24/01/2025

Giảm tải chương trình: Chỉ mới nghe nói!

Năm học mới vừa bắt đầu vài tuần lễ nhưng phụ huynh đã kêu trời vì chưa thấy giảm tải đâu chỉ thấy con mình học nặng quá!

 Giảm tải chương trình: Chỉ mới nghe nói!

Dù đã qua nhiều tuần thực học nhưng giáo viên (GV) các địa phương vẫn chưa tiếp cận được với… giảm tải. Đó là chưa kể việc này sẽ không thực sự có ý nghĩa nếu GV vẫn cố tình “nhồi nhét” bài tập nâng cao, tăng ca học thêm.

Chưa hề nhận được tài liệu

Đến thời điểm này, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại Hà Nội, GV bậc THPT đã nhận được tài liệu giảm tải từ đầu tháng 9 nhưng GV tiểu học, THCS thì chưa hề biết “mặt mũi” tài liệu này ra sao.

Cô Nguyễn Hoàng Ly – GV dạy lớp 4 trường Tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa), cho hay: “Ở trường chúng tôi, GV chưa hề nhận được tài liệu hướng dẫn giảm tải. Chúng tôi cũng không được mời và gửi tài liệu để tham gia góp ý trong quá trình lấy ý kiến đóng góp nên không biết nội dung giảm tải cụ thể của chương trình tiểu học ra sao”.

Cô Ly cũng cho rằng việc giảm tải đối với chương trình tiểu học lớp 4 là rất cần thiết vì trong cả cấp tiểu học, kiến thức lớp 4 là nặng nhất. “Chúng tôi rất hồi hộp chờ xem tài liệu giảm tải có giải quyết được thực trạng đó không”, cô Ly nói. Ông Nguyễn Quang Phương – GV toán trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội), cũng cho biết: “Tôi đang rất sốt ruột vì chưa nhận được tài liệu giảm tải”.

Theo nhiều GV tại TP.HCM, hầu hết thông tin hướng dẫn, họ đều phải cập nhật trên mạng. “Sở GD-ĐT đã có phân phối chương trình cho năm học là 37 tuần, và giờ chúng tôi đã dạy đến tuần thứ 4 nhưng việc giảm tải vẫn chỉ dừng lại ở mức độ thông tin mà chưa có gì cụ thể”, bà Hồ Thị Tuyết Tơ – Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) cho biết. Tương tự, ông Lê Công Triệu – Hiệu trưởng trường THPT Bình Tân (Q.Bình Tân), chia sẻ: “Hiện Sở vừa có lịch tổ chức hội nghị chuyên môn các bộ môn, trường phải chờ sau hội nghị này nếu có hướng dẫn chính thức thì trường mới có thể thực hiện”.

 

”Việc giảm tải dường như còn khá rụt rè, chưa mạnh dạn, cần giảm đi 30% chương trình thì mới có thể tạo ra một sự thay đổi thực chất” – PGS VĂN NHƯ CƯƠNG, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)

 

Ở bậc tiểu học cũng đang trong tình thế vừa dạy vừa chờ văn bản hướng dẫn của Bộ về thực hiện chương trình giảm tải. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 lo lắng: “Nếu cứ góp ý theo quy trình thì không biết đến khi nào Bộ mới tổng hợp xong ý kiến để ban hành văn bản chính thức khi mà năm học mới đã bắt đầu được hơn nửa tháng”.

Giảm tải còn “rụt rè”

PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhận định: “Việc giảm tải dường như còn khá rụt rè, chưa mạnh dạn, cần giảm đi 30% chương trình thì mới có thể tạo ra một sự thay đổi thực chất. Các bài, thậm chí các chương không cần thiết thì nên bỏ”. Đối với môn toán của chương trình THPT, theo ông Cương, dự thảo chưa dám mạnh dạn bỏ đi từng mảng kiến thức thực sự không cần thiết hoặc rất khó đối với học sinh như: số phức, phép biến hình…

Còn bà Nguyễn Như Hương – Tổ trưởng bộ môn ngữ văn, trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội), cho biết: “Đối với môn văn, nội dung giảm tải nhiều nhất tập trung ở chương trình lớp 10, lớp 12 chỉ cắt bỏ một bài”. Bà Hương nhận xét: “Chủ trương giảm tải là hợp lý, đáp ứng được mong đợi của người dạy, người học, nhưng nội dung giảm tải có cảm giác mới chỉ là bước “thăm dò” đầu tiên của Bộ GD-ĐT”. Tương tự như vậy, bà Võ Ngọc Thu – Trưởng phòng GD Q.5 (TP.HCM) cũng cho hay: “Bậc THCS giảm tải không nhiều, thông thường là cắt những mục khó trong một bài, cắt chương trình nâng cao, thay vào đó là tăng tiết luyện tập và thực hành”.

 

Bộ GD-ĐT: Đã chuyển tài liệu giảm tải

Ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Ngày 7.9, Bộ GD-ĐT đã gửi tài liệu giảm tải cho các trưởng phòng giáo dục tiểu học và giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh thành trên cả nước. Công văn kèm theo tài liệu này yêu cầu, các sở GD-ĐT cần chỉ đạo chuyển tài liệu này đến tận tay từng GV trong thời gian sớm nhất”.

 

Tuy nhiên, nhiều GV có chung tâm trạng mừng nhưng vẫn nơm nớp lo bởi việc giảm tải phải gắn liền với việc kiểm định, đánh giá chương trình và ra đề thi. “Nếu Bộ đã cương quyết giảm tải thì nhất quyết không ra đề thi có câu hỏi liên quan đến phần đó, dù là dễ nhất”, bà Chu Bích Ngà – GV trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) thẳng thắn nói.

Giảm nhưng vẫn… tăng!

Năm học mới vừa bắt đầu vài tuần lễ nhưng phụ huynh đã kêu trời vì chưa thấy giảm tải đâu chỉ thấy con mình học nặng quá!

Một phụ huynh ở Thanh Xuân Bắc (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Con tôi mới học lớp 2 nhưng đã phải làm bài tập nâng cao tương đương lớp 3. Đầu năm học, cô giáo phát cho mỗi học trò một tập dày cộp bài tập nâng cao, mỗi ngày phải làm 1-2 trang. Nhiều bài tập trong đó bố mẹ phải nghĩ “nát óc” mới giải được theo đúng cách”. Sau 2 tuần thì cô ra thông báo: Tổ chức dạy thêm cho các con một tuần 2 buổi để giải quyết các bài tập khó, mỗi buổi học là 60 ngàn đồng/học sinh.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Quang Phương nói thẳng: “Chương trình khó hay dễ là do GV quyết định phần lớn. Nếu GV dạy theo đối tượng học sinh, không cho bài nâng cao tràn lan thì chắc chắn sẽ không quá tải”. Ông Phương còn cho rằng: “Tâm lý phụ huynh thường lo lắng, sợ con mình học chưa đủ. Thế nên, nếu GV bảo bài khó, phải học thêm thì chắc chắn phụ huynh sẽ nghe theo ngay”.