Đau khổ là thành phần cấu tạo nên sứ mạng của Đức Giêsu

Đức Trinh Nữ Maria đã cất giữ trong tâm hồn người mẹ cái bí mật của Đức Giêsu, Con của Mẹ, Mẹ đã chia sẻ với Con giờ phút đau đớn của cuộc khổ nạn và đóng đinh, và Mẹ đã được nâng đỡ nhờ trông cậy vào Chúa Phục Sinh.

 Đau khổ là thành phần cấu tạo nên sứ mạng của Đức Giêsu 

Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin
Tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật IV Thường Niên, 1/2/2009 

Anh chị em thân mến! 

Năm nay, trong suốt các Thánh lễ Chúa Nhật, phụng vụ mời gọi chúng ta suy niệm Phúc Âm theo Thánh Marco, và trong Tin Mừng này, ta nhận ra một nét đặc trưng riêng biệt được gọi là “bí mật Thiên Sai”, nghĩa là sự kiện, ngoài nhóm nhỏ môn đệ của mình, trước mắt, Đức Giêsu không muốn cho ai biết rằng Người là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Và đã nhiều lần, Người căn dặn các Tông đồ, cũng như những bệnh nhân được Người chữa lành, không được tiết lộ căn tính của Người cho bất cứ ai. Chẳng hạn trích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Mc 1,21-28) kể lại câu chuyện một người bị quỷ ám, bất chợt kêu lên: “Ngài muốn gì, hỡi Đức Giêsu thành Nazareth? Ngài đến để tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết rất rõ Ngài là ai: là Đấng Thánh, là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Và Đức Giêsu đã mạnh mẽ ra lệnh cho nó: “Im đi! Hãy xuất ra khỏi người này!”. Và Thánh sử ghi nhận: và ngay lập tức, thần ô uế hét lên một tiếng lớn rồi xuất ra khỏi người ấy. Đức Giêsu không những xua đuổi ma quỷ ra khỏi con người, giải phóng họ khỏi ách nô lệ tệ hại nhất, nhưng Người còn ngăn cấm ma quỷ nói lên căn tính của Người. Và Người nhấn mạnh đến cái “bí mật” này, bởi vì đó là chìa khoá làm cho sứ mạng của Người được thành công. Và phần rỗi của chúng ta có được là nhờ sứ mạng của Người. Thật thế, Người biết rằng, để giải phóng nhân loại khỏi ách thống trị của tội lỗi, Người sẽ phải hy sinh thân mình trên Thánh giá như Con Chiên Vượt Qua đích thật. Còn trái lại, ma quỷ thì tìm cách cám dỗ Người, để đưa Người rẽ sang một con đường khác, hướng đến luận lý của con người về một Đấng Thiên Sai quyền uy và lúc nào cũng thành công. Thánh giá của Đức Kitô làm cho ma quỷ phải thất bại, và chính vì thế, Đức Giêsu không ngừng dạy các môn đệ, để bước vào vinh quang, thì Người phải chịu nhiều đau khổ, bị bỏ rơi, bị kết án và bị đóng đinh (x. Lc 24,26), đau khổ là thành phần cấu tạo nên sứ mạng của Người. 

