Ông Hoà Bình

Biết đến VN qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh tại VN, giờ đây 52 tuổi ông Enzo được nhập quốc tịch VN vào tháng 2-2011 với tên gọi Lưu Hoà Bình.

 Ông Hoà Bình

Ông Enzo Falcone, chủ tịch hội từ thiện Care The People (Ý) cầm trên tay giấy nhập quốc tịch VN với cái tên Lưu Hoà Bình, run run xúc động vì đã toại nguyện.

Nhiều năm qua, những người làm công tác khuyến học ở Đà Nẵng chẳng lạ gì người đàn ông Ý tên Enzo với dáng người nhỏ thó, nụ cười thường trực trên khuôn mặt thân thiện khiến người đối diện bị lôi cuốn ngay lần đầu gặp mặt. So với nhiều năm về trước, đến nay dù mái tóc của ông đã điểm bạc nhưng nụ cười vẫn sáng. Và ông vẫn gắn bó với những dự án giúp trẻ em, phụ nữ thiệt thòi của miền Trung này.

Những điều hạnh phúc

Care The People đã thực hiện các dự án như Ngôi nhà màu xanh ở Q.Cẩm Lệ (Đà Nẵng) dành cho hàng chục sinh viên nghèo có chỗ ăn ở miễn phí; xây dựng trạm xá ở Q.Sơn Trà, H.Hoà Vang (Đà Nẵng), H.Đại Lộc (Quảng Nam); đưa bác sĩ ở Ý sang tập huấn cho các nha sĩ tại Đà Nẵng; cho phụ nữ nghèo vay tín dụng để có vốn sinh nhai…Hiện ông Enzo đang ấp ủ dự án xây dựng trung tâm dưỡng lão ở miền Trung để giúp đỡ người già neo đơn.

Chiều 27-10, Nguyễn Thị Khánh Trinh (sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) được nhận học bổng của Care The People. Đây là năm thứ tám liên tiếp Trinh nhận suất học bổng toàn phần này. Thấy Trinh từ xa, ông Enzo bước tới nở nụ cười, bắt tay cô cùng một câu tiếng Việt lơ lớ: “Cháu có khoẻ không?”.

Cha mất từ nhỏ, Trinh sống với người mẹ nghèo khó. Những tưởng con đường học hành phải đứt gánh giữa chừng, nhưng Trinh đã được Care The People trao học bổng “trọn gói” suốt thời gian từ học sinh đến năm cuối ĐH. “Số tiền học bổng 5 triệu đồng quá lớn lao đối với mẹ con em. Không chỉ dùng cho việc học tập mà còn phụ giúp cuộc sống hai mẹ con rất nhiều” – Trinh chia sẻ.

Trinh là một trong số 130 học sinh, sinh viên nhận học bổng toàn phần của Care The People trong năm 2011. “Chúng tôi tìm các nguồn tài trợ từ những người Ý nhận làm cha mẹ nuôi học sinh, sinh viên để cấp học bổng cho các em trong suốt quá trình học. Các em đều chăm ngoan, học tập tốt. Điều đó thật hạnh phúc” – ông Enzo chia sẻ.

Sau một ngày bận rộn với công việc, buổi tối ông Enzo cùng vợ đến thăm trẻ em ở trung tâm từ thiện. Thấy ông, những đứa trẻ đang miệt mài tập võ dừng lại và đồng thanh chào. Ông cười hiền rồi xoa đầu lũ trẻ. Khu trung tâm này được ông đầu tư 2,1 tỉ đồng xây dựng năm 2008 với các phòng vi tính, dạy nhạc, phòng ăn… Và ông thuê hẳn một đội ngũ điều hành, chăm sóc gần 40 trẻ em thiệt thòi ở đây. Buổi tối hôm đó, trung tâm mới đón nhận thêm một cô bé mồ côi. Enzo nói với người quản lý mua cho cô bé bộ đồ tập võ và đưa lên phòng để làm quen với các bạn.

