24/01/2025

Chắp cánh cho giọng ca cá tính

Không thể phủ nhận chính các live show cá nhân chở đầy ước vọng của ca sĩ đã giúp thị trường nhạc Việt không quá ảm đạm, bế tắc trong nhiều năm qua.

  

Chắp cánh cho giọng ca cá tính

Tuy tỏ ra không mấy sốt ruột với “thảm hoạ V-pop” nhưng thực tế các ca sĩ có thực lực, các nhạc sĩ giỏi nghề và những nhà sản xuất tâm huyết đang ngấm ngầm tạo nên cú lội ngược dòng cho thị trường nhạc Việt bằng chính nội lực cũng như những nguồn lực tích cực từ bên ngoài…

Không thể phủ nhận chính các live show cá nhân chở đầy ước vọng của ca sĩ đã giúp thị trường nhạc Việt không quá ảm đạm, bế tắc trong nhiều năm qua. Cũng chính những live show này đã ghi dấu tên tuổi, thậm chí làm nên những cuộc đổi ngôi đầy ngoạn mục cho sân khấu nhạc Việt. Thế nhưng với các live show cá nhân của Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Cẩm Ly và cả một nhân tố còn tương đối mới như Lê Cát Trọng Lý trong tháng này cũng không thể và không nhằm “vượt qua chính mình”.

Loay hoay trên “đỉnh phù vân”

Vui là các đêm diễn đó đều gần kín khán giả. Riêng sô Cho một tình yêu của Mỹ Tâm tại Hà Nội phải tăng thêm một suất vì “cháy vé”. Cũng có thể thấy từ những sô này là các ca sĩ không chỉ hát mà còn phát triển rất nhiều khả năng khác như tham gia việc tổ chức sản xuất, biên tập âm nhạc, lên ý tưởng cho sân khấu và trang phục trình diễn, diễn kịch, diễn tuồng… Khán giả hài lòng và mãn nhãn.

Đàm Vĩnh Hưng vẫn giữ vững ngôi vị “ông hoàng” với khả năng chiêu đãi người nghe 30-40 ca khúc không ngừng nghỉ trong một khán phòng được bài trí, dàn dựng thật lộng lẫy, xa hoa. Mỹ Tâm vẫn là một giọng ca chắc, khoẻ, tràn đầy năng lượng. Tâm cũng khéo khoe khả năng nhảy, múa rất điệu nghệ. Cô chịu khó tung hứng cùng khán giả và đầy cố gắng khi diễn hoạt cảnh với Tuấn Hưng, Hiếu Hiền. Cô không ngần ngại kéo dài chương trình hơn 30 phút so với kịch bản để hát tiếp những ca khúc do khán giả yêu cầu.

Và Cẩm Ly trong Tự tình quê hương 2 cũng thế. Nếu phải than phiền thì chỉ có thể than rằng sao chương trình dài quá, từ 20g đến gần 24g mới kết thúc. Nhưng như thế mới thấy một ca sĩ “bé như hạt tiêu” Cẩm Ly đã yêu quý khán giả của mình và nỗ lực đến nhường nào mới có thể tạo dựng một chương trình đa thể loại, dài hơi và trọn vẹn như thế.

Hẳn nhiều khán giả đến thưởng thức đêm diễn thứ hai (18-9) không biết rằng trong tiết mục gần cuối, vì vội chạy vào hậu trường để thay phục trang, Cẩm Ly đã té bong gân mà vẫn cắn răng hát, múa thật nhuyễn cho tiết mục kết hoành tráng của chương trình. Được chở thẳng đến bệnh viện, Cẩm Ly còn nuối tiếc vì không thể ở lại chào khán giả…

Nhưng cả Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm hay Cẩm Ly đều chỉ thật “ngọt” với những ca khúc hay phong cách đã quá quen thuộc. Họ vẫn loanh quanh trên “đỉnh phù vân” của riêng mình trong khi thị trường lại luôn đòi hỏi những cá tính, phong cách âm nhạc mới. Vậy nên không ít kỳ vọng đã được đặt vào những đêm Vui tại TP.HCM, Đà Nẵng và Quy Nhơn của Lê Cát Trọng Lý. Nhưng “cái dở của Lý không hẳn là thiếu kinh nghiệm mà là thiếu một êkip thiện chiến giúp sức” – anh Thanh Tuấn, giám đốc điều hành một doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng và là một người hâm mộ Lý, nhận định.

