23/11/2024

Xuất phát lại từ Đức Kitô

Một câu hỏi khiến lòng tôi trăn trở từ nhiều năm qua đó là: “Ta phải làm gì để có thể loan báo Tin Mừng Đức Kitô cách hiệu quả trên cánh đồng truyền giáo ở Việt Nam và Á Châu?”

 

XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ

(Bài chia sẻ nhân dịp Đại hội Truyền giáo Á Châu, 18-22/10-2006, tại Chang Mai, Thái Lan. Bài được cập nhật nhân dịp Đại hội Truyền giáo của TGP.TPHCM, ngày 22-10-2011, tại Nhà thờ Giáo xứ Tân Định, Q.3, TP.HCM. Xin chia sẻ cùng bạn đọc trong tinh thần truyền giáo).

Nhập đề

Một câu hỏi khiến lòng tôi trăn trở từ nhiều năm qua đó là: “Ta phải làm gì để có thể loan báo Tin Mừng Đức Kitô cách hiệu quả trên cánh đồng truyền giáo ở Việt Nam và Á Châu?”.

Khi nêu lên nhận xét công cuộc truyền giáo tại nước tôi hình như không mấy hiệu quả từ vài chục năm nay, nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như một số anh em linh mục, nam nữ tu sĩ không bằng lòng với nhận xét này và cảm thấy hoạt động tích cực truyền giáo của họ bị xem thường. Tôi không có ý coi nhẹ hoạt động tông đồ của các vị ấy, nhưng những thống kê về số người theo đạo hay bỏ đạo Công giáo ở VN cũng như ở châu Á và toàn thế giới khiến ta phải quan tâm và đặt vấn đề cho việc truyền giáo của mình.

Có người cho rằng những con số thống kê không thể nào nói lên được thực tại nhiệm mầu của đức tin Công giáo, càng không phải là thước đo lòng đạo đức hay sự thành bại của việc truyền giáo. Chúng tôi rất đồng ý về nhận định này. Quả thực, chúng ta có thể dùng những số liệu thống kê như những dấu hiệu nhắc nhở chúng ta về những vấn đề thực tế. Những vấn đề từ việc thiếu hiệu quả trong công cuộc truyền giáo hiện nay đã được thẩm quyền cao cấp nhất của Giáo hội đặt ra trong Bản Đề Cương chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục 2012 (THĐGM 2012) sẽ họp ở Rôma từ ngày 7-28/10/2012 và mời gọi chúng ta tích cực quan tâm tìm hiểu, đóng góp những đề nghị đúng đắn “để mở ra những con đường mới nhằm đáp ứng những hoàn cảnh và điều kiện thay đổi mà Hội Thánh đang đối diện trong việc thực thi ơn gọi loan báo và sống Tin Mừng hôm nay” (Đề Cương THĐGM 2012, số 5).

1. Những con số chất vấn

1.1. Tình trạng Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội toàn cầu

Nhìn vào Giáo hội Việt Nam (GHVN) trong suốt 50 năm qua, tỷ lệ người có đạo ngày càng giảm so với dân số cả nước: vào năm 1960, tỷ lệ đó là 7,17%, cuối năm 2010 vẫn là 7,18%. Chúng ta sống đạo như thế nào mà không làm tăng thêm được 1% dân số Công giáo trong suốt 50 năm qua, thậm chí 125 năm qua kể từ năm 1885 đến nay? Giáo Hội châu Á cũng không phát triển hơn trong suốt 50 năm khi mà dân số Công giáo vẫn chỉ ở mức 3% dù có biết bao nỗ lực của hàng trăm ngàn thừa sai, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đủ loại. Dân số Công giáo hiện nay ở Á Châu có khoảng 140 triệu người trong số hơn 4,024 tỷ dân. Theo thống kê của Toà Thánh, dân số Công giáo toàn cầu tăng từ 757 triệu vào năm 1978 lên 1.146 triệu người vào cuối năm 2008 (x. Catholic Almanac 2010, NXB Our Sunday Visitor, tr.335). Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,5 triệu người lớn và hơn 14 triệu trẻ em được rửa tội trong ít năm gần đây, tuy nhiên nếu tính theo tỷ lệ dân số, vào năm 1978, người Công giáo chiếm 17,99% dân số thế giới, đến năm 2008 chỉ còn 17,32%.

