23/01/2025

Nên hay không thêm ký tự cho tiếng Việt?

Vấn đề thêm ký tự cho bảng chữ cái tiếng Việt đang là mối quan tâm của nhiều người

 Nên hay không thêm ký tự cho tiếng Việt?


TTO trích đăng một số ý kiến:

Hoà nhập hay hoà tan?

Tôi còn nhớ đã đọc rất nhiều bài báo phê phán cách sử dụng ngôn ngữ “chat” của giới trẻ hiện nay mà nhiều khi những người thuộc thế hệ 8x, 7x trở về trước không thể nào hiểu nổi. Các bạn trẻ pha trộn cách viết tiếng Việt dùng những chữ đồng âm để đơn giản hoá câu chữ như “hôm wa” là “hôm qua”, “fòng học” là “phòng học”, cái j thế” là “cái gì thế”…

Tôi chưa thấy hoà nhập quốc tế ở điểm nào, chỉ thấy tiếng Việt mình bị làm cho méo mó. Sử dụng máy tính dùng những chữ cái trên để đánh văn bản theo kiểu gõ telex và những ngôn ngữ quốc tế không chuyển dịch được bằng tiếng Việt, theo tôi, không cần thiết phải điều chỉnh trong bảng chữ cái tiếng Việt.

Chẳng biết lợi ích ở điểm nào mà tôi chỉ nhận thấy một sự lãng phí to lớn: lãng phí tiền của ngân sách nhà nước chi cho những người soạn thảo ra thông tư trên, lãng phí thời gian để hội họp lấy ý kiến, lãng phí ngân sách cho in ấn phát hành hàng loạt sách giáo khoa mới, lãng phí tiền của nhân dân khi phải mua những ấn phẩm sách giáo khoa này cho con (thời của tôi đi học chỉ sử dụng lại sách vở của anh chị mình).

Tôi chỉ là một công dân bình thường yêu tiếng Việt, yêu văn học Việt Nam và mong sao tiếng Việt mãi mãi trong sáng. Xin đừng “hoà nhập” quốc tế tiếng Việt để giữ bản sắc của riêng dân tộc mình.

Nguyễn Phúc Gia Khánh

Cần cân nhắc giữa được và mất

Ngôn ngữ, ngoài mục đích giao tiếp còn mang trong mình sứ mệnh to lớn là khẳng định chủ quyền của một dân tộc. Do đó khi muốn thay đổi về chính sách ngôn ngữ, cần cân nhắc giữa được và mất. Tại sao Trung Quốc vẫn phát triển như một cường quốc và hoà nhập quốc tế một cách nhanh nhạy mà vẫn giữ được ngôn ngữ riêng của mình?

Liệu có phải vì dân của họ không thể phát âm tiếng Anh “chuẩn” như một số quốc gia khác? Hay vì họ nhận thức rõ được chức năng và nhiệm vụ về mặt chính trị của ngôn ngữ? Họ vẫn có thể dùng các ký tự của hệ thống chữ cái Latin, vẫn sinh hoạt bình thường với những ký tự đó mà vẫn chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình – ngôn ngữ quốc gia.

Toán học, vật lý, hoá học… của họ vẫn phát triển khi hệ thống ký hiệu không hề có mặt những ký hiệu Latin mà họ vẫn tiên phong trong một số ngành đó thôi. Người dân Việt Nam nói chung đang bị pha tạp ngôn ngữ quá nhiều nên tôi hi vọng Nhà nước đừng thay đổi chính sách để “đổ thêm dầu vào lửa” và “vẽ đường cho hươu chạy”.

Nhung

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Suốt gần 40 tuổi đời với 20 năm đi học, tôi nhận thấy bảng chữ cái quốc ngữ có hàng trăm năm nay hoàn chỉnh đến mức không thể thêm bớt. Nó đã góp phần tạo nên sự trong sáng của tiếng Việt và truyền tải cách phát âm của người Việt rất chuẩn. Bây giờ chỉ vì chạy theo cái máy tính hay theo ngôn ngữ của những bạn trẻ muốn nhắn tin trên điện thoại di động cho nhanh mà thêm mấy cái chữ đó vào cho thêm khó chịu.

Bạn yêu tiếng Việt có khó chịu không khi tôi trích dẫn một đoạn làm ví dụ cho kiểu dùng chữ này: “Tôi wa anh lam jj ma hok wa cho em. Anh nho faj djen ze ngay nha”.

Hoàng Quân

Chưa hợp lý

Tôi thấy việc thêm các ký tự trên vào bảng chữ cái tiếng Việt là chưa hợp lý:

– Thêm hay là thay thế: nếu là thay thế thì sẽ hợp lý hơn (“F” thay cho “ph”..), còn thêm sẽ làm việc sử dụng tiếng Việt càng phức tạp hơn.

