23/11/2024

Giảm tải cho học sinh ở Hàn Quốc

Số liệu năm 2010 cho thấy 74% tổng số học sinh các cấp ở Hàn Quốc đi học thêm. Theo thống kê năm 2008, toàn Hàn Quốc có tới hơn 70.000 hagwon, trong đó khoảng 47% tập trung vào dịch vụ luyện thi đại học cho đối tượng học sinh trung học phổ thông.

 Giảm tải cho học sinh ở Hàn Quốc

Hàn Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch ngăn chặn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan và đưa ra nhiều cải cách nhằm giảm tải học hành, thi cử cho hàng triệu học sinh từ mẫu giáo đến trung học.

Quận Daechi-dong là một trong những nơi tập trung nhiều trường tư (hagwon) tổ chức dạy, học thêm nhất ở thủ đô Seoul. Tới tận 21g-22g mỗi ngày, các bậc phụ huynh vẫn còn tấp nập đón con em từ các lớp học thêm. Đã từ ba năm nay, chính quyền Seoul cấm các hagwon hoạt động sau 22g. Tuy nhiên, tình trạng dạy, học thêm vẫn kéo dài liên tục sau 22g, thậm chí có nơi đến tận 1g sáng. Chính quyền Seoul đã phải vận động các quan chức ngành giáo dục và cả người dân thực hiện các cuộc chấn chỉnh.

74% học sinh các cấp đi học thêm

Số liệu năm 2010 cho thấy 74% tổng số học sinh các cấp ở Hàn Quốc đi học thêm. Theo thống kê năm 2008, toàn Hàn Quốc có tới hơn 70.000 hagwon, trong đó khoảng 47% tập trung vào dịch vụ luyện thi đại học cho đối tượng học sinh trung học phổ thông. Ở Seoul, hàng trăm ngàn học sinh tốt nghiệp trung học nhưng không thi đỗ đại học phải dành cả năm trời để học thêm ở các hagwon.

Ngay cả việc học thêm cũng đòi hỏi sự cạnh tranh. Viện Daesung, một trong những hagwon nổi tiếng, chỉ nhận dạy thêm các học sinh có điểm số cao ở trường trung học. Chỉ khoảng 14% số học sinh đăng ký được nhận vào học. Và sau một năm học liên tục 14 giờ/ngày, 74% học sinh này có thể trúng tuyển vào một trong ba trường đại học uy tín nhất Hàn Quốc.

Những giáo viên dạy thêm nổi tiếng có thu nhập lên tới hàng triệu USD/năm. Ví dụ, giáo viên Andrew Kim thuộc Trường Megastudy, hagwon lớn nhất Hàn Quốc, kiếm được tới 4 triệu USD trong năm 2010 nhờ việc dạy thêm ở trường và qua mạng Internet trong đêm cho học sinh.

Ước tính số giờ học mỗi năm của học sinh trung học Hàn Quốc cao hơn 30% so với học sinh các nước phát triển.

“Tất cả những gì chúng tôi làm là học, học và học – một học sinh trung học ở Seoul nói – Chỉ khi ngủ chúng tôi mới không phải học”. Trong khi đó, “các biện pháp càng cứng rắn thì các hagwon càng linh hoạt” – giáo viên Andrew Kim khẳng định.

Gánh nặng chi phí học thêm đối với các gia đình rất lớn. Chi phí học thêm trung bình của mỗi học sinh các cấp lên tới 2.600 USD/năm. Tổng cộng đất nước Hàn Quốc chi khoảng 2% GDP cho việc học thêm. Học phí đại học và các chi phí sinh hoạt khác của một sinh viên có thể chiếm tới 45% thu nhập của một gia đình. Trong ba thập niên qua, học phí mà các gia đình Hàn Quốc phải trả tăng 30% trong khi thu nhập không tăng nhanh đến như vậy.

Sự căng thẳng do học hành quá nhiều cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Theo thống kê chính thức, số lượng người tự tử tại Hàn Quốc cao nhất trong số 30 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Cứ mỗi ngày hơn 40 người Hàn Quốc tự sát. Trong số đó, các vụ tự sát của học sinh là rất lớn. Bộ Giáo dục cho biết năm 2010 có 146 học sinh Hàn Quốc tự sát, trong đó 53 là học sinh trung học.

Bộ trưởng giáo dục Hàn Quốc Lee Ju Ho từng nhìn nhận: “Người ta chỉ thấy mặt sáng của hệ thống giáo dục Hàn Quốc. Còn người dân chúng tôi thì không lấy gì làm hạnh phúc”.

Thay đổi tư duy, cải cách

Để giảm tải cho học sinh, các chuyên gia giáo dục Hàn Quốc cho rằng đối tượng đầu tiên cần thay đổi tư duy là các bậc phụ huynh, bởi chính họ gây ra sức ép lớn nhất đối với con em mình. “Tôi nói với các học sinh mình rằng hãy ngừng học ở hagwon và tập trung vào việc học ở trường – giáo viên Han Yoon Hee thuộc Trường trung học Jeong Bal ở Ilsan, ngoại ô Seoul, cho biết – Nhưng cha mẹ các em lại rất lo lắng khi các em không đi học thêm vì họ biết các học sinh khác đều học thêm buổi tối”.

Không chỉ ngăn chặn tình trạng học thêm tràn lan, chính quyền Hàn Quốc cũng đang áp dụng những cải tổ cơ bản đối với ngành giáo dục. Bộ Giáo dục cải thiện chất lượng các trường công bằng cách đánh giá sát sao chất lượng giáo viên. Các hành vi trừng phạt học sinh kém ở các trường bị cấm nghiêm ngặt. Các cuộc thi tuyển vào các trường trung học chất lượng cao được bãi bỏ. Bộ Giáo dục cũng huy động khoảng 500 chuyên gia tới các trường đại học để đánh giá học sinh thi tuyển không chỉ qua điểm số mà qua cả các kỹ năng. Kết quả: lần đầu tiên kể từ năm 2007, chi phí cho việc học thêm ở Hàn Quốc đã giảm 3,5% trong năm 2010. Nhưng cuộc chiến giáo dục ở Hàn Quốc chắc chắn sẽ còn tiếp tục kéo dài.