23/11/2024

Đền thờ vật chất và Đền thờ thiêng liêng

Các bạn thân mến, ngày lễ hôm nay cử hành một mầu nhiệm luôn mang tính thời sự: Thiên Chúa muốn xây dựng trên trần gian này một đền thờ thiêng liêng, một cộng đoàn thờ phượng Người trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23-24).

 Đền thờ vật chất và Đền thờ thiêng liêng

Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin
Tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật XXXII Thường Niên, 9/11/2008
Anh chị em thân mến,

Phụng vụ hôm nay cử hành Lễ Cung hiến Vương cung thánh đường Latêranô, được gọi là “Mẹ và đầu của mọi giáo đường của thành phố Rôma và của toàn thế giới”. Thật thế, Vương cung thánh đường này là ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng, sau khi sắc chỉ của hoàng đế Constantin được ban hành vào năm 313, cho phép Kitô hữu được tự do giữ đạo. Vị hoàng đế này cũng cho Đức Giáo Hoàng Miltiade cựu lãnh địa của dòng họ Laterani, và hoàng đế đã cho xây dựng nơi đây Vương cung thánh đường, giếng rửa tội và “Toà thượng phụ”, nghĩa là nơi ở của Giám mục Rôma, nơi các Giáo Hoàng cư ngụ cho đến thời kỳ Avignon. Vương cung thánh đường đã được Đức Giáo Hoàng Sylvestre cung hiến vào khoảng năm 324, và ngôi nhà thờ này được dâng kính Chúa Cứu Thế Cực Thánh, chỉ sau thế kỷ VI, Vương cung thánh đường mới mang thêm các tước hiệu Thánh Gioan Tẩy giả và Thánh Gioan Thánh sử, và đó là tên thường gọi. Ngày lễ này trước tiên chỉ liên quan đến thành phố Rôma, đoạn từ năm 1565, toàn thể các Giáo Hội thuộc nghi lễ Rôma đều cử hành ngày lễ này. Như thế, khi tôn kính ngôi thánh đường này, ta cũng muốn biểu lộ tình yêu và lòng tôn kính đối với Giáo Hội Rôma, mà như Thánh Inhatiô thành Antiôkia khẳng định “chủ toạ công việc bác ái” của toàn bộ sự hiệp thông Công giáo.

Trong ngày Lễ trọng này, Lời Chúa nhắc lại một chân lý thiết yếu: ngôi đền bằng đá tượng trưng cho Giáo Hội sống động, tượng trưng cho cộng đoàn Kitô hữu mà hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, qua những lá Thư của mình, đã xem như một “toà nhà thiêng liêng”, được Thiên Chúa xây lên bằng những viên đá “sống động” là những Kitô hữu trên nền tảng duy nhất là Đức Giêsu Kitô, được so sánh như “viên đá góc tường” (x. 1Cr 3,9-11.16-17; 1P 2,4-8; Ep 2,20-22). Thánh Phaolô viết: “Anh em thân mến, anh em là đền thờ của Thiên Chúa”, và thánh nhân thêm: “Đền thờ của Thiên Chúa thì thánh thiện, và đền thờ ấy, chính là anh em” (1Cr 3,9c.17). Vẻ đẹp và sự hài hoà của các ngôi nhà thờ, được dùng để ca ngợi Thiên Chúa, và cũng mời gọi chúng ta là những hữu thể phàm nhân, hữu hạn và tội lỗi, quay về với Thiên Chúa để cấu tạo nên một “vũ trụ”, một công trình kiến trúc quy hướng về nhau, hiệp thông chặt chẽ với Đức Giêsu là Đấng Cực Thánh đích thật. Điều này đạt đến cao điểm trong buổi cử hành Thánh Thể, mà qua đó, “ecclesia”, nghĩa là cộng đoàn hiệp thông của những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy quy tụ lại với nhau để lắng nghe Lời Chúa và để nuôi dưỡng mình bằng Mình và Máu Đức Kitô. Xung quanh hai bàn tiệc này, Giáo Hội gồm những viên đá sống động được xây lên trong chân lý và tình bác ái, và được đào tạo ngay từ bên trong nhờ Thần Khí: Giáo Hội gồm những viên đá sống động được biến đổi thành điều mình lãnh nhận, và ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, Chúa của mình. Nếu Giáo Hội sống đoàn kết chân thành và huynh đệ, thì như thế, Giáo Hội sẽ trở nên một của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa.

