05/01/2025

Chúa Nhật XVI TN – B: Nghỉ ngơi với Chúa

Việc nghỉ ngơi của con người và của cả vạn vật được đặt nền tảng trong hành động của chính Thiên Chúa: “Cũng như Thiên Chúa khi làm xong mọi công việc của Ngài, ngày thứ Bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2)

 

Nghỉ ngơi với Chúa
Hành Khất Kitô
Lời mở
Chúng ta vừa nghe Đức Giêsu mời gọi: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Người thấy có sự bất ổn trong đời sống của ta giống như các tông đồ xưa. Chúng ta cần nghỉ ngơi để tránh tình trạng mệt mỏi, kiệt sức cũng như để phục hồi sức khoẻ, bồi dưỡng tâm trí và tăng cường ân sủng cho những giai đoạn làm việc tiếp theo.
Nhiều người ngày nay ham chuộng làm việc nhưng chưa biết nghỉ ngơi. Vì thế, nhân dịp này, chúng ta cùng tìm hiểu giáo huấn xã hội Công giáo về nghỉ ngơi để tìm cách áp dụng cho chính mình.
1. Tình trạng lao động nghỉ ngơi của con người
Chúng ta đều biết rằng con người là một thực thể sinh học, làm việc và nghỉ ngơi trong những điều kiện cụ thể. Các nhà khoa học thường nhắc nhở rằng: một người bình thường phải chia 24 giờ mỗi ngày thành 3 phần: 8 giờ ngủ, 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi để hệ thần kinh con người có thời gian thư giãn, bồi bổ sức khoẻ và tăng cường mối quan hệ xã hội.
Thật ra, cho đến đầu thế kỷ XIX, người lao động làm thuê phải đầu tắt mặt tối, làm quần quật cho chủ mỗi ngày từ 14 đến 18 giờ mà không được nghỉ ngơi. Năm 1833, nước Anh công bố luật công xưởng quy định người lớn làm việc 15giờ/ngày. Ngày 1/5/1866, nước Mỹ và Canada mới quy định ngày làm việc 8 giờ. Năm 1935, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua Công ước số 47 về một tuần làm việc 40 giờ. Năm 1962, Tổ chức này khuyến nghị nên giảm thời giờ làm việc xuống từ 40 giờ còn 36-39 giờ. Nước Việt Nam hiện nay đang thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong khu vực Nhà Nước.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 cũng quy định ở điều 24 rằng: “Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương”.
Tình trạng sinh sống của con người hiện nay về phương diện văn hoá và xã hội đã biến đổi sâu đậm. Hiện tượng kỹ nghệ hoá và đô thị hoá cộng với những nguyên nhân khác đang phát huy đời sống cộng đồng tập thể, tạo nên những hình thức văn hoá mới gọi là văn hoá đại chúng; từ đó phát sinh những cách suy nghĩ, hành động, giải trí mới (x. CĐ. Vat.II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 54). Những cách nghỉ ngơi, giải trí hiện nay: du lịch, thể thao, ăn uống, trình diễn văn nghệ, chơi trò chơi trực tuyến, xem sách báo, phim ảnh… Những cách này có nhiều lợi điểm nhưng không thiếu những nguy hiểm và cám dỗ khiến chúng ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng cho mình và cho con cái.
Một số người không có điều kiện nghỉ ngơi vì phải làm việc trong những môi trường khó khăn, nguy hiểm hoặc vì quá nghèo túng. Nhiều người khác tuy có điều kiện nghỉ ngơi nhưng lại từ khước giờ nghỉ để tăng giờ làm việc kiếm tiền, bất kể sự mệt mỏi thể xác hoặc tinh thần. Một số người khác biến những giờ nghỉ ngơi của họ thành những giờ phung phí sức lực và tiền của cho những cuộc ăn uống quá độ, những cuộc truy hoan thâu đêm suốt sáng, những trò chơi hay phim ảnh suốt ngày đêm, làm cho tinh thần và thể xác họ thay vì được bồi bổ lại càng mệt mỏi thêm.
2. Giáo huấn của Giáo hội Công giáo về nghỉ ngơi
Việc nghỉ ngơi của con người và của cả vạn vật được đặt nền tảng trong hành động của chính Thiên Chúa: “Cũng như Thiên Chúa khi làm xong mọi công việc của Ngài, ngày thứ Bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2), đời sống con người cũng được ghi dấu bằng nhịp luân chuyển giữa lao động và nghỉ ngơi. Thể chế về ngày Chúa Nhật góp phần khiến mọi người được hưởng một thời gian đầy đủ để nghỉ ngơi và nhàn rỗi, điều đó cho phép họ vun trồng đời sống gia đình, văn hoá, xã hội và tôn giáo của mình (x. Gaudium et Spes, số 67; Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2184).
Việc nghỉ ngơi này giúp con người nhớ lại và cảm nghiệm lại kỳ công của Thiên Chúa từ lúc tạo dựng đến cứu chuộc, đồng thời nhận ra chính mình cũng là công trình của Thiên Chúa (x. Ep 2,10) để cảm tạ Ngài là tác giả đã sinh ra mình – về cuộc sống và sự tồn tại của mình.
