22/12/2024

Người sống không cần tiền!

Bà Heidemarie Schwermer, người Đức, sinh năm 1942. Bà có cuộc sống rất đặc biệt và “ngược đời” đối với chúng ta.

 Người sống không cần tiền!

“Tôi tự hỏi, liệu bạn có thể tưởng tượng mình không sở hữu thứ gì. Không cần phải tham lam hay cảm thấy đói khát. Toàn là tình anh em đồng loại. Thử tưởng tượng tất cả chúng ta đều chia sẻ với nhau thế giới”…

Đó là một đoạn trong bài hát Imagine của John Lennon. Nó rất phù hợp với bà Heidemarie Schwermer, người Đức, sinh năm 1942. Bà có cuộc sống rất đặc biệt và “ngược đời” đối với chúng ta. Bà từng có đầy đủ những gì cần có mà xã hội hay đề ra cho một người bình thường: nhà cửa, bảo hiểm, lương hưu đủ để sống sung túc ở miền đông nước Đức. Nhưng rồi bà cho đi tất cả, đã 15 năm nay bà đoạn tuyệt với tiền.

Trong thế giới mà giá trị vật chất lên ngôi, trở thành tiêu chuẩn để đánh giá con người và người ta đang điên lên vì sự thúc bách “tôi có gì” hay “tôi sở hữu những gì”, thì bà Heidemarie không để tiền hiện hữu trong cuộc đời mình. Bà trở thành nhân vật cho bộ phim tài liệu về bà, được hàng chục quốc gia đón nhận. Người ta đang quen với “sống xanh, sống tiết giảm”, nhưng chưa nhiều người đủ dũng khí “không thèm có tiền” như bà. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện qua mạng với bà Heidemarie Schwermer.

Nghĩ về những người nghèo khổ

“Tôi sống không có tiền có nghĩa tôi phát hiện một cuộc sống có chất lượng mới mà tôi cảm nhận được thông qua sự quan tâm và chia sẻ với người khác. Tôi quan tâm tới mình, tới hàng xóm, tới xã hội. Tất cả dường như tạo nên sức bật mới, dâng hiến cho cuộc sống. Thay vì chạy theo một cách đau khổ những phú quý tiền tài, để mối quan tâm của cuộc đời vào vật chất, những gì tôi quan tâm hiện nay là từ bên trong. Theo cách này sẽ dẫn đến sự thay đổi các giá trị, sự thay đổi đó chính là cái mà chúng ta cần để bù đắp những đổ vỡ. Có sự khác nhau giữa người nghèo, người giàu, xảy ra thảm hoạ thiên nhiên và những điều xấu xa khác đều đến từ lòng tham về tiền bạc của con người”

 Heidemarie Schwermer

* Nếu bà không dùng tiền, bà có dùng thẻ tín dụng hay séc không?

– Không. Tôi không dùng thẻ tín dụng hay séc! Tôi tặng tất cả tiền mà tôi nhận được cho những ai cần. Sau khi cuốn sách đầu tiên của tôi được phát hành, tôi nhận được rất nhiều tiền tác quyền và tôi cũng tặng cả. Từ tháng 5-1996, tôi cho đi tất cả mọi thứ mà mình sở hữu như nhà, bảo hiểm… Từ đó đến nay, tôi sống với người khác trong nhà của họ, giúp họ làm việc nhà, và đổi lại, nhận được chỗ ngủ và đồ ăn.

* Đó hẳn là một quyết định cực đoan. Nó xuất phát từ đâu?

– Khi tôi còn nhỏ, có một sự kiện đã xảy ra rất bất ngờ. Cả gia đình tôi phải rời căn nhà rất lớn, rộng rãi, đầy đủ để trở thành dân tị nạn chiến tranh. Điều này đã ảnh hưởng tới tôi ghê gớm. Tôi bắt đầu nghĩ về sự sở hữu và các giá trị. Tại sao một người không sở hữu thứ gì lại trở nên không còn giá trị nữa? Khi lớn lên, tôi nghĩ về những người nghèo khổ trên thế giới.

Trong các chuyến đi tới Nam Mỹ trong một năm, tôi gần như không thể chịu được cảnh nghèo đói bắt gặp nơi đây. Có một câu hỏi luôn ở trong đầu tôi: Có cách nào chúng ta có được thế giới tốt đẹp hơn, thế giới mà mỗi con người đều có được thêm phẩm giá của mình? Tôi đã cố ba lần để thoát ra khỏi cái hệ thống với những cấu trúc giá trị của con người. Nhưng tôi đều phải quay trở lại lối cũ.

17 năm trước, tôi thành lập một cửa hàng trao đổi ở Dortmund và dần nhận ra mình ngày càng cần ít tiền hơn. Tôi trao đổi hầu hết mọi thứ, và làm việc với người khác mà không nhận tiền, cũng không phải trao tiền, mà nhận được kiến thức, kinh nghiệm, sự thông thái. Những kinh nghiệm này đã giúp tôi thử sống một năm không cần tiền. Sau một năm đó, tôi nghiệm lại và thấy không gặp khó khăn gì. Từ đó tôi không muốn sống cuộc đời cũ nữa. Tôi đã phát hiện một cuộc sống rất khác, và nó đẹp tuyệt vời.

* Một ngày bình thường của một người không tiêu tiền như thế nào?