Đức Giêsu đau khổ và chịu chết trên Thánh giá vì yêu thương. Như thế, nếu chúng ta suy nghĩ kỹ càng, chúng ta sẽ thấy Người mang lại một ý nghĩa cho  đau khổ, một ý nghĩa mà nhiều người thuộc các thế hệ khác nhau đều hiểu và xem đó là ý nghĩa của mình, khi lòng họ cảm thấy vô cùng thanh thản, ngay cả trong nỗi muộn phiền của những thử thách đau thương về mặt thể lý cũng như tinh thần. Và trong thời gian gần đây, “sức mạnh của cuộc sống trong đau khổ” là đề tài mà các Giám mục Ý đã chọn cho Sứ điệp truyền thống của Ngày Sự Sống. Tôi xin liên kết với lời phát biểu của các Giám mục Ý, mà qua đó chúng ta có thể thấy được tình yêu của các mục tử dành cho đoàn chiên, và sự can đảm của các ngài trong việc loan truyền chân lý, can đảm để nói rõ rằng phương pháp an tử, chẳng hạn, là một giải pháp sai lầm đối với thảm kịch đau khổ, một giải pháp không xứng với con người. Thật thế, câu trả lời đích thật không phải là mang lại cái chết, cho dẫu nó có “êm ái” đến đâu chăng nữa, mà là làm chứng tá cho tình yêu, một tình yêu giúp ta đương đầu với sự đau đớn và hấp hối một cách nhân bản. Chúng ta biết chắc điều này: không một giọt nước mắt nào, những giọt nước mắt của con người đang đau khổ, những giọt nước mắt của những ai gần gũi với con người đang đau khổ, lại bị mất đi dưới cái nhìn của Thiên Chúa. 

Đức Trinh Nữ Maria đã cất giữ trong tâm hồn người mẹ cái bí mật của Đức Giêsu, Con của Mẹ, Mẹ đã chia sẻ với Con giờ phút đau đớn của cuộc khổ nạn và đóng đinh, và Mẹ đã được nâng đỡ nhờ trông cậy vào Chúa Phục Sinh. Chúng ta phó dâng cho Mẹ những người đang đau khổ, và những ai mỗi ngày đều dấn thân nâng đỡ họ, bằng cách phục vụ sự sống qua mỗi giai đoạn: cha mẹ, các nhân viên y tế, linh mục, tu sĩ, những nhà nghiên cứu, tình nguyện viên và nhiều người khác nữa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người! 

Cuối giờ Kinh Truyền Tin 

Ngày mai chúng ta sẽ cử hành lễ dâng Chúa vào đền thờ. 40 ngày sau khi sinh Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh cả Giuse đem Người lên Giêrusalem theo Luật Môisen dạy. Quả thật, dựa theo Kinh Thánh thì các con trai đầu lòng thuộc về Chúa, và như thế, phải được chuộc lại bằng một hiến lễ. Việc hiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa, Cha của Người, đã được biểu lộ qua biến cố này, cũng như việc hiến dâng Đức Trinh Nữ Maria là Đấng liên kết với Đức Giêsu. Chính vì thế, vị tiền nhiệm rất đáng mến của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã muốn cho ngày lễ này trở nên Ngày tận hiến, và qua ngày lễ này, nhiều tu sĩ tuyên khấn hay tuyên khấn lại. Do đó, trưa mai, sau Thánh lễ do Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Tu sĩ, Bộ lo về Đời sống Tận hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ, chủ lễ, tôi sẽ gặp anh chị em sống đời tận hiến đang hiện diện tại Rôma, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Tôi mời gọi tất cả anh chị em tạ ơn Chúa vì hồng ân quý giá này là những người anh chị em chúng ta đây, và cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, cho Giáo Hội có nhiều ơn gọi mới, trong sự đa dạng của các đặc sủng mà càng ngày Chúa càng ban cho Giáo Hội. 

Các khách hành hương nói tiếng Pháp thân mến, các bài đọc Chúa Nhật hôm nay nói với chúng ta về niềm vui và hạnh phúc. Ngày mai, ngày 2/2, lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, chúng ta sẽ cử hành Ngày Thế giới tận hiến. Theo gương cụ già Simêon, và dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, ước gì các tu sĩ nam nữ, và tất cả những ai sống đời tận hiến, biết mở rộng lòng đón nhận Đức Kitô! Duy chỉ mình Người mới có thể dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc đích thật, và Đức Trinh Nữ Maria mới có thể cầu thay nguyện giúp cho tất cả chúng ta. Chúc ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em.

Xin chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp.