24/11/2024

Chúa Nhật XVII TN – B: Ưu tiên cho người nghèo đói

Chúa Giêsu, bằng con mắt tinh tường, đã nhận ra những con người đói khổ và Người đã đặt ra câu hỏi “Ta mua đâu ra bánh cho những người này ăn?”

 

Ưu tiên cho người nghèo đói

Hành Khất Kitô

Lời mở

Chúng ta vừa nghe kể lại hành động chia sẻ những tấm bánh của tiên tri Isaia cho người bị đói, qua bài đọc thứ I (x. 2V 4,42-44), và việc Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông bị đói (x. Ga 6,1-15). Tất cả như mời gọi chúng ta quan tâm đến những người nghèo đói quanh mình và tích cực giúp đỡ họ bằng những hành động nhỏ bé giống như cậu bé góp vào 5 chiếc bánh và 2 con cá của mình cho Chúa Giêsu. Nhưng, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu về tình trạng đói khổ hiện nay trước khi đóng góp để cho Chúa Giêsu hành động theo quyền năng và tình yêu của Người.

1. Người nghèo đói đang ở đâu?

Nếu đi trên đường phố, ít khi chúng ta nhìn thấy những người đói lả nằm chết ở ngoài đường như Mẹ Têrêsa Calcutta đã thấy ở Ấn Độ. Nếu gặp, có lẽ chúng ta cũng không ngần ngại cứu giúp họ và cảm thấy an ủi vì làm được một việc thiện đúng nghĩa. Những người chúng ta gặp trên đường hiện nay hầu như đều khoẻ mạnh, tươi tỉnh, đi xe hay đi bộ vượt qua ta. Người ta có cảm tưởng rằng trong xã hội hiện nay mọi chuyện đều ổn định, tốt đẹp, chẳng còn ai đói khổ, nghèo khó… Đó là cảm tưởng của rất nhiều người chúng ta, nhất là những người trẻ hiện nay. Nếu có đến một vài nhà thờ hay đền chùa, chúng ta sẽ gặp thấy một số người ăn xin có vẻ như rất nghèo khổ. Họ chỉ tụ lại vào những giờ kinh lễ để kiếm tiền như những người ăn xin chuyên nghiệp. Họ không thật sự đói khổ vì còn ăn xài sang hơn chúng ta. Nhiều khi chúng ta được chính nhà thờ hay đền chùa mời gọi để đừng giúp họ, để họ khỏi lạm dụng lòng tốt của con người.

Những người nghèo đói thật sự họ thường giấu mặt, tinh ý lắm chúng ta mới nhận ra họ. Họ có thể là những người buôn vé số, bán hàng rong. Mỗi ngày họ phải đi vài chục cây số (nếu tính mỗi giờ đi được 4 cây số) chỉ để kiếm vài chục ngàn đồng, mong có đủ hai bữa ăn hằng ngày. Nếu gặp những ngày mưa như mấy hôm nay là họ bị đói. Họ là đạo quân vài chục ngàn người, đang bới moi thùng rác hằng đêm, ban ngày họ phải ngủ bù để lấy lại sức, nên chẳng mấy khi ta gặp họ. Rác ngày càng ít đi nên không dễ dàng tìm được, có đi suốt đêm cũng chỉ được vài chục ngàn đồng. Họ đang bị đói.

Họ là những người ăn mặc rất tươm tất, bán đủ thứ hàng ở dọc lề đường đô thị – TP.HCM mới ra lệnh cấm buôn bán trên một số tuyến đường – họ không biết phải trả tiền vay mượn để làm vốn như thế nào và họ đang đói. Chúng ta cũng gặp những người bệnh phong cùi đến điều trị nội trú tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM. Một số người mong ước được bác sĩ xác nhận mình vẫn còn bệnh, vì nếu bác sĩ nói bệnh cùi của họ đã ngưng, buộc họ phải rời khỏi bệnh viện trở về nhà thì họ không còn nhận được 4.000 đồng ăn sáng và hai bữa cơm không tốn tiền tại bệnh viện. Họ sợ đói hơn sợ bệnh!

Ở nông thôn, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng cao, người dân chỉ sống nhờ ruộng vườn, nương rẫy nhưng tiền vay mượn ngân hàng để mua hạt giống, thuốc trừ sâu, phân bón, chưa trả được vì những vụ mùa mỗi ngày một kém, khiến nhiều người mất luôn cả đất. Trong những bữa ăn gần đây, nhiều gia đình phải độn thêm khoai, sắn, bắp. Họ đang bị đói.

Thống kê cuối năm qua (x. Báo Tuổi Trẻ, 24/12/2011) cho thấy ở Việt Nam có 90 triệu người thì hơn 15 triệu người không kiếm đủ 20.000đồng/ngày. Có rất nhiều người đang đói, nhưng chúng ta hầu như không gặp được họ.