Tính đến ngày 31-12-2010, GHVN hiện có 4.050 linh mục, 3.946 chủng sinh, 2.281 tu sĩ nam, 15.352 tu sĩ nữ, 56.593 giáo lý viên, gần 1 triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành, 6.400.567 tín hữu giáo dân trên tổng dân số là 89.029.559 (theo thống kê của Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN), trong khi số dân thật sự theo Thống kê Nhà Nước là 86.930.000 người Việt (x. Cục Thống kê TP.HCM, tr.331). Số giáo dân này không chính xác do việc khai báo trùng lắp vì theo số liệu thống kê của Tổng Điều tra Dân số ngày 1-4-2009, số dân Công giáo là 5.677.086 trên tổng số dân là 85.846.997 người, chiếm tỷ lệ 6,61% (x. Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở VN 2009, tr. 281). Số người lớn được rửa tội năm 2010 là 42.272 người, hằng năm khoảng 30.000 đến 40.000 người, nhưng hầu hết là để lập gia đình với người có đạo. Vậy chúng ta tự hỏi ai là người đi loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và truyền giáo có kết quả?

Một thí dụ minh hoạ: năm 2010, giáo phận Huế có 2 giám mục, 140 linh mục, 74 chủng sinh, 108 tu sĩ nam, 588 tu sĩ nữ, 755 giáo lý viên và 68.910 tín hữu, nhưng cả năm2010 chỉ có 66 người lớn được Rửa tội, năm 2009 có 94 người, năm 2008 có 106 người (x. Thống kê Văn phòng Tổng Thư ký HĐGM VN). Chúng tôi đưa thí dụ này không có ý trê trách hay xem thường hoạt động truyền giáo của người tín hữu Huế vì mỗi hoạt động truyền giáo của ta đều được Chúa ghi nhận và ban thưởng dù nó có vẻ không mang lại hiệu quả bên ngoài. Từ sự kiện này chúng tôi muốn lưu ý rằng những đại hội hành hương lớn lao ở LaVang hay ở bất cứ đâu không luôn luôn đi đôi với kết quả truyền giáo. Hằng trăm ngàn người đổ về La Vang hằng năm vẫn không thu hút được người theo đạo.

Dù những con số không nói lên hoàn toàn sức sống năng động của người Công giáo nhưng việc giảm sút số người tin theo Đức Kitô có thể đã nói lên phần nào công cuộc truyền giáo toàn cầu cũng như ở châu Á và ở Việt Nam không mấy thành công.

1.2. So sánh với một vài Giáo hội khác

Trong khi đó công cuộc truyền giáo của anh em Hội thánh Tin Lành lại đáng cho chúng ta suy nghĩ. Ở Việt Nam từ 400.000 tín hữu vào năm 1999 đã tăng lên 734.168 người, nghĩa là tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm (x. Tổng Điều tra Dân số 1-4-2009, tr.281). Trong Hội nghị Hợp nhất Kitô hữu tổ chức vào tháng 7-2006, tại Seoul Hàn Quốc của Hội đồng Giáo hoàng về hợp nhất Kitô hữu do Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC) và Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc tổ chức, các tham dự viên được nghe báo cáo về sự phát triển vượt bậc của phái Ngũ Tuần. Từ một vài người cách đây 100 năm giáo hội Ngũ Tuần đã phát triển tới con số 600 triệu người hiện nay, trong đó có 165 triệu đang sống tại châu Á. Nếu so sánh hơn hai ngàn năm truyền giáo tại châu Á, Giáo hội Công giáo đang có 140 triệu người, trong khi anh em phái Ngũ Tuần chỉ mất 100 năm để có 165 triệu người, thì chúng ta phải tự hỏi về kết quả truyền giáo và động lực truyền giáo của cả đôi bên.

