Mùa Chay là thời gian hoán cải nội tâm và trở về với Thiên Chúa
Mùa Chay là thời gian 40 ngày chuẩn bị tinh thần dẫn đưa tín hữu tới Lễ Phục Sinh. Đây là thời gian trong đó chúng ta có thể tìm được trở lại lòng can đảm mới giúp kiên nhẫn và tin tưởng chấp nhận mọi tình trạng khó khăn, khổ đau và thử thách, trong ý thức rằng từ tối tăm Chúa sẽ làm cho ngày mới mọc lên.
Mùa Chay là thời gian hoán cải nội tâm và trở về với Thiên Chúa
Mùa Chay là thời gian 40 ngày chuẩn bị tinh thần dẫn đưa tín hữu tới Lễ Phục Sinh. Đây là thời gian trong đó chúng ta có thể tìm được trở lại lòng can đảm mới giúp kiên nhẫn và tin tưởng chấp nhận mọi tình trạng khó khăn, khổ đau và thử thách, trong ý thức rằng từ tối tăm Chúa sẽ làm cho ngày mới mọc lên.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hằng tuần 22-2-2012 trong Đại Thính đường Phaolô VI.
Giữa các phái đoàn tham dự cũng có một nhóm 18 tu huynh kinh viện Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, hay Dòng Trợ Thế, trong đó có 6 tu huynh Việt Nam, trong các tuần này đang tham dự khoá huấn luyện chuẩn bị khấn trọn tại nhà bề trên tổng quyền của Dòng ở Rôma.
Như quý vị và các bạn đã biết, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro 22-2-2012, Giáo Hội bước vào Mùa Chay thánh, vì thế trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa Mùa Chay. Đây là một lộ trình kéo dài 40 ngày dẫn đưa tín hữu tới Tam Nhật Tuần Thánh tưởng niệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, là trung tâm mầu nhiệm cứu độ.
Trong các thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội, đây là thời gian mà các anh chị em đã lắng nghe và tiếp nhận Chúa Kitô và Tin Mừng bắt đầu từng bước con đường đức tin và hoán cải để tiến tới chỗ lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Nó là thời gian trong đó các anh chị em tân tòng, tức những người ước muốn trở thành tín hữu Kitô và được tháp nhập vào Chúa Kitô và Giáo Hội, tiến tới gần Thiên Chúa hằng sống và bắt đầu cuộc sống đức tin qua việc hoán cải nội tâm sâu xa.
Tiếp theo đó, cả các hối nhân, rồi tất cả mọi tín hữu đã được mời gọi sống lộ trình canh tân tinh thần này, để khiến cho nếp sống của mình ngày càng giống cuộc sống của Chúa Kitô hơn. Sự tham dự của toàn cộng đoàn vào các giai đoạn khác nhau của lộ trình Mùa Chay nhấn mạnh một chiều kích quan trọng của tinh thần tu Đức Kitô: đó là nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, ơn cứu chuộc được cống hiến cho tất cả mọi người. Vì thế, tất cả mọi tín hữu, những người đang trên lộ trình đức tin như là tân tòng chuẩn bị được rửa tội, những người đã xa rời Thiên Chúa và cộng đoàn đức tin và đang tìm hoà giải, cũng như những người đang sống đức tin trong sự hiệp thông tràn đầy với Giáo Hội, tất cả đều biết rằng thời gian trước Lễ Phục Sinh là thời gian “metanoia”, tức là thay đổi nội tâm, sám hối, hoán cải để gặp gỡ Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha giải thích con số 40 ngày như sau: Thật thế, 40 là con số biểu tượng, qua đó Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước diễn tả các giai đoạn đi lên trong kinh nghiệm đức tin của Dân Thiên Chúa. Nó là một con số diễn tả thời gian chờ đợi, thanh tẩy, trở về với Chúa, ý thức rằng Thiên Chúa trung thành với các lời hứa của Người. Số 40 ám chỉ sự kiên trì nhẫn nại, một thử thách dài lâu, một giai đoạn đủ để thấy các công trình của Thiên Chúa, một thời gian trong đó cần quyết định lãnh lấy các trách nhiệm của mình, mà không lần lữa. Đó là thời gian của các quyết định trưởng thành.
