22/01/2025

Chúa Nhật IV Mùa Vọng – B: Con đường Giêsu đã mở

Đức Maria dám đón nhận tất cả, hy sinh tất cả chỉ vì Mẹ yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự, Mẹ cũng rất yêu thương loài người và vạn vật, muốn cứu độ tất cả. Đó là một tình yêu trọn vẹn dành cho cả hai phía Thiên Chúa và con người để có thể nối kết hai đầu đường đã bị đứt quãng. Thế là con đường Giêsu đã mở!

CON ĐƯỜNG GIÊSU ĐÃ MỞ

Hành Khất Kitô
 
Trong mấy tuần vừa qua, chúng ta đã cùng nhau suy niệm con người là con đường của Thiên Chúa và cũng là con đường của Giáo Hội và chúng ta được mời gọi làm người sửa đường.
Hôm nay, chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Maria, Người Mẹ Thánh của chúng ta để thấy rằng con đường mẫu Giêsu đã mở và chúng ta cũng được mời gọi để hình thành con đường này hầu đem lại ơn cứu độ cho mình và cho thế giới.
1. Con đường mẫu Giêsu
1.1. Những con đường cứu độ
Nói đến Đức Giêsu Kitô là người ta nghĩ ngay rằng Người là Đấng sáng lập Kitô giáo hay đạo Thiên Chúa. Gia đình nhân loại hiện đang có rất nhiều người theo các đạo khác nhau như: đạo Khổng, đạo Hồi, đạo Lão, đạo Phật, đạo Thiên Chúa… Tôn giáo hay đạo là con đường tinh thần dẫn con người đến với thần linh, đến với Thiên Chúa. Con đường tinh thần ấy đưa con người đạt đến điều mơ ước là được sống mãi mãi, trẻ đẹp mãi mãi, khôn ngoan tột cùng, hạnh phúc vô biên. Tự thâm tâm, ai cũng cảm nghiệm được mình chỉ sống cùng lắm là một vài trăm năm, và mỗi ngày sống thêm là mình già đi, xấu hơn. Con đường con người vô tận, vĩnh hằng đã bị cắt đứt dù người ta hiểu được rằng con người và vạn vật phát xuất từ thần linh thì được chia sẻ sự bất tử, vĩnh hằng, vô biên của thần linh. Trong lịch sử nhân loại, một số người qua kinh nghiệm gắn bó với thần linh, với Thiên Chúa, đã tìm ra những con đường cứu độ vô biên ấy và đã chỉ cho nhiều người. Vì thế, tất cả những con đường ấy đều đáng cho chúng ta trân trọng, tìm hiểu và noi theo.
1.2. Tại sao lại trân trọng những con đường ấy?
Những con đường ấy rất đáng chúng ta tìm hiểu và noi theo, bởi vì chúng thật sự là những con đường có thể dẫn con người đạt được ơn cứu độ như lòng hằng mong ước, vì 3 lý do sau đây: 1) Trước hết, Thiên Chúa là người cha đã sinh ra tất cả các con cái của mình và muốn cứu độ tất cả, cho nên Ngài đặt vào trong tâm hồn con người và bản chất vạn vật một sự quy hướng về Thiên Chúa. Đặc biệt là con người, nếu biết lắng nghe và sống theo tiếng lương tâm ngay chính của mình, họ đều có thể nhận được ơn cứu độ (x. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 16). 2) Hơn nữa, tất cả mọi loài, nhất là con người là hình ảnh của Thiên Chúa, được dựng nên nhờ Lời của Thiên Chúa nên quy hướng về Ngôi Lời. 3) Cuối cùng, Thiên Chúa ban những ân huệ của Chúa Thánh Thần để giúp cho con người và vạn vật tìm được những con đường cứu độ của Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử, Lão Tử, Đức Mahômet, Đức Huỳnh Phú Sổ, Đức Phạm Công Tắc… Những con đường này phản ánh những điểm chân thật, tốt đẹp của con đường mẫu Giêsu.
1.3.Con đường mẫu Giêsu
Tuy nhiên vào thời điểm đã định, Thiên Chúa đã muốn mở một con đường chắc chắn, an toàn để con người và vạn vật trở về với Ngài mà không sợ lầm đường lạc lối, nên đã ban Con Một của Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành Đức Giêsu, con đường cụ thể của Thiên Chúa (x. Ga 14,6). Vì thế, nếu so sánh con đường Giêsu với các con đường tâm linh khác, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt ở điểm này: trong khi các tôn giáo khác là con đường một chiều, diễn tả sự cố gắng của con người vươn lên đến thần linh, đến Thiên Chúa, thì con đường Giêsu lại có hai chiều: một chiều đi xuống từ Thiên Chúa tới con người và vạn vật, một chiều đi lên để dẫn tất cả trở về với Thiên Chúa, chia sẻ với nguồn Chân-Thiện-Mỹ, sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên. Nhưng muốn hoàn thành con đường 2 chiều ấy, Thiên Chúa rất cần sự cộng tác của con người, và qua con người, của toàn thể vũ trụ vạn vật. Đức Maria đã được đề nghị thay mặt cho muôn loài để cùng với Thiên Chúa xây dựng con đường này. Mẹ Maria đã cộng tác như thế nào?
2. Đức Maria cộng tác với Thiên Chúa xây dựng con đường Giêsu
2.1. Cộng tác với tất cả ý thức và tự do
