Ánh sáng, nước và bài ca mới

Cây nến Phục Sinh đốt cháy và tiêu hao: Thánh giá và Phục Sinh không thể tách rời nhau được. Ánh sáng phát sinh từ Thánh giá, từ sự tận hiến của Chúa Con, và cũng chính từ Thánh giá mà ánh sáng thật đã đến trần gian.

Ánh sáng, nước và bài ca mới

 Lễ Vọng Phục Sinh
Tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô
Thứ Bảy Tuần Thánh, 11/4/2009
Anh chị em thân mến,
Thánh Marco kể lại trong Phúc Âm của mình rằng, khi từ trên Núi Biến Hình đi xuống, các môn đệ vừa đi vừa tranh luận với nhau: “từ trong kẻ chết sống lại” (x. Mc 9,10) có nghĩa là gì? Trước đó không lâu, Chúa đã loan báo cho các ông biết Người sẽ chịu khổ nạn, và sau ba ngày sẽ sống lại. Phêrô phản đối việc Chúa loan báo Người sẽ phải chết. Nhưng giờ đây, họ tự hỏi phải hiểu thế nào về từ “sống lại” này. Điều này không xảy đến cho chúng ta sao? Giáng Sinh là lễ mừng Con Thiên Chúa giáng trần, một cách nào đó, ai trong chúng ta cũng có thể hiểu ngay được. Chúng ta có thể yêu mến Con Trẻ, chúng ta có thể tưởng tượng ra cảnh đêm Bêlem, niềm vui của Đức Maria, niềm vui của Thánh Giuse và của các mục đồng, cũng như sự hớn hở vui mừng của các Thiên thần. Nhưng còn sự kiện Phục Sinh thì sao? Điều đó có nghĩa là gì? Chúng ta chưa hề cảm nghiệm được điều đó trong cuộc đời, và như thế, trong một mức độ nào đó, chúng ta thường không hiểu được sứ điệp, và hình như sứ điệp là một cái gì đó của quá khứ. Giáo Hội cố gắng giúp chúng ta hiểu được biến cố huyền nhiệm này, bằng cách diễn tả biến cố ấy bằng thứ ngôn ngữ biểu tượng, mà qua đó, một cách nào đó, chúng ta có thể chiêm ngưỡng được sự kiện làm đảo lộn cuộc đời chúng ta. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Hội cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của ngày hôm nay qua ba biểu tượng cốt yếu sau đây: ánh sáng, nước và bài tân ca Alleluia.
Trước tiên lá ánh sáng. Công trình sáng tạo của Thiên Chúa mà chúng ta vừa nghe qua trình thuật Sách Thánh được bắt đầu bằng những lời sau đây: “Hãy có ánh sáng!” (St 1,3). Nơi đâu có ánh sáng, ở đó có sự sống xuất hiện, sự hỗn mang có thể được biến thành vũ trụ. Trong sứ điệp của Sách Thánh, ánh sáng là hình ảnh trực tiếp nhất của Thiên Chúa: Người hoàn toàn là Sự Sáng, là Sự Sống, là Chân lý, là Ánh sáng. Trong đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Hội hiểu trình thuật cuộc sáng tạo như một lời sấm. Điều mà trích đoạn này mô tả như sự khởi đầu của mọi sự thì được kiện toàn một cách tuyệt vời hơn qua biến cố Phục Sinh. Thiên Chúa lại phán: “Hãy có ánh sáng!”. Sự phục sinh của Đức Giêsu là một sự toả sáng. Cái chết đã bị chiến bại, mồ đá đã bị mở toang. Đấng Phục Sinh cũng chính là ánh sáng, ánh sáng cho trần gian. Với biến cố Phục Sinh, ngày của Chúa đã đi vào trong đêm đen của lịch sử con người. Từ biến cố Phục Sinh, ánh sáng của Chúa đã lan toả trên trần gian và trong lịch sử. Ngày đã xuất hiện. Duy chỉ có ánh sáng này – Đức Giêsu Kitô – là ánh sáng đích thật, rõ ràng hơn cả hiện tượng thể lý của ánh sáng. Đức Giêsu là ánh sáng tinh tuyền, là chính Thiên Chúa, Đấng đã cho xuất hiện một cuộc sáng tạo mới giữa lòng cuộc sáng tạo cũ, và biến đổi cảnh hỗn mang thành vũ trụ.