Trong Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta có thể gặp số 40 rất nhiều lần. Vì lụt hồng thuỷ, ông Noe đã phải ở trong tàu 40 ngày 40 đêm cùng với gia đình và các thú vật mà Chúa truyền cho ông đem lên tàu. Sau khi hết lụt, ông đã chờ 40 ngày nữa trước khi ra khỏi tầu (x. St 7,4.12; 8,6).
Ông Môsê đã ở trên núi Sinai trước sự hiện diện của Chúa 40 ngày 40 đêm, để nhận Lề Luật. Trong suốt thời gian ấy ông ăn chay (x. Xh 24,18). 40 năm đã là thời gian cuộc hành trình của Dân Israel từ Ai Cập về Đất hứa (x. Đnl 8,2.4). Các năm thái bình, dân Israel được hưởng dưới thời các Thủ Lãnh là 40 năm (x. Tl 3,11.30), nhưng sau đó họ quên đi các ơn của Thiên Chúa và lại phạm tội. Ngôn sứ Êlia đi 40 ngày tới núi Horeb, nơi gặp gỡ Thiên Chúa (x. 1 V 19,8). Dân thành Ninive cũng ăn chay 40 ngày để được ơn tha thứ của Thiên Chúa (x. Gn 3,4). 40 năm cũng là thời gian trị vì của các vua Saul (x. Cv 13,21), Đavít (x. 2 Sm 5,4-5) và Salomon (x. 1 V 11,41), là 3 vị vua đầu tiên của dân Israel. Các Thánh vịnh cũng phản ánh ý nghĩa Kinh Thánh của số 40 năm, chẳng hạn Thánh vịnh 95 mà chúng ta đã nghe đọc: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Meriba, như ngày ở Masa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. Suốt 40 năm dòng giống này làm Ta chán ngán, Ta đã nói: đây là dân tâm hồn lầm lạc, chúng nào biết đến đường lối của Ta” (Tv 95,7c-10).
Trong Thánh Kinh Tân Ước, trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu cũng đã lui vào trong sa mạc 40 ngày không ăn không uống (x. Mt 4,2): Người nuôi mình bằng Lời Chúa, và dùng Lời Chúa như vũ khí để chiến thắng ma quỷ. Các cám dỗ của Chúa Giêsu nhắc lại các cám dỗ mà dân Do Thái đã đương đầu trong sa mac, nhưng đã không biết vượt thắng chúng. 40 ngày đã là thời gian Chúa Giêsu Phục Sinh giáo huấn các môn đệ, trước khi lên Trời và gửi Chúa Thánh Thần xuống (x. Cv 1,3).
Bối cảnh tinh thần ấy của số 40 vẫn còn thời sự và có giá trị, và qua các ngày của Mùa Chay này, Giáo Hội có ý duy trì giá trị kéo dài của nó và khiến cho nó hữu hiệu đối với chúng ta.
Đức Thánh Cha giải thích mục đích phụng vụ kitô trong Mùa Chay như sau: Phụng vụ Kitô của Mùa Chay có mục đích tạo thuận lợi cho con đường canh tân tinh thần, dưới ánh sáng của kinh nghiệm lâu dài trong Thánh Kinh kể trên, và nhất là giúp tín hữu học hiểu và noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã sống 40 ngày trong sa mạc, và dạy chúng ta biết chiến thắng các cám dỗ với Lời Chúa.