Các bạn thân mến, ngày lễ hôm nay cử hành một mầu nhiệm luôn mang tính thời sự: Thiên Chúa muốn xây dựng trên trần gian này một đền thờ thiêng liêng, một cộng đoàn thờ phượng Người trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23-24). Nhưng Thánh lễ này cũng nhắc chúng ta tầm quan trọng của những ngôi đền vật chất, mà trong đó, các cộng đoàn tụ tập lại để ca ngợi Thiên Chúa. Như thế, mỗi cộng đoàn phải có bổn phận cẩn thận giữ gìn những ngôi đền thánh, những ngôi đền cấu tạo nên một di sản quý giá về mặt tôn giáo và lịch sử. Để được thế, chúng ta hãy khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh giúp chúng ta trở nên “ngôi nhà của Thiên Chúa”, đền thờ sống động của tình yêu Thiên Chúa, như Mẹ vậy.

Sau giờ Kinh Truyền Tin

Anh chị em là những khách hành hương nói tiếng Pháp thân mến, tôi cảm thấy vui mừng được đón tiếp anh chị em. Ngày hôm nay, chúng ta cử hành Lễ Cung hiến Vương cung Thánh đường Latêranô, là Mẹ và là Đầu của mọi ngôi nhà thờ tại Rôma cũng như trên toàn thế giới. Nhờ lời bầu cử của Đức Bà Maria, chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta yêu mến và phục vụ Giáo Hội. Trong những ngày kỷ niệm 90 năm ngày chấm dứt Thế chiến thứ I, chúng ta cũng hãy cầu xin Thiên Chúa ban hoà bình cho thế giới, và cầu cho tất cả những ai đang nỗ lực làm việc cho công lý và tình huynh đệ giữa mọi người. Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh cho anh chị em.

Ngày hôm nay, chúng ta kỷ niệm 70 năm biến cố đáng buồn đã xảy ra trong đêm 9-10/11/1938, khi làn sóng Phátxít Đức điên cuồng nổi lên chống lại người Do Thái. Những cửa hàng thương mại, văn phòng, nhà ở và các hội đường đã bị tấn công và phá huỷ, và nhiều người bị giết chết, mở đầu cho cuộc bách hại tàn bạo và có hệ thống chống lại người Đức gốc Do Thái để rồi kết thúc bằng Shoah. Ngày hôm nay, khi nghĩ đến những điều đã xảy ra trong trường hợp đau thương này, tôi vẫn còn cảm thấy đau đớn, và kỷ niệm về biến cố này phải giúp cho chúng ta làm thế nào để những điều ghê tởm tương tư như thế sẽ không bao giờ tái diễn lại, và mọi người cùng cam kết nỗ lực, trên mọi bình diện, để chống lại bất cứ hình thức bài Do Thái và kỳ thị chủng tộc nào, nhất là giáo dục những thế hệ trẻ biết tôn trọng và đón tiếp lẫn nhau. Ngoài ra, tôi kêu gọi mọi người cầu nguyện cho những nạn nhân lúc đó, và kết hợp với tôi biểu lộ một tình liên đới sâu xa với thế giới Do Thái.

Những tin tức đáng ngại vẫn tiếp tục đến tai chúng tôi từ vùng Bắc Kivu, thuộc Cộng hoà Dân chủ Congo. Những cuộc chạm trán có vũ khí đẫm máu, và những điều kinh tởm có hệ thống đã xảy ra, và vẫn còn tiếp tục làm cho những người dân vô tội trở thành những nạn nhân; những cuộc tàn phá, cướp bóc, vũ lực đủ loại đã bó buộc hàng chục ngàn người khác phải bỏ lại cái ít ỏi của mình đã sử dụng để sống còn. Ta có thể nói rằng hiện nay con số những người tị nạn đã lên đến hơn một triệu rưởi người. Tôi muốn nói lên tâm tình gần gũi đặc biệt của tôi đối với mỗi người và mọi người, và tôi khuyến khích, cũng như chúc lành cho những ai hành động để xoa dịu những đau thương của những người anh chị em đó, đặc biệt những tác nhân mục vụ của Giáo Hội địa phương tại Congo này. Ước gì lời phân ưu của tôi, cũng như những ý chỉ cầu nguyện của tôi đến được với những gia đình đã mất đi những người thân yêu của mình. Cuối cùng, tôi xin lại được gởi đi lời kêu gọi tha thiết của tôi, để mọi người cộng tác làm cho hoà bình được mau trở lại trên vùng đất đã từ lâu phải gánh chịu những đau thương này, trong sự tôn trọng quyền lợi và nhất là nhân phẩm của bất cứ con người nào.