2. Đi tìm câu trả lời cơ bản: xuất phát lại từ Đức Giêsu Kitô

2.1. Đã có rất nhiều những hội nghị, hội thảo thuộc đủ các cấp được tổ chức để tìm hiểu và nghiên cứu sâu xa vấn đề truyền giáo của Giáo hội Công giáo nhưng kết quả chưa thu được là bao. Nhiều tài liệu hướng dẫn cho các thành phần dân Chúa học hỏi về công cuộc truyền giáo đã được soạn thảo và phân phối cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển nhưng hình như chúng vẫn chưa tạo nên những kết quả thiết thực. Vậy chúng ta phải làm gì? Hy vọng Thượng Hội đồng Giám mục 2012 được tổ chức ở Rôma với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để truyền bá đức tin Kitô giáo” có thể giới thiệu một đường hướng thiết thực và hiệu quả hơn.

Tông huấn Giáo Hội tại châu Á của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 6-11-1999 là một bản tổng kết những định hướng cơ bản cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội tại lục địa mênh mông này. Tông huấn ấy đã mở ra những chân trời bao la thuộc mọi lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và cả đối thoại với những nền văn hoá và tôn giáo khác nhau tại Á Châu sau khi nhấn mạnh đến việc kết hợp với Chúa Ba Ngôi và hợp nhất với Giáo Hội để phục vụ sự thăng tiến con người.

Tuy nhiên, điểm cơ bản mà chúng tôi muốn nhắc đến là Đức Thánh Cha mời gọi từng người chúng ta phải phát xuất lại từ Đức Giêsu Kitô vì Người là món quà quý giá nhất mà Chúa Cha gửi tặng cho châu Á. ĐTC dành trọn chương 2 của Thông điệp để khai triển điều quả quyết này (x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội châu Á, số 10-15). Đây chính là câu trả lời và là giải pháp đúng đắn cho các vấn đề chúng ta đang quan tâm.

Bản Đề cương của THĐGM 2012 còn nhắc nhở chúng ta rõ ràng hơn:”Khi nói đến Tin Mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp các lời giáo huấn. Tin Mừng là một cái gì nhiều hơn nữa; nó là một Lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. Tin Mừng không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị, mà là một con người: Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người. Tin Mừng là Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, Tin Mừng không chỉ lấy Đức Giêsu Kitô làm nội dung, nhưng hơn thế nữa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô cũng là người cổ vũ và là tâm điểm của việc rao giảng và truyền bá Tin Mừng. Do đó, mục tiêu của việc truyền bá đức tin là thể hiện một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó dẫn đưa chúng ta tới một trải nghiệm về Cha của Người và Cha của chúng ta” (Đề Cương THĐGM 2012, số 11).

2.2. Thực trạng sống đạo như mời gọi ta phải trở lại với Đức Giêsu Kitô và xuất  phát lại từ Người.

Nhìn vào đời sống người Kitô hữu hiện nay chúng ta thấy có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Đời sống đạo tập trung vào các nghi lễ, hoạt động bên ngoài hơn là vào niềm xác tín, cảm nghiệm bên trong. Nhiều người có trách nhiệm trong cộng đồng như linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân ưu tuyển chưa được đào tạo để suy tư một cách có hệ thống về Đức Giêsu Kitô qua bộ môn Kitô học, chưa có cảm nghiệm sống động và mạnh mẽ về Đức Kitô để dấn thân làm chứng cho Ngài, chưa dám chết đi cho những tham vọng và dục vọng của chính mình để sống hoàn toàn cho Đức Kitô trong một châu Á có nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau.

Dân chúng Thái Lan và nhiều nước theo Phật giáo ở châu Á vẫn dành nhiều thiện cảm cho các nhà sư với chiếc đầu cạo trọc, bộ áo cà sa giản dị và chiếc bình bát mộc mạc, bình thản đón nhận những đồ cúng dường, xem họ như là biểu tượng của tinh thần xả kỷ hy sinh hơn các linh mục, tu sĩ Công giáo. Vậy chúng ta sẽ làm chứng cho mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Ngôi Lời Thiên Chúa như thế nào qua những hoạt động xã hội?

