23/11/2024

Hàng loạt ngành học phải đóng cửa

Không chỉ các trường ĐH địa phương, trường tốp dưới mà ngay cả các ĐH vùng cũng nằm trong tình cảnh một số ngành “cửa mở nhưng không có người học”.

 Hàng loạt ngành học phải đóng cửa

Không chờ đến nguyện vọng (NV) 2, một số trường ĐH đã đóng cửa ngành học ngay khi công bố điểm chuẩn NV1.

Ngày 8-8, ĐH Đà Nẵng công bố điểm chuẩn NV1 cho các trường thành viên, đồng thời thông báo đóng cửa hai ngành kinh tế chính trị và thống kê tin học do không có thí sinh trúng tuyển. Đây là năm thứ hai liên tiếp trường đóng cửa các ngành này sau khi xét tuyển NV1 mà không đợi đến NV2, NV3. Tương tự, Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) cũng thông báo đóng cửa ngành tài chính ngân hàng sau khi công bố điểm chuẩn NV1. Mặc dù đây là ngành “hot” hiện nay nhưng cũng chỉ có một thí sinh trúng tuyển và trường đã phải chuyển thí sinh này sang ngành khác.

Không có thí sinh

Không chỉ các trường ĐH địa phương, trường tốp dưới mà ngay cả các ĐH vùng cũng nằm trong tình cảnh một số ngành “cửa mở nhưng không có người học”. Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị nằm trong cảnh éo le này. Và để có thể tuyển được thí sinh, ĐH Huế vừa phải hạ điểm chuẩn hai ngành mỹ thuật ứng dụng và quản trị kinh doanh đối với phân hiệu tại Quảng Trị. Không chỉ hạ điểm chuẩn, ĐH này còn vận dụng điều 33 cho phân hiệu này mới mong tuyển đủ chỉ tiêu.

Tình hình còn bi đát hơn tại Trường ĐH Đồng Tháp. Với hơn 1.800 chỉ tiêu NV2 cho 26 ngành bậc ĐH nhưng đến thời điểm này mới có 130 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Có ngành chỉ có một hồ sơ, có ngành vẫn chưa có hồ sơ nào. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ – hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp – cho biết cách đây khoảng một tuần, khi thống kê số thí sinh trúng tuyển NV1 và hồ sơ NV2, trường dự kiến phương án cho các khoa thương lượng để có thể chuyển thí sinh và đóng cửa hơn 10 ngành. Tuy nhiên trường sẽ chờ xét tuyển hết NV2, NV3 mới quyết định. Riêng hai ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp dù đã áp dụng điều 33 nhưng cũng chỉ có hai thí sinh/ngành. Một số ngành không có thí sinh dự thi NV1 và lượng hồ sơ NV2 quá ít nên chắc chắn sẽ phải đóng cửa là sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, công nghệ thiết bị trường học, khoa học thư viện, công tác xã hội, quản lý văn hoá. “Mặt bằng điểm thi của thí sinh khu vực khá thấp. Phổ điểm chủ yếu đủ vào bậc CĐ trong khi nguồn tuyển NV2 cho bậc ĐH rất ít. Nhiều ngành chỉ có 1, 2 hồ sơ” – ông Đệ cho biết thêm.

Hồi hộp chờ đóng cửa… ngành

Trong khi đó, một số trường ngoài công lập đang hết sức hồi hộp chờ xét tuyển NV3. Đến thời điểm này, một số ngành như tiếng Nhật, kỹ thuật xây dựng của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM chỉ có chưa tới 10 hồ sơ. Trong khi đó, Trường ĐH Văn Hiến dù nhận hơn 900 hồ sơ nhưng phần lớn tập trung vào nhóm ngành kinh tế. Các ngành khối xã hội như văn học, xã hội học, tâm lý học, tiếng Anh, Đông phương học chỉ có trên 10 hồ sơ/ngành. Năm 2010, Trường ĐH Văn Hiến phải đóng cửa hai ngành văn hoá học và VN học do có quá ít thí sinh. Ông Nguyễn Quốc Hợp – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn Hiến – cho biết tình hình hồ sơ xét tuyển NV2 năm nay ảm đạm hơn năm trước. Tuy nhiên do thí sinh được rút hồ sơ xét tuyển nên trường cũng hi vọng vào những ngày cuối, thí sinh sẽ nộp nhiều hơn hoặc sẽ phải chờ đến NV3.