Lối đi dưới chân mình

Êkip đó không phải để giúp Lý trở thành ca sĩ hạng A của thị trường mà là một nghệ sĩ đi đúng hướng với những giá trị riêng có của mình. Và Nguyên Thảo hay Tùng Dương là những ví dụ cho kiểu giá trị mới đó. Tùng Dương dư sức hớp hồn người nghe bằng những bản pop êm dịu hay những bài tình xưa não lòng. Nhưng Dương không chọn con đường quen thuộc đó mà chọn những thứ khó nghe hơn, thách thức bản thân hơn với sự nâng bước, lên tinh thần từ những nhà sản xuất đầy cá tính khác như Ngọc Đại, Lưu Hà Anh, Giáng Son, Đỗ Bảo, Nguyễn Công Phương Nam… Dẫu những sản phẩm của Tùng Dương không được mọi tai nghe chấp nhận nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng lẫn cá tính “đắt giá” này.

Riêng Nguyên Thảo chắc chắn sẽ rất nhạt nhoà nếu kết thân với dòng nhạc thị trường dễ dãi. May mà ngay từ đầu cô đã “bén duyên” cùng nhạc sĩ Dương Thụ và có được những bước đi tuy rất chậm nhưng ngày càng vững chắc. Để được như thế, Thảo đã rất “lạnh” với những mời mọc xung quanh. Cô chỉ hát 3-4 sô trong một năm và dành gần ba năm qua để thực hiện những album mà đến giờ vẫn chưa ra mắt. Nhờ chịu khó “luyện công” nên mỗi khi xuất hiện, Nguyên Thảo lại nhận được ngợi khen và kỳ vọng đáng kể. Chính Nguyên Thảo, chứ không phải một diva hay ca sĩ hạng A nào khác, là giọng hát đầu tiên “xoay vòng” trong chương trình Không gian âm nhạc do êkip của đạo diễn Việt Tú thực hiện.

Cùng với Tuấn Ngọc (hát chính), Nguyên Thảo (khách mời) đã mở màn cho chuỗi chương trình được cho là “hiện tượng ca nhạc” của năm nay. Một “không gian” tuy không quá rộng lớn nhưng đã chính thức ghi dấu tên tuổi của Nguyên Thảo vào danh sách nữ danh ca của làng nhạc Việt. Bởi từ sân khấu này, hàng loạt yêu cầu đã gửi về với mong muốn hãy dành cho Thảo một đêm diễn chính thức. Trước hiệu ứng tích cực này, những người thực hiện Không gian âm nhạc đã quyết định dành cho Nguyên Thảo hai đêm diễn vào ngày đặc biệt của năm (24 và 25-12) với chủ đề “Tiếng chuông ngân” mà khách mời sẽ lại là một giọng hát, một cá tính thú vị khác – Hoà Trần.

Những giọng hát có thực lực, không quá bon chen, cần mẫn với “lối đi ngay dưới chân mình” như thế hiện không ít: Đức Tuấn, Anh Khang, Hà Okio… Nhưng để toả sáng dù chỉ trên con đường nhỏ, họ cùng cần “những người biết chuyện” giúp sức.

Quyền trợ giúp từ phương xa

Những người đó gồm: nhà sản xuất mát tay, đạo diễn tài ba, vài nhạc sĩ sáng giá, nhà biên tập đi kịp thời đại, nhà quay phim cùng một nhiếp ảnh gia đầy sáng tạo, nhà thiết kế và chuyên viên trang điểm có khả năng tạo nên xu hướng… Gần đây nhất, Đoan Trang và Tùng Dương đã cậy nhờ vào những chuyên viên người Đức, các nhà sản xuất Việt kiều Đức thực hiện album The unmakeup và Li ti. Thế nhưng việc cậy nhờ “người ngoài” hoàn toàn không hẳn là lựa chọn tối ưu bởi các sản phẩm đó thường khó tiếp cận với người nghe nhạc trong nước và cũng chưa đủ đặc sắc để vươn ra khu vực.

