15/11/2024

Đức Thánh Cha kêu gọi tín hữu cầu nguyện với các Thánh vịnh

Thánh vịnh 110 là một trong các Thánh vịnh “vương quyền”, rất được Giáo Hội xưa kia và tín hữu mọi thời đại yêu mến, vì nó miêu tả lễ đăng quang của một vì vua thuộc nhà Đavít, nhưng được các tác giả tân ước lấy lại, và đọc hiểu như lời tiên tri liên quan tới vì Vua cứu thế là Đức Giêsu Kitô.

 Đức Thánh Cha kêu gọi tín hữu cầu nguyện với các Thánh vịnh


Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi tín hữu cầu nguyện với các Thánh vịnh bằng cách làm quen với việc dùng Kinh Thần vụ của Giáo Hội, Kinh Sáng, Kinh Chiều và Kinh Tối.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây khi giải thích Thánh vịnh 110 trong buổi tiếp kiến 17.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 16-11-2011. Bên cạnh các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu có các đoàn hành hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Colombia, Venezuela, Chilê và Brasil. Từ Á châu có đoàn hành hương Nhật Bản.

Thánh vịnh 110 là một trong các Thánh vịnh “vương quyền”, rất được Giáo Hội xưa kia và tín hữu mọi thời đại yêu mến, vì nó miêu tả lễ đăng quang của một vì vua thuộc nhà Đavít, nhưng được các tác giả tân ước lấy lại, và đọc hiểu như lời tiên tri liên quan tới vì Vua cứu thế là Đức Giêsu Kitô.

Thánh vịnh mở đầu với câu: “Sấm ngôn của Đức Chúa, ngỏ cùng chúa thượng tôi, bên hữu Cha đây con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”. 

Đức Thánh Cha giải thích việc sử dụng Thánh vịnh trong Tân Ước như sau:  Chính Chúa Giêsu đã nhắc tới câu này về Đấng Messia để chứng minh cho thấy rằng Đấng Cứu Thế hơn vua Đavít, và là Chúa của vua Đavít (x. Mt 22,41-45; Mc 12,35-37; Lc 20,41-44). Tông đồ Phêrô cũng lấy lại câu này trong diễn văn ngày lễ Ngũ Tuần, khi loan báo rằng Chúa Kitô đã sống lại và lên trời (x. Cv 2,29-35). Thật vây, đó chính là Đức Kitô, Chúa được đăng quang, là Con người ngự bên hữu Thiên Chúa, Đấng đến trên mây trời, như chính Chúa Giêsu tự định nghĩa trong vụ xử án trước Thượng Hội đồng Do Thái (x. Mt 26,63-64; Mc 14,61-62; Lc 22,66-69). Người là vị Vua thật, với sự phục sinh đã bước vào trong vinh quang bên hữu Thiên Chúa Cha (x. Rm 8,34; Ep 2,5; Cl 3,1; Dt 8,1; 12,2), cao vượt hơn các thiên thần, ngự trên trời, bên trên mọi quyền lực và các thù địch phải ở dưới chân Người, cho tới khi nào thù địch cuối cùng là cái chết bị người đánh hạ. Và người ta hiểu ngay rằng vị Vua ngự bên hữu Thiên Chúa và tham dự vào chức vị là Chúa của Người không phải là một trong các người kế vị vua Đavít, mà là “Đavít Mới”, Con Thiên Chúa, đã chiến thắng cái chết và thực sự tham dự vào vinh quang của Thiên Chúa, là Vua của chúng ta và là Đấng cũng ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu (x. 1 Cr 15,24-26; Ep 1,20-23; Dt 1,3-4.13; 2,5-8; 10,12-13; 1 Pr 3,22).

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói giữa vị vua được cử hành trong Thánh vịnh và Thiên Chúa có một tương quan không thể phân rẽ: cả hai đều cùng nhau cai trị, đến độ tác giả Thánh vịnh có thể khẳng định rằng chính Thiên Chúa trao vương trượng cho vua, và ban cho vua nhiệm vụ thống trị trên các định thù của Người, như viết trong câu 2: “Từ Sion, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài; giữa lòng địch quân xin Ngài làm bá chủ”.

Việc thi hành quyền bính là một nhiệm vụ mà nhà vua trực tiếp nhận được từ Thiên Chúa, một trách nhiệm phải chu toàn trong sự tuỳ thuộc và vâng phục, và như thế trở thành dấu chỉ sự hiện diện quyền năng và quan phòng của Thiên Chúa giữa dân Người. Việc thống trị trên các địch thù, vinh quang và chiến thắng là các ơn nhận lãnh khiến cho nhà vua trở thành một người trung gian chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ, người thống trị các thù địch bằng cách biến đổi chúng, chiến thắng chúng với tình yêu của mình.

