24/11/2024

Chúa nhật 6 PS – B: Tình yêu phong phú của Đấng Phục Sinh

Chúa Nhật này có thể gọi là tuần cuối cùng để ta suy niệm về mầu nhiệm sống lại của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội muốn dẫn ta đến mầu nhiệm sâu thẳm nhất, diệu kỳ nhất của mùa này: Đấng Phục Sinh chính là Thiên Chúa Tình Yêu.

 

Tình yêu phong phú của Đấng Phục Sinh

Hành Khất Kitô

Lời mở

Chúa Nhật này có thể gọi là tuần cuối cùng để ta suy niệm về mầu nhiệm sống lại của Chúa Giêsu Kitô, tuần sau sẽ là mầu nhiệm Chúa Lên Trời. Vì là tuần cuối nên Giáo Hội muốn dẫn ta đến mầu nhiệm sâu thẳm nhất, diệu kỳ nhất của mùa này: Đấng Phục Sinh chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Do đó, trong bài đọc II (1Ga 4,7-10) thánh Gioan xác định: “Anh em hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,7-8).

Hơn nữa, hôm nay lại là Ngày của Người Mẹ để chúng ta hướng về những người mẹ thân yêu của mình, bày tỏ lòng hiếu thảo, kính yêu, dù mẹ có già yếu, bệnh hoạn, tật nguyền. Mẹ đã sinh ra ta, nuôi dưỡng ta nên người, dạy ta biết yêu mến Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa đổ tràn tình yêu và ân sủng Chúa cho người mẹ của mình.

Ngày lễ này cũng dành cho tất cả các phụ nữ chưa từng sinh nở, cho cả các ông và mọi người Kitô hữu vì một khi sống trong tình yêu Chúa, tất cả chúng ta đều có thể sinh ra những người con trong đức tin và trở thành những người mẹ theo Thần Khí (x. Công đồng Vaticanô II, hiến chế Gaudium et Spes, số 22; Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gentes, số 7,14).

Liên kết giữa các ý nghĩa đó chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm về tình yêu phong phú tuyệt vời của Đấng Phục Sinh.

1. Tình yêu phong phú

Tình yêu phong phú là tình yêu sinh ra những người con. Ngày nay nhiều bạn trẻ yêu nhau, sống thử đời vợ chồng với nhau nhưng lại rất sợ sinh con. Ở Việt Nam mỗi năm hơn 1 triệu phụ nữ sinh con, nhưng lại có đến 2 triệu ca phá thai. Việt Nam đang là cường quốc phá thai đứng hàng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Pakistan.

Tình yêu chân thật luôn thúc đẩy vợ chồng muốn sinh ra đứa con cụ thể như là kết quả của tình yêu, dù trong sự an bài của Thiên Chúa, có khi Chúa lại giao cho họ một sứ mạng khác: không phải sinh những đứa con về thể xác nhưng về tinh thần, những đứa con của đức tin. Đó mới chính là đứa con trọn vẹn, cao quý như trong cuộc sinh nở đầu tiên của Thiên Chúa.

Thật vậy, từ nguyên thuỷ, Chúa Cha là tình yêu nên phải tìm đối tượng để yêu. Khi đó chỉ có một mình Thiên Chúa nên Thiên Chúa đã yêu chính mình. Khi yêu Ngài đã hiến trọn thân mình cho đối tượng mình yêu, đã trao ban tất cả những gì mình có (là bản tính Thiên Chúa) cho người yêu và lập tức Chúa Con được sinh ra, có cùng bản thể với Chúa Cha. Vì thế, Ngôi Con là Con Một của Chúa Cha, là kết quả tình yêu của Chúa Cha.

Rồi Ngôi Con bây giờ như là một chủ thể yêu ngược lại Chúa Cha, dâng hiến tất cả những gì mình đã nhận được cho đối tượng mình yêu là Chúa Cha. Lập tức từ tình yêu thần thánh nguyên thuỷ đó Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba xuất hiện. Ngài là kết quả tình yêu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con. Đó là tình yêu phong phú phi thường của Ba Ngôi Thiên Chúa: dù chỉ có một bản thể duy nhất nhưng khi trao ban trọn vẹn cho nhau, Tình Yêu đã hình thành nên 3 ngôi vị khác nhau ( x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 261-262).

2. Tình yêu của Kitô hữu ngày nay dường như không còn phong phú

Không phong phú vì đạo chúng ta là đạo bác ái, đạo yêu thương mà lại không sinh thêm những người con mới. Tình yêu của người tín hữu Kitô chỉ phong phú khi họ sinh được nhiều người con trong đức tin. Vì thế, kết quả việc loan báo Tin Mừng cũng là kết quả tình yêu thương chân thành của tín hữu. Vài con số sau đây muốn chứng minh điều đó.