Rút kinh nghiệm từ những người đi trước, Đức Tuấn khéo hơn khi chọn cho mình một êkip “có Tây có ta” trong live show mang chủ đề “Thiên thai” (dự kiến diễn ra ngày 23-11 tại TP.HCM và 26-11 tại Hà Nội). Cầm trịch vẫn phải là đạo diễn ca nhạc lành nghề nhất VN hiện nay Phạm Hoàng Nam. Nhưng đưa Đức Tuấn đến tầm cao mới sẽ là một êkip toàn người Anh: nhạc trưởng Paul Bateman (người sẽ chỉ huy các buổi hoà nhạc tại Olympic sắp tới), nhà thiết kế sân khấu kiêm phục trang Christopher de Wilde, kỹ sư âm thanh Colin Boland cùng ba biên đạo múa Anthoula Papakadis, Ryan Jennis và Jessica Knight.

Tuy thế, sôi nổi và đang tạo hiệu quả hơn chính là việc “những người biết chuyện” tự lập một êkip và chắp cánh cho những cá tính mà họ cho là xứng đáng. Như Huy Tuấn và ban nhạc Anh Em đã bỏ nhiều tâm sức thực hiện chuỗi chương trình Âm nhạc trên tầng cao hay êkip của đạo diễn Việt Tú với Không gian âm nhạc.

Ý tưởng và mục tiêu của hai chương trình gần như giống nhau: tạo nên một không gian thưởng thức âm nhạc ấm áp và chất lượng, đáp ứng được nhu cầu hát của ca sĩ và nhu cầu của khán giả được thưởng thức giọng ca đẹp hay những sáng tạo đáng trân trọng từ nghệ sĩ. Thiện ý chắp cánh từ những người giỏi nghề và tâm huyết này đã khiến nhiều ca sĩ dẹp bỏ kiêu hãnh của riêng mình để cùng bắt tay tạo dựng nên những chương trình mà không chỉ họ được thăng hoa mà còn mang đến cảm giác mê đắm cho người thưởng ngoạn.

Nhạc sĩ Huy Tuấn: “Hợp sức giúp ca sĩ thể hiện mình”

Không phải ca sĩ nào cũng có thể thực hiện những sô diễn được biên tập và dàn dựng công phu, chu đáo hằng tháng, hằng năm. Rất nhiều ca sĩ lớn phải vài năm mới thực hiện được một sô hay tour diễn. Và có nhiều ca sĩ cả đời cũng chỉ có được một sô cho riêng mình. Vậy nên chúng tôi đã cùng nhau hợp sức tạo nên các chương trình giúp những giọng ca đã thành danh lẫn những cá tính đang định hình được thể hiện mình thường xuyên hơn cũng như để đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc thực thụ của khán giả.

Đạo diễn Việt Tú: “Bạn sẽ hiểu vì sao phải đến Hà Nội…”

Với mô hình đang làm, chúng tôi mong muốn hay nói đúng hơn là ước mơ về một không gian âm nhạc đúng nghĩa, nơi các ca sĩ, nhạc công và nghệ sĩ có thể coi đó là ngôi nhà của mình, không gian của mình và khán giả cũng có một không gian để tới đó và thưởng thức âm nhạc của người nghệ sĩ mà họ yêu quý. Không gian âm nhạc bao hàm “không gian” lẫn “âm nhạc”, cả hai yếu tố sẽ tương tác với nhau để tạo ra cảm xúc tổng thể cho người thưởng thức âm nhạc.

Đó chính là lý do tại sao chúng tôi thống nhất đặt tên cho chương trình là Không gian âm nhạc và không có ý định mang “không gian” này đến những nơi khác. Khi đi ngoài đường ở một con phố trung tâm của Hà Nội, tự nhiên rẽ vào trong sân trường đại học cổ kính, rất nhiều bóng cây và bước vào một khán phòng được xây dựng từ thế kỷ 19 với chỉ 287 ghế ngồi, bạn sẽ hiểu vì sao phải đến Hà Nội để xem Không gian âm nhạc.