Việc nghỉ ngơi “ngày Sabat” cũng tạo nên một hàng rào ngăn cản không để con người trở thành nô lệ cho lao động, dù là nô lệ tự nguyện hay bị cưỡng bức, cũng như không bị bóc lột, dù là bóc lột kín đáo hay công khai (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 258). Nó không những giúp con người có thể tham gia thờ phượng Chúa mà còn để bênh vực người nghèo. Nó cũng có công dụng giải thoát người nghèo để khỏi làm cho lao động xuống cấp, phản lại xã hội.
Việc nghỉ ngơi này còn có tác động đến vạn vật. Thời xưa người Do Thái còn nghỉ năm Sabat. Chúa phán: “Trong sáu năm, ngươi sẽ gieo trồng và thu hoạch, nhưng năm thứ bảy ngươi phải cho đất nghỉ ngơi, để người nghèo có thể kiếm ăn cũng như để thú rừng có cái mà ăn. Ngươi cũng sẽ làm như thế đối với vườn nho và vườn ôliu của ngươi” (Xh 23,10-11; x. TLHTXHCG, số 258).
3. Chúng ta nên nghỉ ngơi như thế nào?
Việc Đức Giêsu dẫn các môn đệ lánh riêng ra một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi như muốn mời gọi chúng ta hãy cùng nghỉ ngơi với Chúa vì quả thật nhiều tín hữu ngày nay chưa biết nghỉ ngơi. Có hai yếu tố được đề nghị ở đây:
Tìm một nơi thanh vắng: nhiều cuộc giải trí ngày nay quá ồn ào theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, khiến cho con người vừa hao tổn rất nhiều sức lực cả thể xác lẫn tinh thần mà thật sự lại không tìm được sự thư giãn tinh thần và tăng cường sức khoẻ thể xác. Giáo Hội mời gọi ta tìm đến những chỗ thanh vắng, có cảnh thiên nhiên, đem theo một quyển sách nào đó để đọc vì ngày Chủ Nhật cũng là thời gian để suy tư, thinh lặng, trau dồi kiến thức và suy niệm, những điều đó giúp cho sự tăng trưởng của đời sống nội tâm Kitô hữu (x. GLHTCG, số 2186).
Cùng nghỉ ngơi với Chúa: là yếu tố thứ hai. Việc nghỉ ngơi luôn mang tính cộng đồng, nghĩa là có sự hiện diện của Chúa và người khác, chứ không phải là một sự hưởng thụ đơn độc, cá nhân. “Khi hưởng những giờ nhàn rỗi, các Kitô hữu nên nhớ đến anh chị em của mình là những người cùng có nhu cầu nhưng không thể nghỉ ngơi vì nghèo khó và túng cực. Theo truyền thống đạo đức Kitô giáo, ngày Chúa Nhật được dành để làm việc từ thiện và khiêm tốn phục vụ các bệnh nhân, các người tàn tật và già yếu” (GLHTCG, số 2186). Những cuộc thăm viếng các nhà dưỡng lão, nhà thương, mái ấm cho trẻ mồ côi, người khuyết tật hay các bà mẹ đơn thân… là những việc làm có giá trị hơn cả những cuộc du ngoạn, du lịch tốn phí hay hành hương đạo đức vì ta gặp chính Chúa Giêsu ở đó (Mt 25,40).
Các Kitô hữu cũng phải thánh hoá ngày Chúa Nhật bằng cách dành thời giờ và sự chăm sóc cho gia đình mình và cho các người lân cận là những điều khó có thể làm vào những ngày trong tuần” (GLHTCG, số 2186). Chúng ta có thể tổ chức những buổi gặp gỡ các người thân yêu trong gia đình để con cháu có dịp làm quen, vui chơi với nhau qua các bữa ăn đầy tình huynh đệ, qua việc thăm viếng bạn bè, hàng xóm, nhất là những người gặp hoạn nạn rủi ro.
Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi nêu gương công khai cho mọi người về việc cầu nguyện, sự tôn trọng lẫn nhau, sự vui tươi và bảo vệ các truyền thống của người tín hữu như một sự đóng góp quý báu cho đời sống tinh thần của xã hội nhân loại” (GLHTCG, số 2188). Điều chỉ dẫn này gợi ta nhớ đến tín hữu Công giáo thời trước đã tổ chức các buổi thi đấu thể thao, trò chơi cộng đồng, diễn kịch, dâng hoa vào những chiều Thứ Bảy, Chúa Nhật cho cả lương dân tham dự. Nhờ đó đạo Chúa lan rộng rất nhanh. Ngày nay những sinh hoạt cộng đồng truyền thống như thế có lẽ cần được tổ chức lại để mọi người có dịp gặp gỡ nhau.
Lời kết
Suy nghĩ về việc nghỉ ngơi với Chúa cho người tín hữu hôm nay, chúng ta được mời gọi tích cực đóng góp công sức, tài năng cho các hoạt động cộng đồng trong xứ đạo để trở thành hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô, “Người đã liên kết đôi bên thành một, đã loan Tin Mừng bình an cho kẻ ở gần cũng như ở xa, Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã hoà giải đôi bên với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất, trong một Thần Khí duy nhất” (x. Ep 2,13-18). Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nghỉ ngơi với Chúa và trong Chúa. Amen.