Chúng ta hãy cố gắng hiểu điều này một cách sâu xa hơn nữa. Tại sao Đức Kitô là ánh sáng? Trong Cựu Ước, La Torah được xem là ánh sáng xuất phát từ Thiên Chúa và được dành cho thế giới và con người. Trong cuộc sáng tạo, La Torah tách biệt ánh sáng ra khỏi bóng tối, nghĩa là thiện ra khỏi ác. La Torah chỉ cho con người thấy chính lộ để có thể sống một cách đích thực. La Torah chỉ cho con người điều thiện, tỏ cho con người thấy chân lý, và dẫn đưa con người đến tình yêu là nội dung sâu xa nhất của con người. La Torah là một “ngọn đèn” soi bước ta đi, và là một “ánh sáng” trên đường ta đi (x. Tv 118, 105). Hơn nữa, các Kitô hữu đều biết La Torah hiện diện trong Đức Kitô, là Lời của Thiên Chúa hiện diện trong Đức Kitô với tư cách là một Ngôi vị. Lời của Thiên Chúa là ánh sáng thật mà con người đang cần đến. Lời này đang hiện diện trong Đức Kitô, trong Con Thiên Chúa. Thánh vịnh 18 so sánh La Torah với mặt trời khi mọc lên biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa một cách hữu hình trên toàn thế giới. Các Kitô hữu hiểu rằng trong biến cố Phục Sinh, Con Thiên Chúa đã xuất hiện như ánh sáng soi chiếu trần gian. Đức Kitô là ánh sáng vĩ đại phát sinh mọi sự sống. Người làm cho chúng ta nhận ra vinh quang Thiên Chúa từ cuối chân trời này đến cuối chân trời kia. Người chỉ cho chúng ta con đường đi. Người là ngày của Thiên Chúa, ngày mà từ nay càng rực rỡ bao nhiêu, thì lại càng toả sáng bấy nhiêu trên khắp mặt địa cầu. Giờ đây, khi sống với Người và qua Người, chúng ta có thể sống trong ánh sáng.
Trong đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Hội biểu thị mầu nhiệm ánh sáng của Đức Kitô bằng dấu hiệu của cây nến Phục Sinh, mà ngọn lửa là ánh sáng, và đồng thời cũng là sức nóng. Hệ thống biểu tượng của ánh sáng gắn liền với hệ thống biểu tượng của lửa: ánh sáng và sức nóng, ánh sáng và năng lượng có sức biến đổi được chứa đựng trong lửa – chân lý và tình yêu cùng đồng hành với nhau. Cây nến Phục Sinh đốt cháy và tiêu hao: Thánh giá và Phục Sinh không thể tách rời nhau được. Ánh sáng phát sinh từ Thánh giá, từ sự tận hiến của Chúa Con, và cũng chính từ Thánh giá mà ánh sáng thật đã đến trần gian. Chính từ cây nến Phục Sinh mà tất cả chúng ta thắp sáng cây nến nhỏ bé của chúng ta, nhất là cây nến của những anh chị em tân tòng, và đối với những người mới được rửa tội thì Bí tích Thanh tẩy đã làm cho ánh sáng của Đức Kitô chiếu toả trong tâm hồn của họ. Giáo Hội thời sơ khai vẫn xem Phép Rửa là fotismos, tức là Bí tích chiếu sáng, sự hiệp thông của ánh sáng, và Giáo Hội liên kết một cách khắng khít Bí tích Thanh Tẩy với Đức Kitô Phục Sinh. Trong Bí tích Thanh Tẩy, Thiên Chúa nói với người sắp lãnh nhận Bí tích: “Hãy có ánh sáng!”. Và lúc đó, người chịu Phép Rửa Tội được đưa vào trong ánh sáng của Đức Kitô. Lúc đó, Đức Kitô ngăn cách ánh sáng ra khỏi bóng tối. Trong Người, chúng ta có thể nhận ra điều gì là chân, điều gì là nguỵ, điều gì là ánh sáng và điều gì là tối tăm. Cùng với Người, ánh sáng của chân lý đã vọt lên trong chúng ta, và chúng ta đã bắt đầu hiểu.
