24/01/2025

Nhiều nhà văn cứ mãi “dậy thì”

Sự thuận tiện của in ấn, sự mở rộng của thị trường sách và sự đói thông tin của truyền thông đã dẫn đến một hệ quả là sách in ra rất nhiều và có quá nhiều nhà văn trẻ được quảng bá, tung hô.

 Nhiều nhà văn cứ mãi “dậy thì”

“Những cây bút dậy thì” là hình ảnh mà nhà văn trẻ Miên Di (Gia Lai) dùng để chỉ mình và các bạn – những nhà văn được coi là trẻ, đang sung sức cả về thể lực và tay nghề, vừa về dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần 8.

Với 112 đại biểu chính thức tuổi đời từ 35 trở xuống và hơn 100 khách mời tuổi từ 50 trở lên tham dự, hội nghị lần 8 tổ chức tại ba địa điểm: đền Hùng (Phú Thọ), Tuyên Quang và Thái Nguyên trong bốn ngày (8 đến 11-9).

Trừ điểm đầu và điểm cuối mang ý nghĩa lễ lạt và du lịch, giao lưu, hai ngày 9 và 10-9 tại Tuyên Quang, các nhà văn cả trẻ và già có bốn phiên hội thảo đặc kín chương trình với nhiều bản tham luận và nhiều ý kiến tâm huyết, đặc biệt về nhận thức tính chuyên nghiệp của nhà văn và trách nhiệm xã hội của những người trẻ cầm bút.

Viết văn là một việc dễ?

Chắc chắn nhiều cây bút trẻ trên văn đàn hôm nay có chung xuất phát điểm như Meggie Phạm – cô gái Huế vừa tròn 20 tuổi đã có cuốn tiểu thuyết đầu tay Hoàng tử và em: “Thật sự tôi bắt đầu viết không bằng ý định nghiêm túc, tôi không viết để được nổi tiếng, được xuất bản hay được lăngxê… Khi viết hai quyển truyện của mình, tôi vừa tròn 18. Tôi viết chỉ vì tôi thấy viết… dễ, tôi viết chơi”.

Sự thuận tiện của in ấn, sự mở rộng của thị trường sách và sự đói thông tin của truyền thông đã dẫn đến một hệ quả là sách in ra rất nhiều và có quá nhiều nhà văn trẻ được quảng bá, tung hô.

Nhà phê bình trẻ Hoàng Đăng Khoa cũng thừa nhận một cách gay gắt về cái sự dễ và nhiều của văn chương thế hệ mình: “Chưa bao giờ đời sống văn thơ trẻ lại xôm trò như bây giờ. Một nữ ca sĩ có thể góp mặt dễ như chơi trong làng tiểu thuyết khi viết tự truyện gây sốc. Rồi thơ nói hộ, thơ nói toạc, thơ nghĩ tục chửi thề, thơ nghĩ sao viết nấy, thơ thích thế nào nói thế ấy, thơ không cần chữ, không cần thiết bùng phát dưới những mỹ danh…”.

Nhưng cũng vì quá dễ và quá nhiều nên văn học trẻ mãi vẫn ở giai đoạn mà theo nhà thơ Hữu Thỉnh là “định hình”. Và chặng đường định hình của các nhà văn trẻ được nhà thơ lão thành từng đi qua chiến tranh và qua ba nhiệm kỳ chủ tịch Hội Nhà văn miêu tả: “Nhiều tràn đầy nhưng còn ít sâu lắng, dàn đồng ca khá mạnh nhưng ít những giọng lĩnh xướng vang xa, thêu thùa cho cá nhân thì khéo nhưng may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công”. Như vậy, thực tế đã cho thấy và các nhà văn trẻ cũng thừa nhận: viết thì dễ, nhưng viết tiếp như thế nào để tác phẩm được xã hội công nhận thì còn hơn cả khó. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà văn trẻ cứ mãi “dậy thì”.

Người viết trẻ có cần trách nhiệm xã hội?

Có khá nhiều người viết trẻ chia sẻ với nhau bên lề hội nghị và trên các diễn đàn mạng khi nói về trách nhiệm xã hội. Tại sao văn chương lại phải có trách nhiệm xã hội? Một khi tôi chỉ viết về cái tôi của mình không có nghĩa là nó không hay, không sâu sắc. Văn chương chứ đâu phải báo chí hay bài giảng đạo đức? Văn chương viết về cái gì cũng tốt, miễn nó hay, miễn nhà văn có thực tài…

Còn trên diễn đàn hội nghị lần này, hầu hết ý kiến của cả nhà văn đầu bạc và đầu xanh lại đều nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội của người viết.

Vẫn chủ tịch Hội Nhà văn đặt câu hỏi: “Các bạn muốn nói đến một nền văn học hiện đại, giao diện với toàn thế giới. Thế thì quý hoá quá, chúng ta khao khát được đồng hành với nhân loại từ lâu. Nhưng tò mò muốn hỏi các bạn sẽ gửi thông điệp gì cho nhân loại từ địa chỉ VN? Và trong khi trò chuyện với nhân loại, các bạn có bỏ quên số phận của một bộ phận nhân loại đang đau đáu gửi đá và gửi máu ra biển đảo hay không? Các bạn có nói đến những ác mộng, những mê sảng, những cơn đau tột cùng cả thể xác và tinh thần của các nạn nhân da cam hay không? Và các bạn có nói cho cư dân mạng biết có những cô giáo lỡ làng duyên phận sau nhiều năm dạy học đơn chiếc ở vùng cao hay không? Tất cả những câu chuyện bằng xương bằng thịt ấy có làm tổn hại đến tính sang trọng của văn học mười đầu ngón tay hay không?”.

Và rất nhiều nhà văn trẻ đã tự đặt câu hỏi và tự đòi hỏi với mình. Nguyễn Xuân Thuỷ – cây bút mặc áo lính trở về sau hai năm ở Trường Sa và đã cho ra đời tập truyện mang tên rất thời thượng Sát thủ online – thừa nhận: “Không phải cứ lặn thật sâu vào cuộc sống thì sẽ cho ra đời những sản phẩm văn chương chất lượng. Thế nhưng rất nhiều tác phẩm văn chương có giá trị đều xuất phát từ những trải nghiệm đắt giá của tác giả”.

Và anh tự răn mình: “Trách nhiệm xã hội trước hết là trách nhiệm với chính những trang viết, trách nhiệm với từng con chữ mình, với tác phẩm của mình, trước khi quan tâm đến những vấn đề lớn lao hơn như là vận mệnh dân tộc, đời sống cần lao, nói tiếng nói của thời đại mình, dân tộc mình”.