24/01/2025

Thân phận sân khấu

Hình như sau những rực rỡ xiêm y, những thân phận nhân vật, cũng có một “thân phận sân khấu” mà cuộc đời ít để ý bằng những bộ môn nghệ thuật khác…

 Thân phận sân khấu


12.8 âm lịch, ngày Giỗ tổ Sân khấu, cũng là ngày Sân khấu Việt Nam, chợt nghĩ tới những điều sau cánh màn nhung…

Hình như sau những rực rỡ xiêm y, những thân phận nhân vật, cũng có một “thân phận sân khấu” mà cuộc đời ít để ý bằng những bộ môn nghệ thuật khác…

Hết lòng, tận tuỵ

Thật sự sân khấu (SK) cống hiến cho người dân rất nhiều và rất giá trị. Nhiều, bởi nó ra đời sớm, từ chèo, tuồng, đến cải lương, kịch nói, lịch sử đã hàng ngàn, hàng trăm năm, trải khắp đất nước. Biết bao thế hệ khán giả đã thưởng thức, học tập từ SK những bài học nhân văn, đạo đức.

Cho đến bây giờ, dù nơi này nơi kia có những vở yếu kém một chút, có chạy theo thị trường một chút, nhưng nhìn chung vẫn là một tổng thể tử tế, cố gắng đem đến cái đẹp, cái hữu ích cho đời. Từ Mẹ Đốp châm biếm bọn quan lại phong kiến thối nát, cho đến Nhuỵ Kiều tướng quân nêu cao tinh thần bất khuất của dân tộc, hay Kiều Nguyệt Nga thuỷ chung, tiết liệt, hoặcTrầu cau ngọt ngào bản sắc VN, rồi lung linh tình yêu và nhân nghĩa trong Xóm nhỏ Sài Gòn, Cánh đồng bất tận… Có khi cười hả hê và suy ngẫm thế thái nhân tình với Xóm gà, Kỹ nghệ lấy Tây, Chuyện nàng hoa hậu… hay đến cái nhìn mạnh mẽ trực diện vào xã hội của Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta… Những ấn tượng về SK dường như vẫn là những ấn tượng tốt. Thôi thế cũng nhẹ lòng.

Và nghệ sĩ SK vẫn đáng yêu bởi sự tận tuỵ sống chết với nghề. Nghệ sĩ ngôi sao giá ngất ngưởng, cũng có, nhưng số đó không nhiều. Nhiều nhất vẫn là những trái tim trót mê cánh màn nhung rồi đêm đêm vắt kiệt sức mình như con tằm nhả tơ, có khi cát-sê chỉ vài trăm ngàn đồng. Có đi xem Thành Lộc, Hữu Châu, Kim Xuân, Ái Như, Thành Hội, Hồng Vân, Việt Anh, Công Ninh… tập tuồng, mới thấy thương cho nghệ sĩ. Khan cổ, rát hơi, có khi gục xỉu trên SK, mà tiền mỗi đêm chưa chắc bằng một tập phim vừa đóng. Nhưng đó mới chính thật là tim óc của họ, là tình yêu, thăng hoa, hạnh phúc.

Tự trọng nhưng… nghèo

Nói đến SK là người ta nghĩ ngay đến điểm sáng TP.HCM. Bởi nơi đó sáng đèn hằng đêm, sáng cả nghề, và sáng lòng sáng dạ. Sáng đèn nhờ những nghệ sĩ đầy lòng tự trọng, tự bứt mình lên khỏi những khó khăn để tạo cơ hội cho chính mình, thoát cảnh dựa dẫm, xin cho. Họ bươn chải, ngồi bán từng cái vé, cho nhân viên giao tận nhà khán giả, chăm chút từng chai nước cho khách, từng lò hương trầm thơm ngát khán phòng, từng chiếc bong bóng xinh xinh cho trẻ em…

Họ chiều chuộng khán giả, nhưng được đứng thẳng để làm nghệ sĩ, làm những gì mình và khán giả cùng giao thoa yêu thích. Nồi cơm của họ lúc nào cũng khắc khoải đầy vơi, nhưng họ vẫn có Nỏ thần, Chiếc áo thiên nga, Mùa đông cuối cùng, Nàng tiên cá, 270 gram, Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Một cuộc đời bị đánh cắp, Nửa đời ngơ ngác, Hãy khóc đi em… Có sáng đèn thì nghề mới được mài giũa thường xuyên, mới sáng nghề, sáng tạo. Chẳng được tiền cho, ngược lại, còn đóng thuế đầy đủ, không phải tự trọng nữa mà chính là tự hào.

Nhưng tự hào rồi cũng chạnh buồn. Bởi nhìn chung SK VN nghèo quá, cả đơn vị nhà nước lẫn đơn vị xã hội hoá. Và cũng vì nghèo nên không dám đầu tư. Người ta làm bộ phim 30 tập đến 4 tỉ đồng mà có bao nguồn tài trợ. Còn SK dựng một vở 300 – 400 triệu đã tròn mắt xuýt xoa. Thấy thương cho thân phận nhà nghèo!

Hình như có rất nhiều người, nhiều cấp bảo rằng yêu SK, nhưng ai mới là người thay đổi, đỡ nâng?

Dùng người trẻ

Thành quả lớn nhất của năm 2010 đến 2011 để “báo cáo với Tổ nghiệp” là đào tạo được gần 20 tác giả trẻ viết kịch bản SK, khi thực tế các trường SK, trường văn hoá không có khoa đào tạo này, mấy chục năm qua lứa tác giả cũ đã lớn tuổi và ít sáng tạo hơn. Người trẻ chưa có kinh nghiệm bằng, nhưng họ lại có ý tưởng mới, táo bạo, đột phá. Chính đó là cái chúng ta cần hiện nay. Chỉ cần bồi dưỡng, biên tập thêm, là kịch bản của tác giả trẻ sẽ dùng được.

Soạn giả Lê Duy Hạnh – Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM