Brazil: “bàn tay sắt” cho tham nhũng

Chính phủ Brazil khẳng định xã hội Brazil lúc nào cũng có tham nhũng, có điều sự khác biệt tích cực hơn hiện nay nằm ở chỗ các vụ án đều được công khai và được xử lý.

 Brazil: “bàn tay sắt” cho tham nhũng

Brazil – nước chủ nhà của World Cup 2014 và Olympic 2016 – đang chấn động vì tham nhũng với việc bộ trưởng thể thao phải từ chức do cáo buộc tham nhũng sau sự từ chức trước đó của bốn bộ trưởng khác…

Bộ trưởng thể thao Orlando Silva là thành viên thứ năm của nội các bị cáo buộc sử dụng sai công quỹ. Cuối tuần trước, tạp chí Veja của nước này dẫn lời một số cựu sĩ quan cảnh sát buộc tội ông Silva – người đang phụ trách công việc chuẩn bị cho World Cup và Olympic – đã nhận tiền lại quả 20% từ một số dự án công từ năm 2004 đến nay, bao gồm một số dự án thể thao cho trẻ em nghèo. Theo cáo buộc, tổng cộng ông Silva đã đút túi tới 23 triệu USD.

Xử sớm và mạnh mẽ

Tổng thống Dilma Rousseff khẳng định theo luật, ông Silva vẫn là người vô tội cho tới khi có phán quyết của toà án. Bà cho biết chính phủ đang xem xét các lời cáo buộc, giải trình và lời khai từ các bên.

Những tháng gần đây, bốn bộ trưởng dưới quyền điều hành của bà Rousseff đã phải từ chức. Chủ nhiệm văn phòng tổng thống Antonio Palocci từ chức hồi tháng 6-2011, sau khi truyền thông lên tiếng thắc mắc về lý do khối tài sản của ông nhanh chóng tăng gấp 20 lần trong vòng bốn năm qua. Sau đó, các bộ trưởng như bộ trưởng nông nghiệp Wagner Rossi, bộ trưởng giao thông Alfredo Nascimento, bộ trưởng du lịch Pedro Novais cũng lần lượt từ chức vì cáo buộc tham nhũng.

Chính phủ Brazil khẳng định xã hội Brazil lúc nào cũng có tham nhũng, có điều sự khác biệt tích cực hơn hiện nay nằm ở chỗ các vụ án đều được công khai và được xử lý.

Andres Oppenheimer, nhà bình luận của tờ Miami Herald từng đoạt giải Pulitzer năm 1987, nhận định: điều khác biệt giữa những gì xảy ra ở các quốc gia châu Mỹ Latin và Brazil trong những ngày gần đây chính là việc Tổng thống Dilma Rousseff thật sự đòi hỏi sự trong sạch tuyệt đối của những người do bà bổ nhiệm. Hầu hết các quan chức chính phủ đều bị bãi nhiệm sau khi truyền thông đăng tải những bài điều tra về những sai phạm của họ. Sự mạnh tay của tổng thống đã giúp bà duy trì được 49% sự ủng hộ của người dân – một tỉ lệ tương đối cao.

Điều thú vị nhất là bà Rousseff đã hành động ngay trước những cáo buộc của giới truyền thông mà không cần phải chờ kết quả điều tra cuối cùng. Trong khi chính phủ các nước láng giềng thường cáo buộc truyền thông là có động cơ chính trị, không có lòng yêu nước khi đăng tải các vụ án tham nhũng liên quan tới chính phủ, bà Rousseff lại tỏ ra rất coi trọng tin tức trên báo chí, coi đây như một kênh quan trọng để đảm bảo chính phủ của bà trong sạch.

“Đó là nền báo chí làm theo những gì xã hội yêu cầu và trông đợi. Và tổng thống đơn giản là đáp ứng lại mà thôi” – bình luận viên chính trị Fernando Rodriguez của tờ Folha de Sao Paulo nhận định.

Để lâu hoá bùn

Hành động của chính quyền Rousseff đối với tham nhũng đã làm nên sự khác biệt hiện nay giữa Brazil và những nước láng giềng. Ở Ecuador, Tổng thống Rafael Correa đã mạnh tay trừng phạt truyền thông độc lập sau khi đăng tin anh trai của ông – Fabricio Correa – ký hợp đồng trị giá hơn 300 triệu USD với chính phủ.

Ngay cả khi hợp đồng được khẳng định là có, tổng thống vẫn yêu cầu trưng cầu ý dân để kiểm soát truyền thông, vì cho rằng công luận đã bị các công ty truyền thông mafia điều khiển. Ở Argentina, khi các tờ báo viết về các vụ tham nhũng, thay vì tìm hiểu xem các quan chức có liên quan tới các sai phạm hay không để xử lý thích đáng, Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner lại quay sang chỉ trích truyền thông tư nhân.

Andres Oppenheimer cho rằng có thể bà Rousseff đã hành động quá vội vã khi sa thải bộ trưởng trong khi chưa kịp cho họ có lời giải thích. Nhưng theo ông, điều này xem chừng tốt hơn so với các nước khác, nơi mà người lãnh đạo cao nhất lại ngó lơ để cho mọi chuyện “hoá bùn”, gián tiếp làm nạn tham nhũng nhiều hơn.

Tham nhũng đã gây thiệt hại 28,7-47,7 tỉ USD đối với nền kinh tế Brazil. Người dân đang đòi hỏi một nền quản trị công tốt hơn. Quan trọng hơn, báo chí Brazil đang rất tận tuỵ với sứ mệnh chống tham nhũng của mình và người ta đang được tiếp nhận thông tin nhiều chưa từng thấy so với quá khứ. Các cuộc tuần hành yêu cầu chính phủ phải cải thiện lề lối làm việc của bộ máy nhà nước và giải trình đầy đủ đang diễn ra ngày càng nhiều ở Brazil.

“Chúng tôi đang bắt đầu hiểu là những quan chức nhà nước được bầu ra để đại diện cho chúng tôi. Bởi vậy, chúng tôi là chủ và họ là những người nợ chúng tôi lời giải thích. Người Brazil chưa từng hiểu điều này nhiều như hiện nay” – Gil Castello Branco, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Contas Abertas, nhận định.