Hối cải có nghĩa là tin rằng Đức Giêsu “đã thí mạng sống mình vì tôi”
Sự hối cải của Phaolô đã chín muồi qua lần gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh; và sự gặp gỡ này đã biến đổi tận căn cuộc hiện sinh của Phaolô. Trên đường đi Đamát, điều Đức Giêsu yêu cầu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đã được áp dụng cho Phaolô: Saolô đã trở lại, bởi vì nhờ ánh sáng của Chúa, “người đã tin vào Tin Mừng”.
Hối cải có nghĩa là tin rằng Đức Giêsu “đã thí mạng sống mình vì tôi”
Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin
Lễ Thánh Phaolô trở lại kết thúc tuần lễ Hiệp nhất
Tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật III Thường Niên, 25/1/2009
Anh chị em thân mến,
Ngày Chúa nhật hôm nay, chúng ta được nghe bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu tại Galilê: “Thời gian đã trọn; Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Ngày hôm nay, 25/12, chúng ta kính nhớ “cuộc trở lại của Thánh Phaolô”. Thật là một sự trùng hợp đáng mừng – đặc biệt trong Năm Thánh Phaolô này – chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa thật của sự hối cải theo Tin Mừng – metànoia – khi nhìn đến kinh nghiệm của Tông đồ Phaolô. Thật thế, trong trường hợp của Phaolô, một số người không thích sử dụng kiểu nói này, bởi vì theo họ, Thánh Phaolô đã là tín hữu rỗi, và thậm chí còn là một người Do Thái sốt sắng nữa là đàng khác, và chính vì thế, người đã không khởi đi từ tình trạng không có đức tin đến có đức tin, từ ngẫu tượng đến Thiên Chúa, và đã không phải từ bỏ niềm tin Do Thái để đi theo Đức Kitô. Trong thực tế, kinh nghiệm của vị Tông đồ có thể là mẫu mực cho bất cứ cuộc trở lại Kitô giáo chân chính nào.
Sự hối cải của Phaolô đã chín muồi qua lần gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh; và sự gặp gỡ này đã biến đổi tận căn cuộc hiện sinh của Phaolô. Trên đường đi Đamát, điều Đức Giêsu yêu cầu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đã được áp dụng cho Phaolô: Saolô đã trở lại, bởi vì nhờ ánh sáng của Chúa, “người đã tin vào Tin Mừng”. Tin vào Đức Giêsu đã chết và sống lại, và mở rộng lòng đón nhận ân sủng Chúa soi sáng là trọng tâm cuộc trở lại của Phaolô và sự hối cải của chúng ta. Từ đó trở đi, Saolô đã hiểu rằng ơn cứu độ không còn lệ thuộc vào những việc lành phúc đức do người thực hiện chiếu theo lề luật, nhưng do sự kiện Đức Giêsu đã chết cho Phaolô – là kẻ bách hại đạo – và đã phục sinh. Chân lý này, nhờ Bí tích Thánh tẩy, đã soi sáng cuộc đời của mỗi Kitô hữu, đã hoàn toàn đảo lộn cách sống của chúng ta. Đối với mỗi người trong chúng ta cũng thế, hối cải có nghĩa là tin rằng Đức Giêsu “đã thí mạng sống mình vì tôi”, khi Người chết trên Thập tự (x. Gl 2, 20) và đã sống lại, hối cải có nghĩa là tin rằng Người sống với tôi và trong tôi. Khi phó thác vào quyền năng tha thứ của Người, khi để cho Người nắm lấy bàn tay tôi, tôi có thể thoát ra khỏi vũng cát lún của kiêu căng và tội lỗi, của dối trá và u buồn, của ích kỷ và của bất cứ sự an toàn giả hiệu nào, để hiểu và sống tình yêu vô cùng phong phú của Người.