Dân chúng Nam Á và Đông Nam Á với hơn 1 tỷ người theo Hồi giáo lại cảm thấy được trợ lực bởi những giờ kinh đều đặn nhiều lần mỗi ngày của cả cộng đồng dù ở bất cứ nơi nào. Rồi qua lời kinh cầu nguyện, anh em Hồi giáo càng thêm gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc sống. Đây là nét đẹp rất cuốn hút trong một xã hội châu Á đã từng bị các thế lực ngoại xâm áp dụng chính sách “chia để trị” khiến người ta luôn nghi ngờ và đóng kín với nhau, trong khi rất nhiều cộng đồng Công giáo vẫn giữ tinh thần cục bộ bè phái để chỉ biết có phe nhóm, dòng tu, tổ chức, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận của mình. Bản Đề cương THĐGM 2012, số 7, nhắc nhở: “Công cuộc Tân Phúc Âm hoá kêu gọi chúng ta đi vào đối thoại với những bối cảnh mới mẻ và thách thức này, không bó gọn trong các cộng đồng và tổ chức của mình”.

Hơn 1 tỷ người Trung Quốc lại cảm thấy những lời dạy của Đức Giêsu chưa đủ mức khôn ngoan và sâu sắc nếu so sánh với lời dạy của Đức Khổng Tử, Lão Tử và nhiều bậc thánh hiền trong văn hoá Đông Phương. Họ chỉ nhận ra lời Người có giá trị tuyệt đối, là lời cứu độ của Thiên Chúa, có sức đưa họ vào cuộc sống vĩnh hằng và chia sẻ cho họ thần tính của Thiên Chúa nếu người tín hữu Kitô rao giảng Lời quyền năng bằng các hành động cụ thể như chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, đem lại bình an, hạnh phúc cho những người mình gặp gỡ như Đức Kitô thúc giục (x. Mc 16,15-20).

Châu Á có rất nhiều người trẻ, hơn 50% dân số dưới tuổi 30. Những người trẻ này đang say mê học hỏi khoa học kỹ thuật để tìm biết sự thật ẩn chứa trong thiên nhiên, con người cũng như xã hội. Nhưng hình như Giáo hội Công giáo, qua trình độ học vấn của các bậc chức sắc, và thái độ ít dấn thân của họ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chưa thuyết phục được người trẻ hiểu rằng Đức Giêsu chính là con đường dẫn tới sự thật và sự sống, là nguồn của sự khôn ngoan và Người sẵn sàng khai mở tâm trí để con người hiểu biết những sự thật mầu nhiệm ẩn chứa trong con người và vạn vật. Hơn nữa, những người trẻ này cũng đang chạy theo cái đẹp qua sự say mê cuồng nhiệt đối với những cầu thủ, diễn viên, người mẫu, văn nghệ sĩ, với thời trang, âm nhạc… Nhưng hình như Giáo hội Công giáo lại chưa giới thiệu cho họ một Thiên Chúa là chủ của cái đẹp mà lại hô hào họ hãy xoá bỏ thần tượng, sống đơn giản, nghèo khó và quên giới thiệu cho họ một Đức Giêsu hoà mình vào đám đông dân chúng, ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, khám phá ra cái đẹp trong từng nhánh cỏ, bông hoa của đồng nội cũng như giới thiệu tinh thần nghèo khó thật sự là gì(x. Đề Cương THĐGM 2012, số 6).

3. Muốn xuất phát lại từ Đức Kitô  chúng ta phải làm gì?

3.1. Xuất phát lại từ Đức Kitô

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong các lời giáo huấn của mình qua những thông điệp, tông huấn, tông thư, diễn văn, bài nói chuyện… luôn mời gọi tín hữu tập trung vào Đức Kitô để xuất phát lại từ Người.

