22/12/2024

Khẳng định các đứt gãy vẫn hoạt động

Các nghiên cứu tại hai khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho thấy, có hai đứt gãy, thứ nhất là đứt gãy Suối Mia (xã Phước Dinh) và hai là đứt gãy Vĩnh Hải 2 (xã Vĩnh Hải)

 Về khu vực dự kiến xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, nhóm các nhà khoa học:

Khẳng định các đứt gãy vẫn hoạt động

Tại Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ IX vừa diễn ra tại Ninh Thuận, nhiều nhà khoa học rất quan tâm báo cáo khoa học của nhóm tác giả gồm TS Trần Tân Văn, TS Phạm Khả Tuỳ và Hồ Tiến Chung (thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản VN), khi họ công bố một phát hiện mới về sự đứt gãy địa chất tại hai khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, H.Thuận Nam) và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, H.Ninh Hải).

Theo đó, nhóm tác giả cho rằng các hệ đứt gãy ở hai địa điểm trên chưa hề được nêu trong các nghiên cứu địa chất trước đây, đồng thời khẳng định các đứt gãy này vẫn đang hoạt động.

Có thể gây động đất mạnh?

Các nghiên cứu tại hai khu vực trên cho thấy, có hai đứt gãy, thứ nhất là đứt gãy Suối Mia (xã Phước Dinh) và hai là đứt gãy Vĩnh Hải 2 (xã Vĩnh Hải). Theo nhóm nghiên cứu, đứt gãy Suối Mia không phải do một đứt gãy duy nhất hình thành nên mà có thể 2 hoặc nhiều hơn, nó không thể hiện nhiều trên đất liền nhưng lại thể hiện rất rõ ở dưới biển là một mạch nước ngầm. Hệ đứt gãy này tạo thành một hào khoảng 1.520m, cắt qua cả lớp đá gốc (granit) lẫn thềm biển khiến rạn san hô không phát triển được và còn tạo nên đoạn bờ biển khá thẳng tại đây. Theo các tác giả, hiện chưa có cơ sở để kết luận về tuổi và tính chất hoạt động của hệ đứt gãy này. Còn đứt gãy Vĩnh Hải 2 tạo nên một đoạn bờ biển rất thẳng, các đứt gãy đã làm tách rời Hòn Đeo ra khỏi đất liền và gây dập vỡ mạnh Hòn Đeo cũng như một loạt đảo khác ở đây về phía đông bắc, làm xuất lộ nước ngầm chứa soda tạo nên cát sạn kết vôi được cho là thuộc hệ tầng Mavieck ở ngay sát mép nước biển bờ biển Vĩnh Hải. Từ đó, các tác giả kết luận: Khi các đứt gãy này hoạt động sẽ gây động đất cường độ lớn phá huỷ công trình, dịch chuyển làm biến dạng, phá huỷ nền móng công trình. Qua đó, cần khẩn trương áp dụng một hệ phương pháp hợp lý khảo sát địa chất bổ sung các địa điểm dự kiến xây nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt lưu ý đến các đứt gãy Suối Mia, Núi Chúa và Vĩnh Hải 2.

Tiếp tục nghiên cứu

TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản VN, nhìn nhận nếu dựa vào các tài liệu và hiểu biết hiện nay đã được nghiên cứu thì các đặc điểm địa chấn, kiến tạo tại khu vực dự án xây nhà máy điện hạt nhân ít có khả năng phát sinh động đất cường độ cao. Tuy vậy, cần lưu ý đến dạng tác động khác và mối quan tâm lớn nhất chính là các đứt gãy ở lân cận các địa điểm dự kiến xây nhà máy mà báo cáo đã chỉ ra. Từ đó, nên có các cuộc nghiên cứu để đo vẽ chi tiết các khe nứt, xác định lại thềm biển tích tụ (và tuổi), nên đo địa chất khúc xạ trên đất liền và địa chấn nông phân giải cao dưới biển để làm rõ bản chất của đứt gãy này, đặc biệt là hệ đứt gãy trẻ đông bắc – tây nam. Cụ thể, sẽ tiến hành đo vẽ khe nứt, lập bản đồ địa mạo, thẩm tra lõi khoan để nghiên cứu khe nứt, phân tích tuổi tuyệt đối các chất lấp nhét trong các khe nứt đó…, để đưa ra một bản nghiên cứu cụ thể và chính xác hơn.

Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, cho biết: “Theo tôi được biết, sau khi nhóm khoa học phát hiện các đứt gãy này, hiện Bộ KH-CN đang tiếp tục cấp kinh phí để nhóm tác giả trên thực hiện một đề tài nghiên cứu mới về các đứt gãy trong khu vực dự án điện hạt nhân, dự kiến nghiên cứu sẽ hoàn tất trong năm 2013. Nếu các nghiên cứu tiếp theo đó khẳng định các đứt gãy này không an toàn cho dự án nhà máy điện hạt nhân thì buộc phải di dời địa điểm đã được chọn”.