24/12/2024

Đức TGM Leopoldo Girelli thăm Giáo phận Nha Trang

Ngày 14-9-2011, tại quảng trường Maria của Nhà thờ Chính toà Nha Trang, thật diễm phúc cho chúng con, được đón tiếp và chào mừng Đức Tổng giám mục, vị Đại diện Toà thánh Vatican tại đất nước Việt Nam, đồng thời cũng là vị Đại diện của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Đức TGM Leopoldo Girelli thăm Giáo phận Nha Trang

Bài chào mừng của Đức cha Giuse Võ Đức Minh

tại Quảng trường Ave Maria, Nhà thờ Chính toà Nha Trang

chiều ngày 14.09.2011

Trọng kính Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đồng thời là Đại diện Toà thánh Vatican tại Việt Nam,

Hôm nay, tại quảng trường Maria của Nhà thờ Chính toà Nha Trang, thật diễm phúc cho chúng con, được đón tiếp và chào mừng Đức Tổng giám mục, vị Đại diện Toà thánh Vatican tại đất nước Việt Nam, đồng thời cũng là vị Đại diện của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI ở giữa chúng con. Chúng con xin trân trọng kính chào Đức Tổng giám mục Leopoldo và kính xin Đức Tổng giám mục xem nơi đây là nhà của mình: “Benedictus qui venit in nomine Domini” (Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!).

Đức Tổng giám mục Leopoldo đến với chúng con hôm nay thật vô cùng ý nghĩa khi cùng với mọi thành phần Dân Chúa long trọng cử hành Thánh lễ suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô. Thánh Giá của Chúa đã được loan báo và đã được dựng lên trên mảnh đất thân yêu của chúng con khoảng bốn trăm năm trước đây. Các thừa sai đã đến vùng đất này nhiều năm trước khi Đức cha Pierre Lambert de la Motte, thuộc Hội Thừa sai hải ngoại Paris, vị Đại diện Tông Toà đầu tiên của Đàng Trong, đã đến Lâm Tuyền (ngày nay là Giáo xứ Chợ Mới – Nha Trang) vào đêm 1.9.1671 để thăm viếng cộng đoàn tín hữu 800 người và ban bí tích Thêm sức cho khoảng 200 tín hữu. Có một sự trùng hợp thật kỳ diệu: 340 năm về trước, vào tháng 9 năm 1671, Vị Đại Diện Tông Toà đầu tiên là Đức giám mục Pierre Lambert de la Motte đã đặt chân đến Nha Trang để thăm viếng Dân Chúa; rồi vào tháng 9 năm 1971, Đức giám mục giáo phận Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã cùng với toàn thể Dân Chúa Nha Trang long trọng mừng dịp kỷ niệm 300 năm biến cố hồng phúc nầy; nay, tại thời điểm tháng 9 năm 2011, Vị Đại diện của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI là Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli lại đến thăm chúng con. Đoàn Dân Chúa giáo phận Nha Trang không biết nói sao để diễn tả niềm hạnh phúc của mình.

Chúng con cảm nhận biết bao hồng ân của Thiên Chúa trong suốt dòng lịch sử, lịch sử của một giáo phận đã được sinh ra và lớn lên từ dòng máu của các chứng nhân đức tin. Giáo phận Nha Trang chúng con đã được dẫn dắt bởi nhiều thế hệ mục tử tuyệt vời, trong đó có Đức hồng y Tôi tớ Chúa, Đức Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Chúng con nguyện tiếp nối truyền thống đạo đức của tổ tiên, hân hoan sống tình hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Tông đồ Phêrô, để chiếu toả Tin Mừng của Chúa trong xã hội chúng con.

Cùng với lời chào mừng, chúng con còn muốn nói lên lòng trân trọng và biết ơn của chúng con đối với Đức Tổng giám mục. Chúng con luôn hiệp thông và cầu chúc cho sứ vụ cao cả của Đức Tổng giám mục được mọi điều tốt đẹp, đối với Hội thánh địa phương cũng như đối với Quê hương Dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng con.

Nhân dịp nầy, chúng con kính xin Đức Tổng giám mục Leopoldo đệ trình lên Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, người Cha chung của Giáo hội toàn cầu, lòng biết ơn, tâm tình yêu mến, trung thành và hiếu thảo của tất cả chúng con. Các lời giáo huấn và sứ điệp của Đức giáo hoàng dành cho Giáo Hội Việt Nam cũng như trong Tông huấn mới đây về Lời Chúa (Verbum Domini) luôn là nguồn cảm hứng, khích lệ lớn lao và hướng dẫn sáng suốt cho chúng con.