Quả thật trong 2.000 năm qua, sau một hai thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội sơ khai tập trung vào Đức Kitô và lời dạy của Người, nhất là từ năm 313 trở đi, Giáo Hội mất dần sự quan tâm để chú ý vào những điểm khác như tổ chức cộng đồng với giáo phận, giáo xứ, xây cất các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, đền thánh, rồi từ thế kỷ 11,12 vào việc thiết lập các dòng tu và tập trung chú ý noi gương các thánh lập dòng hơn  noi gương Chúa Giêsu, thế kỷ 15,16 vào việc lo cho các công tác mục vụ, truyền giáo, thế kỷ 19,20 lo đối phó với những học thuyết sai lạc…

Chỉ từ giữa thế kỷ 20, người ta mới bắt đầu quan tâm đến môn Kitô học nhưng cho tới ngày nay, môn học này vẫn kém phát triển, chưa đạt tới tầm vóc xứng hợp như là môn học nền tảng của Kitô giáo. Công đồng Vaticanô II với các văn kiện của mình như muốn nhắc nhở tín hữu Công giáo tập trung vào Đức Kitô như nền tảng và gương mẫu cho mọi hoạt động Kitô hữu. Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” của Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Tông đồ ban hành ngày 19-5-2002 nhắc nhở tu sĩ nam nữ tìm về nguồn sống là Chúa Kitô thay vì tập trung vào vị Sáng lập dòng.

Nhiều đại học Công giáo hiện nay không có giảng khoá hoàn chỉnh về môn Kitô học do những tranh cãi về quan điểm thần học liên quan tới Đức Kitô nhất là giữa các dòng tu với nhau. Nhiều đại chủng viện vẫn giảng dạy giáo trình Kitô học lỗi thời, thậm chí sai lạc, mà không cập nhật những điểm giáo lý mới mẻ và đúng đắn được trình bày trong các sách như Giáo lý Hội Thánh Công giáo (Bộ Giáo lý Đức tin ban hành ngày 11-10-1992, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2009, NXB Tôn Giáo, Hà Nội), Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (Hội Đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình công bố năm 2004, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2007, NXB Tôn Giáo, Hà Nội), Đức Giêsu Nazareth tập I và tập II của ĐGH Bênêđictô XVI (Tập I công bố ngày 30-9-2006, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2008, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tập II công bố ngày 25-4-2010 và chưa có bản dịchViệt ngữ).

Người ta thường nói:”Vô tri bất mộ” (không biết nên không tôn kính). Chính vì chưa hiểu biết rõ ràng, đúng đắn về Đức Kitô nên đời sống đạo của người tín hữu không toả ánh sáng Tin Mừng để có sức thu hút người khác tìm về với Đức Kitô. Vì thế chủ đề của Đại hội Truyền giáo Châu Á 2005 ở Chiang Mai, Thái Lan là “Kể lại câu chuyện Giêsu” như các tông đồ xưa sau khi họ hiểu biết và cùng sống với Người. Chủ đề của Đại hội Truyền giáo Châu Á 2010 ở Seoul, Hàn Quốc cũng lấy lại chủ đề ấy “Công bố câu chuyện Giêsu”, nhưng nâng cao hơn một mức vì “công bố” đòi hỏi ta nói về Đức Giêsu một cách trang trọng, có nghiên cứu, có bài bản mà vẫn dựa trên kinh nghiệm sống động của người làm chứng với Chúa Giêsu Kitô.