Trong câu tiếp theo, Thánh vịnh nói đến chức là Con Thiên Chúa của nhà Vua, từ khi được Thiên Chúa sinh ra: “Đức Chúa phán bảo rằng: Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ trước thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha Cha đã sinh ra Con”. Như thế, gắn liền với thực tại Thiên quốc là gương mặt của Vị Vua thực sự đến từ Thiên Chúa, gương mặt của Đấng Messia đem đến cho dân sự sống thiên linh và là Đấng Trung Gian của sự thánh thiện và ơn cứu rỗi. Đây không phải là gương mặt của một vị vua kế vị vua Đavít, nhưng là của Đức Giêsu Kitô, Đấng thực sự đến từ Thiên Chúa và là ánh sáng đem sự sống thiên linh đến cho thế giới.

Thánh vịnh tiếp tục với một lời sấm khác diễn tả chiều kích tư tế gắn liền với vương quyền: “Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời rằng: “Muôn thuở Con là Thượng Tế, theo phẩm trật Melkixêđê”. Melkixêđê là vua tư tế thành Salem, là người đã chúc lành cho tổ phụ Abraham và dâng bánh và rượu khi tổ phụ chiến thắng trở về sau trận đánh để cứu cháu là ông Lót bị các thù địch bắt (x. St 14). Vị Vua được Thánh vịnh cử hành sẽ là tư tế đến muôn đời, là Trung Gian sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người, qua phúc lành đến từ Thiên Chúa. Thư gửi giáo đoàn Do Thái hay Diễn từ về chức linh mục của Chúa Giêsu dành cả chương 7 để bàn về chức tư tế của Chúa. 

Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau: Nơi Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, nơi Người ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, thành toàn lời tiên tri của Thánh vịnh và chức linh mục của ông Melkixêđê, vì nó trở thành tuyệt đối và vĩnh cửu, một thực tại không tàn phai (x. Dt 7,24). Và việc tiến dâng bánh rượu, do Melkixêđê thực hiện thời Tổ phụ Abraham, được thành toàn trong cử chỉ tạ ơn của Đức Giesu, Đấng dâng hiến chính mình trong bánh rựơu, và sau khi chiến thắng cái chết, đem lại sự sống cho tất cả mọi tín hữu.

Trong câu 5, tác giả Thánh vịnh hướng tới Vị Vua và kêu lên: “Tâu Chúa thượng, Đức Chúa ở bên hữu Ngài”. Thiên Chúa là Đấng bảo vệ nhà Vua và cùng chiến đấu với Vua và chiến thắng mọi sự dữ. Các câu cuối cùng, Thánh vịnh mở ra viễn tượng Vị Vua chiến thắng được Chúa nâng đỡ nhận được quyền bính và vinh quang, chống trả lại và đập tan các địch thù và xét xử các dân nước. Được Thiên Chúa che chở, nhà vua dẹp tan mọi chướng ngại và tiến tới chiến thắng vinh quang. Người nói với chúng ta: “Phải, trong thế gian có biết bao sự dữ, có một trận chiến thường xuyên giữa sự thiện và sự ác, và xem ra sự ác mạnh hơn. Nhưng không phải thế! Chúa Kitô, Vua thật và Tư Tế thật của chúng ta mạnh hơn, bởi vì Người chiến đấu với tất cả sức mạnh của Thiên Chúa và cho dù tất cả mọi sự khiến cho chúng ta nghi ngờ kết quả tích cực, Chúa Kitô chiến thắng và sự thiện chiến thắng, tình yêu chiến thắng chứ không phải hận thù.

Thánh vịnh kết thúc với một hình ảnh được các giáo phụ giải thích bằng nhiều cách khác nhau: “Dọc đường, Chúa Thượng tôi uống nơi mạch suối, nên sẽ ngẩng đầu thật hiên ngang”. Thánh Augustinô viết rằng suối này là con người, là nhân loại, và Chúa Kitô đã uống từ con suối ấy bằng cách làm người, và như thế khi bước vào trong nhân loại, Người đã ngẩng đầu và trở thành Đầu của Thân Mình mầu nhiệm, là thủ lãnh của chúng ta và Đấng chiến thắng muôn đời.

Các giáo phụ đã đọc lại Thánh vịnh 110 trong chìa khoá Kitô học. Vị Vua đó là Đức Kitô, Đấng Messia, Đấng thiết lập Nước Thiên Chúa và chiến thắng các quyền lực trần gian. Người là Ngôi Lời đã được Thiên Chúa Cha sinh ra trước mọi loài thụ tạo, là Chúa Con nhập thể làm người, chết và sống lại và ngự trên trời, là Tư Tế vĩnh cửu, Đấng trong mầu nhiệm bánh và rượu ban cho chúng ta ơn tha tội và hoà giải với Thiên Chúa, là Vua hiên ngang ngẩng đầu chiến thắng cái chết với sự phục sinh của Người… Như thế, biến cố Phục sinh của Chúa Kitô trở thành thực tại mà Thánh vịnh mời gọi chúng ta ngắm nhìn, ngắm nhìn Chúa Kitô để hiểu ý nghĩa vương quyền đích thật của Người, để sống phục vụ và tận hiến chính mình trên con đường vâng phục và yêu thương cho đến cùng.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho chuyến công du Benin trong các ngày từ 18 đến 20-11 này. Sau cùng, Đức Thánh Cha cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.