Tương tự, ông Hoàng Xuân Quảng – phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang – cho biết tổng hồ sơ vào trường nhiều hơn chỉ tiêu cần tuyển nhưng chủ yếu tập trung ở bậc CĐ. Ở bậc ĐH, một số ngành sẽ phải đóng cửa do có quá ít thí sinh. Trong đó có các ngành sư phạm bậc ĐH như lý, hoá, địa lý, lịch sử… và ngành chăn nuôi. “Những năm trước các ngành sư phạm đã ít nhưng cũng còn đủ số lượng mở lớp, chỉ khó khăn ở các ngành sư phạm kỹ thuật. Năm nay các ngành sư phạm cơ bản cũng phải đóng cửa” – ông Quảng cho hay.

Không chỉ các ĐH vùng, ĐH địa phương, ngay cả các trường tại TP.HCM cũng nằm trong tình cảnh này. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho biết một số ngành thuộc nhóm ngành cơ khí, nông nghiệp có thể sẽ đóng cửa trong kỳ tuyển sinh năm nay. Một số ngành cơ khí có ít thí sinh trúng tuyển nên có thể sẽ gộp nhiều ngành lại đào tạo chung chứ không đủ số lượng để mở ngành đào tạo riêng.

Chính sách bất hợp lý?

Từ năm 1998-2009 có 312 trường ĐH, CĐ được thành lập mới. Tỉ lệ sinh viên/ 1 vạn dân năm 1997 là 80 và tỉ lệ này đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2009 (195 sinh viên/1 vạn dân).

Theo TS Vũ Thị Phương Anh – phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập:  “Năm nào cũng có trường ĐH-CĐ mới thành lập, chỉ tiêu tuyển sinh các trường tăng đều mỗi năm. Chỗ học tăng lên trong khi lượng thí sinh tăng không đáng kể, bộ lại giữ nguyên điểm sàn trong nhiều năm nay nên dĩ nhiên nhiều trường sẽ không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều người lo ngại điểm sàn thấp chất lượng đào tạo sẽ như thế nào? Tuy nhiên điểm sàn mới chỉ là chất lượng đầu vào, còn cả quá trình bồi dưỡng, đào tạo ở các trường nữa. Lẽ ra nên kiểm soát đầu ra thì bộ lại khoán trắng cho các trường và nắm chặt đầu vào”.

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại ĐBSCL cho rằng việc một số ngành không tuyển sinh được, trong đó có ngành sư phạm, bắt nguồn từ nhu cầu nhân lực của xã hội đã bão hoà nên thí sinh không lựa chọn. Thêm vào đó, một số ngành tuy có nhu cầu nhân lực nhưng mặt bằng điểm thi của thí sinh khá thấp, không thể vào được. Kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm cho thấy dù xét NV2, NV3 vẫn không thể tuyển được vì nguồn tuyển đã hết. Thí sinh điểm cao khu vực khác lại không chịu về học ở các trường ĐH địa phương.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống – phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long – cho rằng việc quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển ĐH chưa hợp lý. Chúng ta thiếu các trường ĐH cộng đồng tốp dưới đáp ứng cho đại đa số người có nhu cầu học tập và làm việc tại các địa phương, trong khi lại phát triển quá nhanh trường ĐH tốp giữa. Cái cần chúng ta lại chưa phát triển trong khi việc ĐH hoá các trường CĐ như hiện nay khiến mạng lưới bị thừa và lẫn lộn. Cách tuyển sinh hiện nay mới chỉ nhắm vào khúc giữa, chưa phù hợp với các trường tốp dưới. Điểm sàn cần phù hợp với mặt bằng chung giáo dục của vùng miền và đặc thù đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học và nhân lực của địa phương. Cần xác định rõ loại hình trường để có hình thức tuyển sinh hoặc điểm sàn phù hợp.