3.2. Hiệu quả của việc trở về với Đức Kitô

Trở lại với Đức Kitô là chúng ta sẽ tìm lại được cảm nghiệm sống động của các tông đồ về Đức Giêsu Phục Sinh như là tâm điểm cho mọi hoạt động và suy tư của  mình. Đức Giêsu không phải là một mớ thông tin mà ta đã thu thập được trong những giờ học giáo lý hay qua những bài giảng, bài kinh nhưng là một con người đang sống giữa chúng ta và sống trong ta để ta có mối tương quan mật thiết với Người. Để hiểu trọn vẹn về một con người đang sống, ta không phải chỉ cần thông tin mà còn phải gặp gỡ, tiếp xúc, yêu thương và nếu cần, có thể hoà nhập thành một trong nhau “để tôi sống không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2,20) như thánh Phaolô cảm nghiệm…

ĐTC Bênêđictô đã khẳng định: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay của một ý tưởng cao cả, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, nó đem sức sống đến cho một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định… Sự gặp gỡ thân mật này giúp cho các cá nhân chia sẻ mối quan hệ của Chúa Con với Cha của Người và trải nghiệm quyền năng Chúa Thánh Thần… Đây là kinh nghiệm mới mẻ về Thiên Chúa của người Kitô hữu” (x. Đề Cương THĐGM 2012, số 11).

Sống trong một đất nước mà người dân có nhiều tính cách đối nghịch vừa tìm tòi khoa học và coi trọng kỹ thuật, vừa chạy theo những bùa phép với những tác động mê tín dân gian, ta cần phải trở lại với Đức Kitô và hoà nhập thành một với Người để Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng ta (x. Mc 16,16-20). Đó cũng là một trong những chìa khoá thành công của anh em Giáo hội Ngũ Tuần khi họ gắn bó với Đức Kitô và thở được Thần Khí của Người.

Sống trong một châu lục với nhiều dân tộc có các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau, ta cần trở lại với Đức Kitô để thấy Người không phải là của riêng Kitô giáo nhưng là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại và vũ trụ. Cha trên trời muốn cứu độ tất cả con cái mình nên đã ban Người Con Một cho chúng ta và Chúa Thánh Thần vẫn đang chuẩn bị cho việc Đức Kitô đến với mọi người cũng như không ngừng nói trong các tôn giáo (x. Tuyên ngôn của CĐ. Vat. II, Nostra aetate, số 1; Giáo hội tại châu Á, số 15,18). Học lại thái độ khoan dung của Đức Kitô, ta sẽ biết phân biệt những hình thức mê tín dị đoan đồng thời biết đánh giá đúng các nghi thức phụng vụ, lời kinh và cách sống của những người không cùng tôn giáo với mình, thậm chí ngay trong việc trừ ma diệt quỷ của họ (x. Mc 9,39-40).

Trở lại với Đức Kitô ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm Nhập Thể luôn gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thế để can đảm dấn thân vào xã hội trần thế hôm nay. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Nazareth, đã đi vào dòng lịch sử con người, đã đón nhận những yếu tố của vũ trụ vật chất qua thân xác của mình. Người đã đưa tính cách tuyệt đối, vĩnh hằng, thánh thiện, vô cùng của Thiên Chúa vào trong cái tương đối, nhất thời, tội luỵ, hữu hạn của con người và vũ trụ để từ nay tất cả đều được biến đổi và thần hoá. Từ đấy, mỗi con người đều có giá trị vô song dù họ già nua, tàn tật, xấu xa đến đâu chăng nữa. Từ đấy, mỗi công việc đều có giá trị vĩnh hằng, đem lại ơn cứu độ dù nó chỉ kéo dài một vài giây như một nụ cười, một lời cám ơn, xin lỗi, dù có vẻ tầm thường như các chậu quần áo ta giặt mỗi ngày, dù có vẻ nhơ bẩn như làm vệ sinh, rửa mặt, đánh răng mỗi bữa nhờ được gắnkết với Chúa  Giêsu Kitô.

Trở lại với Đức Giêsu Kitô để thấy rằng qua việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, thì con người trở thành con đường của Thiên Chúa và cũng là con đường của Giáo Hội để tập trung mọi cố gắng lo cho hàng tỷ con người trong vùng đất châu Á, nhất là những con người nghèo khổ, yếu kém, bị bóc lột và bị gạt ra ngoài lề xã hội, như Đức Giêsu đã tất bật từ sáng sớm đến tối mịt để rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ cho con người.