40 năm cuộc hành trình của dân Israel trong sa mạc diễn tả các thái độ và tình trạng sống hai mặt. Một đàng chúng là thời gian của tình yêu đầu tiên giữa Thiên Chúa và dân Người, khi Chúa nói với con tim của họ và liên tục chỉ đường cho họ. Thiên Chúa đã ở giữa Israel, đi trước họ trong một đám mây hay một cột lửa, hằng ngày lo lắng thực phẩm cho họ, khiến cho bánh manna rơi xuống cho họ ăn, và nước vọt ra từ tảng đá cho họ uống. Vì thế, các năm Israel sống trong sa mạc có thể coi như thời gian của sự tuyển chọn đặc biệt của Thiên Chúa và sự gắn bó của Israel với Người. Đàng khác, Thánh Kinh cũng cho thấy một hình ảnh khác cuộc hành trình của dân Israel trong sa mạc: nó cũng là thời gian của các thử thách và các hiểm nguy lớn nhất, khi dân Israel lẩm bẩm kêu trách Thiên Chúa và muốn trở về với cuộc sống ngoại giáo và xây dựng các thần tượng của mình, vì họ cảm thấy cần phải tôn thờ một Thiên Chúa gần gũi hơn và có thể đụng chạm được. Nó cũng là thời gian của sự nổi loạn chống lại Thiên Chúa cao cả và vô hình.
Cái hai mặt ấy cũng hiện diện trong con đường dương thế của Chúa Giêsu, dĩ nhiên là chỉ không có việc dàn xếp với tội lỗi mà thôi. Sau khi lãnh nhận phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả và lãnh lấy số phận của Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, khước từ chính mình để sống cho người khác và gánh lấy tội lỗi của thế giới trên vai, Chúa Giêsu vào trong sa mạc để sống trong sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa Cha 40 ngày. Như thế, Người lập lại lịch sử của dân Israel và tất cả các tiết nhịp của 40 ngày. Sự năng động đó là một nét thường hằng trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, là Đấng luôn tìm các lúc cô tịch để cầu nguyện với Cha Người và ở trong sự hiệp thông thân tình và sự cô đơn sâu xa với Thiên Chúa Cha, hiệp thông triệt để với Người rồi trở lại giữa đám đông. Nhưng trong các thời gian sa mạc, gặp gỡ đặc biệt đó với Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu gặp nguy cơ bị Kẻ Dữ cám dỗ tấn công; nó đề nghị với Người một con đường cứu thế khác xa lạ với chương trình của Thiên Chúa, vì đi ngang qua quyền bính, thành công, chứ không phải là chương trình cứu thế của sự hiến dâng và tình yêu của chính mình.
Tình trạng hai mặt ấy cũng miêu tả điều kiện của Giáo Hội lữ hành trong “sa mạc” của thế giới này và của lịch sử. Trong “sa mạc” đó, chúng ta chắc chắn có cơ may sống kinh nghiệm về Thiên Chúa, Đấng làm cho tinh thần được mạnh mẽ, củng cố niềm tin, dưỡng nuôi hy vọng, linh hoạt bác ái, một kinh nghiệm khiến cho chúng ta được tham dự vào chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và trên cái chết, qua Hiến Tế tình yêu trên thập giá.
Và Đức Thánh Cha nói đến cái nguy hiểm của sa mạc trần gian như sau: Nhưng sa mạc cũng là khía cạnh tiêu cực của thực tại bao quanh chúng ta: sự khô cằn, nghèo nàn lời nói của sự sống và các giá trị, chủ thuyết đời và nền văn hoá duy vật giam cầm con người trong chân trời trần thế của cuộc sống, và giảm trừ nó khỏi mọi quy chiếu về sự siêu việt. Nó cũng là môi trường, trong đó bầu trời bên trên chúng ta tăm tối vì bị bao phủ bởi mây mù của ích kỷ, không hiểu biết và lừa dối. Mặc dù thế, cả đối với Giáo Hội nữa, thời gian sa mạc có thể biến thành thời gian ân sủng, bởi vì chúng ta chắc chắn rằng cả từ tảng đá cứng nhất Thiên Chúa cũng có thể làm vọt ra nước sự sống giải khát và củng cố chúng ta.
Sau khi chào tín hữu và các đoàn hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và cầu chúc tất cả một Mùa Chay sốt mến thánh thiện, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban Phép lành Toà Thánh cho mọi người.