Vương quyền phổ quát của Đức Kitô là vương quyền tình yêu

Đức Giêsu đã từ chối tước hiệu vua, khi tước hiệu này được hiểu theo nghĩa chính trị (x. Mt 20,24). Trái lại, qua Cuộc Thương khó của Người, Người đã nhận một vương quyền đặc biệt, trước mặt quan Philatô khi ông hỏi Người: “Như thế, ông là vua ư?”

 Vương quyền phổ quát của Đức Kitô là vương quyền tình yêu

Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin
Tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XXXIV, Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, 23/11/2008

Anh chị em thân mến!

Ngày hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng trong năm Phụng vụ, chúng ta cử hành một cách trọng thể lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ. Qua các Sách Phúc Âm, chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã từ chối tước hiệu vua, khi tước hiệu này được hiểu theo nghĩa chính trị, theo kiểu “thủ lãnh các dân tộc” (x. Mt 20,24). Còn trái lại, qua cuộc thương khó của Người, Người đã nhận một vương quyền đặc biệt, trước mặt quan Philatô minh nhiên hỏi Người: “Như thế, ông là vua ư?” và Đức Giêsu đã trả lời cho quan tổng trấn: “Chính ngài nói tôi là vua” (Ga 18,37), nhưng trước đó một lát, Người đã tuyên bố: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Thật thế, vương quyền của Đức Kitô là một sự mạc khải và là một sự thể hiện vương quyền của Chúa Cha, là Đấng cai quản mọi sự bằng tình yêu và công lý. Cha đã giao phó cho Con sứ mạng ban sự sống vĩnh cửu cho con người, bằng cách yêu mến họ cho đến cuộc hiến tế tột cùng, và đồng thời, Chúa Cha đã ban cho Chúa Con quyền xét xử mọi người, bởi vì Chúa Con đã hoá thân làm Con của con người, và trở nên giống chúng ta mọi đàng (x. Ga 5,21-22.26-27).

Bài Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến vương quyền phổ quát của Đức Kitô, quan án xét xử, qua bài dụ ngôn nổi tiếng về cuộc phán xét sau cùng, mà Thánh Matthêu đã đặt ngay trước trình thuật về cuộc thương khó (Mt 25,31-36). Hình ảnh thì đơn giản, ngôn ngữ thì thật bình dân, nhưng sứ điệp thì lại vô cùng quan trọng: đó là chân lý về định mệnh tối hậu của chúng ta, là chân lý về tiêu chuẩn, mà dựa vào đó, chúng ta sẽ được lượng giá. “Ta đã đói và các ngươi đã cho Ta ăn, Ta đã khát và các ngươi đã cho Ta uống, Ta là khách lạ mà anh em đã đón tiếp Ta” (Mt 25,35), và cứ thế tiếp theo ý tưởng đó. Ai trong chúng ta lại không biết trang Tin Mừng này? Trang Tin Mừng ấy là thành phần cấu tạo nên nền văn minh của chúng ta. Trang Tin Mừng ấy đã đánh dấu lịch sử của các dân tộc thuộc nền văn hoá Kitô giáo: bậc thang giá trị, các cơ sở, nhiều chương trình cứu tế xã hội. Thật thế, Nước của Đức Kitô không thuộc về thế gian này, nhưng nước ấy thể hiện toàn bộ điều thiện hảo, mà nhờ Chúa, đang hiện diện trong con người và trong lịch sử. Nếu chúng ta áp dụng tình yêu đối với tha nhân, dựa theo sứ điệp Tin Mừng, thì lúc đó, chúng ta nhường chỗ cho quyền vương đế của Chúa, và Nước của Người được thể hiện ở giữa chúng ta. Còn trái lại, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến tư lợi của mình, thì thế giới chỉ có thể đi đến chỗ diệt vong.

Các bạn thân mến, Nước của Thiên Chúa không phải là một vấn đề danh dự và cái dáng vẻ bên ngoài, nhưng, như thánh Phaolô đã viết, Nước của Chúa là “công lý, hoà bình và niềm vui trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Chúa luôn để tâm đến điều thiện hảo của chúng ta, nghĩa là mỗi người đều được sống, và đặc biệt là những người con “bé nhỏ” nhất của Người có thể vào tham dự yến tiệc mà Người đã chuẩn bị trước cho tất cả. Chính vì thế, Người không biết phải làm gì với những hình thức giả hình của kẻ thưa rằng “lạy Chúa, lạy Chúa”, và rồi chểnh mảng việc tuân giữ giới răn của Người. Trong vương quốc vĩnh cửu của Người, Thiên Chúa đón nhận những ai ngày đêm cố gắng đem Lời Chúa ra thực hành. Chính vì thế, Đức Trinh Nữ Maria, là tạo vật khiêm nhường nhất trong mọi tạo vật, lại là người cao trọng nhất dưới cặp mắt của Thiên Chúa, và Mẹ ngự toà Nữ Vương bên hữu Đức Kitô Vua. Với niềm cậy trông con thảo, chúng ta lại dâng mình cho Mẹ để Mẹ cầu thay nguyện giúp, để có thể thực hiện được sứ mạng Kitô giáo của chúng ta trên trần gian.

Sau giờ Kinh Truyền Tin

Ngày mai, tại tỉnh Nagasaki, Nhật Bản, sẽ diễn ra Lễ phong Chân phước cho 188 vị Tử đạo, tất cả là người Nhật Bản, nam cũng như nữ, đã bị giết chết, vào nửa đầu thế kỷ XVII. Nhân dịp này, dịp đầy ý nghĩa cho cộng đoàn Công giáo, và cho cả đất nước của xứ Mặt Trời mọc này, tôi xin nói lên tâm tình gần gũi thiêng liêng của tôi. Mặt khác, vào thứ Bảy tới, tại Cuba, Tu huynh José Olallo Valdés, thuộc Dòng Bệnh viện của Thánh Gioan Thiên Chúa, sẽ được tôn phong Chân phước. Tôi phó dâng dân tộc Cuba, nhất là những bệnh nhân và những nhân viên y tế, cho người, để ngay từ trời cao, người cầu thay nguyện giúp cho mọi người.

Anh chị em là những khách hành hương nói tiếng Pháp thân mến, tôi thân ái chào anh chị em. Ngày hôm nay, chúng ta dành thời giờ để chiêm ngưỡng Đức Kitô, Vua Vũ Trụ. Khi đồng hoá mình với người nghèo hèn nhất, và người bé nhỏ nhất giữa chúng ta, Người là vị Mục tử và là vị Vua đang chăm sóc chúng ta, và giúp chúng ta lớn lên trong đức tin và trong tình yêu mến, trong công lý và hoà bình. Chúng ta hãy để cho Đức Kitô dẫn đưa chúng ta về với Cha, bằng cách, qua kinh nguyện, nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria, chúng ta dâng lên cho Đức Kitô cuộc sống, niềm vui và những cơ cực của chúng ta. Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em.

Tôi xin chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp.