24/01/2025

Cha, con và sách hay

Cuốn thứ nhất là Nền dân trị Mỹ của Alexis Tocqueville do người cha dịch. Cuốn thứ hai là Dân chủ và giáo dục của John Dewey do người con dịch. Cả hai cuốn đều do Nhà xuất bản Tri Thức in và cùng được trao giải Sách hay 2011.

 Cha, con và sách hay

Cha là Phạm Toàn, 80 tuổi. Con là Phạm Anh Tuấn, 54 tuổi. Sách là hai cuốn sách không thể thiếu, không thể không đọc trong kho tàng tri thức của thế giới hiện đại.

Cuốn thứ nhất là Nền dân trị Mỹ của Alexis Tocqueville do người cha dịch. Cuốn thứ hai là Dân chủ và giáo dục của John Dewey do người con dịch. Cả hai cuốn đều do Nhà xuất bản Tri Thức in và cùng được trao giải Sách hay 2011.

Hôm trao giải, ông bố Phạm Toàn rất muốn vào Sài Gòn rinh giải và vui thú cùng bạn bè trẻ già, nhưng bận việc làm bộ sách giáo khoa mới nên đành ở lại Hà Nội. Khi xướng danh sách cha được giải, Phạm Anh Tuấn vỗ tay mừng nhưng không lên nhận giải thay cha vì “cha chẳng uỷ nhiệm cho con nhận, mà cha con là ở trong nhà, khi ra xã hội là hai công dân, khi dịch sách là hai dịch giả”.

Nền dân trị Mỹ được trao giải ở hạng mục sách nghiên cứu. Ðược tin, Phạm Toàn cười to cái cười sảng khoái quen thuộc của người chưa bao giờ nghĩ mình nhiều tuổi, già tuổi. Ông vui, rất vui khi kể:

– Ðọc được một cuốn sách hay của nước ngoài mình thấy sướng một. Dịch được nó ra tiếng nước ta mình thấy sướng hai. Sách dịch ra in ra được người đọc đón nhận mình thấy sướng ba. Sách có sức ảnh hưởng lan truyền trong xã hội, có góp phần cho đất nước đi vào thế giới hiện đại mình thấy sướng bốn. Cái giải Sách hay cho mình thấy thêm ý nghĩa việc mình làm, thúc giục mình phải làm thêm nữa. Như cuốn của ông Tocqueville này, tìm được cái từ “dân trị” để dịch cái từ “democracy”, rồi lại được biên tập viên và nhà xuất bản đồng ý từ đó để có cái tên sách Nền dân trị Mỹ, đó là niềm vui của người dịch sách và làm sách.

Sức làm việc của ông già “tuổi lên tám (mươi)” Phạm Toàn thật đáng nể. Trước cuốn sách chính trị này, ông đã dịch nhiều tác phẩm văn học. Và hiện nay ông sắp cho ra mắt bộ sách giáo khoa mới gồm 14 cuốn đủ các bộ môn do ông cùng nhóm cộng sự biên soạn.

Còn người con Phạm Anh Tuấn nhận giải cuốn Dân chủ và giáo dục ở hạng mục sách giáo dục cũng đã thừa hưởng được của cha mình khả năng tư duy và dịch thuật. Vốn là học sinh chuyên ngữ phổ thông rồi vào học khoa ngoại ngữ sư phạm, anh ra trường không phải đã có được công ăn việc làm ngay. Nhưng giờ đây anh đã là một phiên dịch giỏi và một dịch giả uy tín. Công trình của John Dewey qua bản dịch của anh góp phần quan trọng cho tư duy đổi mới xã hội chúng ta hiện nay. Bản thân tên sách đã chứa đựng hai khái niệm căn cốt để xây dựng một quốc gia hiện đại. Phạm Anh Tuấn chia sẻ:

– Bố tôi có ảnh hưởng tới tôi, tất nhiên. Ảnh hưởng nhất là tinh thần độc lập – độc lập trong tinh thần, độc lập trong tư duy. Và giữa hai bố con tôi luôn có quan hệ dân chủ, ngoài tình bố con còn là tình đồng nghiệp, tình bạn. Tôi dịch sách như là một lẽ tất nhiên, như vừa là được khích lệ từ công việc của bố vừa là theo mạch suy nghĩ của mình. Cuốn sách của Dewey được dịch và xuất bản đối với tôi cũng là một trải nghiệm. Sách được đón nhận lại thêm một niềm khích lệ nữa đối với tôi. Hiện tại chúng ta đang cần có những cuốn sách lý luận như thế, đó là những viên gạch nhân loại đã làm ra để xây ngôi nhà hiện đại của mình. Còn về giải thưởng, tôi thấy là khi những con người có đầu óc độc lập tập hợp lại với nhau trên một tinh thần tự nguyện, trong tình cảm huynh đệ và phi lợi nhuận, vì một dự định chung thì những điều tầm thường không có cơ hội len lỏi vào.

Tôi lại nghe điện thoại của ông anh Phạm Toàn gọi. Ông giục tôi đến ngay, cầm lấy vài cuốn sách giáo khoa vừa ra lò, đọc đi, viết vài nhận xét cảm tưởng đi, để hôm tới ra mắt bộ sách ở Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội thì phát biểu.

Cha và con và sách… Còn thánh thần là các độc giả. Họ đang ở đâu?