Chúa Giêsu, bằng con mắt tinh tường, đã nhận ra những con người đói khổ và Người đã đặt ra câu hỏi “Ta mua đâu ra bánh cho những người này ăn?”. Rất nhiều người chúng ta ngày nay, nhất là những bạn trẻ, hầu như không nhận ra những người anh em đói khổ, nên chúng ta vẫn sống vô tư, vẫn xài tiền như nước, vẫn phung phí sức lực về tinh thần cũng như thể xác cho những cuộc vui chơi. Chỉ có một em bé bán hàng rong mới dám tặng 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ cho Chúa Giêsu để Người chia cho những người khác. Đó là điều gợi ý cho chúng ta hôm nay: có đôi mắt tinh tường như Chúa Giêsu chúng ta mới khám phá ra những con người đói, mới tìm ra những giải pháp để cứu đời.

2. Những giải pháp cứu đói

Tình trạng kinh tế Việt Nam hiện nay như mời gọi chúng ta phải lo lắng rất nhiều bởi vì có quá nhiều người đang đói. Những người anh em này cũng có quyền sống no đủ, an lành, xứng với một con người như tất cả chúng ta. Nếu để anh chị em ta nghèo đói là chúng ta xúc phạm đến con người và xúc phạm đến Cha của chúng ta “vì chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,5).

* Giải pháp của chính quyền. Chính quyền đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để cứu đói, để vực dậy nền kinh tế đang suy sụp nặng nề với những biện pháp về tài chính, thuế khoá, ngân hàng… Đứng trước hiện trạng nền kinh tế ngày càng đi xuống, đồng tiền ngày càng mất giá, người ta không biết phải làm gì giống như Philipphê cảm thấy bất lực trước nhu cầu khẩn thiết này nên ông mới nói: “Có mua đến 200 quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút!”.

* Giải pháp của Giáo Hội. Giáo Hội cũng cần phải quan tâm đến những người nghèo đói hôm nay. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Vào đầu thiên niên kỷ mới này, sự nghèo đói của hàng tỉ người nam cũng như nữ chính là một vấn đề thách thức nhất cho lương tâm của con người cũng như lương tâm của các Kitô hữu” (x. Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2000). Ngài nhắc nhở tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm (x. Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, số 38). “Cuộc đấu tranh chống nghèo đói tìm được một động cơ mạnh mẽ khi biết rằng Giáo Hội chọn lựa và dành tình thương ưu tiên cho người nghèo” (x. Diễn văn gửi Thượng Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh lần 3, 28/1/1979; x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 449). Khi hiểu được như vậy, mỗi người chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm trong Giáo Hội phải thay đổi thái độ và hành động của mình. Hình như chúng ta chưa dành ưu tiên cho người nghèo mà lại ưu tiên xây dựng nhà thờ, nhà giáo lý hay lo cho những việc phụng tự.

* Giải pháp của mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu chỉ cần sự đóng góp những chiếc bánh và những con cá nhỏ từ mỗi người chúng ta để làm những chuyện phi thường. Chúng ta cần ý thức rằng mình được Chúa ban tấm bánh thì cũng được mời gọi chia sẻ cho người khác vì chúng ta “được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4,4). Tôi nhớ đến những em học sinh Công giáo Hàn Quốc ghi điểm quyết tâm của các em như sau: “Em quyết tâm không để cho bạn em đói, em sẵn sàng chia sẻ tấm bánh, củ khoai cho bạn học của em”. Một câu quyết tâm hết sức đơn giản, nhưng đó là những điều tuyệt vời và những người Công giáo Hàn Quốc là cộng đoàn đặc biệt nhất trên thế giới: họ chỉ có 4 triệu người mà đứng thứ 3 sau nước Mỹ và Đức trong việc đóng góp cho Giáo Hội, và cũng là nước phát triển đạo Kitô nhanh nhất vì trong vòng 60 năm, từ 1% dân số Công giáo, đến nay đã có hơn 10% dân số theo đạo Công giáo. Người Công giáo Hàn Quốc đã quyết tâm: những gia đình Công giáo cố gắng để liên kết và chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua cảnh đói nghèo. Những thương gia Hàn Quốc đã liên kết lập nên những siêu thị để nhập trực tiếp những nông sản của nông dân Công giáo. Nông dân Công giáo quyết tâm chỉ trồng những nông sản sạch và bán trực tiếp cho các siêu thị Công giáo, nhờ đó bán được giá cao vì không phải qua nhiều trung gian. Ai cũng muốn mua những nông sản sạch của người Công giáo Hàn Quốc. Những nông dân ngoài Công giáo cũng muốn bán nông sản cho các siêu thị Công giáo vì được giá cao. Sự liên kết ấy làm cho Kitô giáo càng ngày càng phát triển và đã đưa dân tộc Hàn Quốc đến sự no đủ và tốt đẹp như ta thấy hiện nay. Không biết người Công giáo Việt Nam có dám liên kết như thế?

Lời kết

Chúng tôi muốn gợi lên vài hình ảnh có vẻ như chưa được đẹp của đất nước để thấy sự nghèo đói không phải là không có giải pháp. Nhưng có lẽ giải pháp cơ bản bắt nguồn từ mỗi người chúng ta khi biết chia sẻ cho nhau những hành động tích cực giống như 5 chiếc bánh và 2 con cá để từ đó Chúa Giêsu làm nên những chuyện phi thường.