Vào một ngày nọ, khi Đức Giêsu thấy những đám đông tụ tập để nghe Người giảng, và chờ đợi Người ban cho mình một hướng đi, thì Người chạnh lòng thương, vì họ như những con chiên không người chăn (x. Mc 6, 34). Giữa những trào lưu đối nghịch của thời đại, họ không biết phải đi đến với ai. Đức Kitô cũng phải thương cảm thời đại chúng ta biết bao, một thời đại mà người ta không ngừng bàn cãi với nhau qua những cuộc tranh luận dài dòng, nhưng trong thực tế, người ta lại chẳng hiểu gì cả! Chúng ta phải đi đâu bây giờ? Đâu là những giá trị mà chúng ta có thể dựa vào đó để điều chỉnh cuộc đời? Những giá trị mà chúng ta có thể dựa vào đó để giáo dục những người trẻ, mà không hề đưa ra cho họ những tiêu chuẩn mà có lẽ họ sẽ không chấp nhận được, hay đòi hỏi họ những điều mà có lẽ ta không nên áp đặt cho họ? Người là ánh sáng. Cây nến Phục Sinh là biểu tượng của ánh sáng chiếu soi mà Bí tích Thanh Tẩy đã trao cho chúng ta. Chính vì thế mà trong giây phút này, Thánh Phaolô nói với chúng ta một cách hết sức thẳng thắn. Trong Thư gởi tín hữu thành Philipphê, Thánh Phaolô nói rằng giữa một thế hệ gian tà và sa đoạ, các Kitô phải chiếu sáng như những vì sao ở giữa bầu trời (x. Pl 2,15). Chúng ta hãy cầu xin Chúa, để giữa thời đại hỗn độn này, ngọn lửa bé nhỏ của cây nến mà Người đã thắp lên trong lòng chúng ta, ánh sáng tế nhị của lời Người và tình yêu Người, sẽ không tắt đi, nhưng lại lớn lên và luôn trở nên sáng chói hơn. Để cùng với Người, chúng ta biết sống như những người con của ban ngày, những tiêu điểm chiếu sáng cho thời đại chúng ta.
Biểu tượng thứ hai của Đêm Vọng Phục Sinh – của đêm Thánh Tẩy -, đó là nước. Trong Sách Thánh cũng như trong cấu trúc nội tại của Bí tích Thanh Tẩy, nước xuất hiện với hai ý nghĩa đối ngược nhau. Một mặt là biển cả, được mọi người xem như sức mạnh đối kháng lại cuộc sống trên trần gian này, như một sự đe doạ thường xuyên, thế nhưng, Thiên Chúa lại áp đặt cho nó một giới hạn. Chính vì lý do đó mà Sách Khải huyền, khi nói về thế giới mới của Thiên Chúa, đã nói rằng biển cả sẽ không còn nữa (x. 21,1). Biển cả là yếu tố của cái chết. Và như thế, biển biểu tượng cho cái chết của Đức Giêsu trên thập tự: Đức Kitôđã đi xuống lòng biển cả, xuống những dòng nước chết chóc, như Israel trong Biển Đỏ. Chỗi dậy từ cái chết, Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta sự sống. Điều này có nghĩa Bí tích Thanh Tẩy không chỉ là tắm rửa, mà còn là tái sinh: cùng với Đức Kitô, chúng ta đi vào trong đại dương của cái chết, để rồi lại vượt lên như những tạo vật mới.