Chúng con nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúc lành và tuôn đổ muôn ơn hồn xác cho Đức Tổng giám mục, vị Đại diện của Đức giáo hoàng kính yêu.

Để đánh dấu sự kiện lịch sử hôm nay, chúng con kính dâng lên Đức Tổng giám mục món quà tượng trưng là bức tranh thêu hình ảnh Thánh giá Chúa Kitô nở hoa trên Quê hương Việt Nam của chúng con.

Chúng con đồng kính chào và kính chúc.

+ Gm Giuse Võ Đức Minh

***

Bài giảng của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli

lễ Suy tôn Thánh Giá

tại Quảng trường Ave Maria, Nhà thờ Chính tòa Nha Trang

ngày 14.9.2011

1. Anh chị em thân mến,

Chuyến viếng thăm của tôi đến giáo phận Nha Trang của anh chị em giờ đây qui tụ chúng ta chung quanh bàn thờ này để long trọng cử hành Thánh lễ.

Tôi xin gửi lời chào thân ái nhất đến tất cả anh chị em. Một cách đặc biệt tôi xin chào Đức cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang. Đức cha Giuse đã đón tiếp tôi với tình cảm quý mến và tốt đẹp. Tôi xin chào Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ đang hiện diện nơi đây. Quả thực, hôm nay là ngày của ân sủng và lúc này tôi rất vui mừng đại diện cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, người luôn có một tình cảm đặc biệt đối với Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam

Các bài đọc chúng ta vừa nghe giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu sắc của biểu tượng Kitô giáo trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm nay.

Có một sự thật phải được công bố cách mạnh mẽ và rõ ràng về ngày lễ này. Đấng mà chúng ta chiêm ngắm trên thánh giá là Thiên Chúa “trong thân phận con người”.

Vâng, Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, và sự đau khổ cùng cái chết của Ngài trên thánh giá là bằng chứng cao nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng hôm nay “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để tất cả những ai tin vào Con của Ngài thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời”.

Thực vậy, ý nghĩa của thánh giá không chỉ dành cho chúng ta là những Kitô hữu, mà còn cho hết mọi người, bởi vì Con Thiên Chúa đã chết cho tất cả mọi người.

Một trong những cách để kết hợp với Chúa Kitô và với lời hứa của Ngài về sự sống đời đời chính là sự kết hợp qua đau khổ. Đau khổ – mọi khổ đau, nhưng đặc biệt là đau khổ của những người vô tội và của các vị tử đạo – làm cho chúng ta được liên kết với thánh giá của Chúa Kitô một cách mầu nhiệm mà “chỉ có Thiên Chúa mới biết được”.

Quả thực, nếu chính Thiên Chúa đã chọn chịu đau khổ và chết đi thì đau khổ của con người không thể là điều tiêu cực, mất mát và vô lý. Trong Thiên Chúa, sự sống lại và sự sống đời đời là tiếng nói cuối cùng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đọc thấy rằng “Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng qua Con của Ngài để thế gian được ơn cứu rỗi”.

Thật vậy, thánh giá không chỉ là sự phán xét của Thiên Chúa đối với thế gian và còn hơn là để lên án tội lỗi, thánh giá là thể hiện của lòng thương xót của Thiên Chúa, trong sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa đối với thế gian.

Tác giả Tin Mừng Gioan nhắc nhở chúng ta rằng “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình”. Tuy nhiên, người ta có thể thách thức rằng có một tình yêu lớn hơn tình yêu hiến dâng mạng sống của mình cho bạn hữu, đó chính là tình yêu hiến dâng mạng sống cho kẻ thù.

Đó chính là điều Thiên Chúa đã làm nơi Chúa Giêsu trên thánh giá. Như Thánh Augustinô đã thốt lên: “Chúa đã yêu chúng ta khi chúng ta còn là kẻ thù để Ngài có thể biến chúng ta thành bạn hữu”.

