24/01/2025

Bất an với giảm tải

Khi năm học mới đã trôi qua gần năm tuần, giáo viên mới cầm được tài liệu hướng dẫn giảm tải trên tay. Thế nhưng trái với sự kỳ vọng về một định hướng giảm tải thật sự, nhiều giáo viên bắt đầu lo lắng.

 Bất an với giảm tải

Khi năm học mới đã trôi qua gần năm tuần, giáo viên mới cầm được tài liệu hướng dẫn giảm tải trên tay. Thế nhưng trái với sự kỳ vọng về một định hướng giảm tải thật sự, nhiều giáo viên bắt đầu lo lắng.

Cô Thanh Hương – giáo viên môn địa lý ở Q.3, TP.HCM – tâm tư: “Nghe có chủ trương giảm tải từ đầu năm học, tôi đi dạy mà trong lòng không yên, cứ thấp thỏm chờ đợi. Đến khi nhận được tài liệu chính thức lại có cảm giác thất vọng vì có những bài mập mờ, không hiểu phải làm như thế nào cho đúng. Ví dụ: trong phần giảm tải môn địa lý bậc THCS có hướng dẫn đặt ra câu hỏi số 1, câu hỏi số 2 trong bài X, bài Y nhưng lại không yêu cầu học sinh trả lời”.

Giảm mà không giảm

Về môn văn THCS, một số giáo viên của các trường Trưng Nhị, Đống Đa, Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội) tỏ ra băn khoăn. Cô M.H. – giáo viên đang phụ trách dạy lớp 8, 9 – cho biết: “Trong tài liệu giảm tải có một số bài chỉ hướng dẫn chuyển từ dạy chính thức sang đọc thêm, nhưng đọc thêm thế nào phải làm rõ. Bởi không phải đọc thêm là cho học sinh về nhà tự đọc, tự nghiên cứu. Ít nhất cũng phải giới thiệu về tác giả, tác phẩm, gợi mở cho học sinh những giá trị cơ bản. Bởi có rất nhiều bài nằm trong diện đọc thêm là bài hay, cần thiết cho học sinh trong việc xây dựng nền tảng kiến thức, chuẩn bị các lớp học cao hơn”.

“Chạy đua giảm tải”

– Tháng 8-2011, Bộ GD-ĐT hoàn chỉnh việc biên soạn tài liệu giảm tải.

– Ngày 17-8, chuyển dự thảo tài liệu giảm tải đến các sở GD-ĐT và công bố trên trang web của Bộ GD-ĐT để trưng cầu ý kiến góp ý.

– Ngày 4-9, Bộ GD-ĐT chuyển tài liệu giảm tải chính thức cho 63 sở GD-ĐT các tỉnh thành.

– Từ ngày 5 đến 10-9, sở GD-ĐT các tỉnh thành hướng dẫn chi tiết thực hiện tài liệu giảm tải.

Cô giáo T.A. – Trường THCS Đống Đa, Hà Nội – nhận xét: “Tài liệu giảm tải vẫn còn nhiều bất cập phải tiếp tục điều chỉnh. Bên cạnh đó có những phần, bài đã điều chỉnh lại bộc lộ điểm bất hợp lý, gây khó khăn, lúng túng cho việc thực hiện”. Cụ thể, theo cô T.A., trong chương trình lớp 7, bài về cách làm văn nghị luận, văn chứng minh được tinh giản, chỉ yêu cầu học sinh biết khái niệm sơ lược về văn giải thích, văn chứng minh là không hợp lý.

Bởi nếu chỉ dạy như phần đã được tinh giản, học sinh hầu như không nắm được kỹ năng viết văn chứng minh, giải thích. Như vậy nhiều giáo viên hiện nay lúng túng không hiểu việc kiểm tra phần kiến thức này phải điều chỉnh thế nào? Bởi với sự tinh giản trên, chỉ có thể kiểm tra lý thuyết học thuộc lòng mà không thể nào kiểm tra được kỹ năng viết. Chương trình – sách giáo khoa phổ thông được viết theo quy luật đồng tâm. Nhưng không phải phần nào theo đồng tâm cũng hợp lý.

Cô T.A. cho rằng nên để lại cả phần văn chứng minh, giải thích để lớp 8 học, còn lớp 7 chỉ nên học sâu về thể loại văn tự sự. Còn như cách hiện nay, giảm tải mà không giảm vì với kiểu cưỡi ngựa xem hoa này, lên lớp trên học sinh sẽ phải học lại những gì đã học. Tương tự, ở phần tiếng Việt lớp 6, một số nội dung được tinh giản nhưng theo các giáo viên dạy văn, muốn học sinh nắm được kiến thức của những bài sau đó vẫn phải lấy lại cái đã được Bộ GD-ĐT cắt.

Cũng ở chương trình văn THCS, cô L.A., giáo viên Trường THCS Trưng Nhị, Hà Nội – cho rằng phần nghị luận về hiện tượng xã hội và nghị luận về tư tưởng xã hội quá khó, trừu tượng với học sinh lứa tuổi này, cần được cắt bỏ để dạy ở lớp cao hơn nhưng lại không được cắt.

Cô giáo Võ Thị Thu Hà – giáo viên địa lý Trường THPT Trần Phú, Hà Nội – nhận xét tài liệu giảm tải vẫn có những điều khiến giáo viên băn khoăn. Ví như ở lớp 12 bỏ hẳn bài “Lịch sử hình thành phát triển lãnh thổ” là không nên. Vì đây là kiến thức cơ bản mà học sinh cần nắm để hiểu một cách hệ thống hơn các bài sau đó. Nhưng bên cạnh đó có những bài, phần kiến thức không cần, có thể lược đi lại chưa làm.

Chưa đến 1%

Đối với chương trình ngữ văn lớp 12, một giáo viên tại Thừa Thiên – Huế phân tích nội dung giảm tải chỉ một bài thuộc phân môn tiếng Việt là bài “Nhân vật giao tiếp” (trang 18 sách giáo khoa tập 2). Thời lượng cho bài này là hai tiết theo phân phối chương trình lâu nay. Với tài liệu giảm tải lần này, bài được chuyển sang hình thức dạy “Tự học có hướng dẫn” (thời lượng khoảng nửa tiết). Như vậy, môn ngữ văn 12 với thời lượng cũ là 105 tiết cả năm, nay được giảm tải một tiết rưỡi (!).

Tương tự, ở chương trình ngữ văn lớp 10, 11, toàn bộ thời lượng của cả năm học chương trình 11 là 123 tiết thì tài liệu giảm tải có điều chỉnh… ba bài. Nội dung điều chỉnh có bài chỉ là điều chỉnh phần… chú thích (bài “Sa hành đoản ca”). Ở lớp 10, nội dung hoặc là lược bớt hoặc chỉ chuyển sang phần tự học có hướng dẫn, với thời lượng giảm tải không bao nhiêu.

Nhận xét về nội dung giảm tải môn toán, GS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội – người từng tha thiết kêu gọi Bộ GD-ĐT cắt giảm chương trình để chống quá tải, nói vẫn còn nhiều bài, thậm chỉ cả mảng kiến thức không cần thiết, quá khó đối với học sinh phổ thông nhưng không được cắt giảm. Ví dụ như số phức, phép biến hình.

Thừa nhận “đúng là giáo viên cảm thấy bất an với việc giảm tải”, một hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn Q.9, TP.HCM phân tích: “Tài liệu hướng dẫn giảm tải yêu cầu giáo viên không cho học sinh làm bài tập khó nhưng khi kiểm tra cuối học kỳ hoặc thi vào trường chuyên, đề thi do phòng GD-ĐT hoặc sở GD-ĐT biên soạn luôn có câu hỏi nâng cao. Nếu giáo viên không dạy, học sinh đâu biết làm. Giảm tải phần bài tập khó nhưng bài học không giảm tải thì làm sao giáo viên dám bỏ?”.

Bất an đến nỗi nhiều giáo viên còn “cầu cứu” đến phụ huynh tham gia… giảm tải. “Trong buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học, cô giáo nói rằng ở một số bài thuộc diện giảm tải thì Bộ GD-ĐT hướng dẫn không cho học sinh làm những bài tập khó. Cô xin ý kiến của phụ huynh: có nên cho những bài tập đó để học sinh về nhà làm không? Phụ huynh chúng tôi mỗi người một ý. Tôi rất thông cảm và hiểu sự bối rối của cô giáo, nhưng cách làm như hiện nay là không ổn. Cả một chương trình khi được thiết kế đều có triết lý hẳn hoi, bây giờ đâu thể cắt giảm chương trình một cách chắp vá gây bối rối cho giáo viên và phụ huynh như thế?” – anh Đ., phụ huynh một trường tiểu học trên địa bàn Q.Tân Phú, TP.HCM, phản ảnh.