– Tôi thức dậy lúc 7g, ăn sáng và ngồi trước máy tính ở căn nhà tôi đang sống nhờ. Hiện nay tôi đang viết cuốn sách thứ ba của mình, và làm việc cho tới 14g. Sau đó tôi nấu ăn, gặp bạn bè, đọc sách. Mỗi tuần một lần tôi làm việc với một nhóm tặng đồ ăn cho người khác để có được thức ăn. Sau năm giờ làm việc mỗi tuần đó, tôi có đủ thức ăn cho cả tuần.

Tôi không mua gì cả. Tôi sống với những người khác, trông nom nhà cửa hay giúp đỡ họ để đổi lấy đồ ăn. Tôi cảm thấy mình rất giàu có mà không cần tiền. Tiền lương hưu, tôi cho cả. Đồ ăn, quần áo và tất cả mọi thứ tôi cần trong một ngày đều đến từ những người khác sau khi tôi và họ trao đổi với nhau. Hiện tại, khi đang ngồi trả lời các câu hỏi của bạn, tôi đang trông nhà cho một gia đình đi nghỉ trong ba tháng ở miền bắc nước Đức. Họ rất vui khi tôi trông nom nhà cửa cho họ, vì tôi quán xuyến mọi việc, chăm sóc vườn tược. Và tôi cũng vui vì có thể có nhà trong một thời gian dài.

Sống với niềm tin vào cuộc đời

* Trong tiếng Anh có câu “Money talks”. Đồng nghĩa với nó, tiếng Việt chúng tôi là “Tiền là tiên là Phật”, với hàm ý tiền có vai trò quyết định mọi thứ. Làm sao bà, một người không có tiền, lại có thể nói để người khác tin, và lại còn gây ảnh hưởng tới người khác về lối sống khác thường của mình?

– Tôi sống với niềm tin vào cuộc đời. Bởi tôi biết tất cả những thứ mình cần sẽ đến đúng lúc với tôi. Tôi đã có được sự tự do vĩ đại vì tôi không phải chạy theo đồng tiền. Bởi vậy, tôi không mất gì cả! Tôi chỉ mới nghỉ hưu cách đây bốn năm. Tôi bắt đầu sống không có tiền khi còn là một chuyên viên tâm lý trị liệu. Tôi quyết định như vậy vì không thể chịu được cảnh nghèo túng trên thế giới. Mỗi ngày có hàng triệu người đang đói vì không có cái ăn. Thật là một sự xấu hổ cho thế giới khi chỉ một số ít người lại có rất nhiều tiền.

* Bà đã “vi phạm” cam kết của mình bao giờ chưa?

– Chưa. Những gì tôi đang làm là điều mà tôi đã nghĩ rất nhiều. Chúng ta cần những cấu trúc mới, những giá trị mới trên thế giới này. Tôi sống vì những điều đó.

* Theo quan niệm của bà, hạnh phúc có phụ thuộc việc chúng ta sở hữu, chi tiêu hay kiểm soát bao nhiêu không?

– Không. Đúng là hạnh phúc xuất phát từ bên trong con người. Bởi vậy, những nghiên cứu cho thấy con người sống ở nước nghèo lại hạnh phúc hơn người ở nước giàu.

* Trong thế giới vật chất ngày nay, thành công thường được đánh đồng với sở hữu bao nhiêu của cải. Bà có nghĩ mình thành công không?

– Tôi rất thành công vì khá nhiều nơi trên thế giới người ta quan tâm tới những gì tôi đang làm. Tôi nghĩ đó là vì mọi người bắt đầu nhận ra thế giới không thể tiếp tục vận hành như thế này mãi. Họ đang tìm ra những cách thức vận hành mới.

* Giả sử bà gặp chuyện gì bất trắc, như về sức khoẻ chẳng hạn, bà sẽ ra sao?

– Tôi không biết nữa. Nhưng hôm nay tôi đang sống! Từ 20 năm nay, tôi không tới bác sĩ. Tôi là người phụ nữ hạnh phúc vì có nhiều ý tưởng, nhiều việc để làm, nhiều niềm vui để vui, tình yêu để hưởng thụ và còn nhiều thứ nữa. Tóm lại, cuộc đời tôi rất tuyệt.

Tác giả Trung tâm “Cho và nhận”

● Heidemarie Schwermer đã làm giáo viên cấp II khoảng 20 năm trước khi trở thành chuyên gia tâm lý trị liệu. Bà có hai con và ba cháu. Trung tâm “Cho và nhận” mà bà sáng lập năm 1994 là mô hình đầu tiên ở Đức về trao đổi hàng hoá, kỹ năng và không có sự hiện diện của tiền. Heidemarie Schwermer đã xuất bản hai cuốn sách, trong đó cuốn Das Sterntalerexperiment – mein Leben ohne Geld (Cuộc đời không tiền của tôi) đã được dịch sang tiếng Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn 20 quốc gia đã chiếu bộ phim về bà.

●  Mọi người có thể xem bộ phim tài liệu về cuộc sống không tiền của Heidemarie Schwermer tạihttp://livingwithoutmoney.org/. Bộ phim theo sát Heidemarie trong cuộc sống hằng ngày của bà, với những người gọi bà là “ăn bám” người khác, nhưng cũng có người gọi bà là nguồn cảm hứng lớn. Bộ phim nói về sự ảnh hưởng của tiền bạc tới cách chúng ta nghĩ, sống và hành động, cũng như ảnh hưởng của nó tới cuộc đời chúng ta, sức khoẻ và môi trường xung quanh. Một bộ phim nói về chủ nghĩa vật chất và sự tiêu thụ quá mức của con người hiện nay.