Sau Chúa Giêsu, các Thánh Tử đạo là những vị đã nêu gương chứng tá cao quý về tình yêu này. Người Công giáo Việt Nam tự hào về các thánh tử đạo của mình. Và tất cả anh chị em tôn kính các ngài. Các Thánh Tử đạo đã chấp nhận hy sinh bản thân vì muốn sống cho Chúa Kitô và chết cho Chúa Kitô. Gương anh hùng của các ngài là một di sản cho chúng ta.

Các vị tử đạo của Kitô giáo không chỉ là những vị duy nhất chịu đau khổ và chịu chết. Là các tín hữu chúng ta có thể trao ban điều gì cho những người không tin? Chúng ta có thể chịu đau khổ với những người đau khổ, than khóc với những người than khóc (Rm 12, 15).

Toàn cầu hóa cũng có một ảnh hưởng tích cực: đó là sự đau khổ của một người trở thành nỗi khổ đau của mọi người, tạo nên sự đoàn kết mọi người với nhau. Nhờ đó, chúng ta có cơ hội để khám phá rằng chúng ta chỉ là một gia đình nhân loại, liên kết với nhau để làm điều tốt hoặc điều xấu. Điều này giúp chúng ta vượt qua mọi rào cản về chủng tộc, màu da hoặc niềm tin.

Vậy, chúng ta hãy tôn vinh thánh giá với những lời của một thánh thi cổ xưa “hãy ngước xem gỗ của cây thập giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian”. Chúng ta hãy đến mà thờ lạy.

2. Anh chị em thân mến,

Tôi biết rằng giáo phận Nha Trang có gần 200.000 tín hữu, chiếm khoảng 11% dân số của hai tỉnh Khánh Hòa và NinhThuận.

Bên cạnh đó, giáo phận còn có 80 giáo xứ, 181 linh mục triều và linh mục dòng, 656 nữ tu sĩ, 78 nam tu sĩ và 1.919 giáo lý viên.

Mỗi năm, trong giáo phận có khoảng 5.000 người được rửa tội và tôi vui mừng khi thấy các tín hữu nhiệt thành trong đức tin. Tôi ca ngợi công việc mục vụ của Đức giám mục và quý linh mục của anh chị em, đối với sự hợp nhất và sự cộng tác tích cực trong hàng giáo sĩ.

Tôi cảm tạ Thiên Chúa cách đặc biệt về sự phong phú của ơn gọi linh mục trong giáo phận, và về số lượng đáng kể của 77 đại chủng sinh, 120 chủng sinh dự bị. Tôi khích lệ giáo phận chúng ta áp dụng một chương trình huấn luyện mang lại hiệu quả tốt cho các ứng sinh linh mục tại Đại chủng viện Sao Biển. Chủng sinh là tương lai của Giáo Hội và số lượng đông chủng sinh là một dấu hiệu mang lại nhiều hy vọng.

Tuy nhiên, giáo phận cũng đang phải đối mặt với một vài thách thức. Đó là thiếu các trung tâm mục vụ dành cho việc đào tạo các tín hữu, là sự nghèo đói và việc di dân từ các vùng nông thôn vẫn đang tác động đến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Đại kết là cần thiết để cải thiện mối quan hệ với các anh em không công giáo. Đào tạo lương tâm trong sáng nơi các tín hữu phải là một ưu tiên của công việc mục vụ.

Tôi cầu nguyện cho giáo phận Nha Trang có thể vượt qua những thách thức và tiếp tục phát triển trong tinh thần truyền giáo

3. Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy kết thúc bằng những lời của Đức Thánh Cha nhân dịp lễ Suy tôn Thánh giá: “Bằng cách ngước mắt nhìn lên Đấng chịu đóng đinh, chúng ta tôn thờ Ngài, vì Ngài đã mang trên mình tội lỗi của thế gian và ban cho chúng ta sự sống đời đời”.

Và Giáo Hội mời gọi chúng ta hiên ngang ngước lên thập giá vinh quang để thế gian có thể thấy mức độ tình yêu tròn đầy của Đấng chịu đóng đinh cho nhân loại, cho mọi tín hữu nam nữ chúng ta.

Giáo Hội mời gọi chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì từ cây mang lại sự chết này mà sự sống mới lại bừng lên. Trên cây gỗ này Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta vương quyền uy nghi của Ngài, Ngài mặc khải cho chúng ta rằng Ngài được tôn vinh. Vâng, “Ta hãy đến mà hãy thờ lạy Chúa!” Amen.

+ Tổng giám mục Leopoldo Girelli