06/10/2024

Chúa Giêsu cần sự liên đới tỉnh thức cầu nguyện của chúng ta

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giải thích lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsêmani trên núi Cây Dầu… Trong đêm đó, Chúa Giêsu cũng cầu nguyện một mình, bởi vì tương quan của Người với Thiên Chúa Cha là duy nhất và riêng tư: tương quan của Con Một.

 Chúa Giêsu cần sự liên đới tỉnh thức cầu nguyện của chúng ta

 

Dù trời Rôma mưa và lạnh, sáng thứ tư 1-2-2012 cũng có đông đảo tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Thánh Cha trong Đại Thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giải thích lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsêmani trên núi Cây Dầu. Sau khi hát thánh thi, tức các Thánh vịnh Hallel, cảm tạ Thiên Chúa đã giải phóng dân Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập và cầu xin Chúa trợ giúp giữa các khó khăn và đe doạ mới trong hiện tại, Chúa Giêsu và các Tông đồ ra đi về núi Cây Dầu (Mc 14,26).

Tới nơi, Chúa Giêsu chuẩn bị cầu nguyện, nhưng xem ra Người không muốn ở một mình như vẫn thường xảy ra trước đó, khi Người thường rời xa đám đông và các môn đệ để vào “nơi vắng vẻ” (Mc 1,35) hay “lên núi” (Mc 6,46) cầu nguyện. Tại Giệtsêmani, trái lại, Chúa Giêsu mời Phêrô, Giacôbê và Gioan ở gần Người. Chúa đem họ theo Người (Mc 14,33-34). Họ là các môn đệ Người đã đem theo trên núi hiển dung (x. Mc 9,2-13). Trong đêm đó, Chúa Giêsu cũng cầu nguyện một mình, bởi vì tương quan của Người với Thiên Chúa Cha là duy nhất và riêng tư: tương quan của Con Một. 

Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau: Tuy nhiên, mặc dù “một mình” đến điểm để dừng lại cầu nguyện, Chúa Giêsu muốn rằng ít nhất 3 môn đệ không ở xa, mà ở trong một tương quan chặt chẽ hơn với người. Đây là một sự gần gũi không gian, một lời xin liên đới trong lúc Người cảm thấy cái chết đến gần, nhưng nhất là một sự gần gũi trong lời cầu nguyện, để diễn tả, trong một cách thế nào đó, sự đồng điệu với Chúa, trong lúc Người chuẩn bị chu toàn tới cùng ý muốn của Thiên Chúa Cha; và nó là lời mời gọi từng môn đệ đi theo Người trên con đường Thập Giá.

Trong lời nói với 3 môn đệ Chúa Giêsu dùng lời Thánh vịnh 43: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được” (x. Tv 43,5). Sự cương quyết khó khăn “cho đến chết” nhắc mhớ hoàn cảnh, mà nhiều người được Thiên Chúa sai đi trong Cựu Ước nói lên trong lời cầu của họ. Vì thường khi đi theo sứ mệnh được trao phó cho họ có nghĩa là gặp thù nghịch, khước từ và bách hại. Ông Môsê cảm thấy thử thách thê thảm phải chịu, khi hướng dẫn dân Israel trong sa mạc nên nói với Thiên Chúa: “Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn, ấy là nếu con đẹp lòng Ngài” (Ds 11,14-15). Đối với ngôn sứ Elia cũng thế, không dễ mà tiếp tục phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài. Sách Các Vua I kể: “Ông đi một ngày đường trong sa mạc, đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: “Lạy Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1 V 19,4).

Các lời Chúa Giêsu nói với 3 môn đệ mà Người muốn gần Người trong khi cầu nguyện tại vườn Giệtsêmani, vén mở cho thấy Chúa Giêsu cảm thấy sợ hãi và âu lo trong “Giờ” đó như thế nào; Người kinh nghiệm sự cô đơn sâu thẳm cuối cùng, chính trong lúc dự định của Thiên Ghúa đang được thực hiện. Và trong sự âu lo sợ hãi đó của Chúa Giêsu tóm gọn tất cả sự kinh hoàng của con người trước cái chết của chính mình, cái chắc chắn về sự không lay chuyển của nó, và trực giác về sức nặng của sự dữ gặm nhấm sự sống của chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Sau khi mời 3 môn đệ ở lại và tỉnh thức cầu nguyện, Chúa Giêsu một mình hướng về Thiên Chúa Cha. Thánh sử Marcô thuật lại: “Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy nếu có thể được” (Mc 14,35). Chúa Giêsu ngã sấp mình xuống đất: đây là một tư thế cầu nguyện diễn tả sự vâng phục ý muốn của Thiên Chúa Cha, sự phó thác với lòng tin tưởng tràn đầy nơi Ngài.

Nó là một cử chỉ được lặp lại vào đầu việc cử hành cuộc Khổ Nạn, Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cũng như trong lễ khấn tại đan viện và trong các cuộc truyền chức phó tế, linh mục và giám mục, để diễn tả trong lời cầu nguyện và cả trong tư thế của thân thể nữa, sự tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Rồi Chúa Giêsu xin Thiên Chúa Cha nếu có thể được cho Người khỏi phải qua giờ này. Đây không chỉ là nỗi sợ hãi và lo âu trước cái chết, mà còn là sự đảo lộn của Con Thiên Chúa, trông thấy khối nặng sự dữ kinh khủng phải mang trên mình, để vượt thắng nó, để lấy đi quyền lực của nó. 

Rồi Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người: Anh chị em thân mến, cả chúng ta nữa, trong lời cầu nguyện chúng ta cũng phải có khả năng đem đến trước mặt Thiên Chúa các mệt nhọc của chúng ta, nỗi khổ đau của một vài tình trạng, của một vài ngày sống, dấn thân thường ngày để theo Chúa, để là các tín hữu Kitô, và cả gánh nặng của sự dữ mà chúng ta trông thấy trong chúng ta và chung quanh chúng ta, để Người trao ban hy vọng cho chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Người, ban cho chúng ta một chút ánh sáng trên con đường cuộc sống.

Trong lời cầu nguyện Chúa Giêsu nói với Thiên Chúa Cha: “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36), Chúa Giêsu vén mở cho chúng ta thấy 3 điểm. Trước hết là kiểu gọi “Abba”, trong tiếng Aramay là kiểu trẻ em gọi cha chúng, và như thế nó diễn tả tương quan dịu hiền, yêu thương, tin tưởng, tín thác của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha. Thứ hai là ý thức về sự toàn năng của Thiên Chúa Cha, dẫn vào lời xin cho thấy thảm cảnh ý chí nhân loại của Chúa Giêsu trước cái chết và sự dữ: “Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con”. Yếu tố định đoạt thứ ba là việc ý chí con người hoàn toàn chấp nhấn ý muốn của Thiên Chúa: “Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn”. Trong sự hiệp nhất của bản vị thiên tính của Chúa Con, ý muốn nhân loại tìm thấy sự hiện thực tràn đầy của nó trong sự tín thác hoàn toàn cái “tôi” cho “Ngài” của Thiên Chúa Cha, được gọi là Abba.

Thánh Massimo Tuyên Giáo khẳng định rằng từ lúc tạo dựng người nam và người nữ, ý chí của con người hướng về ý chí của Thiên Chúa, và chính trong tiếng “có” nói lên với Thiên Chúa mà ý chí của con người được hoàn toàn tự do, và tìm thấy sự hiện thực tràn đầy của nó. Nhưng rất tiếc, vì tội lỗi, tiếng “có” ấy với Thiên Chúa đã biến thành sự chống đối: Ađam và Evà đã nghĩ rằng tiếng “không” với Thiên Chúa là tột đỉnh sự tự do, là sự tràn đầy của mình. Trên Núi Cây Dầu, Chúa Giêsu đem ý chí của con người trở lại với tiếng “có” tràn đầy đối với Thiên Chúa… Như thế, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: chỉ trong việc phù hợp ý muốn của riêng mình với ý muốn của Thiên Chúa thì con người mới tiến tới sự cao cả đích thực của nó, trở thành “thiên linh”. Chỉ khi ra khỏi chính mình, chỉ trong tiếng “có” với Thiên Chúa, ước muốn hoàn toàn tự do của Ađam, của tất cả chúng ta, mới thành hiện thực. Và điều Chúa Giêsu thành toàn trong vườn Giệtsêmani: khi di chuyển ý muốn của con người vào trong ý muốn của Thiên Chúa, thì nảy sinh con người đích thực, và chúng ta được cứu rỗi.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Mỗi ngày, khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta xin cho ý Chúa được thi hành trên trời cũng như dưới đất. Nghĩa là chúng ta thừa nhận rằng có một ý muốn của Thiên Chúa với chúng ta và cho chúng ta, một ý muốn của Thiên Chúa trên cuộc sống chúng ta, và nó phải càng ngày càng trở thành điểm tham chiếu cho ý muốn và cuộc sống chúng ta. Rồi chúng ta thừa nhận rằng trên trời, nơi ý muốn của Thiên Chúa đưực thi hành, và “trái đất” trở thành “trời” – nơi có sư hiện diện của tình yêu, lòng tốt, chân lý, vẻ đẹp thiên linh – chỉ khi nào trong đó ý muốn của Thiên Chúa được thực thi. Trong lời cầu Chúa Giêsu thưa lên với Thiên Chúa Cha, trong đêm kinh khủng và tuyệt diệu ấy ở vườn Giệtsêmani, “đất” đã trở thành “trời”. Trái đất của ý muốn con người bị rúng động bởi sự sợ hãi và âu lo đã được ý muốn của Thiên Chúa nâng lên, và như thế ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện ở dưới đất. 

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu: Chúng ta phải học tín thác mình cho sự Quan Phòng của Thiên Chúa, xin Chúa cho chúng ta có sức mạnh ra khỏi chính mình để canh tân tiếng “có” của chúng ta với Chúa, để lặp lại với Người “xin làm theo ý Cha”, để làm cho ý muốn của chúng ta phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Đây là lời cầu mà chúng ta phải xin mỗi ngày, bởi vì không luôn luôn dễ dàng tín thác mình cho ý muốn của Thiên Chúa, và lặp lại tiếng “có” của Chúa Giêsu cũng như tiếng “có” của Mẹ Maria. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có khả năng thức tỉnh với Người trong lời cầu nguyện, thực thi ý muốn của Thiên Chúa mỗi ngày cả khi ý muốn ấy có nói tới Thập Giá, và sống một sự thân tình ngày càng lớn hơn với Chúa để đem một chút “trời” xuống “trái đất” này.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Nhắc tới lễ Thánh Gioan Bosco mà Giáo Hội mừng kính ngày 31-1 vừa qua, Đức Thánh Cha xin thánh nhân che chở người trẻ và ngài cầu chúc họ có được các nhà giáo dục khôn ngoan và các người hướng dẫn chắc chắn. Ngài xin các bệnh nhân dâng mọi nỗi khổ đau của họ đề cầu cho công việc mục vụ giới trẻ của Giáo Hội được phong phú. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cặp vợ chồng trẻ mới cưới chuẩn bị trở thành các nhà giáo dục đầu tiên cho con cái họ. Sau cùng, ngài cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.