– Thuận tiện cho việc sử dụng vi tính? Thật ra chỉ những ai gõ theo kiểu telex mới hơi phiền một chút, còn những kiểu khác không thấy có vấn đề gì (mà kiểu gõ telex giờ cũng ít người dùng). Đâu phải chỉ vì một lý do do nhỏ nhặt này mà phải thay đổi lớn đến vậy?

– Hoà nhập quốc tế? Có nhét thêm bốn ký tự kia vào hay không thì cũng thế thôi, ngôn ngữ giao tiếp quốc tế giờ ai cũng biết là chỉ vài ngôn ngữ Anh, Pháp,… Người nước ngoài có cầm một văn bản bằng tiếng Việt thì căn bản đã không biết đọc rồi, có F, W, J, Z hay không thì cũng thế. Nếu nói hoà nhập hay không còn nhiều yếu tố quan trọng hơn gấp bội, đơn cử như “Họ và tên” với “Tên và họ” cũng là vấn đề gây nhầm lẫn lớn rồi, sao không lo trước đi?

Nguyễn Lưu Bảo

“Vẽ” tiền ngân sách

Từ nhiều năm qua, ngành giáo dục đã đưa ra không biết bao nhiêu dự án “cải cách”, “nâng cao”; xài không biết bao nhiêu tiền ngân sách. Nhưng hiệu quả thật là “dở hơi”. Đối với dự án bổ sung ký tự trong bảng chữ cái tiếng Việt, không biết các nhà quản lý ngành giáo dục muốn gì?

Trong khi công tác cải cách giáo dục còn hàng đống việc phải làm, tình trạng giáo dục đang xuống cấp, chất lượng dạy và học, đạo đức học đường… có “vấn đề”, đang rất cần sự đầu tư nghiêm túc, khoa học để nhanh chóng cải thiện tình hình.

Thiết nghĩ khi nền giáo dục Việt Nam đi vào hoạt động ổn định, mở ra tương lai tươi sáng cho các thế hệ của đất nước. Khi đó nếu bảng chữ cái hiện nay của tiếng Việt gây ra những hạn chế trong việc phổ cập giáo dục hay tiếp cận ngôn ngữ quốc tế… chúng ta có thể xem xét việc bổ sung sửa đổi.

Còn bây giờ đề xuất bổ sung bảng chữ cái không biết có phải do tư duy đầu tư dàn trải thiếu khoa học, hay là một chiêu “vẽ” dự án để xài tiền ngân sách của các nhà quản lý đây?

Nguyễn Tuyến

Chữ viết luôn phát triển

Từ xa xưa, khi chưa có chữ viết con người dùng hình ảnh để mô tả. Ở Việt Nam sau thời kỳ sử dụng chữ Hán đến thời kỳ sử dụng chữ Nôm, rồi đến chữ viết như bây giờ, điều đó cho thấy sự thay đổi là luôn tồn tại và phải thay đổi nếu điều đó là tốt lên.

Bản thân chữ Hán cũng có Hán cổ và Hán bây giờ, tiếng Anh cũng vậy. Ngôn ngữ, theo tôi, thường do nhân dân sáng tạo và những người có ý thức và học vấn tập hợp lại. Việc giới trẻ sử dụng nhiều ký tự để chat không có gì là xấu cả, nó thể hiện sự sáng tạo, giúp người viết tốc ký, vấn đề là chọn lọc trong sự sáng tạo đó.

Nếu thay đổi lần này được duyệt thì việc gõ tiếng Việt sẽ nhanh hơn khi không phải gõ “Ph” mà chỉ cần gõ “F”, không phải gõ “d d” để được chữ “đ”, như thế rất thuận tiện và hội nhập. Tôi ủng hộ đề xuất thay đổi!

Hãy cập nhật tiếng Việt

Ngôn ngữ Việt rất đẹp và phong phú, là tài sản quý giá của cha ông ta để lại. Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á sử dụng chữ cái Latin, đó là lựa chọn độc đáo của tổ tiên chúng ta. Chúng ta không chỉ nên sử dụng thôi mà cần phải biết làm giàu thêm cho tiếng Việt.

Dù muốn hay không thì các chữ cái F, J, W, Z vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong các văn bản và lời nói giao tiếp hằng ngày của tất cả chúng ta. Vì vậy, tôi thấy các nhà ngôn ngữ học nên chuẩn hoá các chữ cái đó, nó cũng không quá mới mẻ với chúng ta.

Nguyễn Châu Thành Ngọc