Cuối năm 2002, sau thời gian làm việc cho Unicef trong các dự án kiểm soát bệnh AIDS trên phụ nữ, ông bàn với vợ và chọn con đường riêng để tiếp cận, giúp đỡ một cách bền vững cho trẻ em, phụ nữ bất hạnh theo cách của mình. Và Care The People ra đời với kinh phí tiền túi của hai vợ chồng chỉ có 3.000 USD. Số tiền được “thử nghiệm” trao học bổng cho mười em học sinh. Đến nay các em đã học THPT và tiếp tục nhận “đầu tư” của quỹ.

Những năm qua, ông đã dành dụm, kêu gọi bạn bè tại Ý, tổ chức chương trình văn nghệ, đi diễn thuyết… để lấy tiền gây quỹ, đầu tư hơn nửa triệu USD cho những thân phận nghèo khó. Bây giờ, số lượng thành viên của Care The People lên đến 200 người. Lý giải việc lựa chọn đối tượng giúp đỡ là trẻ em, ông Enzo cho biết: “Trẻ em là tương lai đất nước nhưng cũng dễ bị tổn thương. Trẻ em vững vàng thì đất nước mạnh hơn”.

Ông Phạm Đình Hảo, chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Nẵng, tâm sự: “Suốt nhiều năm qua, ông Enzo đã giúp đỡ, trao học bổng cho gần 900 lượt học sinh, sinh viên nghèo được đến trường với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Điều đặc biệt là học bổng được trao cho các em trong suốt một năm học. Không chỉ là chuyện vật chất mà đáng quý là tấm lòng, thái độ của vợ chồng ông Enzo rất có tâm với các em”.

“Tôi tên Hoà Bình”

Tốt nghiệp ĐH Y khoa Milano (Ý), ông Enzo cầm tấm bằng bác sĩ lên đường sang châu Phi làm từ thiện suốt sáu năm. Cái duyên với VN đến vào năm 1994 khi ông nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Ý sang thay thế cho một bác sĩ đang triển khai dự án cho Tổ chức phi chính phủ Thầy thuốc không biên giới tại Bắc Giang. “Lẽ ra tôi chỉ mất hai tuần để hoàn thành nhiệm vụ ở VN. Nhưng trên chuyến bay từ Ý về, tôi biết mình sẽ dành cả cuộc đời cho đất nước này” – ông Enzo nhìn vợ dí dỏm nói.

Trên chuyến bay đó, chàng trai người Ý gặp cô gái Lưu Thị Minh Tâm. Điều ấn tượng nhất với Enzo là Tâm rất năng động, trẻ trung và xinh xắn. Ông bất ngờ vì sự cởi mở, hấp dẫn lôi cuốn của cô. “Vợ tôi rất cứng rắn, hoàn toàn khác những phụ nữ Ý mà tôi quen trước đó”. Họ quen nhau, trao đổi địa chỉ và ba tháng sau, chàng trai Ý đã làm đám cưới với cô gái VN. Lễ cưới được tổ chức đơn giản theo đúng phong tục VN, cô dâu trong trang phục áo dài, chú rể đội khăn đóng truyền thống đứng trước bàn thờ tổ tiên làm lễ. Để có được hạnh phúc ấy, họ đã cùng nhau vượt qua trở ngại về văn hoá, địa lý để nhận được sự chấp thuận từ những người thân trong gia đình.

“Thấy anh chàng Ý này cũng hiền lành, lấy làm chồng được” – người cha vốn là một trí thức rất rành tiếng Pháp sau những cuộc chuyện trò với chàng rể tương lai đã ủng hộ chị Tâm như vậy. Còn ấn tượng về Enzo với chị Tâm đó là một người hiền dịu, nụ cười thường trực trên môi. Điều gắn kết họ còn là vì cả hai đều có chung quan điểm sống. “Dù là bác sĩ nhưng vợ tôi không quan trọng việc kiếm tiền mà chủ yếu là giúp mọi người thôi” – ông Enzo nói.

Biết đến VN qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh tại VN, giờ đây 52 tuổi ông Enzo được nhập quốc tịch VN vào tháng 2-2011 với tên gọi Lưu Hoà Bình. Ông cười hạnh phúc, nói: “Tên Hoà Bình bởi tôi yêu hoà bình, lấy họ Lưu theo họ vợ”.