Nước còn được trình bày cho chúng ta dưới một dạng khác: như nguồn suối tươi mát mang lại cho ta sự sống, hay như một con sông lớn phát sinh sự sống. Theo luật của Giáo Hội thời sơ khai, thì Bí tích Thanh Tẩy phải được cử hành bằng nước của dòng suối tươi mát. Không có nước, thì không có sự sống. Chúng ta cần quan tâm đến tầm quan trọng của những giếng nước trong Sách Thánh. Đó là những nơi vọt lên sự sống. Gần giếng nước Giacop, Đức Kitô loan báo cho người phụ nữ Samaritanô giếng nước mới, nước của sự sống đích thật. Người tỏ mình cho thiếu phụ biết Người là Giacop mới, Giacop sau cùng, Giacop mở ra cho nhân loại giếng nước mà họ đang chờ mong: nước mang lại sự sống không bao giơ vơi cạn (x. Ga 4,5-15). Thánh Gioan thuật lại một người lính đã dùng ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Đức Giêsu, và từ cạnh sườn bị đâm thâu – từ quả tim bị đâm thủng – máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19,34). Giáo Hội sơ khai đã nhìn thấy đây là một biểu tượng của Bí tích Thanh Tẩy và Bí tích Thánh Thể, cả hai bí tích đều phát xuất từ quả tim bị đâm thâu của Đức Giêsu. Qua cái chết, Đức Giêsu đã trở nên nguồn suối. Trong một thị kiến, Tiên tri Êdêkien đã thấy Đền thờ mới, và từ Đền thờ này vọt ra một nguồn suối biến thành một con sông lớn mang lại sự sống (x. Ed 47,1-12) – trong một vùng đất mà dân cư phải chịu nhiều đau khổ vì khát và thiếu nước, thì đây là một thị kiến lớn nói lên niềm hy vọng. Kitô giáo trong thời sơ khai hiểu thị kiến này đã được ứng nghiệm trong Đức Kitô. Người là Đền thờ thật sự và sống động của Thiên Chúa. Chính Người là nguồn suối phát sinh nước hằng sống. Từ nơi Người phát sinh dòng sông cả, dòng sông mà trong Bí tích Thanh Tẩy đã làm cho thế giới sinh hoa kết trái và canh tân thế giới, từ nơi Người phát sinh dòng sông cả có nước hằng sống, là Tin Mừng của Đức Giêsu làm cho mặt đất trở nên phì nhiêu.
Tuy nhiên, Đức Giêsu còn báo trước một điều lớn lao hơn thế nữa. Người nói: “Ai tin vào tôi… từ lòng người ấy sẽ tuôn chảy những dòng sông ban nước hằng sống” (Ga7,38). Trong Bí tích Thanh Tẩy, Chúa không những làm cho chúng ta trở nên những con người của ánh sáng, mà còn trở nên những nguồn suối vọt lên nước hằng sống. Tất cả chúng ta đều biết có những con người như thế đó, những con người mà một cách nào đó làm cho chúng ta được giải khát và đổi mới; những con người như thể một dòng suối nước tinh tuyền sống động. Chúng ta không nhất thiết phải nghĩ đến những con người nổi danh như Thánh Augustinô, Phanxicô Assise, Têrêxa Avila, Mẹ Têrêxa thành Calcutta…, mà qua họ, những dòng sông nước hằng sống đã thật sự đi vào trong lịch sử. Cám ơn Chúa, chúng ta vẫn liên tục tìm thấy những con người như thể dòng suối mát trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Và chắc chắn, chúng ta cũng gặp thấy điều ngược lại: những con người có một bầu khi giống như bầu khí của một ao tù nước đọng, thậm chí lại còn bị nhiễm độc. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta ân huệ Phép Rửa, giúp chúng ta luôn trở thành những dòng suối nước tinh khiết, tươi mát, vọt lên từ nguồn suối chân lý và tình yêu của Đức Kitô!
Đại biểu tượng thứ ba của Đêm Vọng Phục Sinh có một bản tính hết sức đặc biệt; nó bao hàm cả con người. Đó là khai mở bài ca mới – bài ca Alleluia. Khi một ai đó trải nghiệm được một niềm vui lớn lao, thì người ấy không thể nào giữ khư khư cho cho chính mình. Người ấy phải diễn tả niềm vui, phải thông truyền niềm vui ấy. Nhưng điều gì sẽ xảy đến, nếu một ai đó được ánh sáng Phục Sinh của Chúa tác động, và như thế, tiếp xúc với chính Sự sống, với Chân lý và Tình yêu? Người ấy không chỉ muốn nói đến niềm vui của mình. Nói mà thôi thì chưa đủ. Người ấy còn phải hát lên. Hành động hát ca lần đầu tiên đã được đề cập đến trong Sách Thánh sau biến cố vượt qua Biển Đỏ. Dân Israel được giải phóng khỏi kiếp nô lệ. Dân Israel đi ra khỏi những vực sâu kinh hoàng của lòng biển cả. Dân Israel như thể được tái sinh. Dân Israel sống động và tự do. Đứng trước biến cố cứu độ vĩ đại này, Sách Thánh mô tả sự phản ứng của dân chúng bằng câu nói sau đây: “Toàn dân đặt niềm tin vào Đức Chúa và tôi tớ của Người là Môisen” (Xh 14,31). Do tính tất yếu nội tại, ta có thể rút ra được từ phản ứng thứ nhất một loại phản ứng khác: “Bấy giờ Môisen cùng toàn thể con cái Israel hát dâng Chúa bài ca này…”. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, cứ mỗi năm, sau bài đọc ba, là những người Kitô hữu, chúng ta đều xướng lên bài ca này, chúng ta hát lên bài ca này như thể đó là bài ca của chúng ta, bởi vì chúng ta cũng thế, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta đã được đưa ra khỏi nước, được giải thoát và được hưởng sự sống thật.
