Nội dung Tông huấn “Africae Munus”
Tông huấn “Africae Munus” (Cam Kết của Phi châu) được ĐTC đích thân công bố sáng Chúa Nhật 20-11-2011 tại Benin, dài 140 trang, được ấn hành bằng 5 ngôn ngữ Pháp, Anh, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, ngoài phần nhập đề và kết luận, được chia làm 2 phần, tổng cộng là 177 đoạn. Phần thứ I nói về các cơ cấu mang sứ vụ của Giáo Hội tại Phi châu. Phần thứ II trình bày những lĩnh vực hoạt động của Giáo Hội.
Nội dung Tông huấn “Africae Munus”
Tông huấn “Africae Munus” (Cam Kết của Phi châu) được ĐTC đích thân công bố sáng Chúa Nhật 20-11-2011 tại Benin, dài 140 trang, được ấn hành bằng 5 ngôn ngữ Pháp, Anh, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, ngoài phần nhập đề và kết luận, được chia làm 2 phần, tổng cộng là 177 đoạn. Phần thứ I nói về các cơ cấu mang sứ vụ của Giáo Hội tại Phi châu. Phần thứ II trình bày những lĩnh vực hoạt động của Giáo Hội.
Qua văn kiện này, được coi như chỉ nam cho hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội tại Phi châu trong những năm tới đây, người ta thấy những ý tưởng nổi bật như:
– Phi châu, cũng như nhiều nơi trên thế giới, đang trải qua một “cú sốc” về văn hoá, làm thương tổn các giá trị truyền thống và ảnh hưởng mạnh trên lối sống. Nhưng đứng trước “cuộc khủng hoảng về niềm tin và hy vọng, Phi châu có khả năng gợi hứng về tinh thần cho nhân loại, vì những tiềm năng về nhân bản và tôn giáo của dân chúng tại Phi châu”.
– Giáo Hội phải dẫn đường, thăng tiến sự tôn trọng phẩm giá con người trong mọi giai đoạn, tranh đấu chống lại sự chênh lệch kinh tế và sự suy thoái môi sinh, chăm sóc sức khoẻ cho những người bị HIV-AIDS và các bệnh nhân khác, giáo dục người trẻ và hoà giải tâm hồn con người tại những nơi đang có xung đột bộ tộc.
– Những hoạt động trên đây ở trung tâm nỗ lực truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội; công trình này cũng bao gồm việc làm chứng tá, rao giảng và phục vụ, và phải dựa trên sự gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô.
– Một trong những đề nghị đặc biệt được ĐTC nêu lên trong Tông huấn là cử hành “một năm hoà giải” trên toàn Phi châu để xin ơn tha thứ của Chúa vì “tất cả những tội ác và những thương tổn con người đã gây ra cho nhau ở Phi châu” và xin ơn hoà giải cho tất cả những người bị tổn thương trong Giáo Hội và xã hội.
– Có hai tiết của Tông huấn nói về nam giới và phụ nữ, trong một ngôn ngữ phản ánh mối quan tâm của Thượng HĐGM Phi châu về nạn kỳ thị phụ nữ tại nhiều nước Phi châu. Phụ nữ và trẻ nữ ít có cơ hội tiến thân hơn đàn ông và các trẻ nam, và rất nhiều khi người ta không đánh giá đúng đắn phẩm giá và sự đóng góp quan trọng của nữ giới cho gia đình và xã hội. Quá nhiều khi những hủ tục truyền thống hạ giá và coi rẻ phụ nữ.
ĐTC viết: “Rất tiếc là sự tiến triển của đường lối tư duy tại đại lục này tiến hành quá chậm chạm. Giáo Hội có nghĩa vụ góp phần làm sao để phụ nữ được nhìn nhận và giải phóng, theo gương Chúa Kitô về sự quý chuộng phụ nữ. Chúa đã gọi phụ nữ làm những “cột sống” của các cộng đoàn Giáo Hội tại Phi châu.
– Tông huấn nhắc nhở những người chồng hãy chung thuỷ với vợ mình và thực sự góp phần vào việc nuôi dưỡng và giáo dục con cài. Ám chỉ tới nạn đa thê, Văn kiện kêu gọi loại bỏ những thói tục truyền thống trái ngược với Tin Mừng và đặc biệt là áp bức phụ nữ”.
Tông huấn “Cam kết của Phi Châu” cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác đã được nêu lên trong Thượng HĐGM Phi châu kỳ II:
– ĐTC hứa rằng Giáo Hội tiếp tục trợ giúp các bệnh nhân AIDS và hỗ trợ việc giúp các bệnh nhận được những phương thức chữa trị theo khả năng tài chánh của họ. Nhưng Tông huấn cũng nhấn mạnh rằng AIDS không những là một vấn đề y tế nhưng còn là một vấn đề luân lý đạo đức, nó đòi phải có một sự thay đổi cách hành xử, kể cả sự cần thiết phải tiết dục, loại bỏ sự lang chạ tình dục và thực thi sự chung thuỷ trong hôn nhân.
– ĐTC nhắc lại rằng phá thai, “huỷ hoại một thai nhi vô tội chưa sinh ra”, là chống lại ý Thiên Chúa, và ngài khuyến khích dân Phi châu hãy cảnh giác về ngôn ngữ mơ hồ trong các văn kiện quốc tế về sức khoẻ sinh sản của phụ nữ, đi ngược giáo huấn của Hội Thánh.
