Kitô hữu phải dấn thân loan báo Nước Hoà Bình của Thiên Chúa

Là môn đệ, là người được Chúa Giêsu Kitô sai đi, Kitô hữu phải trở thành dụng cụ hoà bình trong một thế giới bị xâu xé vì hận thù, chia rẽ, ích kỷ và chiến tranh; đặc biệt phải sẵn sàng cho cuộc khổ nạn và tử đạo, sẵn sàng mất mạng sống vì Chúa Kitô, để cho sự thiện, tình yêu và hoà bình chiến thắng trong thế giới.

Kitô hữu phải dấn thân loan báo Nước Hoà Bình của Thiên Chúa

Là môn đệ, là người được Chúa Giêsu Kitô sai đi, Kitô hữu phải trở thành dụng cụ hoà bình trong một thế giới bị xâu xé vì hận thù, chia rẽ, ích kỷ và chiến tranh; đặc biệt phải sẵn sàng cho cuộc khổ nạn và tử đạo, sẵn sàng mất mạng sống vì Chúa Kitô, để cho sự thiện, tình yêu và hoà bình chiến thắng trong thế giới.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên trong buổi phụng vụ Lời Chúa cầu nguyện cho “Ngày các tôn giáo suy tư và cầu nguyện cho hoà bình” cử hành tại Đại Thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 26-10-2011.

Thứ tư 26-10-2011 là ngày Giáo phận Rôma cầu nguyện cho “Ngày các tôn giáo suy tư cầu nguyện cho công lý và hoà bình trên thế giới” tại Assisi, nhân kỷ niệm 25 năm Đức Gioan Phaolô II triệu tập Ngày này lần đầu tiên. Vì trời Rôma mưa lớn nên buổi tiếp kiến đã được chuyển vào Đại Thính đường Phaolô VI và trong Đền thờ Thánh Phêrô thay vì tại Quảng trường như dự tính; và đã diễn ra dưới hình thức một buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa.

Trước đó, Đức Thánh Cha đã ghé Đền thờ Thánh Phêrô để chào và ban phép lành cho 10.000 tín hữu và du khách hành hương đã không có chỗ trong Đại Thính đường Phaolô VI.

Mở đầu Đức Hồng y Agostino Vallini đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha và nói lên lý do của buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa. Trích lời Đức Thánh Cha viết trong Thông điệp “Bác ái trong Chân lý”: “Chân lý là “lời” tạo dựng “đối thoại” và như thế tạo sự hiệp thông và truyền thông” (Caritas in veritate, 4), Đức Hồng y Vallini nói: Trong thời buổi nghiêm trọng này của lịch sử các dân tộc, hiểu biết chân lý về Thiên Chúa là điều thiết yếu, để danh của Người không bao giờ bị lạm dụng để biện minh cho chiến tranh và bạo lực, trái lại, là suối nguồn giúp các dân tộc thừa nhận và tôn trọng nhau, trong việc tìm kiếm nền tảng chung nhân danh lý trí và công lý.

Giảng sau Phúc Âm, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc và mời gọi mọi người cùng ngài khẩn cầu Thiên Chúa ban hoà bình cho thế giới, biến từng người trở thành dụng cụ hoà bình trong một thế giới bị xâu xé vì hận thù, chia rẽ, ích kỷ và chiến tranh. Đặc biệt xin Chúa cho cuộc gặp gỡ tại Assisi củng cố sự đối thoại giữa các tín hữu của nhiều tôn giáo khác nhau và trao ban ánh sáng chiếu soi trí tuệ và con tim của mọi người, để hận thù nhường chỗ cho tha thứ, chia rẽ nhường chỗ cho hoà giải, thù hận nhường chỗ cho tình yêu thương, bạo lực nhường chỗ cho sự hiền dịu và hoà bình ngự trị trên thế giới.

