24/12/2024

“Hoa” giữa bom mìn

Tại MAG Quảng Trị (thuộc tổ chức cố vấn rà phá bom mìn của Anh) có cả một “đội quân tóc dài” đang ngày ngày có mặt trên các bãi mìn, xử lý tất thảy những loại bom to nhỏ.

 “Hoa” giữa bom mìn

Trong suy nghĩ của nhiều người, việc đi “nhặt” bom giữa thời bình vốn chỉ dành cho cánh đàn ông. Thế nhưng tại MAG Quảng Trị (thuộc tổ chức cố vấn rà phá bom mìn của Anh) có cả một “đội quân tóc dài” đang ngày ngày có mặt trên các bãi mìn, xử lý tất thảy những loại bom to nhỏ.

Khi đến trụ sở MAG (nằm sát cạnh hồ Khe Mây, TP Đông Hà), anh Thắng, cán bộ hành chính của MAG Quảng Trị đã giúp tôi liên lạc với những người có trách nhiệm ở Hà Nội và không quên khái quát sơ qua: “Trước đây, chúng tôi đã thành lập một đội rà phá bom mìn riêng biệt chỉ dành cho phái nữ nhưng hiện nay đã ghép các thành viên của đội này vào 4 đội khác, gồm cả nam và nữ. Họ làm công việc như nhau chứ không phân biệt về giới tính…”.

Đội quân tóc dài

Như lời hẹn, từ sáng sớm, tôi có mặt tại trụ sở MAG Quảng Trị để đi cùng với đội rà phá ra thực địa. Chiếc xe lao vút ra khỏi thành phố, hướng thẳng huyện Vĩnh Linh, nơi mà trong chiến tranh được định danh là vùng đất thép và nay bom mìn còn găm lại vô số kể. Anh Lê Văn Trà, cán bộ điều phối hoạt động kỹ thuật của MAG Quảng Trị bấm đốt ngón tay nói rằng: “Hiện nay, tại MAG Quảng Trị đang có chừng 22 nhân viên là nữ, trong đó có 15 người tham gia vào công tác liên lạc cộng đồng, y tế  và 7 người trực tiếp tham gia rà phá mìn. Có chị làm lâu năm, có thành tích đã lên đến chức… đội phó và cũng có một thành viên nữ duy nhất tham gia vào đội phản ứng nhanh, xử lý nóng”.

Tại bãi hiện trường MAG QT-073 (thuộc xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh), tôi gặp chị Lương Thị Phượng (quê xã Văn Hoá, H.Tuyên Hoá, Quảng Bình), người được biết đến là nữ nhân viên lớn tuổi nhất (SN 1967) của MAG Quảng Trị hiện nay. Cởi bộ đồ bảo hộ cồng kềnh, chị trở lại vóc hình nhỏ thó với làn da ngăm đen rắn rỏi. “Tôi đã có mặt ngay từ những ngày đầu và đã từng trực tiếp đến rà phá 73 bãi thực địa. Giờ nhớ lại sự lo lắng sợ sệt thủa ban đầu thật buồn cười. Ngày đó tôi thực sự chưa hề nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với công việc này lâu đến vậy. Nay cứ mỗi khoảng đất được sạch đạn bom, người dân an cư lạc nghiệp thì tôi cảm giác như mình lại càng mạnh mẽ, nỗi sợ hãi đã được thay bằng những xúc cảm hạnh phúc”, chị tâm sự.

Chị Lê Thị Bích Ngọc (SN 1978, trú xã Gio Phong, H.Gio Linh) cũng đặc biệt không kém. Nói một cách công bằng thì chị quả là một người phụ nữ có nhan sắc, nhưng thật khó tin rằng chị Ngọc hiện đang là thành viên nữ duy nhất của đội xử lý nhanh. “Khi chưa làm thì thấy khó khăn nhưng khi đã làm thì bỗng như say nghề vậy. Thậm chí phái nữ chúng tôi còn có thêm ưu điểm tỉ mỉ và cẩn thận hơn so với cánh đàn ông đấy”, chị Ngọc chia sẻ. Có lẽ cũng vì yêu nghề mà chị Ngọc đã nên duyên với anh Hoàng Ngọc Phi (SN 1969, giám sát hiện trường MAG Quảng Trị). Họ gần nhau hơn bởi khát khao dọn cho bằng hết “bãi bom” của miền đất lửa.