– Tông huấn kêu gọi dân Phi châu tiếp tục bảo vệ hôn nhân và gia đình, đồng thời duy trì sự kính trọng truyền thống đối với người già. “Sự quý trọng của Phi châu thật tốt đẹp vối với tuổi già phải soi sáng cho các xã hội Tây phương đối xử với người già một cách xứng đáng hơn”.
– Tông huấn cũng khẳng định rằng Giáo Hội phải hiện diện tại những nơi nào con người chịu đau khổ và “làm cho tiếng kêu của những người vô tội được lắng nghe, những người đang chịu bách hại, hoặc những dân tộc đang bị chính quyền của họ, vì tư lợi, đang làm thương tổn hiện tại và tương lai”.
– ĐTC nói rằng các nước Phi châu có lý mà mong đợi ngoại viện để đối phó với những vấn đề của họ, nhưng đồng thời chính họ cũng phải thực thi công lý tại quê hương họ trong lĩnh vực chính trị, xã hội và hành chính.
– Về vấn đề môi sinh, Tông huấn khẳng định rằng giới tư doanh và các nhóm chính phủ đã làm giàu bằng cách khai thác các tài nguyên với những phương thức gây ô nhiễm và gây ra nạn sa mạc hoá, khiến cho vô số các loại sinh vật bị lâm nguy và đe dọa toàn thể hệ thống môi sinh: “Sự khai thác bóc lột tài nguyên đất đai do một thiểu số gây hại cho toàn thể các dân tộc là điều không thể chấp nhận được vì đó là điều vô luân”.
– Tông huấn nhận xét rằng các quan hệ của Công giáo với người Hồi giáo là một hình ảnh có những khác biệt: tại một số nước tín đồ hai tôn giáo sống hoà hợp với nhau, trong khi tại các nước khác, các tín hữu Kitô bị đối xử như những công dân hạng nhì. ĐTC kêu gọi các vị lãnh đạo Giáo Hội kiên nhẫn đối thoại, làm việc với người Hồi giáo, để tiến tới sự nhìn nhận tự do tôn giáo về mặt pháp lý và thực hành.
– Tông huấn “Sự Cam kết của Phi châu” cảnh giác chống lại nạn phù thuỷ đang hồi sinh tại Phi châu, một phần vì dân chúng lo âu về sức khoẻ, tương lai và môi sinh. Văn kiện hêu cầu các GM đối phó với thách đố có những tín hữu Kitô vừa theo Kitô giáo vừa theo các tôn giáo cổ truyền của Phi châu. Giáo Hội phải minh bạch trong việc loại bỏ mọi yếu tố ma thuật gây chia rẽ và làm hại các gia đình.
– Tông huấn kêu gọi các GM Phi châu tìm ra câu trả lời đúng đắn cho tình trạng các Giáo hội Phi châu độc lập ngày càng bành trướng, các đạo này chấp nhận những yếu tố của nền văn hoá truyền thống của Phi châu. Văn kiện phân biệt giữa các Giáo hội này với các giáo phái, làm cho các dân chúng xa rời đức tin chân chính. Giáo Hội cần nguyên cứu hiện tượng này để “ngăn chặn tình trạng các tín hữu tại các giáo xứ đi theo các giáo phái”.
– Tông huấn tố giác sự đối xử không thể chấp nhận ược đối với nhiều trẻ em tại Phi châu, các em bị cưỡng bách lao động, bị buôn bán và nhiều hình thức kỳ thị khác. “Giáo Hội là Mẹ và không bao giờ có thể bỏ rơi một em bé nào”.
– Sau cùng, Tông huấn tố giác tỷ lệ tội phạm gia tăng tại các khu vực thành thị ở Phi châu, nhưng cũng nói rằng: các tù nhân thường bị ngược đãi. Tông huấn kêu gọi các vị lãnh đạo xã hội hãy làm hết sức để loại trừ án tử hình và cải tổ hệ thống hình pháp để phẩm giá của các tù nhân được tôn trọng. (CNS 19-11-2011)
Trong Tông huấn, ĐTC đã lấy lại một số đề nghị chung kết của Thượng HĐGM, và nêu lên một số đề nghị cụ thể để tạo điều kiện dễ dàng cho sự hoà giải, công lý và hoà bình tại đại lục Phi châu, như:
– Gia tăng việc thực hành Lectio Divina và tông đồ Kinh Thánh, vì Lời Chúa mang lại sự hiệp thông huynh đệ.
– Cử hành một Đại hội Thánh Thể cho toàn đại lục, vì Thánh Thể thiết lập tình huynh đệ mới, vượt lên trên những khác biệt ngôn ngữ, văn hóa và chủng tộc, cũng như chủ thuyết bộ lạc, kỳ thị chủng tộc và chủng tộc cực đoan.
– Về phía các Giáo Hội địa phương, đề nghị các ứng viên để phong thánh, vì các thánh là những người gương mẫu trong việc bảo vệ công lý và là những tông đồ hoà bình.
– Về phía các GM, hỗ trợ Liên HĐGM Phi châu và Madagascar, Sceam, một cơ cấu liên đới và hiệp thông Giáo Hội trên bình diện đại lục.
– Khuyến khích các nước Phi châu hằng năm cử hành một ngày hoặc một tuần lễ hoà giải, đặc biệt là trong Mùa Vọng hoặc Mùa Chay.