Trở về với Đức Giêsu cũng có thể là lời kêu gọi các người có trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất trở về với tinh thần nghèo khó thật sự của Người. Những ngôi nhà thờ đồ sộ, những tu viện to lớn với cách bày trí sang trọng, sừng sững giữa các túp lều tranh rách nát, mái tôn han rỉ, cống nước thải lộ thiên trong một số miền ở Việt nam cũng như ở châu Á có thể trở thành những pháo đài kiên cố khiến người ta ngại ngùng không dám tìm gặp Đức Kitô ở đó. Những buổi lễ phụng vụ dài lê thê, với hàng chục ngàn tín hữu tham dự, ngồi bó gối bất động hay đứng chật như nêm cối giữa trời nắng cháy da hay mưa phùn gió bấc để đón tiếp một vị chức sắc quan trọng nào đó, có thể làm cho người chưa tin đạo cảm thấy sợ hãi trong cách diễn tả lòng sùng kính, tôn thờ.

Những cuộc hành hương với vài trăm ngàn người trong các đại hội Thánh Thể, hay Đại hội Thánh Mẫu ở La Vang, Lộ Đức, Tà Pao, trong đó mỗi người ở xa tiêu hàng triệu đồng, người ở gần tốn vài chục ngàn cho việc đi lại ăn ở và nếu tính tổng cộng có thể lên tới hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng, trong khi học sinh vẫn còn thiếu lớp, thiếu trường, trong khi nhiều bệnh nhân chưa cầm được bát cháo giúp đỡ thì có khi ta phải nhìn lại cách thức bày tỏ lòng đạo của chúng ta đối với Chúa và Đức Mẹ cho âm thầm, khiêm tốn và thật sự bác ái hơn chăng? Nói như thế không phải là chúng tôi có ý bài bác lòng sùng đạo bình dân nhưng chỉ mời gọi để người tín hữu suy nghĩ để tình bác ái được diễn tả theo đúng sự thật của đất nước, của dân tộc và gia đình nhân loại như ĐTC Bênêđictô mời gọi trong thông điệp Caritas in veritate (ngày 29-6-2009) của ngài.

ĐTC Phaolô VI nhắc nhở chúng ta rằng: “Con người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn nghe những thầy dạy và nếu họ có nghe những thầy dạy thì đó là vì những thầy dạy này là những chứng nhân”. Vì vậy Hội thánh sẽ phúc Âm hoá thế giới bằng chính hành vi và đời sống của mình, nói khác đi, bằng việc làm chứng lòng trung thành của Hội Thánh đối với Chúa Giêsu: chứng tá về sự nghèo khó và vô vị lợi, chứng tá về sự tự do trước những quyền lực của thế giới này, tóm lại, chứng tá về sự thánh thiện” (x. Đề Cương THĐGM 2012, số 22).

Lời kết

Có lẽ còn rất nhiều điều, nhiều việc trong nếp sống đạo của người tín hữu ở Việt Nam cũng như ở châu Á cần được nhận định và sửa đổi lại dưới ánh sáng của Đức Giêsu Kitô để biểu lộ được sự thật, sự sống và tình yêu của Người cho các dân tộc đang sống quanh mình. Chúng ta hy vọng sẽ có nhiều người tìm đến với Đức Kitô không phải chỉ qua những nghi lễ trang trọng, việc bác ái từ thiện của người tín hữu nhưng họ gặp được nguồn của tình yêu hạnh phúc, của chân thiện mỹ là chính Đức Kitô khi các Kitô hữu tìm về với Người và xuất phát lại từ Người.

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn nghĩ thế nào về kết quả truyền giáo tại Việt Nam? Bản thân bạn đã loan báo Tin Mừng như thế nào? Kết quả cụ thể ra sao? Bạn muốn chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo nào?

2. Theo bạn, muốn xuất phát lại từ Đức Kitô, người tín hữu chúng ta cần phải làm gì?

3. Bạn nghĩ mình có thể làm gì để tăng thêm sự hiểu biết đúng đắn và có hệ thống về Đức Kitô?