Liên quan đến lịch sử bài ca của ông Môisen, sau biến cố dân Do Thái được giải phóng khỏi Ai Cập, và sau khi họ vượt qua Biển Đỏ, ta ngạc nhiên thấy có một bài ca khác song song với bài ca của ông Môisen trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan. Trước khi giáng xuống địa cầu bảy tai hoạ cuối cùng, một cái gì đó đã xuất hiện trước mắt nhà thị kiến: “như biển trong suốt pha ánh lửa; và đứng trên bờ biển trong suốt này là tất cả những ai đã chiến thắng Con thú, thắng tượng của nó và con số tương đương với tên của nó. Họ cầm trong tay những chiếc đàn hạc của Thiên Chúa, và họ hát lên bài ca của ông Môisen, người tôi tớ của Thiên Chúa, và bài ca của Con Chiên…” (Kh 15,2tt). Hình ảnh này mô tả tình thế của các môn đệ Chúa Giêsu Kitô qua mọi thời đại, tình thế của Giáo Hội trong lịch sử trần gian này. Đứng về mặt con người mà nói thì hình ảnh này mâu thuẫn nhau. Một mặt, cộng đoàn hiện diện trong cuộc xuất hành, giữa lòng Biển Đỏ. Giữa lòng biển cả thật đối chọi nhau, vừa bằng thuỷ tinh, lại vừa bằng lửa.
Chớ thì Giáo Hội đã không phải tiến bước, nếu ta có thể nói được thế, trên biển cả, giữa lửa nóng và sự lạnh lẽo đó sao? Đứng về mặt con người mà nói, thì Giáo Hội phải bị chìm sâu trong lòng biển cả. Nhưng trong khi Giáo Hội đang còn tiến bước trong lòng Biển Đỏ, thì Giáo Hội đã cất tiếng hát vang – Giáo Hội đã xướng bài tụng ca của những bậc công chính: bài ca của ông Môisen và của Con Chiên, bài tụng ca mà qua đó cả Cựu và Tân Ước đều cùng nhau cất tiếng hát. Trong khi mà ở giữa lòng biển cả, Giáo Hội có lẽ sẽ phải bị chết chìm, thì Giáo Hội lại hát lên bài ca tạ ơn của những ai được cứu thoát. Giáo Hội bước đi trên những dòng nước chết chóc của lịch sử, thế nhưng, Giáo Hội đã được Phục Sinh. Khi hát lên bài ca tụng, Giáo Hội đã nắm lấy bàn tay của Chúa, và bàn tay thần linh này giữ chặt lấy Giáo Hội trên dòng nước thẳm. Và như thế, Giáo Hội biết rằng mình đã được kéo ra khỏi lực hút của cái chết và điều ác – lực hút mà Giáo Hội không thể nào tự mình thoát ra được – Giáo Hội biết rằng mình đã được kéo lên và được hút về tâm điểm lực hút của Thiên Chúa, của chân lý và của tình yêu.
Hiện nay, Giáo Hội và tất cả chúng ta đang còn ở lại giữa hai từ trường. Nhưng kể từ khi Đức Kitô Phục Sinh, lực hút của tình yêu thì mạnh hơn lực hút của hận thù; lực hút của sự sống thì mạnh hơn lực hút của cái chết. Đây không phải là tình thế của Giáo Hội ở mọi thời, tình thế của chúng ta đó sao? Người ta luôn có cảm tưởng rằng Giáo Hội phải chết chìm, thế nhưng, Giáo Hội vẫn luôn được cứu thoát. Thánh Phaolô đã mô tả tình thế này như sau: “Người ta tưởng rằng chúng tôi sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống” (2Cr 6,9). Bàn tay cứu độ của Chúa nâng đỡ chúng ta, và như thế, ngay từ bây giờ, chúng ta có thể hát vang bài ca của những người được cứu thoát, bài ca mới của những người đã sống lại: Alleluia! Amen.