Với khối lượng bom mìn, vật liệu chưa nổ khổng lồ mà MAG Quảng Trị đã rà phá được trong nhiều năm qua, chợt nhận thấy rằng cường độ làm việc của các nhân viên trong tổ chức này thật đáng nể. Công việc hằng ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 10 giờ 30 phút trưa, 12 giờ tiếp tục và khoảng 16 giờ thì kết thúc. “Vì đặc thù công việc nên chúng tôi gặp đâu ăn đó, cũng cơm đường cháo chợ cả, còn chồng con ở nhà thì phải tự lo…”, nữ nhân viên rà phá Hoàng Thị Hải Lý (SN 1970) thật thà kể.

“Bom đâu biết là đàn ông hay phụ nữ”

Đó là câu mà các chị nói vui khi tiếp xúc với chúng tôi. Hỏi chuyện hiểm nguy, các chị đều cười hết sức ý nhị, có người nhanh nhảu nói “rà mìn mà không nguy hiểm thì có cái nghề gì đáng gọi là nguy hiểm nữa?”.

Nhận thấy hiệu quả công việc không kém cạnh đấng mày râu, có chị đã được đề bạt lên chức vụ cao. Chị Trần Thị Thảo (SN 1976, đội phó đội rà mìn 1) là một điển hình. “Công việc của đội phó là quản lý 3 tổ rà phá mìn, nếu tổ trưởng vắng mặt thì coi như tôi phụ trách luôn. Chính thế nên trách nhiệm càng nặng nề, phải đảm bảo an toàn cho toàn bộ anh em”, chị Thảo thổ lộ.

Chị còn kể một kỷ niệm “nhớ đời” rằng, vào buổi đầu tham gia vào MAG, được đi tập huấn, lúc chị thao tác với một quả bom bi thì bất ngờ nó rơi xuống đất và “phát nổ” ngay dưới chân mình. “Khi ấy tôi như đứng tim, cứ nghĩ vậy là… tiêu rồi nhưng hoá ra lại không can gì. Về sau mới biết là sự việc trên được sắp đặt trước và nằm trong chương trình tập huấn. Tôi coi đó như một bài học về sự cẩn trọng, mọi sơ suất đều phải trả giá bằng tính mạng mình và của cả đồng nghiệp. Chị em tôi lúc làm việc cũng như nghỉ ngơi đều nhắc nhở nhau như vậy”, đội phó Thảo trải lòng.

Cuối giờ chiều, cùng với những nhân viên nam, những người phụ nữ này thu dọn các loại máy móc lên xe để trở về sau một ngày làm việc mệt nhoài. Khuôn mặt, chân tay, quần áo của họ dường như không còn nơi nào mà bụi đất có thể bám thêm được nữa, nhưng ai nấy vẫn nở nụ cười thật tươi bởi từ bây giờ cho đến sáng hôm sau, họ sẽ trở về chăm nom cho mái ấm bé nhỏ của mình như bao người phụ nữ khác…  

Mất 300 năm rà phá bom mìn

Cuối năm 2009, người viết đã từng tham dự buổi toạ đàm “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn” do Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ LĐ-TB- XH và Báo Quân đội Nhân dân tổ chức tại TP Đông Hà, với sự tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn trên lãnh thổ VN như: Bộ Tư lệnh Công binh, BOMICEN, VVAF (Quỹ Cựu chiến binh Mỹ), tổ chức nhân đạo Golden West, SODI (Đức), MAG (Anh), Cây hoà bình (Mỹ)…

Tại diễn đàn này, các chuyên gia đã đưa ra con số diện tích đất hiện còn bom mìn, vật nổ trong cả nước vào khoảng 66.600 km2, chiếm 20,12% tổng diện tích đất nước. Dự tính, để rà phá, xử lý để đất “sạch” cần khoảng 300 năm mới hoàn thành…