vũ trụ trong tình thương”. 

ĐTC nói: “Anh chị em thân mến, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Ga 6,51-58) là phần cuối cùng và cao điểm trong bài diễn văn của Chúa Giêsu tại Hội đường thành Cafarnaum, ngày hôm sau khi Chúa Giêsu cho hàng ngàn người ăn no chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá. Chúa Giêsu biểu lộ ý nghĩa phép lạ ấy, nghĩa là thời điểm những lời hứa đã được viên mãn: Thiên Chúa Cha, xưa kia đã nuôi dân Israel trong sa mạc bằng manna, nay Ngài sai Con đến như Bánh hằng sống, và bánh này chính là mình Người, là sự sống được hiến tế vì chúng ta. Vì thế, vấn đề ở đây là đón nhận Chúa trong đức tin, đừng vấp phạm vì lòng khiêm tốn của Chúa; vấn đề ở đây là “ăn thịt và uống máu Chúa” (x. Ga 6,54), để được sự sống sung mãn. Hiển nhiên là diễn văn này không được nói lên để thu hút sự đồng ý. Chúa Giêsu biết điều đó và Ngài cố tình nói như thế; và thực tế đó là một thời điểm gay go, một khúc quanh trong sứ vụ công khai của Ngài. Dân chúng, và cả các môn đệ, trước đây rất phấn khởi vì Ngài, khi Ngài làm phép lạ; và cả việc hoá bánh ra nhiều cũng là một sự mạc khải về Đức Messia, đến độ ngay sau đó, dân chúng muốn tung hô Chúa Giêsu và tôn Ngài là vua của Israel. Nhưng chắc chắn ý Chúa Giêsu không như vậy, và với bài diễn văn dài, Chúa muốn làm dịu bớt sự phấn khởi của dân chúng và tạo nên sự bất đồng nơi nhiều người. Thật vậy, Chúa giải thích hình ảnh bánh và khẳng định mình đã được sai đến để hiến mạng sống, và ai muốn theo Ngài, thì phải kết hiệp với Ngài trong sự thân tình sâu xa, tham gia vào hy tế tình thương của Ngài. Vì thế, sau đó Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly: để các môn đệ có thể sở hữu nơi mình tình thương của Chúa, và như một thân mình duy nhất được hiệp nhất với Ngài, họ có thể kéo dài mầu nhiệm cứu độ của Chúa trong thế giới”.

ĐTC nói tiếp: “Khi nghe bài diễn văn này, dân chúng hiểu rằng Đức Giêsu không phải là một vị Messia như họ mong muốn, một vị khao khát ngai vàng trần thế. Ngài không tìm kiếm sự đồng thuận để chinh phục thành Giêrusalem; trái lại, Ngài muốn đến Thành Thánh để chia sẻ số phận của các vị ngôn sứ: nghĩa là hiến mạng sống vì Thiên Chúa và cho dân. Những tấm bánh đó, được bẻ ra cho hàng ngàn người, không muốn khơi lên một hành trình đắc thắng, nhưng tiên báo hy tế trên Thập Giá, trong đó Chúa Giêsu trở thành Bánh được bẻ ra nuôi nhiều người, trở thành Mình và Máu được dâng hiến để đền tội, cho thế gian được sống. Vì thế, Chúa Giêsu trình bày bài diễn văn ấy để cho đám đông dân chúng tỉnh ngộ, và nhất là để khơi lên nơi các môn đệ một quyết định. Và thực tế là, từ lúc đó, nhiều môn đệ không còn theo Ngài nữa”.

ĐTC kết luận: “Các bạn thân mến, chúng ta hãy để cho mình tái kinh ngạc vì những lời của Chúa Kitô: Ngài là hạt lúa được gieo vào lòng lịch sử, là hoa trái đầu mùa của nhân loại mới, được giải thoát khỏi sự hư nát của tội lỗi và chết chóc. Và chúng ta tái khám phá vẻ đẹp của Bí tích Thánh Thể, diễn tả trọn vẹn tất cả sự khiêm tốn và thánh thiện của Thiên Chúa: Ngài trở nên bé nhỏ, trở thành một mảnh nhỏ của vũ trụ để hoà giải trọn vẹn vũ trụ trong tình thương. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã ban cho thế giới Bánh Sự Sống, dạy chúng ta luôn sống kết hiệp sâu xa với Chúa”.

Chào thăm các tín hữu

Sau khi ban phép lành cho mọi người, như thường lệ ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương bằng các thứ tiếng khác nhau, và tóm tắt ý chính của bài huấn dụ.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc nhở Chúa Giêsu tự giới thiệu như Bánh Hằng Sống, lương thực không thể thiếu được đối với tín hữu muốn được sống đời đời. Như thế, Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để hiến thân một cách vô vị lợi cho anh chị em chúng ta. Đối với chúng ta, đây thực là một nguồn mạch vui mừng, nguồn sức sống và hy vọng. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta chia sẻ cuộc sống của Chúa Con!

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nói: “Ước gì chúng ta luôn luôn đói khát hồng ân sự hiện diện của Chúa trong Hy tế Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu ban cho chúng ta bản thân Ngài làm của ăn và thức uống để nâng đỡ chúng ta trong cuộc lữ hành tiến về cùng Chúa Cha”.

Trong số các tín hữu hành hương hiện diện có đông đảo các bạn trẻ người Đức tham dự trại hè ở Ostia. Ngài đặc biệt chào thăm họ và nhận định rằng nhiều người trong chúng ta đang được hưởng những ngày nghỉ hè, như một dịp nghỉ ngơi và bồi dưỡng nội lực. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về một sự củng cố nội tâm, một lương thực mang lại sự sống đời đời. Đó chính là bản thân Chúa, Đấng trao tặng chúng ta mình máu Ngài trong phép Thánh Thể. Với lương thực này, Chúa muốn biến đổi chúng ta và đưa chúng ta vào trong lối sống của Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho sự biến đổi này được thành tựu nơi chúng ta, để chúng ta trở thành những con người mới, những người có cuộc sống thực sự”.

Nhắc đến cuộc viếng thăm của Thượng phụ Chính thống Nga

Trong lời chào thăm các tín hữu hành hương Ba Lan, ĐTC nhấn mạnh tầm quan trọng cuộc viếng thăm của Đức Thượng Pphụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga tại Ba Lan, với việc ký tuyên ngôn chung với Giáo hội Công giáo Ba Lan về sự hoà giải giữa hai dân tộc Nga và Ba Lan. ĐTC cho biết ngài thấy đó là những lý do để hy vọng cho tương lai. 

Ngài nói: “Trong những ngày nay, Đức Thượng phụ Kirill I của Matxcơva và toàn nước Nga đang là khách của Giáo hội Chính thống tại Ba Lan. Tôi thân ái chào Đức Thượng Phụ và tất cả các tín hữu Chính Thống. Trong chương trình viếng thăm những ngày này có dự kiến cả những cuộc gặp gỡ với các GM Công giáo và tuyên ngôn chung bày tỏ ước muốn làm tăng trưởng tình hiệp nhất huynh đệ và cộng tác để phổ biến các giá trị Tin Mừng trong thế giới ngày nay, trong tinh thần của cùng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Đây là một biến cố quan trọng khơi lên niềm hy vọng cho tương lai. Tôi phó thác những thành quả của cuộc viếng thăm này cho lòng nhân từ của Mẹ Maria và cầu xin phúc lành của Thiên Chúa.