Thế giới vào năm 2010 có khoảng 1,2 tỷ người Công giáo. Từ năm 1960 đến nay, tỷ lệ người Công giáo giảm từ 18,2% xuống còn 17,4% so với dân số thế giới. Việt Nam hiện nay có khoảng trên 6 triệu người Công giáo trong tổng số 90 triệu dân, chiếm khoảng 7% dân số. Từ năm 1885 đến nay, nghĩa là trong suốt 127 năm, người Công giáo Việt Nam giữ nguyên tỷ lệ này. Nếu so sánh với người Công giáo Hàn quốc, vào năm 1949, họ chỉ có 1% dân số, năm 2010 đã tăng trên 10% và quyết tâm vào năm 2020 đưa dân số Công giáo tăng đến 20%. Tình yêu của những anh chị em Công giáo ấy thật lạ lùng nên mới phong phú như vậy!

Việt Nam mỗi năm có khoảng 30.000 đến 40.000 người trở lại đạo Công giáo, nhưng số người bỏ đạo cũng tương đương, nên tỷ lệ hầu như vẫn giữ nguyên hay chỉ tăng theo số sinh tự nhiên. Trong khi đó Giáo hội Việt Nam đang có 4.200 linh mục, 4.000 chủng sinh, trên 17.000 tu sĩ nam nữ, 57.000 giáo lý viên và hàng trăm ngàn đoàn viên của các đoàn thể Công giáo Tiến hành. Bao nhiêu người đang miệt mài làm việc trên cánh đồng truyền giáo: hoạt động từ thiện, bác ái, tham dự các bí tích, sáng lễ chiều kinh, ăn chay hãm mình, nhưng số người trở lại đạo thật sự rất ít, hầu hết vì lý do hôn nhân.

Từ những sự kiện trên, người ta có thể đặt ra câu hỏi này: nếu số người trở lại đạo trên thế giới và ở Việt Nam ít như thế thì tình yêu của người tín hữu Công giáo có phải là tình yêu Thiên Chúa hay chỉ là tình yêu tự nhiên của con người? Thật ra, đó vẫn là tình yêu Thiên Chúa nhưng chưa đủ sức mạnh của Thánh Thần như tình yêu của Đức Giêsu nên chưa phong phú mà thôi.

Chính vì thế mà Đại hội Dân Chúa của Giáo hội Việt Nam diễn ra vào tháng 12-2010 đã nêu lên vấn đề này và tổng kết trong Thư Chung Cùng nhau Bồi đắp nền Văn minh Tình thương và Sự sống. Vào tháng 10-2012 tại Rôma, Thượng Hội Đồng Giám mục là cấp cao nhất của Giáo Hội sẽ nhóm họp cũng đang mời gọi người tín hữu Công giáo trở về với Đức Giêsu Kitô và tình yêu của Người khi thấy tình trạng kém hiệu quả của việc loan báo Tin Mừng hiện nay.

3. Tình yêu phong phú tuyệt vời của Đấng Phục Sinh

Đức Giêsu đã yêu tất cả chúng ta đến cùng, yêu bằng con tim trọn vẹn của vị Thiên Chúa làm người, dù con tim ấy có bị lưỡi đòng của con người đâm thủng khi chịu chết nhục nhã trên thập giá. Mọi việc tưởng chừng như thất bại với cái chết này. Nhưng Đức Giêsu đã sống lại, đã mở cạnh sườn cho các môn đệ thấy để họ hiểu rằng khi dám yêu trọn vẹn như thế, người ta sẽ chẳng những không mất mạng sống, mà còn được ban thưởng gấp bội vì như thế mới thật sự là tình yêu Thiên Chúa.

Vì vậy, Người mời gọi chúng ta hôm nay: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,12-14). Chính khi ta dám hy sinh, xoá bỏ chính con người mình, tượng trưng qua mạng sống, để chỉ yêu thương cách quảng đại và vô vị lợi, ta sẽ cảm nghiệm ngay được sự hiện diện của Đấng Phục Sinh ở trong ta.

Để việc loan báo Tin Mừng được kết quả, để cho có nhiều người tin theo Đức Giêsu Kitô, điểm căn bản cần sửa đổi là chúng ta phải xác tín rằng: Tin Mừng không phải là những chữ viết trong cuốn Kinh Thánh, không phải chỉ là tập hợp các lời giáo huấn hay giới răn đạo đức mà là một con người sống động, Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, đang ở giữa chúng ta và đang sống trong ta. Ta cần phải gặp gỡ, tiếp xúc và kết hợp mật thiết với Người thì Người mới chuyển thông cho ta tình yêu Thiên Chúa, sức sống diệu kỳ và quyền năng cao cả để ta có thể yêu thương bất chấp những gian khổ, thử thách trong cuộc sống, để ta có thể làm những phép lạ chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, phát triển toàn diện con người như các tông đồ xưa (x. Đề cương Thượng Hội đồng Giám mục, số 11).

Lời kết

Lúc đó ta mới cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, cảm nghiệm tình yêu phong phú phi thường của Đấng Phục Sinh và trở thành nhân chứng thật sự của Người. Cầu chúc các bà mẹ và toàn thể anh chị em tràn đầy tình yêu Thiên Chúa trong trái tim mình.