Các bạn thân mến, lời mời gọi hối cải, được làm nổi bật qua chứng tá của Thánh Phaolô, hôm nay lại vang lên trong ngày chúng ta kết thúc Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất, có một tầm mức đặc biệt quan trọng trên bình diện đại kết. Thánh Tông đồ chỉ cho chúng ta thái độ tinh thần thích hợp để có thể tiến xa trên con đường hiệp thông. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Philípphê như sau: “Quả thật, tôi chưa đến nơi, tôi chưa đạt đến đích điểm, nhưng tôi còn phải tiếp tục chạy để đạt được đích điểm, như chính tôi đã được Kitô Giêsu chiếm lấy” (Pl 3, 12). Chúng ta là những Kitô hữu, chắc chắn chúng ta chưa đạt đến đích của sự hiệp nhất trọn vẹn, nhưng nếu chúng ta luôn hối cải để quay về với Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc, là Mẹ của Giáo Hội duy nhất và thánh thiện, cầu cùng Chúa cho chúng ta nhận được ơn hối cải thực sự, để cho ước muốn “Ước gì chúng nên một“ của Đức Kitô sớm được thực hiện. Chúng ta phó dâng cho Mẹ cuộc họp mặt cầu nguyện mà tôi sẽ chủ tọa chiều nay tại Vương cung Thánh đường Thánh-Phaolô-ngoại-thành, như thường lệ, sẽ có sự tham dự của đại diện các Giáo Hội và các Cộng đoàn Giáo Hội đang có mặt tại Rôma.
Cuối giờ Kinh Truyền Tin
Hôm nay là Ngày thế giới bệnh phong do Raoul Follereau cổ động cách đã 55 năm. Theo bước chân Đức Giêsu, Giáo Hội vẫn luôn đặc biệt quan tâm đến những bệnh nhân này, như Hội đồng Giáo Hoàng về Mục vụ cho các dịch vụ Y tế, cách đây vài ngày, cũng đã cho phát hành một sứ điệp nói lên điều đó. Tôi vui mừng khi thấy Liên hiệp quốc, qua một bản tuyên ngôn mới đây của Cao ủy phụ trách Nhân quyền, đã yêu cầu các quốc gia bảo trợ nhữg bệnh nhân phong cũng như gia đình của họ. Về phần tôi, tôi hứa cầu nguyện cho họ, và một lần nữa, tôi khuyến khích những ai đang nỗ lực làm việc nhằm giúp họ được lành bệnh và hội nhập xã hội một cách tốt đẹp.
Nhiều dân tộc thuộc các quốc gia khác nhau tại Đông Á đang chuẩn bị đón Xuân âm lịch. Tôi cầu chúc họ mừng xuân mới vui vẻ. Niềm vui là cách biểu lộ sự hài hòa trong con người chúng ta, và điều này chỉ có thể phát xuất từ sự hài hòa của con người với Thiên Chúa và với tạo vật do Người sáng tạo. Ước gì những công dân đang sinh sống trong những quốc gia rất thân thương này luôn hưởng được một niềm vui sống động trong tâm hồn, và ước gì niềm vui ấy tỏa chiếu trên thế giới.
Giờ đây, tôi thân ái chào các em thiếu nhi và các em thanh thiếu niên thuộc Tổ chức Công giáo tiến hành Rôma và của một vài giáo xứ và các trường học trong thành phố. Các em đã làm sống lại “đoàn Lữ hành hòa bình” truyền thống. Tôi xin chào Đức Hồng y Giám quản cùng đồng hành với các em. Các con thân mến, Cha cám ơn các con, vì các con trung thành cam kết phục vụ hòa bình, không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả sự chọn lựa và thái độ sống, như một bạn đại diện các con sẽ phát biểu, và giờ đây, Cha xin nhường lời lại cho người bạn đó.
Các con thân mến, nhờ Đức Giêsu giúp đỡ, các con hãy luôn là những người xây dựng hoà bình, trong gia đình, tại học đường, khi chơi thể thao, ở khắp mọi nơi. Một lần nữa, Cha xin cám ơn các con!
Cùng với ngày lễ Thánh Phaolô trở lại, thưa anh chị em là những khách hành hương nói tiếng Pháp thân mến, chúng ta kết thúc Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất. Sau lần gặp gỡ Đức Kitô trên đường đi Đamát làm đảo lộn cuộc đời của Thánh Phaolô, kể từ đó trở đi, người đã trở nên một mẫu gương tuyệt hảo của người môn đệ Chúa Kitô cho chúng ta noi gương bắt chước. Cũng như Thánh Phaolô, chúng ta cũng hãy trở nên những chứng nhân gan dạ cho tình yêu không thể chiến bại của Chúa. Ngày hôm nay, tôi cũng vui mừng chào đón Hiệp hội quốc tế các tổ chức Raoul Follereau đang tiếp tục công việc bác ái của người giữa những bệnh nhân phong, trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này và tất cả những hình thức đói nghèo. Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em.
Tôi chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Và giờ đây, chúng ta hãy thả những chim câu hoà bình do các em nhỏ thành Rôma mang đến.