 

Đức Thánh Cha nói về ngày suy tư cầu nguyện cho công lý và hoà bình trên thế giới diễn ra tại Assisi ngày thứ năm 27-10-2011 như sau: Tôi đã muốn cho ngày này đề tài: “Các người hành hương của chân lý, các người hành hương của hoà bình” để diễn tả dấn thân mà chúng ta muốn long trọng canh tân, cùng với các thành viên của các tôn giáo khác nhau và với các người không tín ngưỡng, nhưng chân thành tìm kiếm chân lý, trong việc thăng tiến thiện ích đích thực của nhân loại và trong việc xây dựng hoà bình. Với tư cách là tín hữu Kitô, chúng ta xác tín rằng phần đóng góp quý báu nhất mà chúng ta có thể làm cho chính nghĩa hoà bình là lời cầu nguyện. Thiên Chúa có thể soi sáng tâm trí chúng ta và hướng dẫn chúng ta trở thành các người xây dựng công lý và hoà giải trong các thực tại thường ngày và trên thế giới.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài giảng: Bài đọc 1 trích từ sách Ngôn sứ Dacaria nói tới một vì vua chính trực và toàn thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa. Đó là một vị Vua không tự giới thiệu với sức mạnh nhân loại, hay sức mạnh của vũ khí, và không thống trị với quyền bính chính trị và quân đội. Người là vị Vua khác với các vua chúa trần gian, vì Người cai trị với lòng hiền dịu và khiêm tốn. Người đến cưỡi trên lừa con chứ không với các chiến xa của các đạo binh trần thế. Trái lại, Người là vị Vua quét sạch chiến xa và chiến mã, bẻ gãy cung tên và loan báo hoà bình cho các dân nước (x. Dcr 9,10). Trong Tân Ước, vị Vua đó được thiên thần loan báo là một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,8-12). Biến cố trẻ sơ sinh Giêsu chào đời là lời loan báo bình an cho thế giới. Lời loan báo ấy của Ngôn sứ Dacaria trở lại trong tâm trí các môn đệ, sau các biến cố khổ nạn, chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là vị Vua của các người nghèo, của những người có con tim tự do khỏi sự ham hố quyền bính và giàu sang vật chất, khỏi ý muốn kiếm tìm thống trị tha nhân. Chúa Giêsu là Vua của những người có sự tự do nội tâm khiến cho họ có khả năng thắng vượt sự ham muốn, ích kỷ trong thế giới, và biết rằng Thiên Chúa là sự giàu sang duy nhất của họ.

Chúa Giêsu là Vua nghèo giữa những người nghèo, Chúa Giêsu là Vua hiền dịu giữa những người muốn sống hiền dịu. Vì thế, Người là Vua của hoà bình, nhờ quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng của sự thiện, quyền năng của tình yêu. Người là vì vua làm biến mất ngựa xe và bẻ gãy cung tên của chiến tranh; một vị Vua hiện thực hoà bình trên Thập Giá, bằng cách nối liền trời và đất và xây dựng một cây cầu huynh đệ giữa loài người với nhau. Thập Giá là cung nỏ của hoà bình, dấu chỉ của hoà giải, tha thứ và cảm thông, dấu chỉ cho thấy tình yêu thương mạnh hơn mọi bạo lực và đàn áp, mạnh hơn cái chết: chiến thắng được sự dữ với sự thiện và tình yêu.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng: Vương quốc mà Chúa Kitô khai mào có các chiều kích đại đồng. Chân trời của vị Vua nghèo khó hiền dịu ấy không phải là một vùng đất, một quốc gia, mà là bờ cõi thế giới vượt ngoài mọi hàng rào chủng tộc, ngôn ngữ và văn hoá. Người tạo dựng hiệp thông và hiệp nhất. Ngày nay, lời loan báo của Ngôn sứ Dacaria được hiện thực trong mạng lưới lớn của các cộng đoàn Thánh Thể trải dài ra trên toàn trái đất. Hiến tế tình yêu của vị Vua hiền dịu và hoà bình ấy hiện diện trong bức khảm đá màu của các cộng đoàn này. Đó là bức khảm đá màu của “Vương quốc Hoà Bình” chiếu toả bình an.