Để có thể đưa được tính vĩnh hằng, vô tận, vô biên, tuyệt đối của Thiên Chúa vào trong con đường ngắn ngủi, tạm thời, hữu hạn của con người, Thiên Chúa không muốn dùng bạo lực hay quyền năng mãnh liệt của Ngài để bắt ép con người phải nhận những gì của Thiên Chúa ban tặng. Ngài mời gọi con người tự nguyện cộng tác với tất cả tự do và ý thức của mình. Vì thế, sứ thần Gabriel đã được sai đến với một trinh nữ đã đính hôn tên là Maria và đề nghị thiếu nữ cộng tác với Thiên Chúa để “Ngôi Lời Thiên Chúa làm người” (x. Ga 1,14): “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao…và triều đại của Người sẽ vô cùng, vô tận” (Lc 1,31-33). Tên Giêsu có nghĩa là “Giavê cứu độ”. Lời đề nghị của sứ thần đã diễn tả các đặc tính chủ yếu của con đường Giêsu.
Với ý thức sáng suốt, Đức Maria đặt vấn đề: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34). Sau khi nghe lời giải thích của sứ thần, Đức Maria đã tự nguyện đón nhận lời đề nghị, dâng hiến trọn vẹn con người với tất cả tâm hồn và thân xác để thực hiện kế hoạch xây dựng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Tại sao Maria lại chấp nhận lời đề nghị này?
2.2. Cộng tác với tình yêu trọn vẹn
Khi chấp nhận sinh con cho Thiên Chúa, Đức Maria cũng nhìn thấy tất cả những khó khăn, nguy hiểm từ sự ưng thuận của mình. Maria có thể bị tố cáo nơi toà án Do Thái, nếu Giuse không chấp nhận bào thai Mẹ mang trong lòng. Theo luật pháp Do Thái, Maria có thể bị ném đá cho đến chết vì tội chửa hoang hay ngoại tình. Maria sẽ phải chịu tất cả sự khinh miệt, chê cười của người đời và mất cả tình yêu của Giuse dành cho mình.
Tuy nhiên Maria dám đón nhận tất cả, hy sinh tất cả chỉ vì Mẹ yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự nên dành tất cả cho Thiên Chúa cũng như vì Mẹ cũng rất yêu thương loài người và vạn vật, muốn cứu độ tất cả nên sẵn sàng hy sinh tình yêu riêng tư của mình với Giuse, hy sinh cả mạng sống, danh dự với lòng tự nguyện và quảng đại vô biên. Đó là một tình yêu trọn vẹn dành cho cả hai phía Thiên Chúa và con người để có thể nối kết hai đầu đường đã bị đứt quãng. Thế là con đường Giêsu đã mở! Con người đã nối kết lại được với Thiên Chúa trong sự ưng thuận của Mẹ Maria.
2.3. Cuộc xây dựng diệu kỳ
Trước mầu nhiệm “Ngôi Lời Nhập Thể” hay mầu nhiệm “Ngôi Lời Thiên Chúa trở nên người phàm” (Ga 1,14), nhiều người muốn giải thích theo lý luận tự nhiên hay khoa học thực nghiệm. Họ suy luận rằng: một phụ nữ không chồng làm sao có thể sinh con, một trinh nữ làm sao có thể có con và sau khi sinh con rồi thì làm sao còn gọi là trinh nữ được, nếu Maria đóng góp phần mình là cái trứng của người phụ nữ thì phần nam giới là của ai…?
Lời giải thích của sứ thần giúp ta hiểu phần nào mầu nhiệm cao cả ấy để đức tin sẽ khám phá sâu xa hơn: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa… vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Ga 1,36-37). Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự từ hư vô nên chẳng cần một con tinh trùng nhỏ nhoi của một người nào đó cho Người Con Một của mình. Hơn nữa, Ngài là Tinh Thần Tuyệt Đối nên khi đi vào Đức Maria, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, sẽ không làm tổn thương hay phá huỷ chút gì của thụ tạo, trái lại, sẽ chuyển thông cho thụ tạo tất cả những gì tốt đẹp, cao quý của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Maria vẫn giữ nguyên vẻ trinh tiết rạng ngời thánh thiện của con người dành trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Điểm cơ bản chúng ta cần nhớ là Đức Maria không cộng tác vào công trình xây dựng con đường mẫu Giêsu trong tư cách một người phụ nữ mà là một con người đại diện cho toàn thể nhân loại và vũ trụ, Mẹ đóng góp phần nhân tính cho Thiên Chúa để Thiên Chúa chia sẻ phần thiên tính cho con người. Cũng vì thế con đường Giêsu mới là “Thiên Chúa làm người”. Maria đã đại diện cho tất cả chúng ta đóng góp với tất cả tình yêu, sự sáng suốt cũng như sự hy sinh quảng đại cho Thiên Chúa.
Kết luận
Hôm nay suy niệm sự cộng tác của Mẹ Maria vào công trình xây dựng con đường Giêsu, chúng ta được mời gọi để bắt chước Mẹ dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa: toàn thể con người chúng ta với thể xác và tinh thần, với tình yêu và cả những hy sinh, tủi nhục, hiểm nguy trong đời sống hiện tại. Chúng ta mở lòng cho Chúa Thánh Thần để con đường Giêsu một lần nữa lại thành hình trong ta, dẫn ta cũng như muôn loài tới hạnh phúc, bình an và ơn cứu độ. Đấy là ước mơ có thể đạt được trong Mùa Giáng Sinh này.