Chúa Giêsu đã sai các Tông đồ ra đi hiện thực Vương quốc ấy khắp nơi trên thế giới. Và Người sai các ông ra đi như “chiên giữa đàn sói”, không bao bị, không tiền bạc và không giày dép (x. Lc 10,1-3). Các sứ giả của Vương quốc Hoà Bình của Người cũng phải ra đi không phải với sức mạnh của chiến tranh và quyền bính. Đức Thánh Cha trích lời thánh Gioan Kim Khẩu chú giải lệnh truyền này và nói: Cho tới khi nào chúng ta là chiên con, chúng ta sẽ chiến thắng, cả khi chúng ta có bị nhiều chó sói bao vây, chúng ta sẽ thắng vượt được chúng. Nhưng nếu chúng ta trở thành sói, chúng ta sẽ thất bại, bởi vì chúng ta sẽ không có sự trợ giúp của mục tử” (Omlia 33,1; PG 57,389). Các Kitô hữu không bao giờ được rơi vào cám dỗ trở thành sói giữa các chó sói; không phải với quyền bính, sức mạnh và bạo lực, nhưng với sự trao ban chính mình, với tình yêu thương cho đến tận cùng, ngay cả đối với cả kẻ thù. Chúa Giêsu không thắng thế gian với sức mạnh của vũ khí, mà với sức mạnh của Thập Giá bảo đảm chiến thắng. Đó cũng là kết cục cho ai muốn là người môn đệ được Chúa gửi đi: sẵn sàng cho cuộc khổ nạn và tử đạo, sẵn sàng mất mạng sống vì Người, để cho sự thiện, tình yêu và hoà bình chiến thắng trong thế giới.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc tới hai bức tượng khổng lồ của hai Thánh Phêrô Phaolô tại Quảng trường Thánh Phêrô. Thánh Phêrô cầm chìa khoá Nước Trời, còn Thánh Phaolô thì cầm gươm. Lưỡi gươm Thánh Phaolô cầm trên tay không phải là của một lãnh tụ chỉ huy các đạo binh chinh phạt các dân nước để được danh tiếng và giàu sang trên xương máu của người khác; trái lại, nó là dụng cụ tử đạo khiến cho ngài đã đổ máu ra vì Chúa. Cuộc chiến của thánh nhân không phải là cuộc chiến của bạo lực, chiến tranh mà là cuộc chiến tử đạo vì Chúa Kitô. Vũ khí duy nhất của thánh nhân là lời loan báo “Đức Giêsu Kitô và Đức Kitô chịu đóng đinh” (1 Cr 2,2). Người đã tận hiến đời mình và dốc toàn sức lực để đem sứ điệp hoà giải và hoà bình của Tin Mừng cho tới các bờ cõi trái đất. Sức mạnh của thánh nhân là ở đó: ngài đã không tìm cuộc sống an nhàn, tiện nghi, dễ dãi, tránh xa các khó khăn và chống đối, nhưng đã hao mòn vì Tin Mừng và đã trao ban hết chính mình, không giữ lại gì cả, và như thế đã trở thành sứ giả hoà bình và hòa giải của chúa Kitô. Lưỡi gươm mà ngài cầm trong tay cũng nhắc tới sức mạnh của chân lý, có thể gây thương tích và đau đớn. Thánh nhân đã trung thành phục vụ chân lý và đau khổ vì chân lý. Đó cũng là luận lý chúng ta phải theo: sẵn sàng trả giá và chịu đau khổ vì hiểu lầm, khước từ và bách hại.

Phần lời nguyện giáo dân được đọc bằng các thứ tiếng Đức, Ba Lan, Pháp, Bồ Đào Nha, Swahili, Ảrập, Tây Ban Nha và Hoa, đặc biệt là cầu cho công lý và hoà bình trên thế giới.

Sau cùng, Đức Thánh Cha đã đọc lời nguyện kết thúc và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người. Tiếp đến, ngài đã chào tín hữu và du khách hành hương bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Ba Lan, Croatia, Tchèques, Slovac, Sloveni và Ý.